Phóng Sự

SAP-VN và những dự án từ thiện (kỳ 3 và hết)

Sunday, 16/12/2018 - 10:08:09

“SAP-VN thường xuyên nhận được ủng hộ của các mạnh thường quân, là nhờ uy tín Hội đã tạo được trong hơn 20 năm qua. Hội đã giữ được uy tín để cho những người giúp cho Hội tiếp tục có niềm tin với Hội luôn làm việc đứng đắn.”


Thành viên-thiện nguyện viên SAP-VN đến thăm và hát phục vụ các cụ cao niên tại Viện dưỡng lão. (SAP-VN)

Bài BĂNG HUYỀN

Ông Thành Nguyễn cựu chủ tịch và cựu giám đốc Hội Đồng Quản Trị Hội SAP-VN cho biết những năm gần đây SAP-VN không còn bị phản đối việc Hội về giúp những người bất hạnh tại Việt Nam như hồi đầu Hội mới thành lập cách nay hơn 20 năm.
 

Một số thành viên, thiện nguyện viên, mạnh thường quân thường xuyên của SAP-VN. (SAP-VN)

Ông Thành Nguyễn chia sẻ, “Khi mình làm công việc nhân đạo thì mình phải bỏ qua tất cả mọi thứ, chỉ chú trọng vấn đề nhân đạo mà thôi. Khi tôi tập trung vào vấn đề nhân đạo, thì với những suy nghĩ khác, những ý kiến khác nếu mình nhìn dưới lăng kính nhân đạo thì mình không có những suy nghĩ gì nữa cả. Không có sự đối đáp gì nữa cả. Tôi luôn tôn trọng những suy nghĩ, những quan niệm sống của mỗi người, nhưng đồng thời khi tôi làm công việc nhân đạo thì tôi làm với tinh thần nhân đạo nên tôi không có ý kiến với những người không đồng ý, mình tôn trọng những sự không đồng ý đó.”

Thủ tục pháp lý khi hoạt động từ thiện tại VN   

Là một Hội Từ Thiện có yếu tố nước ngoài, khi vào hoạt động tại Việt Nam có gặp trở ngại nào không? Có những địa phương nào Sap-VN  đến giúp sẽ khó khăn hơn một số địa phương khác hay không?

Ông Thành Nguyễn cho biết, “Khi SAP- VN vào Việt Nam làm từ thiện, đều phải theo đúng thủ tục giống như tất cả các tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới. Nếu muốn hoạt động chính thức tại Việt Nam thì phải có giấy phép do Bộ Ngoại Giao Việt Nam cấp. Hội SAP- VN có giấy phép hoạt động tại Việt Nam một cách hợp pháp.
 

Thành viên, thiện nguyện viên SAP-VN chuẩn bị thực phẩm cho người vô gia cư. (SAP-VN)

“Những tỉnh mà Hội đến thực hiện công tác từ thiện đều có trong giấy phép hoạt động và sự hợp tác giữa SAP- VN với các địa phương đó đều thuận lợi, chứ không có trở ngại gì cả.

“Khi xin giấy phép hoạt động từ thiện tại Việt Nam với Bộ Ngoại Giao thì SAP- VN phải nộp cho họ đầy đủ văn bản pháp lý ở Mỹ, và chương trình kế hoạch của Hội trong 3 năm hay 5 năm, khi họ thấy được thì họ đồng ý và cấp giấy phép cho Hội. Chứ không bị trở ngại gì cả. Vì mình làm đúng theo thủ tục pháp lý ở Mỹ và đúng theo thủ tục pháp lý ở Việt Nam.”
 

Thành viên, thiện nguyện viên SAP-VN chuẩn bị các phần quà tặng cho người vô gia cư. (SAP-VN)

Ông  Thành Nguyễn giải thích, “Hội SAP-VN phải cho địa phương tại Việt Nam khi mình đến, biết rõ chương trình từ thiện mà Hội sẽ làm gì tại địa phương. Ví dụ những chương trình cố định của Hội đã có bao năm qua, Hội chỉ cần cho địa phương biết thời gian khám lọc, thời gian thực hiện ca mổ, v.v.. Còn chương trình đi khám bệnh miễn phí, phát thuốc, nhổ răng… hằng năm thì Hội phải bàn chi tiết với địa phương Hội đến. Để người ta nắm được đoàn có bao nhiêu người, đoàn của Hội sẽ khám được bao nhiêu bệnh nhân. Danh mục thuốc, số lượng thuốc mang theo để phát cho bệnh nhân như thế nào. Đại khái là những dịch vụ nào SAP-VN sẽ cung cấp, là điều mà địa phương cần biết, để người ta biết và nếu có điều kiện người ta sẽ hỗ trợ cho Hội thực hiện đúng theo chương trình của Hội đề ra.

“Hằng năm khi đoàn bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, thiện nguyện viên của chương trình Free Mobile Health Care Project của SAP-VN tại Mỹ về Việt Nam để khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo, sẽ kéo dài trong bốn ngày. Thường SAP-VN chỉ chọn một huyện để khám bệnh, những nhân viên của huyện sẽ chọn địa điểm mà người dân ở các xã xung quanh đến được trong cự ly bao nhiêu cây số. Tùy địa phương trao đổi với Hội, chọn cho mình điểm nào để các thiện nguyện viên của Hội đến khám bệnh. Việc thông báo cho người dân đến khám bệnh thì do địa phương làm.”

Ông Thành Nguyễn cho rằng không thể nói rằng SAP-VN đến địa phương này thì dễ hơn nơi kia. Tùy theo chương trình Hội làm. Khi SAP-VN thực hiện những chương trình từ thiện tại Việt Nam, có sự đồng thuận ở địa phương thì dễ rồi. “Còn nếu mình vào muốn làm chương trình từ thiện nào đó mà địa phương không đồng thuận thì sẽ khó. Sự khó, dễ tùy theo từng mục tiêu mình muốn làm chương trình gì. Nếu ở địa phương có nhu cầu đó, mình muốn vào giúp, giải quyết nhu cầu đó thì sự trao đổi rất dễ. Còn nếu mình muốn vào, áp đặt chuyện gì đó mà địa phương chưa có chuẩn bị, chưa tiếp nhận, thì là cái khó. Nếu mình suy nghĩ như vậy thì nó sẽ không có gì khó, không có gì dễ cả.

“Hằng năm, mỗi lần tôi đi thăm các bệnh nhân được Hội SAP-VN trợ giúp phẫu thuật, đoàn đi bao giờ cũng có các thành viên, bao gồm tôi là đại diện cho SAP-VN, một bác sĩ là đại diện cho bệnh viện, nơi thực hiện phẫu thuật. Một người đại diện của địa phương là Quỹ Bảo Trợ Trẻ Em của tỉnh. Đây là ba đơn vị thực hiện chương trình phẩu thuật.”

Ông  Thành Nguyễn kể, “SAP-VN cung cấp tài chính, Quỹ Bảo Trợ Trẻ Em của tỉnh là nơi lên danh sách các bệnh nhân đến khám để được phẩu thuật, còn bác sĩ là người thực hiện chuyên môn. Khi chúng tôi đến một xã, một làng hay một nhà dân thì phải thông qua huyện, thông qua xã. Vì người của tỉnh làm sao biết được một nhà dân ở trong xã nào đó. Nhiều khi phải đến huyện, người đại diện của huyện phải xuống xã, xã mới tìm người phụ trách tại xã biết từng nhà một để đưa mình đến. Chứ chính mình đi tìm nhiều khi cũng mất hết cả ngày, hoặc một hai ngày, vì mình không biết rõ địa điểm như người tại địa phương.

“Thành ra khi phải thông qua đại diện địa phương cũng có điều lợi. Giúp mình đỡ mất thời gian đi tìm nhà người dân đó. Nếu mình suy nghĩ theo cách khác thì cho rằng sao phải qua nhiều chặng quá. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì điều đó tốt cho mình, giúp mình đỡ mất thời gian. Thứ hai là đi đến đâu, mà có người địa phương đi theo, thì mình cũng không sợ bị “ăn hiếp”. Mình nên thi vị hóa nó chút xíu, còn nếu nhìn góc cạnh khác thì sẽ hơi khó chịu.”

Chương trình từ thiện và cách thức gây quỹ

Ngoài những chương trình từ thiện tại Việt Nam, SAP-VN có những hoạt động từ thiện tại Mỹ như đến hát phục vụ cho các cụ cao niên trong viện dưỡng lão, cung cấp thực phẩm cho người vô gia cư. Nhưng hoạt động chính của SAP-VN vẫn là những chương trình từ thiện tại Việt  Nam. Các thành viên trong ban quản trị, ban giám đốc của SAP-VN theo dõi những tiến độ chương trình từ thiện bên Việt Nam và tổ chức gây quỹ mỗi năm một lần. Trước đây SAP-VN thỉnh thoảng còn tổ chức quyên góp đồ đạc cũ, sau đó đem ra chợ trời bán để gây quỹ, nhưng cũng không thu được ngân sách bao nhiêu. Thành ra Hội chú trọng tiệc gây quỹ một năm một lần vào tháng 10 tại nhà hàng. Vì những người ủng hộ cho SAP-VN đã quen rồi.
Khi cần thiết, SAP-VN kêu gọi thiện nguyện viên giúp cho Hội, số anh chị em thiện nguyên viên giúp trong những buổi gây quỹ có thể lên đến 30- 40 người. Còn hằng tuần anh chị em nào rảnh thì ghé ngang trụ sở của Hội vào mỗi thứ Bảy từ 1 giờ trưa đến 5 giờ chiều để có những việc gì cần giúp thì họ giúp, còn nếu không có việc gì thì các thiện nguyện viên và thành viên của SAP-VN ngồi trao đổi chuyện trò để tìm ra cái này cái kia cải thiện chương trình từ thiện của Hội. Chứ không nhất thiết là hằng tuần mỗi thứ Bảy tập trung họp lại với nhau. Chỉ có người nào nhận những trách nhiệm thì mới thường xuyên đến trụ sở Hội, còn những anh chị em thiện nguyện viên thì khi nào Hội cần gì mới gọi thì người ta mới đến. Thiện nguyện viên đến làm việc thường xuyên tại trụ sở Hội vào cuối tuần có khoảng 5- 6 người. Khi công việc cần thì kêu gọi có thể có 30- 40 đến giúp cho Hội.

Số tiền quyên góp mà SAP-VN nhận được để thực hiện các chương trình từ thiện, có những mạnh thường quân cứ hằng năm là sẽ gửi vài lần, mỗi lần là một số tiền, hoặc có những mạnh thường quân chỉ gửi một lần một năm, có những người thì hằng tháng gửi check qua bưu điện, hoặc chuyển ngân qua PayPal. Vẫn có những người đã giúp thường xuyên cho Hội khoảng 20 năm nay, có thể số tiền đóng góp không nhiều nhưng ủng hộ thường xuyên cho những dự án từ thiện của SAP-VN.

Nguồn tài chánh chính để SAP-VN hoạt động vẫn là từ buổi gây quỹ vào tháng 10 hằng năm mang tên “Cho Em Niềm Hy Vọng”. Vì có thể có những người trong năm không cho tiền, nhưng đợi đến buổi gây quỹ để bảo trợ, gửi tiền cho Hội. Hội có hai nguồn tiền là đóng góp thường xuyên và từ buổi gây quỹ.
Ông Thành Nguyễn cho biết, trước đây nguồn đóng góp thường xuyên nhiều hơn nguồn đóng góp khi tổ chức gây quỹ. Nhưng dần dần tiệc gây quỹ thực hiện hay quá, nên nguồn đóng góp từ gây quỹ bằng với nguồn đóng góp thường xuyên. Nhưng vài năm gần đây thì tiền thu được từ gây quỹ nhiều hơn một chút so với tiền các cá nhân đóng góp thường xuyên trong năm. Tiền được đóng góp từ gây quỹ trở thành số tiền trên 50 phần trăm để Hội chi trả cho những dự án từ thiện tại Việt Nam.

Ông Thành Nguyễn chia sẻ, “Những người ủng hộ Hội SAP-VN đặt niềm tin rất lớn với Hội. Họ là những người đã theo dõi và biết công việc SAP-VN làm từ trên 20 năm qua. Chẳng những đóng góp cho Hội, họ còn kêu gọi anh em, bạn bè, những người quen biết đóng góp cho Hội. Những người có khả năng tài chánh giúp từ thiện, người ta có hàng trăm hàng ngàn những tổ chức để người ta giúp.

“Có những tổ chức gửi quảng cáo đến mỗi tháng, hay hằng tuần. Hội SAP-VN lại rất ít gửi xin các mạnh thường quân, nhưng cố gắng mỗi ba tháng gửi bản tin tổng kết những sinh hoạt của Hội trong thời gian 3 tháng hay 6 tháng. Một năm khoảng 3, 4 lần gửi báo cáo đến các mạnh thường quân.

“SAP-VN thường xuyên nhận được ủng hộ của các mạnh thường quân, là nhờ uy tín Hội đã tạo được trong hơn 20 năm qua. Hội đã giữ được uy tín để cho những người giúp cho Hội tiếp tục có niềm tin với Hội luôn làm việc đứng đắn.”

Tổng kết tài chánh hằng năm, SAP-VN đăng lên website www.sap-vn.org của Hội và in vào bản tin để gửi đến các mạnh thường quân. Nếu ai hỏi, thì chúng tôi sẵn sàng đưa cho người ta xem. Hằng năm khi khai thuế, SAP-VN luôn ghi rõ chi tiết chương trình này chi bao nhiêu trong tờ khai gửi sở thuế của Mỹ IRS (Internal Revenue Service), ghi cụ thể rất rõ, chi phí điện thoại, tiền mướn trụ sở… Nếu ai muốn biết, cứ vào website của sở thuế hoặc website của California xem, đều có.

Các mạnh thường quân nếu yêu cầu cung cấp địa chỉ của những người được giúp tại Việt Nam để họ về thăm, thì SAP-VN luôn cung cấp tên, địa chỉ, hoặc sắp xếp người hướng dẫn tại địa phương đưa đến tận nơi. Có những mạnh thường quân âm thầm đến để kiểm tra có đúng hoạt động của SAP-VN đã nói hay không. Nhờ vậy SAP-VN mới có được uy tín hơn 20 năm nay.

Ông Thành Nguyễn bày tỏ, “Chúng tôi rất trân trọng, cảm ơn sự tin tưởng SAP-VN, sự đóng góp của các nhà hảo tâm với SAP-VN trong hơn 20 năm qua. Vẫn có những người âm thầm đóng góp và tin tưởng Hội để chúng tôi tiếp tục thực hiện thành công những chương trình từ thiện tại Việt Nam.”

Chính những thành viên, thiện nguyên viên và những nhà hảo tâm với công đức không ngừng nghỉ từ những đôi tay, khối óc, tâm huyết và lòng tha nhân, và trong số họ, nhiều người cũng không thật sự dư dả, giàu có về vật chất, nhưng lại rất giàu tấm lòng nhân ái, đã giúp hội SAP-VN vẽ nên hai chữ “Tình Người" được thăng hoa, chắp cánh cho những mảnh đời tật nguyền vượt qua khỏi số phận hẩm hiu, bởi sự vô tình của tạo hóa!

Để tìm hiểu thêm về các chương trình từ thiện của SAP-VN, quý vị có thể vào trang nhà của SAP-VN www.sap-vn.org.

Hoặc đến trụ sở Hội mỗi thứ Bảy, từ 1 giờ trưa đến 5 giờ chiều tại 12881 Knott Street, Suite 116, Garden Grove, CA 92841.
Điện thoại (714) 901-1997.
Email: info@sap-vn.org.
EIN/Tax ID: 33-0539755.
Mọi đóng góp của mạnh thường quân cho SAP-VN đều được trừ thuế.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT