Đạo và Đời

Sống trong đạo pháp (kỳ 1)

Wednesday, 09/10/2019 - 05:13:45

Nhiều người vẫn không hiểu cốt tủy của sự hành thiền. Họ nghĩ rằng đi kinh hành, ngồi thiền, và nghe pháp là tu hành. Điều đó cũng đúng, nhưng đây chỉ là hình thức bên ngoài của sự tu hành.


Thiền Sư Ajahn Chah (Amaravati)


Bài THIỀN SƯ AJAHN CHAH

Nhiều người vẫn không hiểu cốt tủy của sự hành thiền. Họ nghĩ rằng đi kinh hành, ngồi thiền, và nghe pháp là tu hành. Điều đó cũng đúng, nhưng đây chỉ là hình thức bên ngoài của sự tu hành. Sự tu hành thật xảy ra khi tâm tiếp xúc với các đối tượng của sáu giác quan. Đó là khi chúng ta thật sự tu hành, là khi các giác quan tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Khi có ai nói điều gì chúng ta không thích, chúng ta tức giận; nếu họ nói điều gì chúng ta thích, chúng ta cảm thấy khoan khoái. Đây chính là nơi để tu tập.
Chúng ta tu tập với những việc này như thế nào? Đây là điều quan trọng. Nếu chúng ta cứ chạy quanh quẩn, đuổi theo hạnh phúc và chạy trốn khổ đau, chúng ta có thể tu hành cho đến ngày chúng ta lìa đời mà vẫn không biết gì về Phật Pháp cả. Khi sự khoái lạc và đau khổ phát sinh, chúng ta phải biết sử dụng Phật Pháp để thoát khỏi chúng. Đây là cốt tủy của sự tu hành.

Thường thì khi người ta gặp điều gì không hài lòng, họ không tiếp nhận nó. Khi bị chỉ trích, chẳng hạn, họ có thể sẽ đối đáp với câu, “Đừng làm phiền tôi! Tại sao lại đổ lỗi cho tôi?”
Đây là cách ứng xử của một người đóng chặt chính họ lại. Thế nhưng lúc này chính là lúc để tu tập. Khi người ta chỉ trích chúng ta, chúng ta nên lắng nghe. Họ có nói đúng sự thật không? Chúng ta nên cởi mở và xem xét những gì họ nói. Có lẽ có một điều gì đó đáng trách bên trong chúng ta. Họ có thể đúng, nhưng chúng ta đã vội vàng thủ thế. Khi người ta chỉ khuyết điểm của chúng ta, chúng ta nên cảm thấy biết ơn và cố gắng cải thiện chính mình. Đây là cách tu hành của kẻ trí.

Nơi nào có sự rối loạn, nơi đó sự bình an có thể phát sinh. Khi sự rối loạn được hiểu biết thấu đáo, những gì còn lại là sự bình an. Có người không thể chấp nhận bị phê phán, bởi họ quá kiêu hãnh. Thay vì vậy, họ cãi lại. Đây là điều thường xảy ra khi người lớn đối phó với trẻ con. Thật ra, đôi lúc trẻ con có thể nói đúng, nhưng nếu bạn là cha mẹ, chẳng hạn, bạn không thể chịu thua chúng. Nếu bạn là thầy giáo, học trò của bạn đôi lúc nói với bạn một điều gì đó mà bạn không biết. Nhưng bởi vì bạn là thầy, nên bạn không thể nghe lời chúng. Đây không phải là Chánh Tư Duy.
Đức Xá Lợi Phất (Sariputta), một trong những đệ tử của Đức Phật, là một người rất khôn ngoan. Có một lần, khi Đức Phật đang thuyết pháp, ngài quay sang Xá Lợi Phất và hỏi, “Xá Lợi Phất, ông có tin điều này không?”
Xá Lợi Phất trả lời, “Không, tôi vẫn chưa tin được.”
Đức Phật khen ngợi ông, “Hay lắm, Xá Lợi Phất, ông là người có trí huệ. Kẻ trí không tin ngay, họ lắng nghe với một đầu óc cởi mở và rồi xem xét chân lý của sự việc trước khi quyết định tiếp nhận hay bác bỏ nó.”
Ở đây, Đức Phật đã nêu một tấm gương tốt cho các vị thầy. Điều mà Xá Lợi Phất nói là sự thật. Ông chỉ trình bày cảm xúc thật sự của mình. Thế nhưng, có nhiều người không dám bày tỏ sự nghi ngờ của họ đối với một điều gì đó vì sợ rằng làm thế là nghi ngờ sự hiểu biết của người thầy.

Nhưng Đức Phật không cảm thấy bị xúc phạm. Ngài nói rằng bạn không cần cảm thấy xấu hổ về những việc không xấu hổ hay không có ác ý. Không có gì xấu khi nói rằng mình không tin một điều gì đó, nếu mình thật sự không tin. Hành động của Đức Phật ở đây là một tấm gương tốt cho một người đang dạy dỗ những người khác. Đôi lúc bạn có thể học hỏi ngay cả từ những đứa trẻ. Đừng dính mắc một cách mù quáng vào địa vị hay uy tín của mình.
(Trích từ cuốn Suối Nguồn Tâm Linh, Chương 3, Việt dịch Minh Vi. Ngài Ajahn Chah là một thiền sư Nguyên Thủy lỗi lạc nhưng giản dị người Thái Lan. Còn tiếp.)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT