Xe Hơi

Sự khác biệt giữa thắng đĩa và thắng trống

Friday, 03/11/2017 - 08:30:36

Nhiệt lượng phát sinh cần được phát tán càng sớm càng tốt, để trả lại sự hiệu quả cho thắng. Nhưng với cấu trúc của thắng trống, nhiệt lượng tích tụ bên trong, không dễ dàng phát tán, khiến thắng trống có thể bị bại liệt nhất thời. Trong khi đó, thắng đĩa có thể cho tản nhiệt nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Bài HAO SMITH

Bài hôm nay vẫn nói về thắng, nhưng là một loại khác, gọi là thắng trống (drum brake). Những gì chúng ta nói tới trước đây là thắng đĩa (disc brake), thường được gắn trên hai bánh trước. Còn hai bánh sau thường dùng thắng trống. Khi tài xế nhấn bàn đạp thắng, đương sự sẽ kích hoạt hệ thống chuyển lực, đưa sức ép đến từng bánh xe để giữ nó đứng lại, dù đó là bánh trước hay bánh sau.


So sánh hai loại "gôm": Thắng đĩa dùng "gôm" phẳng, thắng trống dùng "gôm" cong.

Sơ nét về thắng đĩa như chúng ta đã biết: Tại mỗi bánh xe có một 1 đĩa tròn (disc, hoặc rotor) quay theo bánh xe, 1 hoặc 2 "cục gôm" (pad) cùng với piston nằm trong Caliper giống như một cái mũ đội trên đầu "đĩa". Mỗi khi tài xế đạp thắng, cục gôm ép vào đĩa, giữ đĩa quay chậm lại rồi từ từ dừng hẳn theo ý tài xế. Miếng "gôm" này từ từ mòn đi theo ngày tháng phục vụ, buộc chủ xe lâu lâu phải thay "gôm" mới.Thông thường, chúng ta phải thay "gôm" cho cả 2 bánh trên cùng một trục - 2 bánh trước, hoặc 2 bánh sau.
Cái hình ảnh đĩa và cục gôm ép sát vào nhau như chúng ta trình bày ở trên gọi là thắng đĩa (disc brake), vì có một cái đĩa quay (rotor) và cục gôm ép sát. Đây là một kỹ thuật phát triển từ kỹ thuật thắng trống (drum brake) vốn có từ trước. Đúng như tên gọi, thắng đĩa dùng đĩa, còn thắng trống dùng trống (drum). Đa số các xe thời bây giờ dùng thắng đĩa cho 2 bánh trước, và thắng trống cho 2 bánh sau. Sau đây là sự tương đồng và khác biệt giữa thắng đĩa và thắng trống:


Thắng đĩa thường được gắn trên trục bánh trước.

1. Thắng đĩa thường nằm ở 2 bánh trước, còn thắng trống nằm ở 2 bánh sau.

2. Thắng đĩa dùng đĩa (rotor) quay theo bánh xe. Thắng trống thì lăn cái trống theo bánh xe

3.Thắng đĩa dùng cục "gôm" phẳng (pad), ép sát vào đĩa để giữ nó đứng lại. Thắng trống cũng vận dụng cục "gôm" (pad), nhưng không phẳng mà hình cong móng ngựa, ép sát vào trống để giữ nó đứng lại. Người ta đồng ý gọi cục "gôm" phẳng cho thắng đĩa là Brake Pad, nhưng lại gọi cục gôm cong cho thắng trống là Brake Shoe.


Thắng trống bao gồm "bộ đồ lòng" nằm trong cái trống. Bộ đồ lòng là một hệ thống lò so, piston…. điều khiển "cục gôm" ép sát vào mặt trong của trống để giữ bánh xe quay chậm lại.

4. Thắng đĩa khỏe hơn, cung cấp 70% lực cản để giữ xe đứng lại. Vì thế, thắng đĩa thường được dùng cho 2 bánh trước, vì nơi đây nhận lực tác động nhiều hơn là 2 bánh sau. Thắng trống không khỏe bằng, chỉ góp chừng 30% lực cản, thường được gắn trên 2 bánh sau là vì thế. Tuy nhiên, khi thắng đĩa ở trục trước bị hư, tài xế có thể dùng tạm 2 thắng trống ở trục sau trong khi chờ sửa chữa.

5. Thắng đĩa phát tán sức nóng hiệu quả hơn: Công tác của thắng là hãm, ghìm bánh xe đang chuyển động. Công tác này được thực hiện dựa trên sự cọ sát, và sức nhiệt phát ra từ đó. Khi phải sử dụng nhiều, như lúc xe chở nặng mà lại đang lao dốc, hoặc xe phóng nhanh mà cần dừng lại… sức ma sát và sức nóng tăng lên rất cao.


"Cục gôm" sử dụng trong thắng trống có hình cong, được gọi là "brake shoes."

Nhiệt lượng phát sinh cần được phát tán càng sớm càng tốt, để trả lại sự hiệu quả cho thắng. Nhưng với cấu trúc của thắng trống, nhiệt lượng tích tụ bên trong, không dễ dàng phát tán, khiến thắng trống có thể bị bại liệt nhất thời. Trong khi đó, thắng đĩa có thể cho tản nhiệt nhanh hơn, hiệu quả hơn.

6. Thay gôm nào dễ hơn? Khi thay gôm trong thắng đĩa, bạn phải ép piston cho nó thụt vào Caliper. Khi thay gôm cho thắng trống, bạn phải lo gỡ lò so, gắn lò so. Nhìn vào sơ đồ thắng trống, người ta dễ thấy… rùng mình, vì những dây lò so kéo dọc ngang chằng chịt. Thêm vào đó, thắng trống lại có một cơ chế điều chỉnh do "shoe" (miếng gôm) bị mòn qua thời gian sử dụng, làm cho hệ thống phức tạp hơn. Vì thế, người ta hay nói thay shoe cho thắng trống thì khó hơn. Đúng ra, công việc cho mỗi loại mỗi khác, nhưng việc nào khó hơn, việc nào dễ hơn thì tùy theo sự khéo léo của mỗi người.

7. Thắng đĩa là một sáng kiến ra đời sau, đắt hơn nhưng hiệu quả hơn thắng trống. Thắng trống "già đầu" hơn, nhưng lại rẻ tiền hơn.
8. Thắng đĩa kiểm tra dễ hơn: Bạn có thể nhìn qua bánh xe để xem "gôm" (pad) đã mòn tới mức nào mà không phải tháo bánh xe. Với thắng trống, bạn phải tháo hẳn lốp xe mới kiểm tra độ dầy mỏng của "gôm" (shoe) được.

Chuyển hệ

Dư luận chung là thắng đĩa (disc) có phần tiện lợi hơn. Nên nhiều người thích dùng luôn thắng đĩa cho 2 bánh sau thay vì thắng trống (drum brake). Có thể gắn thắng đĩa cho cả 4 bánh không? Có thể, nếu bạn thích, việc này cũng không khó lắm. Bạn có thể thuê thợ máy làm cho, hoặc tự làm nếu muốn. Nếu tự làm, bạn cần một bộ dụng cụ chuyển hệ, gọi là "conversion kit". Muốn rõ hơn, bạn có thể nói "Drum to Disc Conversion Brake System", và cho biết những chi tiết cụ thể về cái xe, bạn sẽ dễ dàng mua được những đồ Parts thích hợp để thực hiện việc chuyển hệ.

Haosmith@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT