Hôm Nay Ăn Gì

Sườn non rim đường và nước sả

Monday, 17/08/2020 - 06:37:33

Ngày xưa, ba ngày Tết, vì không có những hiệu thuốc tây, mua thuốc để phòng bệnh là chuyện xa xỉ, nên trong mỗi gia đình ở quê luôn có hai thứ này, một ít sườn heo, một bình thủy chứa nước sả.


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Ngày xưa, ba ngày Tết, vì không có những hiệu thuốc tây, mua thuốc để phòng bệnh là chuyện xa xỉ, nên trong mỗi gia đình ở quê luôn có hai thứ này, một ít sườn heo, một bình thủy chứa nước sả. Hồi đó, thịt đùi đắt nhất, thịt vai đắt nhì, sườn non và thịt ba chỉ là rẻ nhất, khác với bây giờ thịt ba chỉ đắt nhất, sườn non đắt nhì và thịt đùi, thịt vai rẻ nhất. Mỗi thời mỗi khác. Nhưng vô tình, đại dịch kéo qua, có những món tưởng chừng như đã quên bỗng dưng trở lại ngẫu nhiên ngẫu nhĩ. Món sườn non rim đường và nước sả là vậy.

Còn nhớ thời kinh tế tập trung bao cấp, thời đó tôi còn nhỏ lắm, những năm tôi lên sáu, lên bảy, hay theo bà ngoại đi nhận thịt heo Tết, gọi là thịt heo tập thể (bây giờ, nghiệm lại, đó cũng là thời các thuyền nhân Việt Nam chấp nhận mọi rủi ro, đánh đổi mạng sống để đi tìm chân trời tự do, điều đó như một lẽ tự nhiên, bởi ngay cả đứa bé thơ như tôi hồi đó, giờ ngẫm lại vẫn thấy hãi hùng…), buổi chia thịt cứ ám ảnh tôi đến bây giờ.

Khoảng bốn giờ sáng, tiếng heo kêu thảm thiết bên nhà ông nhóm trưởng, cách nhà tôi chừng cây số nhưng do nhà thưa, đồng vắng nên mọi âm thanh vọng đi rất xa. Cơ chế kinh tế nông nghiệp tập thể, mỗi xã có chừng hai hoặc ba hợp tác xã, mỗi hợp tác xã có chừng mười đội sản xuất, mỗi đội chia ra thành bốn bốn hoặc năm nhóm, có nhóm trưởng. Và Tết đến, ông nhóm trưởng nhận nhiệm vụ mổ heo, chia thịt heo theo công điểm. Điều làm tôi nhớ nhất là từ 5 giờ sáng, bà ngoại tôi đã sang nhà ông nhóm trưởng để chờ nhận thịt heo. Lần đó tôi được đi theo ngoại, qua tới nơi đã thấy hơn hai chục gia đình trong nhóm tề tựu đông đủ, người nào cũng nhìn chằm chằm vào cái nong. Trên nong chứa một con heo đã giết thịt trên tàu lá chuối và một cái thớt, bên cạnh có một cái nong khác có hai chục miếng lá chuối nhỏ khác sắp liền kề nhau.

Ông nhóm trưởng và nhóm phó hì hục chặt thịt, chặt từng mảnh xương nhỏ, từng miếng thịt, chút lòng, bỏ từng dúm vào các miếng lá chuối nhỏ, vừa bỏ ông vừa xem bảng công điểm của mỗi hộ gia đình, hộ nào được 100 điểm thì được một lạng thịt đùi, một lạng thịt vai, một lạng xương, một lạng sườn non và một lạng lòng. Tổng cộng là nửa ký vừa thịt vừa lòng, xương… Còn người nào công điểm thấp thì được chừng ba lạng cho mọi thứ. Đương nhiên là bà tôi luôn dừng ở mức ba lạng vì mẹ tôi là giáo viên, không phải nông dân, điểm công của bà thì chưa bao giờ quá sáu mươi điểm nên mức nhận chỉ vậy là cùng.


(Tom/ Viễn Đông)

Nhưng bà nhận xong lại ngồi tiếp để đợi, thời kinh tế nông nghiệp tập thể tham nhũng cũng bạo không kém thời bây giờ cho mấy, bà có kinh nghiệm này (mà hình như ai cũng có kinh nghiệm giống bà nhưng không có tiền thôi!) nên ngồi lại, chờ cho mọi người về hết thì ông trưởng nhóm mới mang ra một ký sườn non và một ký thịt mông và cái thủ để bán đấu giá cho phó nhóm, gia đình ông, gia đình bà nhóm trưởng phụ nữ và bà ngoại tôi (ngoại lệ nhưng có tiền) với hai gia đình khác thuộc diện khá giả trong nhóm. Thường thì sau phiên đấu giá, cách chi bà ngoại cũng mang về một ký sườn non để làm món sườn rim đường.

Mang sườn non về nhà, ra vườn bẻ chừng ba chục củ sả, làm sạch, rửa thật sạch, phơi cho khô nước rồi nấu một nồi nước sả, bà cho thêm một ít đường cát vào, sau đó cho vào bình thủy và đậy nắp, dành cho mấy ngày Tết. Về phần sườn non, bà chặt thành từng miếng nhỏ, rửa sạch, đợi cho ráo nước, cho vào nồi, ướp một ít nước mắm, tiêu, tỏi giã nhuyễn, một chút sả xắt nhỏ và đường cát. Thường thì một ký sườn non ướp với ba muỗng canh đường, sáu muỗng canh nước mắm, gia vị thì tùy, nhưng bà ướp chừng một củ tỏi, nửa muỗng canh tiêu bột và một chút ớt bột. Ướp xong, đợi chừng hai mươi phút thì nhóm bếp, cho cái chảo lên bếp, đợi chảo nóng thì cho dầu phụng vào, sau đó cho một muỗng sả xắt mỏng vào phi cho dầu thơm rồi cho tất cả sườn non đã ướp vào chảo, hạ nhỏ lửa, đây nắp vung chừng ba phút lại mở nắp và giữ lửa nhỏ, liên tục đảo các miếng sườn cho đến lúc mùi thơm bay hơi, sườn có màu vàng ruộm thì tắt bếp lửa. Tắt lửa chừng năm phút thì đậy nắp vung trở lại. Coi như đã có món sườn non rim đường.

Ba ngày Tết, hâm lại món cho nóng, nấu chén cơm, gắp một dĩa sườn, xào dĩa đậu tây, gắp dĩa dưa kiệu, tét dĩa bánh tét cúng gia tiên, xong tuần hương thì mang xuống cả nhà ngồi ăn. Ăn xong, mỗi người uống một ly nước sả ấm, coi như êm bụng ba ngày Tết.

Tự dưng sáng nay trời chuyển mưa, không biết do cơ duyên nào mà bà xã tôi lại nhớ tới món này và làm món sườn non rim đường, nấu một ít nước sả để uống sau khi ăn cơm. Tự dưng, một trời tuổi thơ ùa về, cảm xúc khó tả!

Mong quí vị thử làm món này kết hợp với nước sả uống sau khi ăn. Tôi tin rằng sẽ có một chút kỉ niệm nào đó len lén tìm về trong tâm tư quí vị! Xin cầu chúc quí vị chân cứng đá mềm!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT