Việc Làm

Sáu điều chớ lầm về nghề nghiệp

Sunday, 20/01/2013 - 11:08:10

Điều này gây ra thất vọng và bối rối cho các sinh viên ra trường, họ thường cảm thấy mình đã làm đủ mọi chuyện được giả định phải làm, thế mà vẫn không nhận được khoản tưởng thưởng được hứa với họ là sẽ đến cho họ.

Có lẽ bạn từng nghe những lời khuyên giống nhau về nghề nghiệp, được lặp lại nhiều lần từ những người có hảo ý, bạn bè, thân nhân, thậm chí từ chủ nhân nơi bạn làm việc. Thế nhưng có nhiều châm ngôn mà chúng ta nghe nhiều lần thực ra lại không đúng chút nào cả. Bà Alison Green, người viết trang blog ăn khách Ask a Manager, mách cho bạn biết về sáu câu chuyện trong số những huyền thoại mà bạn đừng nên mắc vào vì cả tin.

1. Một văn bằng đại học sẽ đem lại cho bạn việc làm
Nhiều thế hệ sinh viên từng được bảo rằng nếu họ lãnh được một tấm bằng đại học, thì sau đó họ sẽ dễ dàng tìm được công ăn việc làm. Nhưng chẳng may, điều này không còn rõ ràng như thế nữa. Các văn bằng đều không còn mở được những cánh cửa nghề nghiệp, như trước đây thường mở ra được, và có quá nhiều tân khoa tốt nghiệp vẫn đang bị thất nghiệp, hoặc không có công việc làm đúng mức, trong nhiều tháng hay thậm chí cả hàng mấy năm trời, vì những người tuyển dụng thường chọn các ứng viên có nhiều kinh nghiệm hơn. Điều này gây ra thất vọng và bối rối cho các sinh viên ra trường, họ thường cảm thấy mình đã làm đủ mọi chuyện được giả định phải làm, thế mà vẫn không nhận được khoản tưởng thưởng được hứa với họ là sẽ đến cho họ.

2. Hãy làm những gì mình say mê và tiền bạc sẽ nối tiếp theo sau
Trong thực tế, không phải mọi niềm đam mê đều tương ứng phù hợp với các thực tại của thị trường việc làm. Nếu bạn mê thi ca hoặc mê hội họa, bạn sẽ tìm thấy cơ hội rất hạn chế về công việc dành cho những ngành này. Thực ra những người nào có được điều họ yêu thích cho một việc làm đều là những người gặp may mắn; nhưng họ không chiếm đa số. Có một mục tiêu tốt hơn, đó là tìm kiếm công việc mà bạn có thể làm một cách tương đối hạnh phúc; công việc ấy không nhất thiết phải hợp với niềm đam mê của bạn.

3. Nếu không tìm được một công việc, bạn cứ bắt đầu cơ sở kinh doanh riêng của mình
Bắt đầu lập riêng công việc kinh doanh của mình là một điều khó khăn, ấy chẳng phải là chuyện dành cho mọi người đâu. Nó không dễ dàng như chỉ có một năng khiếu và đem rao hàng năng khiếu ấy. Bạn phải có nột cái gì đó mà người ta muốn mua từ bạn, hơn là muốn mua từ những người cạnh tranh với bạn. Bạn cũng phải có khả năng quảng cáo chính mình ra thị trường, giải quyết sự bất trắc tài chánh, có một số tiền tiết kiệm để làm bàn đạp khởi nghiệp làm ăn, và thắng vượt được nhiều mối thách đố khác. Đây không phải là phương thuốc chữa bá bệnh cho một ai đó không thể tìm ra được một chỗ làm, hoặc không thấy hạnh phúc trong nghề nghiệp của mình.

4. Ngành chuyên môn của bạn tại đại học sẽ dẫn bạn tới nghề nghiệp của mình
Các sinh viên thường ra trường và nghĩ rằng chuyên khoa mình đã học sẽ dẫn mình tới một con đường nghề nghiệp suốt đời, thế nhưng rất thường xuyên không đúng là như vậy – đặc biệt đối với những người học chuyên môn về các khoa nhân văn. Bạn có thể lãnh một văn bằng Anh ngữ, nhưng rốt cuộc lại bước vào ngành giao tế nhân sự, hoặc có thể bạn có văn bằng xã hội học, nhưng sau cùng lại làm nghề bán quảng cáo, có thể bạn lấy văn bằng âm nhạc nhưng sau cùng thì trở thành một chuyên viên gây quỹ. Mặt khác, các loại văn bằng trong các khoa học, kỹ thuật, cơ khí và toán học, đều có xác suất cao hơn rốt cuộc dắt bạn tới một lộ trình rõ nét hơn trên bước đường nghề nghiệp.

5. Nếu bạn không chắc chắn mình muốn làm gì, thì hãy đi học tiếp
Đi học cấp hậu cử nhân là việc có nghĩa lý khi bạn muốn theo đuổi một con đường nghề nghiệp đòi phải có một văn bằng cao hơn nữa. Nhưng đó sẽ là cách sử dụng không tốt về thời gian và tiền bạc, nếu bạn đang hi vọng một cách nào đó nó sẽ chỉ cho bạn tới một con đường nghề nghiệp, hoặc nếu bạn đang đi học hậu cử nhân chỉ vì bạn không biết chắc mình phải làm chuyện gì khác. Nhiều người nhập học trường hậu cử nhân, vì thiếu một sự lựa chọn tốt hơn, mấy năm sau đó ra trường với nợ nần chồng chất vì đã vay tiền đi học, và cũng không kiếm được chỗ làm nào tốt hơn so với trước khi học ghi danh theo học bậc sau cử nhân. Điều này dẫn tới chuyện...

6. Học hậu cử nhân sẽ làm cho bạn có giá hơn trên thị trường công việc
Trình độ hậu cử nhân sẽ không làm cho bạn có giá hơn trên thị trường, trừ khi bạn đã bước vào một lãnh vực đòi hỏi cụ thể một văn bằng hậu cử nhân. Thực ra nó có thể làm giảm bớt sức cạnh tranh của bạn, bằng cách không cho bạn thu tích được kinh nghiệm làm việc trong thời gian đi học, và đòi buộc bạn phải tìm một công việc trả lương cao hơn so với mức bạn có thể cần, vì bạn cần phải trả nợ tiền học – và còn một điều tệ hại hơn nữa, đó là nếu bạn nộp đơn xin làm những công việc chẳng liên quan gì tới bằng cấp hậu cử nhân của mình cả, thì nhiều chủ nhân tuyển dụng sẽ nghĩ rằng bạn thực sự không muốn nhận công việc mà bạn đang nộp đơn xin làm, vì công việc ấy không nằm trong “lãnh vực của bạn”.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT