Mẹo Vặt

Sản phẩm nhựa plastics có an toàn không?

Thursday, 29/12/2016 - 07:58:14

Nhựa plastic là một sản phẩm tổng hợp bao gồm nhiều hóa chất, với hai thứ rất độc hại là Bisphenol A và Phthalates. Nếu không nhớ được tên của chúng, xin bạn gắng nhớ lấy một chữ BPA, tên gọi tắt của Bisphenol A. Còn Phthalates đỡ nguy hại hơn phần nào.

Bài VŨ HẰNG

Nhân đề cập tới chuyện dùng Microwave để hâm nóng đồ ăn, chúng ta có nói tới những hộp nhựa plastic. Và có một bạn đặt ra câu hỏi sau đây: “Tôi đi làm, thường bới cơm và mang nước theo. Tất cả đều phải nóng, trước khi cho vào hộp hoặc chai nhựa plastic, rồi ban trưa mang ra hâm lại. Hộp dùng được lâu, nhưng chai phải thay luôn, vì đựng nước nóng thì chỉ sau vài lần là vỏ chai mo lại, bẹp dí. Xin cô Hằng cho biết dùng thứ gì để đựng cho bền và an toàn?”

Ở đâu cũng thấy sự cần thiết của những sản phẩm bằng nhựa plastic. Không có nó thì làm sao mang theo nước khi đi tập thể dục?


Thưa bạn, chẳng riêng gì chai đựng nước, mà ngay cả những hộp plastic đựng đồ ăn cũng cần phải được lựa chọn cẩn thận. Nhưng có lẽ chỉ những người mang theo nước nóng như bạn mới đặt vấn đề, còn đa số các bạn khác đều yên tâm về đồ đựng bằng nhựa plastic của mình. Các bạn yên tâm là vì hộp nhựa đâu mấy khi “mo” lại, có hâm trong lò microwave thì chỉ vài phút đã lấy ra…. Như vậy là an toàn rồi, phải không? Không đậu!

Nhựa Plastic thì tiện thật - vừa bền, vừa nhẹ, lau rửa lại dễ dàng – nhưng không phải là không có vấn đề. Mà không phải chỉ người mang theo nước nóng mới cần phải tìm một cái chai thật tốt. Ngay cả những người dùng hộp plastic đựng cơm cũng cần phải cẩn thận hơn. Là vì, trước khi ăn, chúng ta còn phải hâm nóng đồ ăn, và chính là trong lúc được hâm nóng mà chất Plastic thường âm thầm gây ra tai họa.

                Trẻ em cũng cần một cái núm vú nhét vào miệng những khi mẹ đang bận việc khác…

Mặc dầu không xuất hiện ngay, nhưng tai họa tích lũy dần dần, và khi chúng phát tác thành bệnh thì đa số nạn nhân không hiểu là mình đã làm nên tội tình gì trong quá khứ. Thực ra, các thầy cô trong ngành vệ sinh thực phẩm đã cảnh giác chúng ta về những rủi ro của các sản phẩm plastic này từ lâu.

Hai hóa chất độc hại: BPA và Phthalates

Nhựa plastic là một sản phẩm tổng hợp bao gồm nhiều hóa chất, với hai thứ rất độc hại là Bisphenol A và Phthalates. Nếu không nhớ được tên của chúng, xin bạn gắng nhớ lấy một chữ BPA, tên gọi tắt của Bisphenol A. Còn Phthalates đỡ nguy hại hơn phần nào.

                                                Ấy là chưa kể những hộp đựng “food to go”

Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu khoa học cho thấy hai thứ hóa chất này có thể tạo môi trường dẫn đến các bệnh tác động vào khả năng sinh sản, như ung thư vú trong phụ nữ và giảm lượng tinh trùng nơi đàn ông. Rủi ro đối với phụ nữ có bầu và trẻ em còn cao hơn.

Điều đáng sợ hơn nữa là: BPA không ở đâu xa, gần như tất cả chúng ta đều có BPA trong cơ thể. Trung Tâm Theo Dõi Bệnh Tật CDC của Hoa Kỳ (US Center for Disease Control) đã thực hiện “trò chơi” sau đây vào năm 2004: Trong số những người tình nguyện đi thử nước tiểu theo lời kêu gọi của cơ quan này, có tới 93% mang dấu vết BPA!!! Nhiều ghê chưa?

Cô Laura Vandenberg, một nhà khoa học tại Đại Học Tufts University ở Boston, nhận xét, “Theo kết quả khoa học thâu nhận được thì con người dễ nhiễm BPA hơn cả … loài chuột, chứng tỏ chúng ta có rất nhiều dịp tiếp xúc với hóa chất độc hại này.” Một báo cáo đăng trong tạp chí Reproductive Toxicology (Nhiễm độc hệ sinh sản) còn xác định: Mức độ BPA trong máu và tế bào con người cao hơn ít nhất 10 lần so với mức độ vô hại mà Bộ Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ đưa ra.”

Vì đâu chúng ta lại phải mang lấy một mầm bệnh nguy hiểm như thế? Là vì, BPA có mặt ở mọi nơi, ở những dụng cụ mà chúng ta dùng đến hằng ngày, như hộp đựng cơm, chai chứa nước, hộp kẹo bánh, bao ny lông gói hàng chợ… và cả những dụng cụ tưởng là tốt lành như đồ chơi trẻ em, bình sữa, núm vú nhựa. Thậm chí cả những thứ tầm thường như tấm giấy biên nhận mua hàng (receipts) cũng không phải là hoàn toàn … vô tội. Bạn thử nhìn ra chung quanh và đếm xem có bao nhiêu thứ đồ chơi, đồ dùng bằng nhựa, nhựa dẻo cũng như nhựa cứng?

Nhưng nếu “địch quân” có mặt ở mọi nơi, gần gũi và cần thiết với chúng ta như vậy thì làm sao mà tránh? Cụ thể một thứ thôi, nếu tránh hết mọi vật dụng bằng nhựa thì lấy gì mang cơm đi làm, lấy gì đựng nước… lấy gì nhét vào miệng em bé nếu mẹ không có nhà?

Dĩ nhiên, nếu không tính lên rừng mà ở thì các bạn không cần tránh hết. Không tránh hết thì biết lựa lọc làm sao? Làm sao biết “tội đâu mà tránh, phúc đâu mà lường?” Các thầy cô đã chỉ cách chọn lựa rồi, có nghĩa là “mẹo vặt” đã có rồi mà chúng ta chưa chịu xài đó thôi. Hẹn gặp các bạn lần sau nhé.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT