Phóng Sự

SAP-VN và những dự án từ thiện (kỳ 2)

Sunday, 09/12/2018 - 01:39:15

Ông Thành Nguyễn cho biết một năm ông về một lần, nhiều khi không sâu sát bằng, nhưng những người cộng tác với Hội SAP-VN được Hội đề nghị họ giúp Hội ghi nhận bằng hình ảnh, ghi chú vào bệnh án sau khi mổ để thông báo lại cho Hội biết.


Ông Thành Nguyễn trong chuyến đi thăm các em được SAP-VN hỗ trợ chi phí mổ tim.  (SAP-VN)

Bài BĂNG HUYỀN

Tại Việt Nam, những người nghèo bị khuyết tật, phải sống chung với thương tật suốt đời do không có điều kiện phẫu thuật hiện nay vẫn còn rất nhiều. Những trẻ em thuộc gia đình nghèo khổ, khi sinh ra bị các khiếm khuyết như hở hàm ếch, khoèo chân/tay, bại não, tim bẩm sinh đều là những dị tật phức tạp thường gặp ở trẻ em Việt Nam, không chỉ gây khó khăn trong sinh hoạt thường ngày mà còn ảnh hưởng lớn tới tâm lý và sự phát triển của trẻ. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình và điều kiện kinh tế không cho phép, nhiều em nhỏ đã phải chấp nhận sống chung với dị tật cả đời.
 

Ông Thành Nguyễn, cựu chủ tịch và cựu giám đốc Hội Đồng Quản Trị Hội SAP-VN, là giáo viên dạy toán tại trường trung học La Quinta.  (Hình cung cấp)

Hơn 20 năm qua, Hội từ thiện SAP-VN (Social Assistance Program for Vietnam) đã đồng hành, hỗ trợ nhiều trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được phẫu thuật, phục hồi chức năng, hòa nhập với cộng đồng, giúp trẻ dị tật có được đời sống thể chất và tinh thần khỏe mạnh và năng động hơn.

Ông Thành Nguyễn, cựu chủ tịch và cựu giám đốc Hội Đồng Quản Trị Hội SAP-VN cho biết, SAP- VN luôn chú ý đến chính là khi Hội giúp một bệnh nhân thì làm sao giúp từ đầu đến cuối cho hoàn chỉnh, chứ không phải chỉ gửi tiền về Việt Nam rồi muốn làm gì thì làm.
 

Các bác sĩ, nha sĩ, thiện nguyện viên của chương trình “Free Mobile Health Care Project” của SAP-VN tại Mỹ về Việt Nam để khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo.  (SAP-VN)

“Điều này chúng tôi rất tối kỵ. Mình đưa tiền của những nhà hảo tâm đưa cho Hội để Hội làm việc thiện, thì mình phải làm sao mang số tiền về bên đó, đóng góp trực tiếp sự thay đổi cho các bệnh nhân mà SAP- VN giúp. Từ chuyện đi khám lọc để phẫu thuật cho trẻ, đi thăm trong các bệnh viện, cho đến mổ mắt cườm cho các cụ già tại Việt Nam những cộng tác viên của SAP- VN tại Việt Nam đều có mặt trong những buổi đó để tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, giúp một số tiền (tiền xe, tiền sửa, tiền ăn) cho các bệnh nhân đến mổ và khám lọc. Chứ không phải mình đưa tiền, rồi ai muốn làm gì thì làm, mà chúng tôi biết được từng bệnh nhân bằng hình ảnh, hồ sơ của từng người bệnh. Nếu cần thiết thì chúng tôi đến nhà của bệnh nhân để kiểm tra.”

Những chuyến đi về Việt Nam

Trong hơn 20 năm ông Thành Nguyễn làm chủ tịch SAP-VN, hằng năm ông đại diện cho SAP- VN về Việt Nam để đi thăm những cháu đã được SAP-VN giúp tiền để phẫu thuật. Ông thường đi vào dịp hè (khoảng vào giữa tháng 7 đến giữa tháng 8), vì ông là giáo viên dạy toán tại trường trung học La Quinta, thành phố Garden Grove, dịp hè ông mới dành thời gian từ 4 đến 5 tuần lễ về bên Việt Nam. Trong những chuyến đi hằng năm, ông Thành Nguyễn đều đi hết các tỉnh nào có bệnh nhân được SAP-VN giúp phẫu thuật.
 

Một ca mổ mắt cườm được SAP-VN hỗ trợ kinh phí cho bệnh nhân.  (SAP-VN)

Ông Thành Nguyễn kể, “Ví dụ tỉnh đó năm nay SAP-VN giúp 40 em, tôi không cách nào thăm hết 40 em được, nên chỉ chọn điển hình 5, 7 em hoặc cần lắm thì sẽ hẹn các cháu đến một địa điểm để thăm được đông. Nhưng điều này mình không nhìn thấy được thực tế nơi ở của cháu đó, để thông cảm được với người bệnh nhân. Mình đến nơi ở của các cháu vì muốn tìm hiểu những nguyên nhân khiến đứa trẻ bị phỏng, để mình có những giúp đỡ cho địa phương đó hoặc tư vấn cho gia đình người ta.

“Khi tôi về bên đó, những đơn vị hợp tác với SAP-VN tại địa phương thường có người đi chung với tôi, tôi sẽ trao đổi với họ và đưa ra những đề nghị để họ giúp thêm cho người bệnh. Những người tại Việt Nam đi chung với tôi đến thăm gia đình các cháu được mổ từ sự trợ giúp của SAP-VN, nếu trong phạm vi hoạt động của cơ quan của họ thì họ sẽ đứng ra giúp thêm cho bệnh nhân, nếu không thì sẽ ghi nhận để có cách sẽ giúp về sau, tôi thấy đây cũng là cách rất hay.”

Ông Thành Nguyễn nói khi ông trực tiếp đến nhà của những trẻ ở vùng Cao Bằng, Tuyên Quang thuộc miền núi ở phía Bắc, đi một nhà là hết nửa buổi rồi. Vì phải đi bộ leo đồi. Mỗi đồi chỉ có khoảng hai, ba nhà. Ở miền Nam thì đi rất dễ, đi xe đến tận nơi đi bộ một chút là tới nơi rồi. Nhưng khi đi thăm các cháu sống ở phía Bắc thì rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Đi thăm hết thì không thể, chỉ có thể thăm 20% số lượng các cháu mà SAP-VN đã giúp. Điều quan trọng của việc ông đến tận nơi tìm hiểu, hỏi thăm gia đình các cháu, và tận mắt nhìn để biết được tại sao đứa trẻ này sau khi phẫu thuật phát triển tốt hơn đứa trẻ kia. Khi các cháu còn trong bệnh viện, người ta hướng dẫn tập luyện thế này thế kia. Nhưng về đến nhà, cha mẹ đi làm kiếm cơm, vì miếng cơm manh áo, cha mẹ không có điều kiện giúp con tập luyện. Vì vậy có đứa trẻ sau phẫu thuật phát triển tốt hơn đứa trẻ kia cũng đã được phẫu thuật.

Ông Thành Nguyễn chia sẻ, “Hiểu rõ điều này, nên khi mình thu nhận bệnh nhân, mình phải nói cho gia đình bệnh nhân hiểu chúng tôi chỉ giúp giải phẫu phần ban đầu, còn lại muốn cho con mình tốt hơn, khá hơn, phần sau đó gia đình phải tích cực mà giúp con tập luyện. Còn muốn cõng con suốt đời, thì chuyện đó là của gia đình, chúng tôi không tham gia được, cũng không có ý kiến gì được hết. Nhưng chúng tôi vẫn muốn tư vấn ngay từ đầu, nếu muốn tốt cho con sau khi phẫu thuật xong, để gia đình làm đúng theo quy định của bác sĩ. Để họ hiểu rằng người ta giúp cho mình đến mức độ đó thôi, còn lại mình phải tự giúp lấy mình.

“Có những điều chúng tôi phải nói thật rõ cho gia đình bệnh nhân, mỗi gia đình có sự khác biệt khác nhau. Tùy theo nhận thức, trình độ văn hóa của mỗi gia đình khác nhau, càng ở vùng xa, vùng sâu thì trình độ nhận thức của người làm cha làm mẹ có yếu hơn, thấp hơn ở trong khu vực thành phố. Mình phải tìm cách nói để người ta hiểu, thông cảm, để họ phải làm theo cách chúng tôi hướng dẫn, muốn vậy thì mình phải đến nhìn tận chỗ người ta ở như thế nào thì mới làm được chuyện đó.”

Các thiện nguyện viên cộng tác với SAP-VN tại Việt Nam khi đi các tỉnh để khám lọc, thăm và khám lại những cháu đã mổ năm trước, họ có mặt tại từng khu vực để ghi nhận những trường hợp này, trường hợp kia, nếu năm nay đi khám lọc cũng tại một địa phương như vậy, người ta trông thấy những đứa trẻ đã được mổ, hình ảnh tên tuổi của những trẻ đó được lưu lại trong năm ngoái giúp người ta đánh giá được sự thay đổi nhỏ nào đó.

Ông Thành Nguyễn cho biết một năm ông về một lần, nhiều khi không sâu sát bằng, nhưng những người cộng tác với Hội SAP-VN được Hội đề nghị họ giúp Hội ghi nhận bằng hình ảnh, ghi chú vào bệnh án sau khi mổ để thông báo lại cho Hội biết.

Hằng năm, chương trình “Free Mobile Health Care Project” của SAP-VN cử một nhóm bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ cùng các thiện nguyện viên tại Mỹ về Việt Nam một lần để khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho một huyện vùng sâu, vùng xa của một tỉnh nào đó. Có năm thì ở Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, lúc ở Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa... Trong chuyến đi này, chương trình “Free Mobile Health Care Project” của SAP-VN tiến hành tổ chức khám bệnh, nhổ răng, phát thuốc và tư vấn cho các bệnh nhân sống tại các xã trong huyện đó trong suốt bốn ngày. Ưu tiên phần lớn cho trẻ em và người già. Những hoạt động này được phổ biến rộng rãi đến từng khu vực để các bệnh nhân có thêm thông tin và đến khám bệnh. Với mỗi chuyến đi về Việt Nam, các thành viên SAP-VN phải dành ít nhất khoảng sáu tháng chuẩn bị.

Ông Thành Nguyễn kể, “Chương trình “Free Mobile Health Care Project” của SAP-VN về Việt Nam đi khám bệnh cho người nghèo cũng đã thực hiện khoảng mười mấy năm nay rồi. Hồi mới khởi đầu SAP- VN có một nhóm tình nguyện viên tham gia cùng các bác sĩ tình nguyện tại Việt Nam. Dần dần SAP-VN có hợp tác với một số phòng khám nhỏ tại Việt Nam đi khám lưu động. Từ từ SAP-VN tổ chức đoàn của SAP-VN để đi, khi đó Hội chọn địa điểm liên lạc với địa phương để tổ chức khám chữa bệnh, cung cấp thuốc men. Những năm gần đây, mỗi khi SAP-VN kêu gọi tình nguyện viên về Việt Nam khám chữa bệnh phát thuốc, có khoảng 50- 70 người ghi danh tham gia.

“Có những em sinh viên trẻ đang học ngành y khoa tham gia. Còn thành phần nòng cốt trong đoàn về khám chữa bệnh thì khoảng 20- 25 người đi thường xuyên hằng năm. Các bác sĩ, nha sĩ thì có thay đổi hằng năm, có người cách năm đi một lần, có người đi hằng năm hoặc vài ba năm thì đi. Thứ Hai đến nơi để chữa bệnh tại một xã nào đó, khám đến ngày thứ Sáu là xong, các thiện nguyện viên trở về lại Mỹ. Đây là chỉ chuyên về khám bệnh, chữa răng, phát thuốc cho người nghèo. Đôi khi có vài người có thời gian nhiều, nếu họ muốn thì đi chung với tôi đến thăm các bệnh nhân được SAP-VN giúp phẫu thuật chỉnh hình.”

Ông Thành Nguyễn tâm sự, “Niềm vui của tôi là nhìn thấy những công sức, tim óc của mình và các thành viên của SAP- VN sắp xếp các chương trình từ thiện, giúp những đối tượng cần được giúp và khi mình đi thăm, kiểm tra trở lại, mình cảm thấy dù nó không hoàn hảo 100 phần trăm như mình muốn, nhưng cũng đạt được mức độ có thể tạm chấp nhận được. Còn nỗi buồn thì những chuyện linh tinh lẻ tẻ với cá nhân tôi không lấy đó làm điều buồn. Những điều buồn xảy đến cá nhân mình, có thể mình bỏ qua, mình không lấy đó làm cản trở công việc của mình. Những phiền toái nho nhỏ không đáng kể mình phải bận tâm nhiều. Mình nhìn kết quả những nỗ lực trong những năm qua là mục tiêu mình hướng đến, thì cảm thấy rất vui.

“Điều mà tôi rất buồn là mình không có khả năng, không có năng lực để giúp được nhiều hơn nữa. Cũng là đối tượng đó, mình không thể giúp cho họ có điều kiện phát triển hơn nữa. Vì sự trợ giúp của mình hoàn toàn có giới hạn. Ví dụ một trẻ khuyết tật, mình giúp cho trẻ sau khi phẫu thuật có thể di chuyển, đi tới đi lui trong nhà. Nhưng chỉ đi tới đi lui trong nhà thì cũng chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ, còn phần nữa, nếu mình nhìn đến tương lai, đến hội nhập đến nghề nghiệp thì lúc đó mình bị bế tắc. Vì một Hội từ thiện nhỏ chỉ có thể giải quyết được một khúc thôi, còn khúc sau thì đành chịu, chỉ đành nhờ trời, may mắn thế nào đó của từng cá nhân trẻ. Đó là nỗi buồn của tôi. Nếu muốn làm theo hướng nhìn dài hơn trong tương lai cho đối tượng mình giúp từ đầu đến đuôi xuyên suốt thì Hội không có năng lực, không có khả năng. Vì vậy trong niềm vui mình giúp được một số đối tượng, thì cũng có nỗi buồn là những đối tượng đó mình không thể theo họ suốt để tạo cái gì đó trong tương lai cho người ta. Nếu muốn làm thì cần nhiều nỗ lực và tài chánh, nhân lực thì mình mới có thể làm được.”

Mục đích của Hội SAP-VN là làm sao duy trì được những chương trình từ thiện của Hội đã thực hiện suốt bao năm qua. Vì những gì làm lâu quá rồi rất dễ gây ra sự nhàm chán. Có thể với mạnh thường quân, người ta thấy sao giúp hoài mà vẫn còn hoài, người ta sẽ thấy nản. Kể từ năm 1992 lập ra Hội, đến nay SAP-VN đã tạo ra một số chương trình từ thiện đều đặn hằng năm. Quan tâm nhất của ông là làm sao có thể duy trì được những chương trình đó. Không thể phát triển nhiều hơn được, nhưng vẫn duy trì được, đó là nỗ lực rất tốt, rất lớn rồi. Chứ còn bây giờ ngồi suy nghĩ cách phát triển rộng hơn nữa thì trong điều kiện sinh hoạt của Hội như thế này, không thể làm lớn được.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT