Người Việt Khắp Nơi

Ra mắt “Phóng Viên Chiến Trường – Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển”

Wednesday, 20/07/2016 - 10:57:12

Sau bà Yến Tuyết, nữ tài tử Kiều Chinh, , nhạc sĩ Nam Lộc, bà Bùi Bích Hà, nhà văn Trần Phong Vũ thay phiên nhau lên nói về tập hồi ký và hai tác giả. Nữ tài tử Kiều Chinh cho rằng, hồi ký này cần phải được dựng thành một cuốn phim dài, một cuốn phim vĩ đại do chính người trong cuộc nói lên nỗi kinh hoàng của chiến tranh và ngục tù cộng sản mà không một phóng viên ngoại quốc nào có thể dàn dựng trung thực được.

Bài THANH PHONG

Hai phóng viên chiến trường Dương Phục và Vũ Thanh Thủy trong ngày ra mắt hồi ký (Thanh Phong/Viễn Đông)

WESTMINTER - Hai phóng viên chiến trường Dương Phục & Vũ Thanh Thủy vừa từ Houston, Texas đến Nam California ra mắt tập Hồi Ký mang tên: Phóng Viên Chiến Trường - Tình Yêu - Ngục Tù và Vượt Biển tổ chức tại Trung Tâm Công Giáo VN vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật 17.7.2016, được đồng hương Nam California đón nhận nồng nhiệt.

Cuốn hồi ký dầy 696 trang do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành. Hình bìa do Đinh Tiến Luyện trình bày; phía trên, ảnh phóng viên Dương Phục đang làm phóng sự ngoài chiến trường, phía dưới, vợ ông, phóng viên Vũ Thanh Thủy cũng đang làm nhiệm vụ tại đài phát thanh Quân Đội trước 1975.

Nhà văn Trần Phong Vũ viết lời giới thiệu đầu tiên sau đó là nhà văn Dương Kiền, bình luận gia Nguyễn Đạt Thịnh rồi đến các ông Đinh Tiến Luyện, Nguyễn Ngọc Bảo, Lê Văn, Văn Quang, mỗi người dành cho tập Hồi Ký hai ba trang giới thiệu và không ngớt lời khen ngợi tác giả và tác phẩm.

Hội trường Trung Tâm Công Giáo đầy ắp người tham dự, trong đó có người đã từng làm việc chung với phóng viên Dương Phục, Vũ Thanh Thủy như nhà văn Huy Phương và nhiều thân hữu của hai tác giả. Sau nghi thức chào cờ, người phát biểu đầu tiên là bà Yến Tuyết, một khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng, một chuyên viên thuyết trình về các vấn đề sức khỏe, chương trình CalOptima, Medical, Medicare v.v..và hôm nay, nhiều người mới biết thêm, trước 1975, bà Yến Tuyết từng là Biên Tập Viên Tin Tức của Đài Phát Thanh Quân Đội cho đến 12 giờ trưa ngày 30.4.1975, ngày VNCH bị bức tử, và là đồng nghiệp, là bạn lâu năm của hai tác giả. Sau khi cám ơn anh Dương Phục và chị Vũ Thanh Thủy đã nói thay cho các phóng viên chiến trường, những người phóng viên được vinh danh một cách khiêm tốn vì họ là những chiến sĩ không vũ khí, cám ơn các cơ quan truyền thông đã loan báo tin buổi ra mắt sách, bà Yến Tuyết khơi lại chuyện xưa: “Khi anh Dương Phục đang có mặt tại mặt trận An Lộc, hay cùng với chị Vũ Thanh Thủy đi qua Đại Lộ Kinh Hoàng mà họ mô tả trong cuốn hồi ký, anh Dương Phục đã gửi về đài phát thnah quân đội những bản tường trình sống động, có tiếng đạn rơi gần kề hay ở phía sau lưng và biên tập viên tin tức chúng tôi thâu lời tường trình ấy qua điện thoại rồi phát lên làn sóng của đài phát thanh quân đội. Vào thời điểm đó, những phóng viên chiến trường làm cho đài phát thanh có năng khiếu tường trình tại chỗ rất hiếm, và anh Dương Phục là một trong số ít người có khả năng đó...” Sau lời phát biểu, bà Yến Tuyết mời mọi người theo dõi trên màn ảnh một đoạn video ngắn 5 phút, trích trong một phóng sự dài của Đài Truyền Hình ABC, do ký giả Stone Phillips của chương trình “20/20” đi theo chị Vũ Thanh Thủy lên con tàu Pháp về tận vịnh Thái Lan,và đoạn anh Dương Phục công tác tại trại tỵ nạn Palawan, Phi Luật Tân.

                 Th/T Hồ Đắc Huân tặng p/v Dương Phục tấm ảnh cách nay 43 năm (Thanh Phong/Viễn Đông)

Sau bà Yến Tuyết, nữ tài tử Kiều Chinh, , nhạc sĩ Nam Lộc, bà Bùi Bích Hà, nhà văn Trần Phong Vũ thay phiên nhau lên nói về tập hồi ký và hai tác giả. Nữ tài tử Kiều Chinh cho rằng, hồi ký này cần phải được dựng thành một cuốn phim dài, một cuốn phim vĩ đại do chính người trong cuộc nói lên nỗi kinh hoàng của chiến tranh và ngục tù cộng sản mà không một phóng viên ngoại quốc nào có thể dàn dựng trung thực được.

Nhạc sĩ Nam Lộc cho biết, ông rất lười đọc sách, mỗi lần cầm cuốn sách đọc được vài trang là mắt nhíu lại buồn ngủ, không đọc tiếp được. Vậy mà cuốn hồi ký của Dương Phục, Vũ Thanh Thủy dầy 700 trang, trong chuyến bay dài hơn 10 tiếng đồng hồ, ông đã đọc một lèo hết tập sách mà không hề buồn ngủ. Gấp sách lại, ông ước chi tác giả viết thêm vài ba trăm trang nữa để ông đọc. Bà Bùi Bích Hà trích nhiều đoạn trong tập hồi ký để nói về Tình Yêu của hai tác giả. Nhà văn Trần Phong Vũ, một người có con mắt sắc bén và có sự nhận định trung thực khi giới thiệu, nói: “Nội dung hồi ký là thảm cảnh chiến tranh, tù ngục và cạm bẫy trên biển Đông. Ba chủ điểm này đặt vào bối cảnh tang thương, bi đát khoảng 10 năm chót cuộc chiến tranh Quốc - Cộng trên hai bình diện tập thể - cá nhân mà gia đình nhỏ của cặp phóng viên chiến trường Dương Phục và Vũ Thanh Thủy là biểu tượng. Trong tình huống thê lương, tuyệt vọng nhất giữa đêm đen, vẫn còn le lói chút ánh sáng yêu thương – tình vợ chồng, tình ruột thịt, tình nhân loại và cao vời hơn, siêu thoát hơn là niềm tin yêu, tín thác nơi Thượng Đế. Đó là niềm tin và thái độ tín thác bất khả tư nghì, trí khôn loài người khó tìm được câu trả lời.”

Cựu Thiếu Tá Hồ Đắc Huân, một trong ba tác giả cuốn Quân Sử VNCH bất ngờ lên sân khấu trao tặng phóng viên Dương Phục tấm ảnh Dương Phục chụp chung với một bộ đội Việt Cộng khi anh tháp tùng phái đoàn quân sự bốn bên ra Hà Nội chứng kiến việc Bắc Việt trao trả tù binh Mỹ, và một tài liệu “Hà Nội 1973” phỏng vấn Thiếu Tá Phạm Huấn và Thiếu Úy Dương Phục sau chuyến ra Hà Nội quan sát vụ thả tù binh Mỹ. Tấm hình do Thiếu Tá Hồ Đắc Huân sưu tầm được, còn tài liệu ông xin được của nhà báo Phạm Phong Dinh. Phóng viên Dương Phục cám ơn Th/T Hồ Đắc Huân và cho biết, ông chỉ xin nửa tấm hình,còn nửa kia có tên bộ đội VC thì chắc ông sẽ cắt hắn ra.

Như tựa đề cuốn hồi ký, Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển , cả ba vấn đề được hai phóng viên chiến trường viết riêng rẽ từng đề mục. Người đọc sẽ say mê với từng chi tiết về cuộc đời riêng của hai người, cảm phục tinh thần chiến đấu của những người lính VNCH qua phóng sự về Mặt Trận An Lộc, Cổ Thành Quảng Trị, về Mùa Hè Đỏ Lửa và những đau khổ xót xa trên đại lộ kinh hoàng, đầy dẫy xác chết đè lên nhau và bàng hoàng, đau đớn khi chứng kiến những chiếc xe tăng cộng quân tiến vào Saigon, và toàn miền Nam sụp đổ. Rồi xúc động dâng trào khi đọc những đoạn phóng viên Vũ Thanh Thủy kể lại gian nan, khốn khó trên biển Đông, nhất là lúc hai hai ba lần bị hải tặc Thái Lan suýt làm ẩu nếu không có bé Su mới sanh bồng trên tay.

Các độc giả may mắn thoát khỏi Việt Nam trước ngày 30.4.1975 nên tìm đọc tập hồi ký này để biết tất cả diễn biến xẩy ra với người dân Saigon trong ngày đại nạn 30.4.1975. Muốn có sách xin liên lạc qua ĐT: (713) 917-0050 hay email cho: radiosaigonhouston.com hoặc liên lạc với hai tác giả tại địa chỉ: 10613 Bellaire Blvd,Suite 900,Houston, TX. 77072.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT