Sức Khỏe

Rối loạn tiêu hóa và cách phòng ngừa

Friday, 24/06/2022 - 01:51:41

Mùa hè thời tiết nắng nóng là thời điểm chúng ta dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, điển hình là...


Bài BĂNG HUYỀN


Mùa hè thời tiết nắng nóng là thời điểm chúng ta dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, điển hình là rối loạn tiêu hóa. Bệnh gây ra nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Nhằm giúp quý vị trong cộng đồng hiểu rõ về bệnh rối loạn tiêu hóa, bác sĩ Thùy-Anh Nguyễn, thuộc trung tâm Southland Integrated Services, Inc. đã có buổi trò chuyện cùng phóng viên báo Viễn Đông về nguyên nhân, các triệu chứng, cách điều trị, cách phòng ngừa rối loạn tiêu hóa.


Rối loạn tiêu hóa là gì và các triệu chứng


Tiêu hóa là quá trình chuyển đổi thức ăn thành những chất có thể hấp thu qua ống tiêu hóa đưa vào máu để nuôi cơ thể. Đường tiêu hóa bao gồm miệng, dạ dày và ruột. Cùng với gan, túi mật và tuyến tụy, các cơ quan này làm việc cùng nhau để hấp thụ chất dinh dưỡng và đào thải chất thải ra ngoài. Nếu quá trình này bị xáo trộn sẽ gây ra một loạt các triệu chứng về tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa.


Bác sĩ Thùy Anh cho biết triệu chứng thường thấy nhất của bệnh lý này là đau bụng và thay đổi thói quen đại tiện. Đây là một bệnh lý phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Rối loạn tiêu hóa là hậu quả của nhiều bệnh khác gây ra. Rối loạn tiêu hóa cũng có trường hợp không phải do bệnh lý mà từ lối sống, cách ăn uống...


Các rối loạn tiêu hóa phổ biến như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét đại tràng, hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – viết tắt IBS)…


Theo bác sĩ Thùy Anh, rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là ở trẻ em, người già, người có bệnh về đường tiêu hóa, phụ nữ mang thai. Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp như đầy bụng, táo bón, tiêu chảy, ợ chua, ợ nóng, đau, buồn nôn và nôn, đi ngoài ra máu...


Đau bụng là một trong những triệu chứng đầu tiên khi hệ tiêu hóa bị rối loạn. Ngoài ra triệu chứng người bị rối loạn tiêu hóa có thể gặp tình trạng tiêu chảy nhiều lần trong ngày (có thể từ 3 lần trở lên) hoặc táo bón (dưới 3 lần mỗi tuần). Một số người có thể gặp tình trạng vừa tiêu chảy vừa táo bón.


Người bị rối loạn tiêu hóa còn bị đầy hơi, luôn cảm thấy khó chịu vùng bụng, ăn không ngon miệng, hoặc có thể bị nôn mửa, có cảm giác muốn nôn hoặc nôn nhưng không nôn được. Thường xuyên có cảm giác ăn uống không ngon miệng, chán ăn, nhanh no...


Nguyên nhân


Bác sĩ Thùy Anh cho biết nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa có thể xuất phát từ bệnh lý hoặc do cách ăn uống của người bệnh. Ví dụ như ăn thức ăn thiu hoặc thức ăn không được chế biến sạch sẽ, thức ăn bị nhiễm khuẩn cũng khiến người bệnh bị đau bụng, tiêu chảy... Hoặc do người bệnh thích ăn uống cay, nóng, chua, ăn những thức ăn chế biến sẵn, có nhiều dầu mỡ... cũng làm cho hệ tiêu hóa bị rối loạn.




Bác sĩ Thùy Anh nhấn mạnh, “Đặc biệt là stress kéo dài,có thể khiến hệ thần kinh trung ương (nơi kiểm soát quá trình tiêu hóa) bị rối loạn ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa. Những người thường xuyên bị căng thẳng thì hệ tiêu hóa không hoạt động tốt. Những người bị rối loạn tiêu hóa còn do thói quen thích uống rượu bia.Sau khi uống rượu bia, nhiều người thường gặp triệu chứng như tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu, đau bụng.... Rượu bia là thức uống gây hại cho gan, hệ tiêu hóa, làm chết các hệ vi sinh vật có lợi trong đường ruột, khiến đường ruột mất cân bằng. Nếu uống rượu bia quá nhiều có thể khiến tổn thương niêm mạc ruột, lâu ngày có thể dẫn đến hội chứng ruột kích thích, viêm loét đại tràng...”


Hội chứng ruột kích thích IBS


Riêng về hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – viết tắt IBS) là rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất, thường xuyên tái phát và gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người bệnh.


Bác sĩ Thùy Anh giải thích, “Hội chứng ruột kích thích IBS gây ra những cơn đau quặn bụng, co thắt mạnh, tiêu chảy, hoặc táo bón, đầy hơi... ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc của bệnh nhân. Hội chứng ruột kích thích IBS không gây tử vong, nhưng rất dễ tái đi tái lại nhiều lần, gần như không có khả năng điều trị khỏi hẳn. Việc điều trị bệnh chủ yếu làm giảm triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, táo bón,... giúp cho người bệnh dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân nên điều chỉnh ăn uống lành mạnh hơn, giảm ăn những thức ăn cơ thể không dung nạp, nên tập thể dục để tăng cường sức khỏe và tránh căng thẳng thần kinh để giảm nhẹ triệu chứng của bệnh.”


Bác sĩ Thùy Anh nói, “Để giảm những triệu chứng của IBS, Thùy Anh luôn khuyên các bệnh nhân của mình hãy ăn uống kỹ hơn. Hầu như ai cũng thích ăn ngon nhưng tương lai sẽ dẫn đến đường cao, mỡ cao, sẽ chuyển qua gan. Thùy Anh luôn khuyên các bệnh nhân nếu thích ăn ngon, thì cứ ăn, nhưng hãy ăn vừa đủ. Đừng để quá mức. Nếu hôm đó thấy món đó quá ngon, thèm quá cứ ăn cho đã, nhưng cả tuần đó phải kiêng món đó. Không nên ăn thêm nữa. Để nó quân bình lại. Chứ không nên ăn đều đặn nhiều ngày.  Đừng nên để “sướng cái miệng, rồi hại cái thân”!. Vì sẽ ảnh hưởng đến cơ thể của mình nhiều lắm. Qúy vị có thể giảm bớt những thức ăn có thể gây ra các triệu chứng IBS gồm những thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn cay, bột ngọt, các loại thức ăn sinh hơi như đậu, broccoli, Brussels sprouts, bắp cải, lúa mì, thịt đỏ, trứng. Rượu, bia, chất caffeine. Nên ăn nhiều loại thức ăn khác nhau đủ các chất dinh dưỡng phù hợp cơ thể quý vị cần.”


Bác sĩ Thùy Anh khuyên, “Ngoài việc ăn uống lành mạnh, uống nước, tập thể dục. Quý vị hãy ngủ đủ giấc. Nếu cảm giác cơ thể có gì lạ, hãy đến gặp bác sĩ gia đình. Thùy Anh biết trong 2 năm qua, vì đại dịch Covid- 19 đã làm cho chúng ta có quá nhiều căng thẳng. Nay thì lạm phát tăng, giá cả mọi thứ đều cao… cũng khiến chúng ta căng thẳng hơn.  Những quý vị nào bị rối loạn tiêu hóa nói chung hay bị IBS nói riêng, cần tránh không nên quá căng thẳng, lo lắng. Nếu cần thì nên gặp bác sĩ tâm lý để trò chuyện, giúp giảm bớt căng thẳng. Vì căng thẳng quá sẽ làm cho rối loạn tiêu hóa nặng hơn. Qúy vị khi bị rối loạn tiêu hóa không nên chủ quan với triệu chứng rối loạn tiêu hóa ban đầu. Càng không nên tự chữa. Khi cơ thể xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, đi ngoài hoặc táo bón, người bệnh thường không đi gặp bác sĩ để khám mà chỉ sử dụng những mẹo dân gian hoặc mua những thuốc không cần toa để tự chữa. Đây là điều không nên. Thời gian qua, vì dịch Covid nên nhiều người ít chịu gặp bác sĩ gia đình. Quý vị nên gặp bác sĩ gia đình để khám định kỳ, thử máu để có đủ chi tiết bệnh nhân bị bệnh gì…”


Bác sĩ Thùy Anh khẳng định, bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích IBS nếu cứ tái đi tái lại hoài sẽ dễ có những biến chứng nguy hiểm như trĩ, viêm đại tràng mãn tính  hoặc ung thư đại trực tràng. Ung thư đại trực tràng là loại ung thư có nguồn gốc từ đại tràng (phần chính của ruột già) hoặc trực tràng (đoạn nối giữa đại tràng và hậu môn). Đây là loại ung thư phổ biến thứ ba được chẩn đoán có ở cả nam và nữ.

Bác sĩ Thùy Anh cho biết, “Thường thì quý vị 50 tuổi bác sĩ gia đình mới xin phép cho quý vị đi soi ruột, nhưng nếu trong gia đình có người thân từng bị ung thư ruột già, thì sẽ phải truy tầm ung thư sớm hơn, chứ không đợi đến 50 tuổi. Vì có di truyền. Thùy Anh luôn khuyên các bệnh nhân của mình nên đi gặp bác sĩ gia đình khi có những triệu chứng rối loạn tiêu hóa, hãy cho bác sĩ biết những triệu chứng của mình. Nếu thấy bệnh cứ tái đi tái lại, Thùy Anh sẽ đề nghị người bệnh đi nội soi ruột già để xem có bị sưng đường tiêu hóa hay không. Vì nếu các triệu chứng cứ lặp đi lặp lại, đã chữa trị nhiều cách vẫn không hết, mà nó còn nặng hơn, lâu dài sẽ dễ dẫn đến ung thư. Thùy Anh luôn dựa theo triệu chứng để chữa trị chứ không nhìn theo độ tuổi của bệnh nhân. Thấy họ còn trẻ vẫn cho họ đi nội soi ruột già, nếu các triệu chứng vẫn không hết, tái đi tái lại. Không phải ai bị rối loạn tiêu hóa cũng sẽ dẫn đến ung thư. Nhưng nếu bệnh kéo dài thì Thùy Anh luôn giới thiệu họ gặp bác sĩ chuyên khoa và xin phép soi ruột để truy tầm ung thư.”

Mong là những chia sẻ của bác sĩ Thùy Anh trong bài viết này giúp quý độc giả của Viễn Đông hiểu rõ hơn về rối loạn tiêu hóa và biết cách phòng ngừa, giữ gìn sức khỏe được tốt hơn.

Southland Integrated Services, Inc. là trung tâm cung cấp các dịch vụ y tế toàn diện, thường tổ chức nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí phục vụ cộng đồng, đặc biệt cho người cao niên.

Địa chỉ của Southland Integrated Services, Inc. 9862 Chapman Ave, Garden Grove, CA 92841. Qúy vị cần trợ giúp từ trung tâm Southland, xin liên lạc 714.620.7001. Hoặc liên lạc cô Ngọc Khanh 714.724.2534.

(B.H)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT