Hoa Kỳ

Sinh viên khởi kiện các trường đại học liên quan đến vụ tai tiếng gian lận

Friday, 15/03/2019 - 02:10:54

Hai sinh viên cũng thêm rằng vụ tai tiếng sẽ làm giảm giá trị tấm bằng Standford của họ. “Các nhà tuyển dụng trong tương lai sẽ thắc mắc rằng liệu chúng tôi được nhận vào trường bằng năng lực bản thân, hay nhờ cha mẹ hối lộ cho viên chức trường học,” đơn kiện viết.

BOSTON - Hai sinh viên đã khởi kiện nhiều trường đại học danh tiếng tại Hoa Kỳ, là các trường dính líu đến vụ gian lận tuyển sinh vừa được công bố gần đây. Công tố viên liên bang tại Boston vào ngày thứ Ba đã truy tố 50 người vì tội hối lộ và gian lận, để giúp một số thanh niên được nhận vào các trường đại học nổi tiếng.
Các sinh viên Erica Olsen và Kalea Wood, hiện là sinh viên Standford, nói rằng họ đã bị mất cơ hội công bằng để nộp đơn vào các trường đại học, và vụ gian lận đã cho phép “các sinh viên không đủ tiêu chuẩn” được vào học tại “các trường đại học có điều kiện tuyển sinh rất cao.”
Các trường đại học Standford, USC, UCLA, Đại học San Diego, Đại học Texas tại Austin, Đại học Wake Forest, đại học Yale, và đại học George Town, bị nêu tên trong đơn kiện. Các sinh viên Olsen và Wood, nói rằng họ lẽ ra đã không đóng tiền lệ phí xin nhập học $80 Mỹ kim cho các trường Yale và USC, nếu họ biết rằng quá trình xét tuyển của các trường này “đã bị bẻ cong và gian lận.”
Hai sinh viên cũng thêm rằng vụ tai tiếng sẽ làm giảm giá trị tấm bằng Standford của họ. “Các nhà tuyển dụng trong tương lai sẽ thắc mắc rằng liệu chúng tôi được nhận vào trường bằng năng lực bản thân, hay nhờ cha mẹ hối lộ cho viên chức trường học,” đơn kiện viết.
Đại diện trường Standford cho biết đơn kiện của 2 sinh viên là không có cơ sở. “Tuy chúng tôi đang xét lại các chính sách, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng vào quá trình xét tuyển sinh viên của chúng tôi,” phát ngôn viên Standford nói. Đơn kiện của hai sinh viên được nộp vào ngày thứ Tư tại tòa liên bang ở California.

Công tố viên của nhóm điều tra Nga rời vị trí
WASHINGTON DC - Đài radio quốc gia vào hôm thứ Năm dẫn 2 nguồn tin cho biết, một trong các thành viên kỳ cựu của nhóm điều tra Nga can thiệp bầu cử Hoa Kỳ 2016, ông Andrew Weissmann, sẽ sớm rời khỏi vị trí hiện tại và cả Bộ Tư Pháp. Ông Weissmann, người dẫn đầu vụ án chống lại ông Paul Manafort, cựu chủ tịch ban tranh cử của Tổng Thống Donald Trump, sắp tới sẽ nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học New York, đồng thời sẽ làm việc cho nhiều dự án dịch vụ công cộng. Sự ra đi của ông Weissmann là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Cố vấn đặc biệt Robert Mueller và các phụ tá của ông đã gần hoàn tất cuộc điều tra.
Ông Manafort đã bị kết án 7 năm rưỡi tù giam trong 2 vụ kiện bắt nguồn từ cuộc điều tra của ông Mueller, nhưng cả 2 vụ án này đều không liên quan đến cáo buộc cho rằng ông Manafort thông đồng với Nga để can thiệp bầu cử. Ông Weissmann lâu nay vẫn bị nhiều tổ chức bảo thủ chỉ trích vì cho rằng ông thiên vị, do ông từng tham gia bữa tiệc đêm bầu cử của bà Hillary Clinton vào năm 2016, và viết email khen ngợi quyền Bộ Trưởng Tư Pháp Sally Yates trước đây, khi bà không chịu bênh vực lệnh cấm nhập cảnh từ các nước Hồi giáo của chính phủ Trump.
Việc ông Weissmann rời đi diễn ra không lâu sau khi một đặc vụ FBI cấp cao trong nhóm của Cố vấn Mueller cũng từ giã để nhận vị trí mới. Điều tra viên cấp cao David Archey đã bắt đầu công việc mới vào ngày 4 tháng 3, với tư cách là giám đốc văn phòng FBI ở Richmond, Virginia. Vào đầu tháng này, một công tố viên khác là ông Brandon Van Grack cũng đã chuyển sang lãnh đạo một nhiệm vụ khác của Bộ Tư Pháp, bao gồm việc bảo đảm tuân thủ đạo luật Foreign Agent Registration Act - đạo luật kiểm soát các tổ chức hoạt động đại diện cho nước ngoài.  

Bộ trưởng thương mại điều trần về bản thống kê dân số
Bộ Trưởng Thương Mại Wilbur Ross vào ngày thứ Năm đã nói với các nhà lập pháp rằng, ông đưa câu hỏi quốc tịch vào bản thống kê dân số Hoa Kỳ 2020 theo yêu cầu của Bộ Tư Pháp, nhằm thu được các dữ liệu chính xác hơn, giúp thực hiện tốt hơn đạo luật Voting Rights Acts (Luật quyền bầu cử). Trong văn bản điều trần, ông Ross nói với Ủy Ban Giám Sát và Cải Tổ của Hạ Viện rằng, việc thu được thông tin đầy đủ và chính xác, nhằm xác định các công dân đủ tuổi bầu cử và thực hiện luật Voting Rights Act, là mục đích hợp pháp của chính phủ. Ông Ross tin rằng, mục tiêu này quan trọng hơn so với khả năng về việc tỷ lệ người tham gia thống kê dân số có thể giảm, vì e ngại câu hỏi quốc tịch.
Bộ trưởng thương mại cũng cho biết Bộ Tư Pháp đang thu thập dữ liệu công dân, để sử dụng trong việc bảo đảm thi hành luật Voting Rights Act. Vào tháng 3, 2018, Bộ Thương Mại thông báo bản thống kê dân số 2020 sẽ có thêm câu hỏi về quốc tịch.
Nhiều tổ chức cho rằng câu hỏi này sẽ gây sợ hãi cho những người không phải là công dân, khiến họ không tham gia thống kê, dẫn đến việc đếm thiếu dân cư tại các cộng đồng thiểu số, khiến các khu vực này mất ghế tại Hạ Viện và bị giảm tiền tài trợ liên bang. Các nhóm chỉ trích đã khởi kiện để yêu cầu chính phủ không được thêm câu hỏi quốc tịch trong bản thống kê dân số, và vấn đề này đang được xem xét bởi Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.

Quân đội sắp thử nghiệm hỏa tiễn bị cấm theo hiệp ước INF
Vào cuối năm nay, quânđội dự kiến sẽ thử nghiệm các hỏa tiễn có tầm bắn thuộc diện bị cấm theo hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung INF ký kết với Nga, mà Hoa Kỳ vừa rút lui gần đây. "Chúng tôi sẽ phóng thử một hỏa tiễn hành trình có tầm bắn khoảng 1,000 cây số vào tháng 8, sau đó là một hoả tiễn đạn đạo có tầm bắn 3,000 đến 4,000 cây số vào tháng 11,” một số viên chức ẩn danh của Ngũ Giác Đài cho biết hôm thứ Tư.
Các viên chức này cho hay 2 loại hỏa tiễn sắp được phóng thử sẽ trang bị đầu đạn thông thường và không phải vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, chúng nằm trong tầm kiểm soát của Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung (INF), vốn cấm các loại hỏa tiễn đạn đạo có tầm bắn 500 đến 5,500 cây số. Sau khi phóng thử, 2 loại hỏa tiễn sẽ được giao cho quân đội trong khoảng 2 đến 5 năm tới. Hoa Kỳ có thể điều động hỏa tiễn đạn đạo tầm trung tại đảo Guam, khu vực phía tây Thái Bình Dương để đối phó với "mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga.”

Chiến hạm kẹt trên biển 2 tháng vì dịch bệnh
FLORDIA – Chiến hạm USS Fort McHenry của Hải quân Hoa Kỳ đã không được phép cập bất cứ cảng nào suốt hơn 2 tháng qua, do thủy thủ trên tàu nghi bị nhiễm virus giống như bệnh quai bị, theo thông cáo của Hạm đội 5 Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Tư. Tàu đổ bộ USS Fort McHenry đã không thể cập cảng sau khi 25 thủy thủ trên tàu được chẩn đoán mắc bệnh viêm tai do virus gây ra, với các triệu chứng giống quai bị. Trường hợp được phát hiện đầu tiên là vào tháng 12, 2018, trường hợp gần đây nhất là vào ngày 9 tháng 3, và người bệnh đều được cách ly tại chỗ.
Thông cáo của Hạm đội 5 cho biết: "Không trường hợp nào bị đe dọa đến tính mạng và họ đều đã phục hồi hoặc sắp phục hồi hoàn toàn.” Thông cáo cho biết, hiện 24 trong tổng số 25 thủy thủ nhiễm bệnh đã phục hồi và trở lại làm việc bình thường. Toàn bộ 703 thủy thủ trên tàu cũng được chích ngừa lại vaccine sởi, quai bị, rubella. Viên chức Hải quân cho biết, khi một đợt dịch bệnh bùng phát, nhà chức trách có thể cấm không cho tàu cập cảng trong vòng 30 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm bệnh cuối cùng.
Tuy nhiên, tàu USS Fort McHenry được cho là đã cập cảng ở Romania vào đầu tháng 1 khi hoạt động ở Biển Đen trước khi trở lại Địa Trung Hải. Do dịch bệnh bùng phát, chỉ huy tàu buộc phải điều chỉnh một số kế hoạch huấn luyện. Cảng nhà của tàu USS Fort McHenry là Mayport, Florida.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT