Hoa Kỳ

SoCal Gas đạt thỏa thuận $119.5 triệu để giàn xếp vụ rò rỉ gas

Thursday, 09/08/2018 - 12:09:51

Luật sư đại diện cho cư dân Porter Ranch cho biết, số tiền $119.5 triệu Mỹ kim chỉ là tiền giàn xếp giữa SoCal Gas và chính quyền, không liên quan đến vụ kiện của cư dân Porter Ranch với hãng khí đốt này. Các tuyên bố của người dân về việc bị ảnh hưởng sức khỏe hiện vẫn đang còn tranh cãi.

ALISO CANYON – Hãng khí đốt Southern California Gas Company hôm thứ Tư đã đạt thỏa thuận gần $120 triệu Mỹ kim, để giàn xếp vụ rò rỉ khí gas lớn xảy ra năm 2015 tại vùng Porter Ranch. Trong thông cáo báo chí, SoCal Gas nói hãng sẽ bồi thường cho thành phố, quận hạt, và chính quyền tiểu bang, về các phí tổn liên quan đến việc giải quyết hậu quả của vụ rò rỉ gas. Số tiền giàn xếp đạt được giữa SoCal Gas và các viên chức tiểu bang, địa phương, là $119.5 triệu Mỹ kim. SoCal Gas cũng cho biết sẽ thiết lập một chương trình với Hội đồng quản lý phẩm chất không khí California, để giảm bớt lượng khí methane thoát ra từ vụ rò rỉ, và tài trợ các dự án môi trường của địa phương.
SoCal Gas cũng sẽ duy trì chương trình giám sát kho chứa khí methane, và thuê một bên thứ 3 để theo dõi mức an toàn tại cơ sở này. Một cuộc nghiên cứu dài hạn để đánh giá ảnh hưởng của vụ rò rỉ khí gas với sức khỏe cũng sẽ được thực hiện, với ngân sách $25 triệu Mỹ kim. Gần 10,000 tấn khí methane đã rò rỉ từ kho chứa khí gas Aliso Canyon vào tháng 10, 2015, gây ảnh hưởng lớn cho cộng đồng cư dân ở Porter Ranch. Nhiều người đã than phiền rằng mùi khí gas gây ảnh hưởng sức khỏe, khiến họ bị nhức đầu và chảy máu mũi. Khoảng 8,000 cư dân đã phải di tản trong nhiều tháng, cho tới khi vụ rò rỉ được giải quyết. Đây là vụ rò rỉ khí methane lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Luật sư đại diện cho cư dân Porter Ranch cho biết, số tiền $119.5 triệu Mỹ kim chỉ là tiền giàn xếp giữa SoCal Gas và chính quyền, không liên quan đến vụ kiện của cư dân Porter Ranch với hãng khí đốt này. Các tuyên bố của người dân về việc bị ảnh hưởng sức khỏe hiện vẫn đang còn tranh cãi.

Giải Oscar tăng thêm hạng Phim được yêu thích nhất
LOS ANGELES – Viện hàn lâm nghệ thuật điện ảnh vừa thông báo sự thay đổi lớn cho giải Oscar, có thể là 1 trong các thay đổi lớn nhất của giải thưởng này trong lịch sử hình thành gần 1 thế kỷ qua. Bắt đầu từ Giải Oscar lần thứ 92 vào năm 2020, giải thưởng danh giá này sẽ có thêm hạng mục dành cho phim được yêu thích nhất. Đây hạng mục tách biệt so với danh hiệu “Phim hay nhất,” và các phim có thể cạnh tranh cho cả 2 danh hiệu này.
Ngoài ra, thời gian chương trình Oscar chiếu trên TV cũng sẽ bị cắt ngắn, nghĩa là một số giải thưởng có thể sẽ không được công bố trong chương trình trực tiếp – một thay đổi lớn nữa so với truyền thống của Oscar. Người chiến thắng của các giải thưởng ít quan trọng hơn nhiều khả năng sẽ được trao giải trong thời gian TV chiếu quảng cáo, và sẽ được chiếu lại sau đó trong chương trình. Sau cùng, giải Oscar 2020 sẽ được đẩy lên sớm vài tuần, diễn ra vào ngày 9 tháng 2. Giải Oscar 2019 vẫn sẽ diễn ra vào ngày 24 tháng 2 như dự trù.
Trong lễ trao giải Oscar 2016, người dẫn chương trình Chris Rock Oscars đã hỏi một số người đi đường rằng liệu họ có xem các phim được đề cử Oscar hay chưa, và nhiều người nói rằng họ thậm chí còn chưa nghe tới tên phim, chưa nói tới việc đi xem. Tình trạng này khiến nhiều người thắc mắc về giá trị thực tế của Oscar, khi nhiều phim đoạt giải lại không phải là phim được đa số khán giả yêu thích.

Hàng triệu điện thoại của các hãng viễn thông bị mắc lỗi bảo mật
NEVADA - Tại hội nghị bảo mật điện toán Black Hat vừa diễn ra ở Las Vegas, Nevada, hồi đầu tuần, các nhà nghiên cứu tới từ Bộ Nội An cho biết đã phát hiện ra hàng loạt lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trên các điện thoại đang được nhiều hãng viễn thông bán ra trên thị trường Hoa Kỳ, bao gồm điện thoại của Verizon, AT&T cho tới T-Mobile hay Sprint. Điều quan trọng là những lỗ hổng bảo mật này xuất hiện ngay từ khi điện thoại được xuất xưởng, trước khi chuyển tới các hãng viễn thông và tới tay người tiêu thụ. Nó cũng tạo kẽ hở cho hacker có thể lợi dụng để đánh trộm thông tin cá nhân, dữ liệu quan trọng, e-mail, tin nhắn... mà người dùng không hề biết.
Tuy nhiên, Bộ Nội An không tiết lộ danh tính chi tiết của các hãng sản xuất có liên quan đến lỗi bảo mật, nhưng cho biết đã gởi thông báo riêng tới tất cả các nhà sản xuất có sản phẩm bị lỗi từ tháng 2 năm nay. Ông Angelos Stavrou, người sáng lập hãng bảo mật điện toán Kryptowire, cho rằng hiện tại hầu hết các nhà sản xuất có sản phẩm bị ảnh hưởng đều đã biết về lỗi bảo mật nêu trên. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu họ đã sửa được lỗi này hay chưa. Theo ông Stavrou, các lỗ hổng bảo mật được giấu sâu bên trong hệ điều hành và rất khó để biết chúng có bị hacker lợi dụng hay không.
Cuối năm 2016, Kryptowire từng phát hiện ra việc hàng loạt mẫu smartphone Blu phone - sản phẩm giá rẻ khá quen thuộc tại Hoa Kỳ - được cài đặt cửa sau (backdoor) bí mật, có thể âm thầm lấy trộm dữ liệu cá nhân. Theo ước tính, số lượng smartphone dính lỗi bảo mật như thông báo của Bộ Nội An có thể lên tới hàng triệu. Dù vậy, các hãng như Verizon, AT&T, T-Mobile hay Sprint đều chưa có hồi đáp.

Hoa Kỳ bị Trung Quốc bỏ xa trong cuộc đua mạng 5G
Tốc độ phát triển mạng 5G của Trung Quốc được so sáng là đang "chạy đua,” trong khi Hoa Kỳ vẫn dừng ở mức "đi bộ.” Sau 4G, mạng 5G được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá mới về kết nối Internet tốc độ cao. Hiện nhiều nước trên thế giới đã tập trung vào mạng này, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nam Hàn... Dù là một trong những quốc gia hàng đầu về công nghệ, Hoa Kỳ có vẻ đang "hụt hơi" trước Trung Quốc về cuộc đua 5G.
Theo thống kê, Trung Quốc đang chi tiêu gấp hàng chục lần cho 5G so với Hoa Kỳ. Với sự hỗ trợ từ các hãng viễn thông và hãng sản xuất linh kiện viễn thông trong nước, lượng tháp phát sóng 5G tại Trung Quốc đang được xây dựng với tốc độ "đáng kinh ngạc,” sẵn sàng cho công nghệ này khi ra mắt. Thống kê năm 2017 cho thấy, số tháp 5G mà Trung Quốc tạo ra trong 3 tháng còn nhiều hơn cả Hoa Kỳ xây dựng trong 3 năm. Trong giai đoạn 2015 - 2017, Trung Quốc đã xây mới 350,000 tháp, trong khi Hoa Kỳ chỉ khoảng 30,000 tháp.
Tất nhiên, để có được con số này, Trung Quốc cũng đổ vào nguồn tiền rất lớn, hơn $24 tỷ Mỹ kim so với Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, nhờ các hãng viễn thông như Huawei, ZTE... chi phí lắp đặt các tháp 5G tại đất nước tỷ dân cũng thấp hơn khoảng 35%. Ngoài ra, phía chính quyền Trung Quốc cũng nỗ lực thúc đẩy phát triển mạng 5G, trong khi Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang FCC của Hoa Kỳ vẫn đang loay hoay với các quy tắc và luật mới. Trong quá khứ, Hoa Kỳ từng dẫn đầu cuộc đua 4G và cũng nhờ nó, GDP (tổng sản phẩm nội địa) của Mỹ đã tăng hơn $100 tỷ Mỹ kim. Mạng 5G được dự đoán mang lại nhiều lợi ích hơn, với khoảng 3 triệu việc làm mới và $500 tỷ tăng thêm cho GDP.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT