Hoa Kỳ

Sếp không tốt khiến nhân viên dễ mắc bệnh

Sunday, 17/09/2017 - 10:58:42

Bất an về công việc và công việc đòi hỏi quá cao là những đặc điểm của môi trường làm việc tệ hại do người quản lý tạo ra.



Các nhà nghiên cứu tại Khoa Kinh doanh đại học Harvard và Đại học Stanford đã tổng hợp kết quả của hơn 200 báo cáo, để tìm hiểu về ảnh hưởng của stress tại sở làm. Họ tìm ra rằng, cảm giác sợ mất việc sẽ khiến nhân viên có tăng nguy cơ mắc bệnh thêm 50%, và công việc đòi hỏi quá cao sẽ khiến nguy cơ bệnh tật tăng thêm 35%.

Bất an về công việc và công việc đòi hỏi quá cao là những đặc điểm của môi trường làm việc tệ hại do người quản lý tạo ra. Tình trạng này khá thường thấy trong xã hội Hoa Kỳ. Các nghiên cứu gần đây từ Hiệp hội Tâm lý cho thấy, 75% người lao động đánh giá sếp là điều tồi tệ và stress nhất trong công việc, 60% nhân viên thà đổi sếp còn hơn tăng lương.

Một cấp trên tệ hại ảnh hưởng đến cả khả năng làm việc và sức khỏe của nhân viên. Theo nghiên cứu, 27% nhân viên có cấp trên tệ hại sẽ bỏ việc ngay khi tìm được chỗ mới. 11% không cần tìm nơi mới cũng bỏ. Nhưng có tới 59% vẫn chọn cách ở lại. Đây là con số đáng báo động, vì những người này chấp nhận sống với mức độ stress cao và chịu nhiều ảnh hưởng về sức khỏe.

Có nhiều lý thuyết giải thích về việc tại sao người ta vẫn làm việc cho sếp tệ, từ hội chứng Stockholm (chuyển từ căm ghét sang quý mến) đến sự trung thành với công ty, hoặc là tâm lý "thích an phận", khi người lao động lười tìm việc mới. Vấn đề là càng ở lâu với người sếp tồi tệ, người nhân viên càng khó thuyết phục bản thân ra đi. Thiệt hại về tinh thần, bản thân và gia đình cũng lớn hơn.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, người lao động cần sớm nhận ra dấu hiệu của người sếp không tốt, và nên sớm quyết định rời đi. Một người cấp trên không tốt là người có những đặc điểm như thích chỉ trích, nóng tính, yêu cầu vô lý trong công việc, và không làm gương.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT