Đạo và Đời

Sửa lỗi

Wednesday, 13/09/2017 - 09:48:27

Ngài nhắc tới điểm chính của việc sửa lỗi đó là Chúa không muốn cho ai bị hư mất vì điều xấu hoặc vì tội lỗi của họ. Vì thế, việc sửa lỗi người khác không phải là một hành vi trịch thượng, nhưng phải là một hành động phát xuất từ lòng bác ái.

Bài LM TRẦN VĂN KIỂM

Trong bài Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải biết sửa lỗi cho nhau. Trong cuộc sống hằng ngày, đây là việc làm rất tế nhị và khó khăn. Cách đây ba năm, trong một buổi nói chuyện trước hằng chục ngàn tín hữu và khách hành hương tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mồng 7 tháng 9, 2014 tại quảng trường Thánh Phêrô, khi giải thích về bài Phúc Âm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng: “Sửa lỗi cho nhau là một phục vụ, nhưng cần phải biết tế nhị, khiêm tốn và tránh các lời nói gây thương tích và làm tổn hại người khác.”


Sửa lỗi người khác không là một hành vi trịch thượng, mà là một hành động phát xuất từ lòng bác ái. (Getty Images)

Ngài giải thích cho chúng ta biết rằng việc sửa lỗi anh chị em của mình, đó là một bổn phận của Kitô hữu. Nhưng ngài giải thích thêm rằng sửa lỗi người khác không được đi kèm bằng những lời nói hành động xấu, bằng những chỉ trích bất công hoặc bằng cách giết chết danh dự của người khác. Ngài nhắc tới điểm chính của việc sửa lỗi đó là Chúa không muốn cho ai bị hư mất vì điều xấu hoặc vì tội lỗi của họ. Vì thế, việc sửa lỗi người khác không phải là một hành vi trịch thượng, nhưng phải là một hành động phát xuất từ lòng bác ái.

Qua bài Phúc Âm của Chúa dạy tuần này, trước hết chúng ta thấy sửa lỗi người khác, đó là một bổn phận của Kitô hữu. Chúa Giêsu mời gọi tất cả mọi Kitô hữu trở nên giống Ngài về con đường hoàn thiện. Lời kêu gọi này dành cho tất cả mọi người không trừ một ai. Thật sự trước mặt Chúa, không ai là người vô tội. Là Kitô hữu chúng ta biết rất rõ điều đó. Nhưng dù chúng ta có sống trong hoàn cảnh hay trong một thế giới xa xôi nào đó, chúng ta cũng không thể khước từ lời kêu gọi nên thánh và sống trọn vẹn ý nghĩa đời sống Kitô hữu.

Sống nên thánh không chỉ dành cho các linh mục và tu sĩ, nhưng là ơn gọi cho tất cả mọi Kitô hữu trong mọi đấng bậc: tu trì, tận hiến, độc thân hay có gia đình. Chính ở trong Giáo Hội, chúng ta thực hiện lời mời gọi nên thánh này. Mỗi một người phải biết tự mình tránh xa con đường tội lỗi, thực hành giáo huấn của Chúa Kitô và cùng với người khác thăng tiến trong ơn gọi nên thánh. Cùng nhau thăng tiến có nghĩa là chúng ta phải biết nâng đỡ nhau, cùng nhau đi tìm về nhà Chúa. Vì thế, giúp người khác thăng tiến và sửa lỗi vẫn luôn là bổn phận của Kitô hữu.

Như Đức Thánh Cha nhắc nhở, việc giúp người khác thăng tiến và sửa lỗi phải là hành động phát xuất từ lòng bác ái. Trong cuộc sống, người ta thích “sửa lưng” nhau khi thấy những điều chướng ta gai mắt. Nếu “sửa lưng” người khác không có lòng bác ái theo cách vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, bới bèo ra bọ, làm cho người khác phải mất tiếng tăm và xấu hổ, thì chỉ dẫn đến chua cay và hận thù.

Thật sự, kẻ có trách nhiệm và biết sửa lỗi cho người khác phải là một người biết xin ơn Chúa Thánh Thần là Đấng “sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con” để mình biết làm mọi sự vì tình yêu Thiên Chúa. Vì thế, sửa lỗi người khác phải dẫn họ tới sự phục thiện, đừng làm cho họ phải chua cay. Sửa lỗi cho người ta cũng không phải là đi loan báo sự xấu của họ cho người khác biết. Sửa lỗi phải là hành động giúp người khác được bình an và làm cho họ nên tốt hơn.

Hãy nhớ rằng Thiên Chúa tốt lành với tất cả mọi người: Người công chính cũng như kẻ có tội. Một người tội lỗi trở về với Chúa thì cả thiên đàng ăn mừng. Nếu chúng ta làm cho một người tội lỗi trở về với Chúa thì chúng ta đã làm một công việc lớn lao.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT