Người Việt Khắp Nơi

Ra mắt tác phẩm Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn

Wednesday, 01/10/2014 - 09:26:51

Trong buổi ra mắt tác phẩm trên có sự hiện diện của nhiều vị trong giới y khoa, một số giáo sư, đại diện các hội đoàn cũng như các cựu quân nhân QL/VNCH trong đó có sĩ quan cấp Tá, cấp Tướng, một số đông thân hữu trong văn giới và đông đảo các cơ quan truyền thông.

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Trong cuộc chiến Việt Nam, ngoài những chiến sĩ can trường của QL/VNCH, giới y sĩ cũng đóng góp rất nhiều xương máu để bảo vệ sự tự do, an bình cho người dân miền Nam, nhất là săn sóc, cứu chữa các quân nhân bị thương, kể cả những bộ đội Việt cộng. Ngoài ra, giới y sĩ cũng dành thì giờ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ở những vùng xa xôi hẻo lánh.

Phu nhân bác sĩ Nguyễn Duy Cung dìu chồng ra tâm tình với thân hữu. (Thanh Phong/Viễn Đông)



Tất cả những hy sinh gian khổ của người quân y sĩ trong cuộc chiến đã được bác sĩ Nguyễn Duy Cung viết thành sách mang tựa đề “Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn” và ra mắt tại Thư Viện Việt Nam ở Garden Grove vào Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014 vừa qua.
Trong buổi ra mắt tác phẩm trên có sự hiện diện của nhiều vị trong giới y khoa, một số giáo sư, đại diện các hội đoàn cũng như các cựu quân nhân QL/VNCH trong đó có sĩ quan cấp Tá, cấp Tướng, một số đông thân hữu trong văn giới và đông đảo các cơ quan truyền thông.
Sau nghi thức khai mạc, bác sĩ, võ sư Phạm Gia Cổn, đại diện ban tổ chức phát biểu, “Cuộc chiến đã qua, súng đạn cũng đã qua nhưng chúng tôi quan niệm rằng cuộc chiến chưa có chấm dứt. Mình chỉ chấm dứt khi nào người dân Việt Nam được hưởng cái quyền con người, tự do, dân chủ thì lúc đó mới chấm dứt!
“Và cuộc chiến bây giờ nó sẽ khác với ngày xưa, chúng tôi xin thưa, thứ nhất là chúng tôi vẫn ngồi với nhau để cải tiến cái khả năng chuyên môn cũng như thu thập những tài liệu về cuộc chiến VN để phổ biến để liên kết anh em với nhau và thứ hai, để cho những thế hệ mai sau tiếp theo họ hiểu được cuộc chiến Việt Nam.
“Khi nói về hồi ký thì nhiều người viết hồi ký lắm, nhà báo viết, nhà văn viết, chính khách viết, quân nhân, tướng viết, và mỗi người viết theo một cái nhìn của họ, và bây giờ quân y viết. Quân Y có lẽ là người sống gần với cuộc chiến nhất và rất là trung thực trong cái cảm nghĩ của một người y sĩ là Quân Y Quên Mình Cứu Người, và hôm nay chúng tôi thay mặt ban tổ chức để ra mắt, giới thiệu với quý vị tác phẩm Đời Y Sĩ Trong Cuộc Chiến Tương Tàn của bác sĩ Nguyễn Duy Cung.
“Người y sĩ sống gần với cuộc chiến, thứ nhất, họ là một quân nhân, họ phải sống cho ra cái tinh thần danh dự, trách nhiệm của người quân nhân, và bên cạnh đó, họ là người y sĩ đóng góp để cứu chữa những thương bệnh binh, không những của phe ta, và ngay cả những thương bệnh binh của phe địch. Trong những lúc chúng tôi phải làm công việc đó, ngoài ra chúng tôi còn đóng góp để làm những công việc dân sự vụ để chữa bệnh cho những người dân nghèo ở những nơi mà có thể nói cả đời chưa nhìn thấy một người bác sĩ như thế nào, và cái cảm nghĩ về cuộc chiến, mỗi người nhìn vào một khía cạnh, chúng tôi chỉ đóng góp một khía cạnh của một người y sĩ, để khi nhìn vào cuộc chiến người ta mới cảm thấy được góc độ của mỗi người, cái đó hôm nay chúng tôi cám ơn bác sĩ Cung đã nói lên giúp chúng tôi những sự đóng góp của người y sĩ trong cuộc chiến như thế nào.”
Sau đó, bác sĩ Phạm Gia Cổn giới thiệu bác sĩ Nguyễn Duy Cung, đàn anh của ông, tốt nghiệp Y Khoa Bác Sĩ năm 1960 tại Saigon, được Hội Đồng Y Khoa chấm hạng Tối Ưu trong luận án Tiến Sĩ năm 1964 và là Quân Y Hiện Dịch khóa 7/1960 phục vụ tại Sư Đoàn 22 Bộ Binh,đơn vị đầu tiên trong ngành Quân Y Sĩ.
Sau nhiều năm lặn lội trong các chiến trường và với tuổi đời đã cao, ông may mắn có được người vợ trẻ dìu bước lên trước mặt mọi người. Hiền thê của bác sĩ Cung, bà Minh Xuân, đứng bên cạnh, cầm tờ giấy đọc mấy lời ngắn gọn, “Hôm nay là buổi ra mắt cuốn hồi ký của anh Cung. Qua tập hồi ký với nhiều tâm tư và tình cảm, anh Cung đã ghi lại trong những mẩu chuyện xuyên suốt cuộc đời của anh. Mong quý anh, quý chị nhận lấy như lời tâm sự của một người bạn hiền.
“Hôm nay anh có mặt ở đây nhưng không còn năng động như những ngày làm với anh em trong công việc chung, anh nói với tôi rằng anh rất vui mừng khi có dịp gặp lại rất nhiều các anh, các chị, các bạn hữu. Anh nói, tâm hồn anh rất thanh thản và hạnh phúc khi thấy xung quanh anh có gia đình và bạn bè thương mến như hôm nay. Tôi xin chuyển lại cảm xúc của anh Cung như một lời cám ơn chân thành của gia đình chúng tôi đến các anh, các chị.”
Giáo sư Trần Ngọc Ninh, diễn giả đầu tiên được hai MC Quỳnh Châu và Ngô Thế Khanh mời lên phát biểu, nói, “Thật là một điều rất là hân hạnh và vui mừng cho tôi khi tôi nhận được từ tay anh Nguyễn Duy Cung cuốn sách này. Không những là vì thấy rằng ở trong y khoa vẫn còn có những người nghĩ đến văn hóa, văn chương. Đó là cái phần quan trọng của con người. Nhưng là vì thấy rằng, anh Cung , một trong những người đồng nghiệp và đồng sự với chúng tôi của Trường Y Khoa đã để lại một quyển sách để nói về cuộc đời tiêu biểu của một người đã làm bác sĩ và bác sĩ quân y trong một thời đại loạn của lịch sử Việt Nam.Tôi mong rằng con cháu chúng ta khi đọc cuốn sách này sẽ thấy cái khổ của một người quân y sĩ, và càng khổ bao nhiêu càng vinh dự bấy nhiêu.”
Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, diễn giả thứ hai, lên nói về cảm tưởng của mình, ông nói, “Đặc biệt trong cuốn sách này, tâm tình của bác sĩ Nguyễn Duy Cung được thể hiện một cách rất hấp dẫn qua lời văn mộc mạc, chân thành khiến người đọc say mê và cảm phục sự hy sinh can trường, tinh thần bác ái vô song đối với đồng bào Thượng của bác sĩ Cung.”
Sau đó, bác sĩ Cổn giới thiệu phu nhân của bác sĩ Nguyễn Duy Cung đàn piano nhạc phẩm “The Maden's Prayer” của nhạc sĩ Badarveska.
Tiếp theo, bà Minh Xuân, bác sĩ Cổn hòa tấu Piano, Saxo và Violin bản “Riêng Một Góc Trời” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, được mọi người nồng nhiệt tán thưởng. Hai diễn giả khác là Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết và bác sĩ Vĩnh Chánh được mời lên phát biểu. TS Mai Thanh Truyết cho biết đã đọc và đọc say mê cuốn sách của bác sĩ Cung và ông “rất cảm phục và đồng cảm với bác sĩ Cung trong những giây phút cuối cùng của cuộc chiến. Trong lúc nhiều đồng nghiệp khác và cộng sự viên đều bỏ đi tìm đường di tản, anh Cung vẫn tiếp tục mổ xẻ, băng bó các vết thương của những người chiến binh Việt Nam trong nhà thương Nguyễn Văn Học. Xin nói, đây là một việc làm hiếm hoi của một người bác sĩ thời hiện tại mà ở xã hội đầy ác tính này, chúng ta ít thấy được tinh thần phục vụ của một lương y thể hiện đúng theo lời thề Hyppocrates trước khi ra trường. Anh Cung đúng là một người lính VNCH nhân bản.”
Bác sĩ Vĩnh Chánh cũng không tiếc lời ca ngợi đồng nghiệp của mình khi viết lên được những nỗi gian nan, nguy hiểm và tinh thần dũng cảm của một quân y sĩ VNCH.
Sau cùng phu nhân bác sĩ Cung và một số khách tham dự biểu diễn piano và violin. Nha sĩ Lý Văn Quý chiếu một phim ngắn “Ride The Thunder” nói về một trận chiến của Tiểu Đoàn 3 TQLC/VNCH và giây phút cuối cùng khi xe tăng cộng sản Bắc Việt tiến vào Dinh Độc Lập. Phần còn lại là chương trình văn nghệ với những nhạc phẩm như Gởi Đến Anh, Thương Nhau Ngày Mưa, Tombe La Neige, Xuân Yêu Thương và Reflection of My Life do các ca sĩ Minh Tâm, Quỳnh Châu, Yến Sơn và Thái Thạnh trình bày.
Muốn mua sách (20$/quyển) xin liên lạc với bác sĩ Cung qua email: cungduynguyen@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT