Mẹo Vặt

Sử dụng microwave: Đậy hay không đậy?

Tuesday, 29/11/2016 - 07:48:17

Thưa các bạn, microwave (lò vi ba) là một phát minh khoa học rất tiện dụng trong nhà bếp. Ai trong chúng ta cũng đã từng thấy sự tiện lợi của nó.

Bài VŨ HẰNG

Hôm nay chúng ta lại rủ nhau xuống nhà bếp để cùng tìm hiểu một vấn đề do bạn đọc nêu lên như sau, “Thưa cô Hằng, người ta thường khuyên phải đậy thực phẩm lại khi cho vào hâm nóng trong lò microwave. Nhưng có nhiều khi lười, tôi không muốn xé miếng plastic ra đậy mà cứ cho thẳng vào microwave để hâm nóng. Bà xã tôi trách là làm như vậy đồ ăn bắn văng tung tóe, bẩn hết bên trong lò. Chuyện đó thì đúng rồi. Nhưng ngoài chuyện sạch sẽ ra thì còn gì đáng lo nữa không?”

Thưa các bạn, microwave (lò vi ba) là một phát minh khoa học rất tiện dụng trong nhà bếp. Ai trong chúng ta cũng đã từng thấy sự tiện lợi của nó. Nhưng nhiều người lại muốn tiện lợi hơn nữa bằng cách hâm mà không đậy đồ ăn lại, để khỏi tốn thêm vài giây xé miếng plastic wrap, hoặc lấy cái đĩa lớn đậy lên trên. Hậu quả như bạn đã biết, đồ ăn tràn ra ngoài chén hoặc bắn tung tóe bên trong lò.

Khi tính giờ hâm nóng, bạn có thể trừ đi 1 hoặc 2 phút miễn là sau khi máy tắt, bạn vẫn kiên nhẫn chờ đợi để sức nóng làm việc trong 1, 2 phút đó.


Nếu bạn đã chấp nhận bà xã la thì Hằng không có ý gì thêm. Hằng nghĩ chúng ta cần đậy thực phẩm trong khi microwave chủ yếu là để giữ cho lò được sạch sẽ. Có người sợ rằng không đậy thì thực phẩm sẽ nhiễm phóng xạ trong lúc microwave. Nhưng các thầy cô trong ngành xác nhận không có nguy cơ đó. Có điều là nếu cứ tiếp tục làm như vậy thì bạn cũng nên tự lau chùi microwave cho sạch sẽ, đừng để vợ dính tay vào. Có thế mới xứng đáng giới mày râu, dám làm dám chịu, phải không bạn?

Nhân câu hỏi của bạn, Hằng xin có thêm một vài mẹo nhỏ khác về việc sử dụng microwave:

1. Đồ nhựa (plastic)

- Không nên dùng plastic wrap
Loại màng nhựa mỏng, bắt dính vào miệng chén đĩa, gọi là plastic wrap, hiện được dùng rất phổ thông, thực ra cũng không tốt, nhất là khi màng nhựa thường bị hút chặt, dán sát vào đồ ăn. Sở dĩ chúng ta đề phòng “nhựa” là vì dưới tác dụng của sức nóng trên 1000 độ F trong microwave, nó có thể tiết ra một hóa chất nguy hại – bisphenol-A – về lâu dài có thể đưa đến nhiều tật bệnh hiểm nghèo. Thay vào đó, bạn nên dùng một cái đĩa sành, hoặc đĩa thủy tinh đậy lên trên. Đồ sành sứ không tiết “nhựa” vào đồ ăn, không sợ nguy hiểm về lâu dài.
- Không hâm thực phẩm trong hộp nhựa (plastic)
Ai cũng đã biết là không được dùng đồ kim loại trong lò microwave. Nhưng đồ nhựa thì đa số vẫn dùng. Trước hết, vì sự tiện lợi của hộp nhựa, sau nữa vì chưa ai nghe hộp nhựa nổ “đùng” như đã từng xảy ra với đồ kim loại trong microwave cả. Nhưng thực ra, đồ nhựa cũng nên tránh luôn. Tốt nhất là đổ thực phẩm vào đĩa chén bằng sành sứ, đồ gốm… trước khi cho vào microwave.
- Không dùng các hộp chứa margarine hoặc hộp nhựa được đặc chế để giữ đồ ăn trong tủ lạnh
Những loại hộp này lại càng dễ bị “tổn thương” do sức nóng, tạo điều kiện cho hóa chất nhiễm vào đồ ăn của chúng ta.

2. Đĩa sốp (foam)

Thực phẩm đông lạnh, như thịt gà, thịt bò, thịt heo, thường được đặt trong các đĩa sốp (foam) trên quầy siêu thị. Mua về nhà, chúng ta có thể cho ngay vào tủ đá (freezer). Khi cần tới, chỉ việc mang ra, cho rã băng… là dùng được. Nhiều người vô ý cứ để thực phẩm nguyên đĩa sốp cho vào Microwave để rã băng (defrost). Việc làm vô ý này rất có hại, vì sức chịu nóng của đĩa sốp còn thấp hơn hộp nhựa. Các thầy cô trong Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ đã cảnh cáo: “Đĩa sốp và màng nhựa mỏng (plastic wrap) không chịu được sức nóng, sẽ dễ dàng tiết hóa chất nguy hại vào thực phẩm chúng ta sử dụng.”

3. Quậy đều

Để có thể tiêu diệt hết những vi khuẩn nguy hại, Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ khuyên nên hâm nóng thực phẩm đến 165 độ F. Microwave có đáp ứng đòi hỏi này không?
Có và không!
Là vì, trong khi sức nóng trong lò có thể lên tới 1000 độ F, nhưng độ nóng không được rải đều từ vòng ngoài vào sâu bên trong. Vì thế, khi cần hâm nóng một đĩa thực phẩm chừng 5 phút trong lò, bạn nên tạm thời tắt máy khi mới được 2 phút rưỡi, lấy thực phẩm ra, quậy đều, rồi bỏ vào lò, cho chạy hết 2 phút rưỡi còn lại. Có như vậy, thực phẩm mới khỏi có chỗ nóng chỗ lạnh, và độ nóng mới kịp thời diệt được phần lớn các vi khuẩn đã phát sinh trước đó.

4. Đừng ăn ngay!

Thông thường, mỗi khi nghe báo hiệu đồ ăn đã hâm xong, chúng ta sẽ ra mở lò ngay khi máy còn đang kêu bíp bíp. Xin đừng vội vàng quá. Hãy kiên nhẫn chờ thêm 1 hoặc 2 phút nữa, bởi vì, tuy máy không còn chạy nhưng nhiệt độ vẫn đang “work” bên trong thực phẩm. Một hai phút chờ đợi sẽ giúp nhiệt độ thâm nhập những vùng còn lạnh hơn trong đĩa thực phẩm, giúp cho đồ ăn chín đều.
Chúng ta có thể tính hiệu quả của những phút chờ đợi này để trừ bớt thời giờ làm việc cho máy, nếu định hâm 5 phút, bạn chỉ cần mở máy 4 phút, nếu định hâm 10 phút chỉ cần mở máy 7 phút, miễn là phải giữ qui tắc “những phút chờ đợi”. Làm như vậy bạn vừa tiết kiệm điện lượng lại vừa có đồ ăn chín tới, ngon lành.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT