Đạo và Đời

Sau khi Đức Phật nhập diệt - Kết tập kinh điển 1 & 2

Wednesday, 01/06/2016 - 07:46:09

Bây giờ thầy xin tạm ngừng ở nơi đây để qua một vấn đề khác. Bài này rất dài vì chúng ta phải đi tất cả 6 lần kết tập.

Kính thưa quý vị, đề tài hôm nay là Sự Phân Tranh giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa.

Thực ra là nên nói về sự thành hình hai tông phái đó.

Đầu tiên cả, chúng ta nên hiểu chữ Tiểu Thừa là từ chữ Theravad. Thường chúng ta nói Hinayana là Tiểu thừa là nhầm. Chữ này hoàn toàn không được dùng trong sách vở, trong giới nghiên cứu, cho nên chúng ta chỉ có Mahayana và Theravada.

Trở lại thời đức Phật, khi ngài nhập diệt. Theo lịch sử, ngài nhập diệt là vì bị trúng độc, ăn nhầm thức ăn không tốt khiến ngài bị đau bụng, trúng độc. Tuy bị trúng độc, nhưng ngài vẫn tiếp tục đi từ chỗ bị bệnh cho tới Kushinagara trong bảy ngày. Trên đường đi, ngài cho các đệ tử biết để tới thăm ngài.

Đây là một cuộc hành trình rất lớn vì có rất nhiều đệ tử tập họp tai Kushinagara để tiễn ngài đi. Đó là một trong những biến cố lớn nhất của thời đó. Người ta nói ngài có 1250 đệ tử thường tùy tùng với ngài. Các bác thử tưởng tượng đoàn hơn một ngàn người đi với nhau, chưa kể những đệ tử khác đi cùng, thì rất lớn. Pháp hội Niết Bàn tiễn ngài ra đi là một pháp hội rất lớn.

Sau khi ngài ra đi, thì ngài Ananda, người vẫn theo bên cạnh đức Phật, rất đau khổ. Cả tăng đoàn như rắn không đầu. Những người xuất gia này rất đau buồn bởi vì ngài là một vị lãnh đạo tinh thần, một vị thầy, một người cha mà không ai có thể thay thế được. Bởi thế đây là một sự kiện rất lớn trong nhà Phật.
Trải qua vài ngày, vài tuần, ai cũng nhớ nghĩ tới đức Phật. Cũng có vài người vui, thí dụ như ông Suvada. Ông rất thích thú bởi vì ông không hiểu Phật nhiều và vui vì không còn ai bắt mọi người phải giữ giới luật. Bây giờ đức Phật không còn nữa, mọi người sẽ được tự tại đôi chút. Người Việt chúng ta có câu “chủ vắng nhà, gà mọc đuôi tôm” là đây.

Thực ra trong tăng đoàn, sự ra đi của đức Phật quan trọng lắm bởi vì đức Phật ở trong một chế độ hoàn toàn dân chủ. Ngài không bao giờ chỉ huy hay khống chế một đệ tử nào, hay một thành viên nào trong đại chúng. Cứ hai tuần, các vị tăng họp lại và đọc giới luật. Ai có lỗi thì nói ra lỗi lầm của mình, là được tha thứ và thanh tịnh ngay. Trong tăng đoàn không có một tổ chức quyền lực nào, không hề có việc người trên bắt kẻ dưới làm bất cứ điều gì. Mọi người đều có sự tự giác rất cao. Họ thiền cả ngày và có chí hướng tâm linh rất cao. Việc đầu tiên là sự hài hòa của tăng đoàn vì người nào cũng tu, người nào cũng thiền, cũng thanh tịnh, cùng hướng vào tâm linh.

Khi đức Phật ra đi rồi, chí hướng tâm linh của tăng đoàn vẫn có, nhưng từ từ có những xu hướng khác của xã hội mọc ra. Thời đó, nếu có chuyện gì khó khăn, người ta hay hỏi ý Phật. Thí dụ, một vị tăng không có áo mặc, cũng tới nói với đức Phật. Thường đức Phật có lễ Katrina trong đó người tại gia tới cúng dường áo, nên ngài giải quyết được vấn đề thiếu áo. Hoặc có vị tăng bệnh nặng, đến hỏi đức Phật phải làm sao đây. Đức Phật sẽ cho biết nên săn sóc bệnh như thế nào. Hoặc có vị tăng già rồi, sẽ phải ở đâu. Đức Phật sẽ chỉ nơi để người này lưu trú. Tóm lại đức Phật giải quyết những vấn đề thường nhật. Những vấn đề không thấy được ghi chép lại ở bất cứ chỗ nào, trong một cuốn sách nào. Sau khi ngài nhập diệt được mấy tháng, những vấn đề này bắt đầu xẩy ra, nên có một vị trưởng thượng, trưởng lão trong tăng đoàn là ngày Ma Ha Ca Diếp thấy tình trạng này không tốt cho tăng đoàn. Mỗi ngày ngài Ma Ha Ca Diếp cũng nhận được rất nhiều tin tức và những yêu cầu giải quyết những vấn đề thường nhật. Thí dụ con ăn lúc 10 giờ, hay 11 giờ hay 12 giờ có được không? Những tiêu chuẩn nào để tăng và ni cần phải theo?

Ba tháng sau khi đức Phật nhập diệt, ngài Ma Ha Ca Diếp kêu gọi một buổi tập họp. Người ta tin rằng buổi họp đó được diễn ra vào khoảng năm 542 hay 543 trước kỷ nguyên Thiên Chúa (BC). Chỗ tập trung là ngoài thành Vương Xá, vì thì đây là chỗ dễ tụ tập nhất. Khi tập họp như vậy, ngài Ma Ha Ca Diếp đối diện một vấn đề rất lớn, ngài thấy dễ nhất là nên giữ các giáo pháp mà ngày xưa đức Phật nói. Khó khăn mà ngài gặp là người nào sẽ nói được chuyện đó. Ngài thấy chỉ có hai người hiểu rõ chuyện đó là ngài Ananda, người đã theo Phật từ đầu đến cuối, có trí nhớ rất thâm sâu, chỉ cần đọc qua một lần là nhớ (photographic memory). Nhưng ngài Ananda khóc suốt ba tháng qua, làm sao để ngài nhớ lại. Cho nên ngài Ma Ha Ca Diếp mới nhốt Anada lại và nói “cho tới khi nào giác ngộ thì con mới ra được”. Truyền thuyết nói rằng họ đã tới một chỗ thật xa, không ai tới được. Nhưng sự thật thì ngài Ma Ha Ca Diếp bắt ngài Ananda tịnh tu. Theo truyền thuyết, ngài Anada cảm thấy nếu mình cứ buồn rầu, khóc lóc thì sẽ không bao giờ có trí sáng được, không thể tham dự các buổi họp của chư tăng. Ngài biết mình là nhân vật quan trọng, ngài nghe được Phật từ xưa đã nói những gì, nay phải lập lại, hoàn toàn không thay đổi chữ nào.

Truyền thuyết nói rằng ngài Anada ở trong vị thế không phải đứng, không phải ngồi, cũng không phải nằm, không phải đi, cũng không phải ngủ, không phải thức. Trong trạng thái hoàn toàn không ở trong tứ đại oai nghi. Trong trạng thái đó ngài giác ngộ và thành A la hán. Trạng thái đó tức là trạng thái Ưng vô sở trụ.
Thưa các bác, đó là một điều rất hay. Bởi nếu người nói lại lời của Phật mà còn dựa vào tâm tình, dựa vào trí nhớ mà thôi, dựa vào sự quen biết của mình với Phật, còn dựa vào như vậy thì không thể nào nói được giáo pháp của Phật. Cho nên ngài phải ở một chỗ mà không dựa vào chỗ nào cả. Chỗ đó được gọi là Chân Tâm mà nói ra.

Đương nhiên đây là một truyền thuyết, nhưng lại có một đặc tính rất hay để chúng ta hiểu rằng ngài Ananda rất trung thực với giáo pháp của Phật.

Sau đó ngài MaHaCaDiếp mới tụ tập, theo truyền thuyết, 500 vị La hán bao gồm cả ngài Anan. Trong kinh điển, chúng ta gọi là Ngũ Bách La Hán Kết Tập. Kết tập đầu tiên (First Council) hay Kết tập lần thứ nhất là một trong những cái mốc đặc biệt của nhà Phật, bởi vì kết tập đó có mục đích chính là làm sao giữ lại những điều Phật dạy cho rõ ràng. Những điều Phật dạy chỉ nằm trong hai chuyện:

1/Những quy tắc, giới luật về cuộc sống của người tăng và người ni (Vinaya). Ở đây chưa nói tới cuộc sống của những người tại gia, cư sĩ. Đây là chuyện thực tế và rất nhiều người tăng ni muốn biết. Đức Phật thường nói, trong tăng đoàn nếu muốn hỏi về giới luật cho rõ thì hãy kiếm ông Upali hay U Bà Li. Ông Upali rất tinh tế về các giới luật, lúc nào nên dùng giới này, lúc nào không nên dùng, lúc nào mở ra, lúc nào ngoại lệ (exception) hay lúc nào không có ngoại lệ. Ngài Upali giàu kinh nghiệm nên có thể đọc lại giới luật. Trong kho tàng giới luật bằng tiếng Pali và tiếng Trung Hoa, cả hai đều giống nhau ở chỗ: tất cả các tăng đều theo 227 giới luật thời đó, người ni có 311 giới. Vào thời đó họ có con số rất rõ ràng và không thay đổi trong tất cả mọi thời đại. Nhưng những oai nghi, những tế hạnh kỷ luật hàng ngày, càng ngày càng thêm nhiều.

Nhưng đại khái trong sự kết tập đầu tiên người ta vẫn còn giữ được tinh thần, hình hài, đức hạnh của một vị tăng hay vị ni rất rõ ràng, không thay đổi. Đó là lần kết tập thứ nhất.

Như vậy ngài Ananda làm cái gì, thưa các bác? Ngài Ananda đọc lên, đọc lại y hệt những lời Phật nói. Ngài Anan đọc phần Kinh hay phần những câu chuyện mà đức Phật kể lại, những triết lý của nhà Phật. Kinh và Luận là hai bộ phận được kết tập. Kết tập là gì? Là đem từng miếng, từng mảnh, từng câu chuyện, từng triết lý, hợp lại thành một kho tàng gọi là bộ Tạng. Thời đó chúng ta có Giới và Kinh, chưa có Luận. Phần chính là trong Tiền Độ không hề nói tới chữ Luận. Sự quan tâm của những vị tăng thời đó là làm sao sống cho ra hồn ra vía đúng theo giới luật, theo tinh thần của nhà Phật. Chữ Hồn và Vía mà thầy vừa nói rất quan trọng. Hồn là tinh thần ở trong, Vía là hiển hiện ra bên ngoài. Cuộc sống của tăng ni thời đó là làm sao lan tỏa được tinh thần, tinh hoa của đức Phật. Đó là sự việc quan trọng nhất trong lần kết tập thứ nhất.

Câu chuyện trong lần kết tập đầu tiên xoay quanh cuộc sống của Phật, ăn làm sao, Phật sống thế nào, nói những triết lý ra sao. Ngài nói 8 điều chơn lý cho người tu: chánh kiến là gì, chánh tư duy là như thế nào, chánh định là làm sao. Những chuyện rõ ràng, chắc thật và tất cả mọi người đều thấy cả. 500 vị La hán họp lại, cùng nhau viết xuống trong 7 tháng, hơn nửa năm. Họ đọc lại để không sai một chữ nào. Như vậy thời Phật còn tại thế có chép xuống điều gì không? Thưa không, mà chỉ là theo khẩu truyền thôi. Thí dụ các bác hỏi thầy năm giới là gì? Thầy sẽ trả lời là “Sát đạo dâm vọng tửu”. Thầy đã học thuộc lòng 5 giới đó, bây giờ bác nghe xong cũng sẽ học thuộc lòng như vậy. Cứ thế mà truyền miệng nhau. Nhưng lỡ tới một người nào đó thay vì nói “Sát đạo dâm vọng tửu” thì lại nói là “Sát đạo dâm vọng tiểu”. Chữ “tiểu” lại có nghĩa là “nhỏ”. Sau ba lần thì ra chữ khác gọi là “tam sao thất bổn”.

Cho nên truyền khẩu có vấn đề, câu chuyện sẽ thêm thắt hơn. Thầy thấy khi kể một câu chuyện đời xưa của Phật mà không có mắm muối, bà con ngồi nhìn thầy mà đầu gục lên gục xuống, cho nên phải thêm chút mắm muối. Cái đó hay nhưng có điều nguy hiểm. Tại sao? Vì nếu người khác truyền lại như vậy thì càng ngày càng sai đi. Cho nên mấy em nhỏ có trò chơi gọi là Telephone, một người nói một câu cho người thứ hai. Người thứ hai truyền lại câu đó cho người thứ ba và cứ như thế truyền tới người thứ 50 thì câu đó đã khác đi. Truyền khẩu có vấn đề, do đó ba tháng sau khi Phật nhập Niết Bàn, thì ngài Ma Ha Ca Diếp rất có trí huệ, đã kết tập lại và hình thành bộ văn học đầu tiên của Phật giáo. Bộ văn học này ngày hôm nay không còn nữa vì đã bị thiêu đốt, biến mất.

Nhưng may mắn thay, 100 năm sau lần kết tập thứ nhất, lại có lần kết tập thứ hai. Tại sao có lần kết tập thứ hai? Vì những giáo nghĩa của đức Phật bắt đầu có sự hiểu lầm và xã hội sau 100 năm đã bắt đầu có sự thay đổi.

Thưa các bác, Ấn Độ thời đó là một xã hội văn minh và có tiếp thông với nhiều chỗ khác. Thời đó có một vị vua tên là Asoka tức A Dục. Ông có tham vọng thôn tính thế giới và muốn truyền bá giáo pháp của Phật. Khi đi thôn tính chỗ nào, nơi ấy có một nền văn hóa khác, vì vậy mới có việc trao đổi qua lại, về văn hóa, xã hội, kinh tế và tư tưởng. Nhờ có sự giao lưu tư tưởng như vậy nên có những tư tưởng mới, người xuất gia không phải là người Ấn Độ mà là những người khác Ấn Độ. Sau 100 năm, người nam Ấn Độ có những tư tưởng khác, người bắc Ấn Độ có những tư tưởng khác. Khi Phật giáo truyền sang các xứ khác, có nơi người ta có sự suy nghĩ khác. Thí dụ ở Việt Nam, miền Nam có món canh chua, nhưng ở miền Bắc lại không có. Miền Nam có canh chua vì là xứ nóng, ăn chua để giải nhiệt. Nếu muốn ăn canh chua, ta phải trồng những thứ để nấu canh chua, chúng ta phải trao đổi để lấy những thứ đó. Việc trao đổi này quan trọng. Nhưng ở những chỗ không ăn canh chua thì việc buôn bán trao đổi đó không quan trọng, giá trị đó không quan trọng lắm. Bên Trung Hoa, ở miền Nam ăn gạo nên họ trồng gạo; còn ở miền Bắc họ chỉ làm mì thôi. Hai văn hóa này khác hẳn nhau. 100 năm sau khi đức Phật nhập diệt, bây giờ có những thói quen, những tập tục gắn liền với văn hóa, và vị thầy bây giờ đòi hỏi phải thay đổi, vì vậy đã đưa tới sự kết tập thứ nhì.

Khi còn sinh thời, đức Phật là một Yogi, một thiền sư tập Yoga. Ngài chỉ ăn có một buổi, thời gian còn lại của ngài dùng để tu luyện. Ngài ngồi tịnh lặng, ngồi thiền. Mỗi đêm ngài chọn một gốc cây để ở và ngài không ở quá ba đêm ở một gốc cây nào. Ban sáng ngài đi khất thực chừng hai tiếng. Ai cho gì ngài ăn nấy. Nhưng ngài tuyển chọn ra ăn chớ không phải thứ gì ngài cũng ăn. Nhưng sau 100 năm, người ta mới khám phá ra là có những người không đi khất thực một cách dễ dàng được và người ta ưng đem thức ăn tới. Có những người không thể ăn một bữa được, họ phải ăn hai bữa. Lo làm sao được hai bữa. Cũng có nhiều giả thuyết nhưng đó là một đề tài gây tranh cãi rất lớn. Có những vị tăng ở miền bắc, thí dụ Népal, quá lạnh, buổi tối họ cần ăn một chút xíu thức ăn nóng. Điều này bắt đầu gây ra sự tranh cãi là bởi có người không đồng ý vì đức Phật cũng chỉ ăn một bữa thôi. Những người sống ở miến Nam, khí hậu nóng vô cùng, ăn tối thêm một chút cũng được, vì lòng tham mà thôi. Vấn đề gây ra tranh cãi ở chỗ người vì nhu cầu, người vì lòng tham, hoặc người không vì lòng tham, cũng không phải vì nhu cầu mà vì thói quen của văn hóa. Sau 100 năm, những người xuất gia nhiều khi không còn giống như thời đức Phật là ngồi thiền suốt ngày. Cho nên bắt đầu có những văn hóa khác biệt và câu hỏi được đặt ra vào lúc đó là “Tôi ăn thêm một bữa có được không?” “Tôi ăn không đúng ngọ được không?”. Có người thì “tiền trảm hậu tấu”, chưa hỏi đã làm rồi.

Đó là những vấn đề gây tranh chấp rất lớn. Có tất cả 10 vấn đề chính.
Vấn đề thứ nhì là vấn đế Muối. Muối là thực phẩm. Điều quan trọng ở đây là Ấn Độ không phải là quốc gia sản xuất muối. Các vị tăng ni có khi ăn những thực phẩm trái cây, nên có người giữ một chút muối. Nhưng giữ muối là đi ngược lại lời Phật dậy. Ngài đã dạy là không được giữ bất cứ thứ gì, vậy sao các vị lại giữ một, hai hộp muối? Nếu người này giữ hũ muối được, thì người khác có thể giữ hũ mật ong. Tạo nên một sự tích trữ cá nhân. Lúc trước người ta chỉ cúng dường thực phẩm, nhưng sau 100 năm, người ta còn cúng dường cả tiền bạc nữa. Cúng dường Tứ Sự: thực phẩm, áo quần, giường chiếu và thuốc men. Người xuất gia được nhận mấy thứ này. Nhưng sau 100 năm, quan niệm này bắt đầu mở rộng ra. Bây giờ có thêm thực phẩm bổ dưỡng, giường chiếu bây giờ rộng rãi, ấm êm hơn. Chỉ trong 100 năm thôi, đã có nhiều sự thay đổi nho nhỏ như vậy thôi, mà có ảnh hưởng rất lớn đối với một tăng đoàn. Tại sao vậy? Bởi vì mọi người bắt đầu thấy không biết những điều này có đúng với Phật ngày xưa không? Cái giá trị này như thế nào. Vì vậy, sau 100 năm, tăng đoàn lại triệu tập một buổi kết tập lần thứ hai.

Khoảng 350 trước Thiên Chúa, chư tăng đã họp lại ở thành phố Visali ở miền bắc Ấn Độ để coi thử những điều không đúng với thời đức Phật, có nên thay đổi hay không. Triết lý mà đức Phật nói ngày trước có nên thay đổi hay áp dụng như thế nào. Làm sao để khỏi tranh chấp, bởi nếu có tranh chấp thì không thể có một tăng đoàn. Cho nên muốn tăng đoàn không bị tan rã, họ phải tập họp trở lại, trực diện với vấn đề.



Tới đây, chúng ta học được bài học là vũ trụ lúc nào cũng tiến hóa và những giới luật, những hình thức càng ngày càng thay đổi. Ngoài ra tăng đoàn còn đứng trước một vấn đề lớn là sự thay đổi của xã hội. Làm sao chúng ta có thể thích hợp được với xã hội đó. Ngày xưa không có khoa học kỹ thuật trong khi bây giờ khoa học kỹ thuật ngày càng nhiều, trí thức con người càng lúc càng cao. Chúng ta đối diện với những thay đổi đó như thế nào? Đó là câu hỏi của tăng đoàn bây giờ.

Với tăng đoàn ngày xưa đối diện với sự thay đổi đầu tiên đó là gì? Là viết. Việc truyền khẩu sẽ rất khó lưu trữ nên phải dùng chữ hay viết xuống giấy. Nhưng giấy cũng có thể mất nên chúng ta phải dùng bytes tức là bỏ lên trang web. Sự thay đổi đó không ngừng, làm sao chúng ta đối diện, nhưng cái tinh hoa (core) của nhà Phật làm sao được bảo tồn, lưu giữ? Trong phạm vi bài này thì chỉ tới đây chớ chưa đi tới kết luận sâu sắc. Nghĩa là tinh hoa của đức Phật nằm trong bốn việc thôi. Đó là bốn chữ Từ Bi Hỷ Xả.

Qua hai, ba ngàn năm nay, bốn chữ đó có thể tóm tắt về triết lý sâu sắc của đạo Phật. Bát chánh đạo là phương thức để chúng ta phát triển Từ Bi Hỷ Xả. Mức độ phát triển Từ Bi Hỷ Xả của mỗi người vào mỗi thời đại phát triển khác nhau. Nó sẽ trở thành một đề tài để chúng ta thảo luận hơn nữa. Ở đây, qua lần kết tập thứ nhất, cho biết rằng hình thức đã thay đổi và chúng ta đối diện như thế nào? Vấn đề được giải quyết bằng cách chúng ta dùng kỹ thuật quan trọng nhất của thời đại đó là gì? Viết. Họ đã dùng Viết để lưu trữ các tinh hoa nhà Phật.

Qua 100 năm, sự xung đột của các chư tăng về 10 điều mà họ nghĩ là quan trọng trong cuộc sống. 10 điều đó chỉ là những vấn đề xích mích trong cuộc sống, chưa nói tới những vấn đề xích mích triết lý. Họ đã quyết bằng những kỹ thuật cao nhất của thời đó: triết lý, trí huệ. Từ thời kết tập thứ nhì đã xảy ra nhiều biến hóa và chúng ta tạo thành bộ văn học gọi là A Hàm. Bộ A Hàm viết lại những triết lý sống của đức Phật và có những suy luận, tùy theo từng tông phái, phát sinh ra trong thời kỳ đó, giải thích cho được việc tại sao người ta nghĩ như thế này, tại sao người ta nghĩ như thế kia. Tức là triết lý sống làm người, làm tăng, làm ni trở thành trung tâm của lần kết tập thứ nhì. Nó không phải là trung tâm của lần kết tập thứ nhất. Technology mới ở đây là gì? Là tư tưởng cao nhất của thời đại đó.

Thưa các bác, đây là một câu chuyện cho chúng ta thấy mình đang đối diện. Bởi vì câu hỏi của chúng ta là có thể thay đổi, sử dụng những phương tiện mới như thế nào để có thể phát huy tinh hoa của nhà Phật là Từ Bi Hỷ Xả và tinh thần không ngừng thích ứng của văn hóa Phật giáo như thế nào trong thời đại mới.
Thầy xin dành thời gian trong bài kế tiếp để tiếp tục nói về đề tài mà thầy tin rằng không những hấp dẫn cho chính thầy, mà còn cho con đường tu hành cho chính mình và cho tất cả các bác đang lắng nghe, để nhìn tăng đoán, nhìn nhóm người xuất gia tu hành, nhìn Phật giáo Việt Nam nói chung như thế nào, để chúng ta biết rằng mình đang đối diện với một vấn đề rất sâu sắc, mà chỉ có, không những về tư tưởng, cũng như về triết lý mà cả những phương thức tổ chức của tăng đoàn, mới có thể giải đáp được câu hỏi cũng như là thử thách của thế kỷ 21 này.
Cám ơn các bác đã lắng nghe.

.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT