Đời Sống Việt

Sài Gòn-Việt Nam: thế hệ người cha mới

Anvi Hoàng/Viễn Đông Thursday, 31/01/2013 - 08:42:50

Vậy thì những thay đổi đang diễn ra trong thời gian gần đây trong cách đàn ông bộc lộ tình cảm cho gia đình và đặc biệt là con cái là một điều tốt đáng được nhắc đến, và đáng được suy nghĩ. Đừng coi thường (take it for granted) mà nên khuyến khích hơn nữa.

Anvi Hoàng/Viễn Đông

Đi xe ôm một chuyến, trò chuyện chưa tới hai phút, anh tài đã nhắc đến chuyện con cái. Câu chuyện diễn ra theo hướng tương tự với anh thợ hồ. Anh bán áo quần cũng thế. Rồi anh lái taxi cũng vậy. Đó là những người làm việc nhiều giờ và lịch làm việc không thoải mái. Ai cũng bảo họ muốn có nhiều thời gian chơi với con hơn. Còn những anh làm nghề văn phòng chẳng hạn, được nghỉ cuối tuần thì đó là khoảng thời gian họ vui vẻ hạnh phúc với gia đình và chơi đùa cùng con. Ngừng lại và nghĩ xem: chả lẽ đàn ông Việt Nam đã thay đổi đến mức này? Họ quan tâm, chăm sóc con cái đến vậy sao? Xin trả lời là phải.
Nhưng đừng vội cho rằng: “Thì cũng bình thường, tự nhiên thôi!”. Rằng: “Người ta sống phải thay đổi chớ!”. Rằng: “Thời thế thay đổi, đã đến lúc đàn ông thay đổi”. Trên đời này không có chuyện gì là bình thường, tự nhiên cả. Chuyện gì cũng phải có người làm trước, rồi mới có người theo. Đó là chưa kể một vấn đề quan trọng mà có thể người ta ít nghĩ tới. Đó là: lịch sử Việt Nam bốn, năm ngàn năm, trong khoảng thời gian dài hiu hắt đó, dấu tích về cách cư xử, cách sống, cách suy nghĩ, rồi về hình ảnh người cha trong văn chương, nghệ thuật, báo chí, v.v., và trong tâm thức người Việt Nam đã thay đổi bao nhiêu? Câu trả lời là: rất ít ỏi. Vậy thì những thay đổi đang diễn ra trong thời gian gần đây trong cách đàn ông bộc lộ tình cảm cho gia đình và đặc biệt là con cái là một điều tốt đáng được nhắc đến, và đáng được suy nghĩ. Đừng coi thường (take it for granted) mà nên khuyến khích hơn nữa.


Ảnh: Khải Nguyễn cung cấp



Nghiêm khắc và lạnh lùng mấy ngàn năm
Cho đến tận cuối thế kỷ 20, do hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội, và do bản tính tự nhiên của đàn ông, chúng ta thường tìm thấy và rất quen thuộc với hình ảnh người cha Việt Nam như những người rất nghiêm khắc, lạnh lùng, không gần gũi và không biết hy sinh cho con cái. Như thế không có nghĩa rằng từ trước tới giờ không có người cha Việt Nam nào gần gũi, hoặc hy sinh cho con. Có chứ, nhưng khó lắm mới có Võ Hồng với tùy bút “Một bông hồng cho cha”. Hoặc khi nói về hình ảnh người cha trong văn chương Việt Nam, Đoàn Thạch Biền có nhắc đến nhà thơ Nguyễn Duy, Nguyễn Thái Dương, Thanh Nguyên như là một số ít người có viết về cha. Vậy thì chúng ta chỉ có thể tìm thấy những trường hợp đặc biệt khi một số nhà văn viết về cha, chứ những chuyện như thế không phải là phổ biến và phổ thông.
Trong khi đó trong văn học cổ, văn học dân gian, văn học lãng mạng thời kỳ Tự Lực Văn Đoàn, mỏi mắt không tìm được hình ảnh tích cực về người cha. Trong câu chuyện chèo lâu đời - nơi tâm thức dân gian thể hiện rất rõ - "Quan Âm Thị Kính", Phú Ông, Mãng Ông là hai ông bố say xỉn, vô tích sự; Sùng Ông thì thương con đấy, nhưng yếu đuối không bảo vệ được con cho nên Thị Kính phải bỏ nhà đi tu. Trong “Đoạn tuyệt” của Nhất Linh, ông Hai cha của Loan, hầu như là người vô hình. Mà có nói gì thì ngoài thái độ nghiêm nghị, cổ lổ sỉ kiểu phong kiến ra, không bộc lộ thứ tình cảm nào khác.
Đó là nói chuyện hình ảnh người cha Việt Nam thời xưa. Nhưng tất cả đã là quá khứ rồi.

Thời buổi “cha chăm con như chăm trứng”
Gần đây, khi nói chuyện với các ông bố trẻ, cứ hỏi đến chuyện gia đình là họ lại nhắc đến con cái. Mặt họ sáng rỡ hẳn lên khi kể chuyện về con. Anh T. khoe rằng mấy người bạn bảo anh là người chăm con gái số một. Anh D. thì mỗi lần nhắc đến con trai là y như rằng anh mỉm cười nhe răng, rồi vừa cười vừa kể chuyện của con. Hỏi chuyện công việc thì rồi họ cũng lại nhắc đến vấn đề cảm thấy công việc bận rộn và như thế không đủ thời gian chơi với con. Hầu như ông bố nào được hỏi cũng nói ưu tiên số một của ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật là gia đình, cụ thể là con cái.
Đã biết rằng ngày nay, những câu chuyện về sự hy sinh của cha cho con đầy dẫy trên báo chí. Ví dụ chuyện anh Nguyễn Tấn Nghĩa bảy năm cõng con gái là Nguyễn Phương Linh đi học. Các bài viết về cha hưởng ứng cuộc thì viết về cha mẹ đăng trên báo các loại cũng đã làm động lòng không biết bao nhiêu người. Đến nỗi nói về gương hy sinh của cha cho con hoặc tình cảm cha con, người ta hầu như ai cũng có một vài mẩu chuyện bỏ túi để kể.
Nhưng sự thay đổi trong cách thể hiện tình cảm của người cha Việt Nam ngày nay không chỉ xuất hiện trong văn, thơ và nằm trên trang giấy hoặc trang mạng. Nó đã phát triển đủ rộng và sâu đến mức những câu chuyện về con trở thành đề tài nói chuyện hàng ngày của các ông bố trẻ. Hiện tượng đó có lẽ là dần trở nên phổ biến trong khoảng mười mấy năm thôi. Sự thay đổi này là nhanh và hay. Điều này cũng có nghĩa là hình ảnh người cha trong tâm thức người Việt Nam đã (và đang tiếp tục) thay đổi và trở nên tích cực rồi. Qua hình ảnh những ông bố trẻ vui vẻ và gần gũi với con, người ta bắt đầu quên dần những người cha nghiêm nghị và xa cách ngày xưa. Lớp trẻ con bây giờ sau này lớn lên chắc sẽ có nhiều chuyện hay về người cha của chúng để kể và để viết. Đừng coi thường. Ai dự đoán được tiếp theo sẽ là gì đây?


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT