Người Việt Khắp Nơi

Sau kinh nghiệm đến Việt Nam lần đầu, Andy Ngô nhìn thế giới qua quan điểm bảo thủ

Monday, 01/07/2019 - 05:36:43

Trong hai năm qua thì anh Andy Ngô, một ký giả 33 tuổi chào đời tại Portland, đã tạo tên tuổi và sự nghiệp qua những bài viết liên quan đến thành phố của anh, và sau này là qua khuynh hướng bảo thủ được giới bảo thủ Hoa Kỳ ủng hộ.


Andy Ngô (@MrAndyNgo/Twitter)

 


PORTLAND, Oregon - Trong hai năm qua thì anh Andy Ngô, một ký giả 33 tuổi chào đời tại Portland, đã tạo tên tuổi và sự nghiệp qua những bài viết liên quan đến thành phố của anh, và sau này là qua khuynh hướng bảo thủ được giới bảo thủ Hoa Kỳ ủng hộ. Anh là người đồng tính, nguyên tên là Andy Cường Ngô. Để độc giả Viễn Đông biết thêm về Andy Ngô và quá trình đi tới một quan điểm bảo thủ của anh, dưới đây chúng tôi xin lược dịch một bài viết của đài truyền hình OPB (Oregon Public Broadcasting) đăng tháng Hai 2018.
*
Cha mẹ Andy Ngô đã may mắn thoát khỏi Việt Nam.
“Mẹ tôi xuất thân trong một gia đình bị đánh giá là tư sản hoặc trung lưu. Họ làm chủ một tiệm buôn nữ trang ở quê hương, và tiệm bị lấy mất sau khi chính phủ miền Nam Việt Nam sụp đổ,” Andy Ngô kể với OPB. “Họ bị ném vào trại lao động. Lúc đó mẹ tôi chỉ mới có 16 tuổi.”


Andy Ngô đang thâu hình nhóm Antifa trước khi bị đánh hôm thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019 tại Portland, Oregon. (Twitter)


 

Cha anh là một cảnh sát viên ở một thị trấn nhỏ ven biển. Ông đã có một công việc tốt trong thời chiến tranh, nhưng đó lại là lý do khiến ông có thể bị bắn chết bất cứ lúc nào sau khi cộng sản chiếm được miền Nam 1975.
Vì vậy, vào năm 1978, gia đình Andy Ngô đã vượt biên khỏi Việt Nam bằng thuyền và dừng chân ở Oregon, một quê hương mới đa số cư dân là người da trắng sinh sống.

“Khi tôi còn trẻ, tôi nghĩ mình là một người Mỹ gốc Á, là một người Việt Nam, và tôi đã thực sự nhận thấy bản thân mình là như vậy,” Andy Ngô kể với đài OBP. “Theo một cách nào đó, tôi luôn cảm thấy mình lạc lõng ở Tây Bắc nước Mỹ. Lúc đó, tôi nghĩ đó là vì lý do sắc tộc.”

Andy Ngô thường là đứa trẻ Á Đông duy nhất trong lớp học. Tuy nhiên, anh nói rằng anh đã trải qua kinh nghiệm bị kỳ thị chủng tộc chỉ có hai lần mà anh thật sự còn nhớ.
Lần đầu tiên, anh có mặt tại một hội nghị lãnh đạo của trường trung học ở Klamath Falls, tiểu bang Oregon. Một người tham gia khác hỏi gia đình anh từ đâu đến.


Andy Ngô đang thâu hình nhóm Antifa trước khi bị đánh. (Twitter)

 

“ Và tôi nói, Việt Nam, người đó nói lại rằng, Chúng tôi có một nhà hàng Việt Cộng ở dưới phố đây.” Ngô còn nhớ.
Lần thứ hai là trong những ngày học đại học tại UCLA ở Los Angeles. Anh đã làm việc trong một chương trình Americorps đưa sinh viên đến làm việc tại các trường nghèo ở Los Angeles. Khuôn viên nơi Andy Ngô làm việc đa số là người gốc Latinh.

“Nhiều người trong số những đứa trẻ không quen nhìn thấy người Á Đông, và họ chỉ vào tôi và gọi tôi là Chino [Tàu] và cười,” anh nói. “Họ đã làm điều đó gần như mỗi lần tôi có mặt ở đó. Thật đau lòng vì họ còn quá trẻ.”

Tuy nhiên, đến nay thì anh đã buông bỏ những kỷ niệm không vui đó. Thái độ của anh đối với sắc tộc đã thay đổi, trải qua một sự giao tiếp mạnh mẽ xảy ra vài năm trước khi anh đến Việt Nam lần đầu tiên.
“Khi tôi đến đó, tôi đã suy nghĩ mình sẽ có cảm giác như ở nhà, ở quê hương. Tôi tưởng cuối cùng thì mình cũng là một trong những người Việt Nam này.”

Nhưng những suy nghĩ đó đã nhanh chóng biến mất.

“Người dân nhìn vào tôi, và họ có thể nói ngay rằng tôi không phải người bản xứ,” Andy Ngô kể. “Da của tôi thực sự trắng vì tôi lớn lên ở Hoa Kỳ. Và vì vậy, ở mọi nơi tôi đến, mọi người đã nhìn chằm chằm vào tôi. Họ đã làm điều đó rất lộ liễu. Lúc đầu, tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, nên tôi đã hỏi gia đình tôi ở đó, và họ cũng giống như vậy, Họ không quen nhìn ai đó da trắng như bạn, trắng nhợt.”

Cảm giác khác biệt đó càng trở nên khó chịu hơn khi anh đi đến các vùng nông thôn của Việt Nam để gặp anh em họ của mình. Anh nói với họ rằng anh là người đồng tính. Và họ đã hỏi rằng “tại sao tôi lại chối bỏ sự việc truyền giống cho cha mẹ có cháu.”

“Cái kiểu mà họ được nuôi dưỡng là bạn cần nghĩ về người khác, bạn không thể chỉ nghĩ về bản thân mình. Bạn phải nghĩ về gia đình của mình, và hiểu rộng theo một cách nào đó - về chủng tộc của bạn.”
Đó là một khoảnh khắc lớn đối với anh và thái độ của anh đối với chủng tộc và chính trị.
“Đó là lần đầu tiên tôi thực sự cảm thấy mình là người Mỹ,” Andy Ngô nói.
Nay (tháng Hai 2018), Andy Ngô là một sinh viên đã tốt nghiệp tại Portland và là một nhà báo bán thời gian có Tweets được Breitbart (báo bảo thủ) chọn và có bài viết xuất hiện trên Tạp Chí National Review. Anh đã thu hút sự chú ý của cả nước vào năm ngoái khi cáo buộc tờ báo của trường đại học Portland State University đã sa thải anh vì niềm tin chính trị bảo thủ của anh.


Andy Ngô tại phòng cấp cứu (Twitter)

Kể từ đó, những bài viết của anh là chỉ trích Hồi giáo và những người biểu tình, những người đã xuống đường để yêu cầu cảnh sát phải cải tổ quy tắc làm việc, để chống lại Tổng Thống Donald Trump.
“Mặc dù tôi là một người thiểu số tình dục và là một người da màu, tôi đến từ một gia đình là người tị nạn nhưng tôi cảm thấy rất may mắn khi được sinh ra và lớn lên ở đất nước này,” Andy Ngô nói.
“Vì vậy, khi tôi nhìn thấy lá cờ Mỹ, tôi cảm thấy một niềm hãnh diện và vinh dự là một phần của đất nước đó. Và tôi rất tiếc rằng rất nhiều người coi [lá cờ] đó là biểu tượng của bạo lực rồi đốt nó.”
Anh nói rằng công chúng Hoa Kỳ nói quá nhiều về chủng tộc và phân biệt chủng tộc.
“Tôi nghĩ rằng khi tập trung vào sự đa dạng chủng tộc, bạn sẽ bỏ đi cơ hội được thấy sự suy nghĩ đa dạng. Những gì bạn biểu lộ là một nền độc đoán tư tưởng,” Andy Ngô nói.
“Sắc tộc là một cầu vồng nhiều màu, và bạn thấy nhiều màu sắc khác nhau được thể hiện, nhưng khi bạn đào sâu hơn một chút, bạn sẽ thấy nó có màu giống nhau.”


 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT