Đời Sống Việt

Sài Gòn-Việt Nam: Mỏ vàng nghiên cứu

Anvi Hoàng/Viễn Đông Wednesday, 02/01/2013 - 08:20:43

Một sự sống – tươi roi rói – mở ra, trải ra trước họ. Người ta nhận hay đẩy nó ra là chuyện của mỗi người.

Anvi Hoàng/Viễn Đông

(Tặng các bạn mình ở Việt Nam)



Đối với người Việt Nam có cơ hội sống ở ngoại quốc, đã hội nhập vào cuộc sống mới, hiểu và cảm nhận được một nền văn hóa khác, cách họ “nhìn lại” Việt Nam hay lắm cơ. Một điều vô cùng thú vị trong kinh nghiệm mới này của họ xảy ra khi họ về thăm quê hương và nhìn ngắm nó với thêm một “cặp mắt mới” – như tôi đã có dịp làm vào tháng 12 năm 2012.

Chuyển động, v.v...
Chưa bước ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, người ra đã có thể cảm nhận được luồng “năng lượng” dồi dào ở Việt Nam, bởi vì trên đường đi ra cửa, từ xa đã thấy một đám đông, người ta đi đưa tiễn hoặc đang chờ đón người nhà, đứng bên ngoài tấm rào chắn. Sự sắp xếp không mấy đẹp của các tấm rào (vô ý thức hoặc có ý thức?) đã tạo ra sự dồn tụ của người và tiếng động và nhiều chuyển động với tần số rất cao có khả năng đánh thức người đang ngủ – cho dù là ngủ thật hay là đầu óc buồn ngủ vì một chuyến bay dài. Nhưng họ bị đánh thức bởi một luồng năng lượng mạnh.


Sự sống tươi roi rói

Chưa xong đâu, vừa bước ra khỏi cửa sân bay, có nghĩa là lúc máy lạnh không còn, ngoài biển người trước mặt, sự chuyển động của họ, tiếng người nói ầm ì, người ta như bị “thộp” bởi luồng khí nóng nhiệt đới bất ngờ, tiếng xe cộ tưởng như điếc tai, xe taxi khắp nơi không biết tìm hướng nào, rồi người ta bắt đầu cảm thấy sự ẩm ướt trong không khí đã thấm vào người, cái nóng nực rít rát bắt đầu. Có thể nói, đến lúc này, cảm giác như là sáu giác quan của con người ta đều được mở tung. Một sự sống – tươi roi rói – mở ra, trải ra trước họ. Người ta nhận hay đẩy nó ra là chuyện của mỗi người.
Nếu là người Việt Nam thì đã quen với cảnh đông đúc, vài người ở sân bay như thế có là gì. Tuy nhiên, đối với người Mỹ hoặc Mỹ gốc Việt nói riêng, hoặc người Châu Âu nói chung, đặc biệt là những người sống ở thành phố nhỏ và yên tĩnh, đã quen với cuộc sống ngăn nắp, yên ổn, cái sự sống tươi roi rói kiểu này là một hiện tượng đầy kinh ngạc. Những người Việt Nam đầu tiên họ gặp tại sân bay không mang bộ mặt ngơ ngơ, không cảm giác mà là những khuôn mặt đầy cảm xúc – hồi hộp, chờ đợi, vui tươi, buồn bã, hớn hở, v.v... Ngay cả cử chỉ của họ cũng khác người Mỹ người Âu hoàn toàn và mang những ý nghĩa cần được giải thích. Đối với một người có tâm hồn và đầu óc cởi mở, “cảnh sống sân bay” này là dấu hiệu đầu tiên để họ ngẫm nghĩ và điều chỉnh cách suy nghĩ của họ, hành vi, cách cư xử của họ để có thể hiểu thêm và hiểu đúng về đất nước và con người Việt Nam trong các cuộc tiếp xúc sắp xảy ra.

Mỏ vàng
Nhiều người cho rằng “cảnh sống sân bay” ở trên là biểu hiện của sự thiếu ý thức, của sự “loạn”, của một đất nước lạc hậu, đang phát triển. Có phần đúng chứ không sai. Nhưng chính vì cái sự sống tươi roi rói đó mà nhiều người mê Việt Nam. Hãy tưởng tượng bạn đến một nơi mà mọi thứ đều ngăn nắp, trật tự, đâu ra đó, không có “loạn” để dẹp, không cần sắp xếp lại cái gì, không có vấn đề để giải quyết, không có nhiều cảm xúc. Vậy thì người ta nghiên cứu cái gì nữa đây? Tất nhiên ở những nơi đó người ta nghiên cứu những chuyện khác, và các nhà nghiên cứu thường xuyên phải “đấu tranh” để giành lấy một “rẻo đất nghiên cứu" nhỏ nhoi cho riêng mình – ví dụ cho dễ hiểu là người ta có thể trở thành chuyên gia về “lịch sử văn hóa Mỹ của năm 1968”. Chỉ nhiêu đó thôi và cứ thế mà đào. Nhưng tôi không nói đến chuyện này.
Điều tôi muốn nói là khi trước mắt người ta lúc nào cũng có sẵn và đầy ắp một sự sống tươi roi rói như thế – tươi như mật ong chảy ra từ tổ, như màu đỏ chót của các hạt lựu lung linh dưới ánh nắng, như máu tươi của con cá nằm trên thớt – sự sống này là một môi trường phong phú để người ta lấy cảm hứng sáng tạo, để thử sắp xếp lại, để áp dụng lý thuyết này lý thuyết kia, để thay đổi mình và môi trường xung quanh; thì, người ta cảm thấy vô cùng phấn khích, thì người ta có rất nhiều việc để làm, rất nhiều ý tưởng và đề tài để nghiên cứu và sáng tác. Có đúng là mỏ vàng cho người sáng tác, nghiên cứu hay không!
Ấy thế mà, có lẽ chưa ai nói đến chuyện này. Chỉ biết rằng người nghiên cứu nước ngoài cứ nhìn Việt Nam như là một nước đang phát triển. Định nghĩa về một “nước đang phát triển" thì có thể xem là “vô tư” đi (nếu đừng nghĩ quá sâu), nhưng cảm nhận văn hóa của người nước ngoài khi nghe ba tiếng “đang phát triển" là hoàn toàn tiêu cực, một cái nhìn xuống của kẻ bề trên. Ối chà, thì ra người có tiền có quyền có khác - tiếng nói của họ lúc nào cũng là có lý! Họ xếp Việt Nam vào danh sách các nước đang phát triển, thế là mọi người cứ thế răm rắp nghe theo, cho rằng Việt Nam là nước chỉ biết “nhận”. Còn những gì hay ho mà “nước đang phát triển” này có, mà họ dùng được thì họ cứ tự nhiên “xài”, không cần lên tiếng ca ngợi gì dài dòng – ví dụ họ tự do nghiên cứu và lấy cảm hứng từ Việt Nam. Ngay cả những người nghiên cứu nhắc đến những chuyện tốt ở Việt Nam cũng không nhất thiết xuất phát từ cái nhìn bình đẳng và nhân bản.
Không phải tôi phản đối chuyện Việt Nam là nước đang phát triển và có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng nên nhớ rằng Việt Nam cũng có rất nhiều thứ để “cho” (offer) thế giới. Người nghiên cứu không nên quên điều này, người Việt Nam càng không thể quên! Người ta tốt với mình thì mình biết, mà người ta bóc lột mình, mình càng phải biết!
Tôi gọi kinh nghiệm trên là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”!

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT