Thể Thao

Sự thành công của Pháp ở World Cup che khuất tình trạng căng thẳng chủng tộc trong nước

Friday, 13/07/2018 - 11:58:30

Marine Le Pen, lãnh tụ mới của đảng FN - từ đó được đổi tên thành Rassemblement National (Tập Hợp Quốc Gia) - bước vào cuộc tranh cãi bằng lập luận rằng vấn đề với đội tuyển quốc gia là do họ có “một quốc tịch khác ở trong lòng.”


Zinedine Zidane và Kylian Mbappé đều từng lớn lên trong những khu phố lao động khét tiếng của Pháp, Zidane ở Marseille và Mbappé ở Paris. Zidane đã mang World Cup về cho Pháp năm 1988. Liệu Mbappé có làm được như vậy trong trận chiến Pháp-Croatia trưa Chủ Nhật này?

MOSCOW - Đội túc cầu Pháp đã lọt vào chung kết World Cup, lần đầu tiên tính từ năm 2006 - và 20 năm sau khi đội Pháp giành được chức vô địch trên sân nhà vào năm 1998. Sự việc tiến được vào chung kết năm nay đã giúp đội banh này lấy lại được sự nể trọng trong nước. Tuy nhiên, ngoài ánh hào quang của sự thành công ở Nga, cho dù thắng hay không thắng trận cuối cùng của World Cup 2018, một câu hỏi vẫn bám theo nền túc cầu nước Pháp: vai trò của chủng tộc và giai cấp trong việc tuyển chọn các cầu thủ quốc gia.

Nhìn bề ngoài, người ta chỉ thấy vẻ hài hòa đa văn hóa của đội đoạt giải World Cup năm 1998. Mới đây Zinedine Zidane, cựu thủ quân đội tuyển quốc gia Pháp và là người hay phát biểu thẳng thắn, nói về chiến thắng của nước ông vào năm 1998: “Chiến thắng đó không phải là về tôn giáo, về màu da của bạn, chúng tôi không quan tâm tới điều đó, chúng tôi chỉ sát cánh bên nhau và tận hưởng thời điểm ấy.”
Điều đó nói lên tâm tình chung, rằng Pháp có một đội tuyển đa văn hóa gồm các cầu thủ “da đen, da trắng, Ả Rập” đoàn kết với nhau, dưới chính nghĩa của quốc gia, giành được cúp World Cup lần đầu tiên. Chiến thắng này, trên sân banh, chứng minh rằng việc kết hợp đó đã thành công ở Pháp, và bất cứ ai cũng đều có thể đạt tới tột đỉnh trong xã hội Pháp.

Cha mẹ của Zidane, ngôi sao của đội tuyển Pháp thắng World Cup 1998, là người thuộc sắc dân Berber ở Algeria. Anh lớn lên trong khu vực lao động “La Castellane” khét tiếng của thành phố Marseille, được coi là một khu vực hung dữ nhất trong một thành phố gay go nhất của nước Pháp. Hai chục năm sau, đến phiên Kylian Mbappé - một thanh niên 19 tuổi gốc Cameroon và Algeria - lớn lên ở ngoại ô Bondy của Paris, trở thành ngôi sao của đội tuyển Pháp.

Một số bình luận gia đã thảo luận về sự thành công trong năm 2018 của đội Pháp, coi đó là một sự trở lại của một lý tưởng trên khắp đất nước đa văn hóa “da đen, da trắng, Ả Rập,” và tuyên dương sự đa dạng sắc dân. Tuy nhiên, những người khác đã vén tấm mần, chỉ trích rằng  một lần nữa thì chính trị, sự kết hợp và túc cầu đã ảnh hưởng lẫn nhau.

Zidane và Mbappé nằm ở phần đầu và phần cuối của hai thập niên, trong đó sự cấu tạo về mặt sắc dân của đội tuyển quốc gia bị phê phán, thường mang những hình thức kỳ thị chủng tộc.

Những câu hỏi về lý lịch sắc tộc của đội tuyển Pháp đã có mặt ngay cả trước khi họ thắng Brazil vào năm 1998. Ông Jean-Marie Le Pen, lãnh tụ cực hữu của đảng Mặt Trận Quốc Gia (FN), lập luận rằng một số người trong đội tuyển Pháp là “người ngoại quốc” thậm chí không biết hát quốc ca. Khi ông Le Pen lọt vào vòng thứ nhì của kỳ bầu cử tổng thống năm 2002, một số cầu thủ đá banh từng đoạt giải World Cup, trong đó có đội trưởng Marcel Desailly, đã vận động kịch liệt chống lại ông ta.

Vào năm 2010, Pháp bị loại khỏi World Cup ở Nam Phi rất ô nhục trong giai đoạn đấu vòng bảng, không thắng được trận nào cả. Phía sau hậu trường, ông bầu Raymond Domenech đã có tranh chấp khủng khiếp với các cầu thủ. Thay vì đặt câu hỏi về sự bất lực của hai huấn luyện viên da trắng, người ta lại đổ lỗi cho các cầu thủ, nghi ngờ sự trung thành của họ với đội tuyển Pháp.

Marine Le Pen, lãnh tụ mới của đảng FN - từ đó được đổi tên thành Rassemblement National (Tập Hợp Quốc Gia) - bước vào cuộc tranh cãi bằng lập luận rằng vấn đề với đội tuyển quốc gia là do họ có “một quốc tịch khác ở trong lòng.”  

Điều đáng chú ý bởi sự vắng mặt trong kỳ World Cup này là Karim Benzema, một ngôi sao quốc tế thuộc đội Real Madrid, liên tục bị loại ra khỏi danh sách đội tuyển, vì điều mà anh gọi là do “kỳ thị chủng tộc.” Trong năm 2015, Benzema đã bị treo giò khỏi đội tuyển quốc gia, vì một cuộc điều tra hình sự về một vụ tống tiền - vẫn đang tiếp diễn - và một lần nữa anh không được đưa vào đội năm 2018.

Trong 20 năm kể từ khi Zidane đoạt cúp World Cup, ít có sự thay đổi trong khu phố ở bên ngoài Marseille, nơi anh lớn lên. Giống như những khu phố khác ở Pháp có khá đông người gốc ngoại quốc, La Castellane tiếp tục bị hoành hành bởi bạo động và nạn buôn ma túy, mà những cuộc bố ráp theo định kỳ chẳng làm được gì nhiều để dẹp yên.

Những thành tựu của năm 1998 và 2018 chứng tỏ rằng những cầu thủ như Zidane và Mbappé, xuất thân từ nhóm thiểu số sắc tộc, có thể vươn lên tới hàng đầu trong xã hội Pháp. Tuy nhiên, trong khi đội hiện tại đang lướt trên một đợt sóng “da đen-da trắng-Ả Rập” thì môn túc cầu Pháp, giống như xã hội Pháp, vẫn bị ảnh hưởng bởi sự kỳ thị chủng tộc rất phức tạp của nước này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT