Người Việt Khắp Nơi

Ra mắt bộ Cổ Tích Việt Nam

Sunday, 10/12/2017 - 03:08:31

Sau khi bộ Cổ Tích hoàn thành, ông cảm thấy rất thoải mái, gánh nặng đã nhẹ hẳn đi vì mình đã làm được một việc có ích cho thế hệ mai sau.

Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE - Như Viễn Đông đã loan tin, vào trưa thứ Bảy, ngày 9 tháng 12, 2017, Thư Viện Việt Nam đã tổ chức ra mắt bộ Cổ Tích Việt Nam với sự hiện diện của tác giả, nhà văn Trần Lam Giang, dịch giả Tôn Thất Diên và người phát hành, nhà báo Du Miên.


Tác giả Trần Lam Giang (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Ngoài những nhân vật làm nên Bộ Cổ Tích Việt Nam, đến tham dự còn có khoảng 50 đồng hương, trong đó có một số vị nổi tiếng trong cộng đồng như Luật sư Đỗ Thái Nhiên, Tiến Sĩ Phạm Kim Long, ông Hoàng Đình Khuê, nhà văn Mắt Nâu (Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Miền Tây Nam Hoa Kỳ), giáo sư Song Thuận (Chủ tịch CLB Hùng Sử Việt), cựu Trung Tá Vũ Trọng Mục (Chủ Tịch Khu Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam) nhà văn Lê Tâm Anh, nhà giáo Võ Thiệu, nhà thơ Trạch Gầm, ông Bùi Đức Uyên, ông Nguyễn Địch Hà, ông Bùi Bỉnh Bân (Hội Cựu Học Sinh Bưởi – Chu Văn An), nhà báo Minh Phú và nhiều vị khác không ghi danh.

Sau nghi thức chào cờ và lời chào mừng của ông Du Miên, Giám Đốc Thư Viện Việt Nam, nhà văn Trần Lam Giang trình bày về lý do ông viết bộ truyện cổ tích và cám ơn dịch giả cũng như nhà báo Du Miên đã đồng hành cùng ông để vực dậy kho tàng truyển cổ tích Việt Nam.


Đồng hương tham dự (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Sau đó, Luật sư Đỗ Thái Nhiên phân tích về hai chữ Văn Hóa rất chi tiết và kết luận “Văn Hóa chính là cái hồn của dân tộc,” và văn hóa ấy diễn đạt như thế nào, Luật sư Đỗ Thái Nhiên đã trình bày cặn kẽ mang sức thuyết phục cao, cuối cùng ông ca ngợi tác giả Trần Lam Giang, dịch giả Tôn Thất Diên và những người cộng tác trong việc in ấn, phát hành Bộ Cổ Tích như chúng ta thấy ngày hôm nay.

Tiếp theo, ông Du Miên mời dịch giả Tôn Thất Diên lên trình bày về việc dịch bộ cổ tích tiếng Việt ra Anh ngữ. Ông Tôn Thất Diên cho biết, trong một lúc bốc đồng ông đã nhận lời của ông Du Miên dịch Bộ Cổ Tích ra Anh ngữ. Sau đó, bắt tay vào việc ông mới cảm thấy có rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Tiếng Việt mình rất phong phú nhưng tiếng Anh thì khác, ông thí dụ câu, “Cái răng cái tóc là gốc con người,” có người đọc “Cái lông cái tóc là vóc con người.” Không biết câu nào đúng. Nhưng trong tiếng Việt, lông và tóc hai chữ khác nhau, còn trong Anh ngữ, lông và tóc chỉ có một chữ “hair” nên rất khó dịch, nhất là những câu nói lái của người Việt xưa càng khó khăn hơn, nên nếu độc giả khi đọc có thấy sơ sót hay dịch chưa sát thì thông cảm và email cho ông biết để lần tái bản sau được hoàn chỉnh (email mới của dịch giả là: tondien@gmail.com).


Phát hành, nhà báo Du Miên (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Sau khi bộ Cổ Tích hoàn thành, ông cảm thấy rất thoải mái, gánh nặng đã nhẹ hẳn đi vì mình đã làm được một việc có ích cho thế hệ mai sau.

Đề cập đến ông Bùi Hiền muốn sửa đổi chữ Việt, dịch giả nói rằng, nhiều người phê bình ông ta là người muốn thay đổi hoàn toàn chữ Việt, nhưng thật ra, ông ta chỉ muốn thay đổi chữ quốc ngữ (chữ viết), còn tiếng Việt không thể thay đổi được. Nhưng dù sao, ông Bùi Hiền cũng chứng tỏ mình là một con người quá ngu dốt, vì nếu sự cải tổ của ông thành công, thì bao nhiêu sách vở của chúng ta từ trước đến nay đốt bỏ hết hay sao? Không chỉ ảnh hưởng trong nước, mà liên hệ đến các nước trên thế giới dùng chữ La tinh, họ sẽ không thể đọc và hiểu nổi tiếng Việt, còn chúng ta muốn học phải ít nhất cả chục năm.

Dịch giả cho rằng, đây là âm mưu của Trung Quốc, chúng muốn dùng hình thức này cho mọi người khó học, khó đọc để quay sang học tiếng Tàu dễ hơn. Đây quả là âm mưu hết sức thâm độc và nguy hiểm của Trung Quốc. Từ ngàn xưa, Trung Quốc rất ghét chữ quốc ngữ của chúng ta, chúng đã dùng mọi thủ đoạn để xóa bỏ chữ quốc ngữ như sắc chỉ của vua Tàu sau đây:

Để chứng minh cho điều này, Thư Viện có trích in ra cho mọi người tham dự bản Chỉ Dụ Của Minh Thành Tổ Chu Đệ: Thiêu Đốt Tất Cả Sử Sách Của Nước Ta: Có cả nguyên bản bằng tiếng Tàu và bản dịch ra tiếng Việt như sau:


Dịch giả Tôn Thất Diên (Thanh Phong/ Viễn Đông)

“Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra, hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại sách ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu: Thượng Đại Nhân, Khưu Uất Dĩ. Một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh, một chữ chớ để còn.”

Sắc chỉ bí mật, ban bố 10 điều cho quân lính tuân theo, đề ngày 8 tháng Bảy, năm Vĩnh Lạc thứ 4 (21-8-1406).

Buổi ra mắt Bộ Cổ Tích Việt Nam hoàn tất vào lúc 12 giờ và Thư Viện mời mọi người ở lại dùng tiệc thân mật với tác giả, dịch giả và ban Giám Đốc Thư Viện Việt Nam.

Đồng hương cần mua bộ Cổ Tích Việt Nam, trọng bộ $50. Ở xa gửi thêm cước phí cộng chung là $65 gửi cho Thư Viện Việt Nam ở địa chỉ: 10872 Westminster Ave, Suite 214 – 215, Garden Grove, CA 92843. Điện thoại (714) 398-3033.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT