Phóng Sự

Ra mắt "Vietnamese Stories for Language Learners"

Friday, 22/03/2019 - 06:58:42

Chiều Chủ Nhật, ngày 17 tháng 3, 2019 tuần qua, tại VietTV 24 (Thành phố Garden Grove) đã diễn ra buổi ra mắt sách “Vietnamese Stories for Language Learners” của Trần C. Trí & Trâm Lê

Từ trái qua phải MC Thụy Vy, Thúy Võ Đặng, Tiến Sĩ Trần Chấn Trí, cô Trâm Lê, Hồng Vân. (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Tiến sĩ Natalie Trần (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Bé Benjamin Trần hát Thương Ca Tiếng Việt (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Nghị Viên Sergio Contreras (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Giáo sư Quyên Di (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Audra Eagle Yun, Giám đốc Văn Khố Đông Nam Á tại Đại Học UCI. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Các em của CLB Tình Nghệ Sĩ múa Tà Áo Dài Việt Nam. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Thầy Robert Nguyễn (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Sách được phát hành tại buổi ra mắt (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Bài BĂNG HUYỀN

Chiều Chủ Nhật, ngày 17 tháng 3, 2019 tuần qua, tại VietTV 24 (Thành phố Garden Grove) đã diễn ra buổi ra mắt sách “Vietnamese Stories for Language Learners” của Trần C. Trí & Trâm Lê do nhà xuất bản Tuttle phát hành năm 2018, sách dày 224 trang, bìa bốn màu trên giấy láng. Đây là quyển sách gồm 40 truyện dân gian Việt Nam được viết dưới hình thức song ngữ Việt-Anh, trình bày song song trên hai trang sách đối diện nhau.

Phần tiếng Việt của tiến sĩ Trần C. Trí và phần tiếng Anh của Trâm Lê. Phần tiếng Việt có chú thích về văn hóa (bằng tiếng Anh), từ vựng Việt-Anh và thành ngữ thông dụng, câu hỏi thảo luận (bằng tiếng Anh). Sách có audio CD do giọng đọc truyện tiếng Việt của Vanessa Hồng Vân và phần giới thiệu truyện bằng tiếng Anh do Zachary Ngọc Nguyễn đọc.

Khi thực hiện quyển sách này, tiến sĩ Trần Chấn Trí và cô Trâm Lê hướng đến đối tượng độc giả mọi lứa tuổi, “giúp người đọc học thêm tiếng Việt, văn hóa Việt và tiếng Anh. Vì vậy, ngôn ngữ và thành ngữ trong truyện được chọn lọc kỹ để phù hợp với mục đích học tiếng Việt như một ngoại ngữ hay như ngôn ngữ di sản trong gia đình Việt Nam ở hải ngoại. Sách có thể dùng kèm với sách giáo khoa tiếng Việt trong các lớp tiếng Việt ở trung học và đại học Mỹ.”

Bốn mươi truyện dân gian Việt Nam được tiến sĩ Trần Chấn Trí chọn đưa vào quyển “Vietnamese Stories for Language Learners” gồm những truyện không quá quen thuộc, nhưng cũng không quá xa lạ với những độc giả Việt Nam, như Trương Chi, Từ Thức Về Trần, Phượng Hoàng Đất, Nợ Tình Chưa Trả, Thiếu Phụ Nam Xương, Giết Chó Khuyên Chồng, Anh Em Nhà Họ Điền, Yết Kiêu, Sự Tích con Cào Cào, Quan Âm Thị Kính, v.v.

Mỗi truyện trong quyển sách này dài khoảng 700-750 chữ, Tiến sĩ Trần Chấn Trí có giải thích trong buổi ra mắt sách, “Nhà xuất bản Tuttle yêu cầu mỗi truyện chỉ viết 700 chữ trở xuống, không được viết quá ít và không nhiều hơn 700 chữ. Phải lựa những chữ tăng độ khó lên từ từ vì đây là sách dành cho Language Learner, chứ không thuần túy đọc để thưởng thức thôi. Thành ra tôi phải mượn hai ba dị bản khác nhau của truyện dân gian, sau khi đọc xong, nhớ hết chi tiết, ngồi xuống viết theo bản của mình. Khi quên thì phải đọc lại truyện đó nữa. Tôi phải làm sao chuyện viết ra là của chung nhưng vẫn có chút của riêng mình.”

Tiến sĩ Trần Chấn Trí còn cho biết khi được nhà xuất bản đồng ý in sách, ông phải lựa những câu chuyện đưa vào sách không được trùng với những truyện dân gian Việt Nam đã được nhà xuất bản cuốn sách trước đó cũng do nhà xuất bản Tuttle thực hiện, sách có tên là Vietnamese Children's Favorite Stories của tác giả Trần Thị Minh Phước và họa sĩ Nguyễn Thị Hợp và Nguyễn Đồng. Quyển sách này cũng là những chuyện dân gian nhưng dành cho những em nhỏ tuổi hơn. Ngoài ra nhà xuất bản cũng yêu cầu tiến sĩ Trần Chấn Trí chọn những truyện dân gian ít người biết đến.

Bốn mươi câu chuyện trong quyển sách Vietnamese Stories for Language Learners với cách kể súc tích, sinh động, phù hợp với văn phong tiếng Việt và tiếng Anh để độc giả dễ đọc, dễ hiểu và dễ đối chiếu. Mỗi tác phẩm là một bài học giản dị về cuộc sống, giúp bồi dưỡng tâm hồn, rèn luyện nhân cách, tôn vinh văn hóa, truyền thống, tinh thần dân tộc, giúp các em người Mỹ gốc Việt hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn của dân tộc, hiểu được những sự tích được lưu truyền từ đời này qua đời khác nhưng vẫn còn nguyên giá trị. Qua những câu chuyện, người đọc sẽ biết được thêm nhiều sự tích thú vị về con người, sự vật, sự việc thường xuất hiện trong các áng văn thơ văn của dân tộc.

Buổi ra mắt sách đã diễn ra trong không khí ấm cúng và trang trọng, có rất đông người đến tham dự, gồm có các thành viên liên quan đến giáo dục tại Quận Cam, thầy cô giáo đang giảng dạy tại trường Đại Học UCLA, Cal State Fullerton, UCI, học khu Gadern Grove, học khu Westminster, Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California, các học giả, những nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật trong cộng đồng người Việt tại quận Cam. Chương trình được điều hợp bởi hai MCs là Thụy Vy là Phó Chủ Tịch Đối Ngoại, Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California và Tiến Sĩ Thúy Võ Đặng là Chuyên Viên Văn Khố của Trung Tâm Văn Khố Đông Nam Á và Orange County (OC & SEAA) tại đại học UC Irvine.

Buổi ra mắt sách không chỉ có phần giới thiệu các tác giả và cộng tác viên của quyển sách, phát hành sách có chữ ký các tác giả, phần diễn thuyết của các diễn giả, phần trả lời câu hỏi của các tác giả với người tham dự, mà còn có hai tiết mục văn nghệ thật dễ thương của các em thiếu nhi Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ. Hai tiết mục văn nghệ đã đem lại sự thích thú cho mọi người tham dự khi được nghe em Benjamin Trần 6 tuổi sinh ra ở Mỹ nhưng có thể giới thiệu ca khúc với nhũng lời nói non nớt, nhưng rất lễ phép và hát tiếng Việt rất rõ lời, nhịp nhàng bài ca “Thương Ca Tiếng Việt” của nhạc sĩ Đức Trí. Các em gái trong tà áo dài Việt Nam duyên dáng múa trên nền nhạc ca khúc Tà Áo Dài Việt Nam, sáng tác Cao Minh Hưng.

Trong phần đặt câu hỏi đến tác giả trong buổi ra mắt sách, tiến sĩ Trần Chấn Trí đã trả lời câu hỏi của một vị khách lý do ông viết quyển sách Vietnamese Stories for Language Learners. Ông nói, “Động lực để tôi thực hiện cuốn sách này rất riêng tư. Có những đêm lúc con trai tôi còn nhỏ, cháu đòi tôi kể chuyện. Mình là người Việt Nam, tức nhiên mình phải biết một hai truyện trong đầu. Nhưng không rõ do yếu tố tâm lý nào đó mà khi cháu hỏi, đầu tôi trống không. Không nghĩ ra được chuyện gì hết. Sau đó tôi mới nghĩ mình cần phải ngồi xuống viết cho mình một danh sách tên truyện. Khi cháu hỏi đến thì mình có cái tên để nói. Về sau lại đưa đẩy là tại sao chỉ là cái tên truyện mà không phải là cả truyện. Nên tôi đã tìm tới nhà xuất bản Tuttle, chuyên in sách của người Á Châu, những sách về ngôn ngữ văn hóa Á Châu. Tôi đề nghị với họ ý định muốn viết quyển sách truyện dân gian Việt Nam. Họ đồng ý cho tôi viết. Tôi rất cảm động là từ một chuyện riêng tư, hôm nay chúng tôi được chia sẻ sự quan tâm của quý vị trong cộng đồng. Xin trân trọng cảm ơn quý vị.”

Với câu hỏi trong 40 câu chuyện trong quyển sách, tiến sĩ Trần Chấn Trí và cô Trâm Lê thích nhất truyện nào? Tiến sĩ Trần Chấn Trí cho biết, “Một truyện mà tôi tâm đắc nhất là truyện Hai Con Chó Đá, có chi tiết hơi buồn cười, lúc mà hai vợ chồng từ giã nhau vì ông chồng bị kẹt tay vào con chó đá, ngồi đó chờ chết. Trong truyện, ông chồng mới đề nghị với bà vợ là thôi chúng ta hãy âu yếm nhau một lần nữa đi rồi chia tay. Tôi nghĩ khi viết truyện này, không chỉ để người lớn đọc mà còn để cho trẻ em đọc nữa. Đây là truyện của dân gian, không có tác giả nào, vậy tại sao mình không mạn phép sửa lại một chút. Tôi đã mạn phép sửa lại là hai người giằng qua giằng lại rồi bà vợ sút tay té sóng soài trên đất, con chó đá mắc cười nên bật cười. Chứ không phải nó thấy hai vợ chồng âu yếm như trong truyện dân gian. Khi tôi viết lại câu chuyện, tôi thấy vui vì mình cũng có đóng góp chút gì về sự đàng hoàng để các em thưởng thức không bị thắc mắc gì cả.”
Cô Trâm Lê thì dí dỏm cho biết, “Tôi thích nhất câu chuyện đứa bé gạt được ông quan để bố mẹ không trả tiền nợ nữa. Nếu quý vị muốn biết tại sao cô bé nhỏ xíu gạt được ông quan thì hãy mua quyển sách để biết.”

Nhận xét của các diễn giả

Là một trong những diễn giả có phần diễn thuyết tại buổi ra mắt sách, tiến sĩ Natalie Trần (Professor Department Chair) là Giám Đốc Trung Tâm Tài Nguyên Quốc Gia Về Ngôn Ngữ Á Châu tại Đại Học Cal State Fullerton đã dành những lời khen tặng cho Tiến sĩ Trần Chấn Trí, cô Trâm Lê và hai giọng đọc Vanessa Hồng Vân, Zachary Ngọc Nguyễn trong CD đính kèm quyển sách.

Theo tiến sĩ Natalie Trần, cuốn sách Vietnamese Stories for Language Learner là một cẩm nang cần có trong thư viện của các trường và trong tủ sách gia đình của những Việt ở hải ngoại. “Đặc biệt quyển sách này, mỗi câu chuyện ngắn sau phần cuối câu chuyện là có phần giải những từ khó. Khi các em học tiếng Việt, có những từ hay những câu nói mà các em không hiểu được thì có những mẩu ngắn phân tích rất hay, để người đọc hiểu thêm những từ khó. Phần đặc biệt thứ hai trong 40 truyện ngắn trong quyển sách này là có những câu hỏi. Cuối cùng khi các em đọc, có thể có cơ hội những cuộc đàm thoại trong lớp có tính cách chú trọng về văn hóa rất nhiều.

“Là một người làm giáo dục trong công việc hỗ trợ các chương trình tiếng Việt tại hải ngoại và các chương trình song ngữ. Là một người mẹ, và cũng là một người phụ nữ, tôi thấy những truyện trong quyển sách này như là cánh cửa để chúng ta hiểu biết thêm về ngôn ngữ, về văn hóa. Qua những câu chuyện này mình hiểu thêm về tính cách dân tộc, vai trò của người phụ nữ trong các câu chuyện. Xin ủng hộ và xin chúc mừng Thầy Trí, cô Trâm Lê, cô Vanessa Hồng Vân, trong công việc tìm những tài liệu quý báu như thế này để chúng ta có thể đóng góp vào công việc giữ gìn tiếng Việt tại hải ngoại.”

Giáo sư Quyên Di, hiện đang giảng dạy tại UCLA và Cal State University Long Beach với tính cách là giảng sư (lecturer) và giám sát viên đại học (university supervisor) cũng đã dành những lời khen cho các tác giả thực hiện quyển sách rất giá trị, “mang đến cho con em chúng ta và cho chúng ta nữa, một kho tàng vô giá về văn học Việt Nam nằm trong chương trình của văn chương truyền khẩu.”

Giáo sư Quyên Di bày tỏ mong ước, “Hôm nay có mặt ủy viên giáo dục các học khu Garden Grove, Westminster, chúng tôi mong muốn rằng quý vị hãy mang cuốn sách này vào học khu của quý vị. Tôi xin gửi vài điều đến tác giả và những người phụ trách chương trình này. Thứ nhất, về hình thức, quyển sách rất đẹp. Tuy nhiên tôi nhận thấy rằng chữ rất nhỏ. Có lẽ bởi vì muốn tiết kiệm ngân khoản cho các độc giả, mà nhà xuất bản in sách chữ nhỏ quá. Tôi gửi tới tác giả một đề nghị như thế này, tôi mong muốn lần sau khi tái bản quyển sách này, vì tôi tin chắc quyển này sẽ tái bản. Xin hãy phân biệt rõ hai loại truyện kể truyền thuyết và truyện kể dân gian. Hai phần này khác nhau.

“Trong truyền thuyết của chúng ta có tứ bất tử, bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam, đó là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, và Liễu Hạnh Công chúa. Trong quyển sách này đã có hai vị là Chữ Đồng Tử và Liễu Hạnh Công Chúa. Tôi mong rằng khi sách tái bản, sẽ có thêm hai vị nữa là Phù Đổng Thiên Vương và Tản Viên Sơn Thánh. Chân thành cảm ơn tác giả Trần Chấn Trí, dịch giả cô Trâm Lê và tất cả những ai đã thực hiện tác phẩm quá tuyệt vời như thế này.”

Cô Audra Eagle Yun, Giám đốc Văn Khố Đông Nam Á tại đại học UCI, là nơi lưu trữ có những tài liệu lịch sử để bảo tồn văn hóa lịch sử của cộng đồng người Việt, người Cambodia, Lào, người Hmong. Cô cho biết trong quá trình làm việc, cô hiểu được sự quan trọng của quyển sách Vietnamese Stories for Language Learner. Cô có hai con gốc Đại Hàn, cô cũng đang tìm phương pháp để cho hai con có thể bảo tồn tiếng Đại Hàn. Cô mong ước trong tương lai sẽ có quyển sách truyện cổ tích song ngữ Anh- Đại Hàn để hai người con của cô đọc và học tiếng Đại Hàn. Đây cũng là cách để các cộng đồng khác giữ gìn và phát huy ngôn ngữ, văn hóa của cộng đồng đó.

Thầy giáo Robert Nguyễn dạy tiếng Việt tại các trường trong cộng đồng đã dành phần diễn thuyết của mình đưa ra những lợi ích của việc gìn giữ tiếng Việt cho trẻ em gốc Việt ở hải ngoại. “Có nhiều nghiên cứu gia tìm thấy lợi ích của cách dùng truyện để dạy học sinh , hiện tượng con người được hiểu rõ nhất trong văn cảnh của một cốt truyện. Đương nhiên là nếu chúng ta kể chuyện cho con em mình bằng tiếng Việt thì các em sẽ học và hiểu được tiếng mẹ đẻ, và hiểu thêm về con người và truyền thống.

“Trong 12 năm vừa qua tôi dạy Việt ngữ ở trường trong cộng đồng, tôi có nhiều học trò sanh đẻ ở Mỹ, biết chút ít tiếng Việt do cha mẹ nói tiếng Việt thường xuyên ở nhà. Những em không rành tiếng Việt là những em thường giao tiếp với người nhà bằng tiếng Anh. Tôi đã nghe nhiều phụ huynh nói rằng họ muốn con em họ thông thạo tiếng Anh trước, rồi khi lớn lên mới học tiếng Việt. Họ sợ rằng con em họ yếu tiếng Anh sẽ học không kịp so với các bạn trong lớp. Tuy nhiên các nghiên cứu gia đã tìm hiểu về ngôn ngữ đã tuyên bố rằng con nít có thể học nhiều ngôn ngữ khác nhau cùng một lúc. Chúng ta biết rằng trong xã hội hiện nay, biết ít nhất hai ngôn ngữ thì rất dễ tìm việc làm. Biết càng nhiều ngôn ngữ thì sẽ giảm được bệnh suy giảm trí nhớ. Nói chung dựa vào kinh nghiệm dạy học của tôi, thì phụ huynh nên nói tiếng Việt với con cái ở nhà và phải kiên nhẫn với con em. Lúc nào cũng là cơ hội đầu tư tương lai cho con em mình. Và nếu chúng ta đầu tư cho con em mình thì cũng là đầu tư cho tương lai của cộng đồng Việt Nam. Người Việt Nam có câu “re già măng mọc. Sau khi thế hệ này đã đi, thế hệ sau còn nói tiếng mẹ đẻ và bảo tồn lịch sử văn hóa Việt Nam hay không. Nếu theo dõi kỹ những vấn đề đã và đang xảy ra tại Việt Nam thì việc giữ gìn ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam là một việc hết sức quan trọng. Chúng ta nên bắt đầu như thế nào? Hãy nên nói tiếng Việt ở nhà, hãy khuyến kh1ich con em mình nói tiếng Việt dù chưa thông thạo. Hãy kiên nhẫn, tránh chê bai con em mình khi con em đang học tiếng Việt. Hãy kể và đọc truyện Việt để con em hiểu thêm về văn hóa và đồng hương ở Việt Nam và ở hải ngoại.”

Đến dự buổi ra mắt sách còn có Nghị Viên Sergio Contreras của thành phố Westminster và là thành viên quản trị của Đặc Khu Vệ Sinh Midway City, ông dành lời khen tặng các tác giả thực hiện quyển sách. Ngoài ra ông còn giới thiệu chương trình của cơ quan bất vụ lợi Orange County United Way, giới thiệu những lợi ích các phụ huynh nên dành 15 phút đọc sách cho con mình nghe mỗi ngày từ khi trẻ còn sơ sinh. Nên tạo dựng khối óc trẻ thơ bằng sách vở. Cuốn sách Vietnamese Stories for Language Learner là một trong những chọn lựa rất tốt cho việc đọc sách mỗi ngày của các phụ huynh người Mỹ gốc Việt dành cho con mình, rất có ích trong việc gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt ở các cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Giới thiệu tiếng Việt và văn hóa Việt đến những cộng đồng khác ở hải ngoại.

Quý vị nào muốn lưu lại trong tủ sách gia đình quyển sách Vietnamese Stories for Language Learner, để đọc cho con nghe hoặc khuyến khích các con và chính mình đọc, xin hãy tìm mua sách trên Amazon.com, có ấn phí là $20/cuốn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT