Chuyện Nước Pháp

Quốc Hội mới: Quyền lực tối đa dành cho Tổng Thống trẻ Macron

Monday, 19/06/2017 - 11:05:27

Chính phủ Macron đại thắng, đại cường từ dinh Tổng Thống qua đến cung vàng Thủ Tướng Matignon vòng qua tòa nhà bán nguyệt vĩ đại ghế ngồi màu đỏ chói Bourbon!

Bài NGỌC DIỄM

Ngày ấy, khi vừa nghe tin ông bộ trưởng Bộ Kinh Tế trẻ măng dưới trào đương kim Tổng Thống Francois Hollande tự động lìa xa chính phủ rồi ra ứng cử thay thế, nhiều chính trị gia đã cười mỉm bảo rằng “còn khuya” ông này mới đậu. Không ngờ ông cựu bộ trưởng đã lên làm sếp nước nhà. Qua đến giai đoạn chinh phục Quốc Hội (QH), họ cũng vẫn giữ thái độ nghi ngờ kẻ cả cho rằng tân Tổng Thống sẽ bó tay đầu hàng. Ai biết được, thanh thế của ông chủ điện vàng Elysée đang lên như diều gặp gió đã chứng minh điều không tưởng lại xảy ra thêm lần nữa.

Chính phủ Macron đại thắng, đại cường từ dinh Tổng Thống qua đến cung vàng Thủ Tướng Matignon vòng qua tòa nhà bán nguyệt vĩ đại ghế ngồi màu đỏ chói Bourbon! Kết quả bầu cử lần chót các nghị viên mới toanh nhiệm kỳ 5 năm vào ngày Chủ Nhật, 18 tháng Sáu, đã khẳng định hoàn toàn vị trí chúa tể của đảng REM République En Marche.

Hôm đi bầu lần nhì ở Touquet, Tổng Thống Macron lẻ loi không có đệ nhất phu nhân theo sau. Bà đã thi hành bổn phận công dân lúc ông lên Paris chủ tọa buổi lễ tưởng niệm 18 tháng Sáu ngày có Lời Kêu Gọi cứu quốc của tướng Charles de Gaulle. Mục đích của phu nhân Brigitte là để tập trung mọi chuyện vào tổng thống hơn là trang phục của bà cho thiên hạ bàn tán.
 

Tổng Thống Macron đi bầu một mình, bỏ phiếu vào thùng ở phố Touquet sáng Chủ Nhật 18 tháng 6

Đây là buổi lễ quan trọng mà các Tổng Thống trước ông Macron đều đến có mặt. Năm ấy, đúng ngày này năm 1944, trên đài truyền thanh Anh quốc BBC tướng Charles De Gaulle lưu vong qua thủ đô Luân Đôn kêu gọi dân chúng tiếp tục chiến đấu với ông chống lại Đức quốc xã trong lực lượng quân sự tự do Pháp. Họ không công nhận đã bại trận thua bọn lính Đức đang chiếm đóng quê hương.

Qua đến Anh, De Gaulle cùng với bộ tham mưu khoảng mấy chục người đặt ra chế độ mới chống lại chính quyền Vichy của thống chế Pétain ngã theo bọn phát xít. Trong vòng 4 năm trời như thế, chính phủ lưu vong De Gaulle đã thành công trong việc dìu dắt dân chúng thủ đô chống lại Đức. Nơi phố nhỏ Mont-Valérien thuộc ngoại ô Paris (Hauts-de-Seine) chỗ làm lễ tưởng niệm, đã có hơn 1 ngàn người du kích chiến Pháp chống Đức bị chúng giết hại thẳng tay.

Tổng Thống Macron đến và đi bằng trực thăng, cận vệ quen thuộc xách cặp đen theo sau. Ông tiếp xúc với các chiến binh xuất sắc và bắt tay ủy lạo họ cùng lúc với bà Sylvie Goulard, Bộ Trưởng Bộ Quân Lực đi kèm theo kế bên.  
 

Bộ Trưởng Sylvie Goulard và Tổng Thống Macron từ trái sang phải đang bắt tay quân nhân xuất sắc.

Vào lúc 5 giờ chiều, Bộ Nội Vụ cho biết có 35% người đi bầu. Theo cơ sở thăm dò Ifop/Fidu thì số cử tri không buồn tiến bước theo chân tân tổng thống nữa vì họ thấy vô ích là 58%. Cả nước đều biết chính phủ đã chinh phục được QH quá dễ dàng với 454 ứng cử viên vào vòng 2 trên 577 tức 95% ở tua đầu. Hãy còn 573 ghế cần có bầu cử đa số xảy ra. Tua đầu tiên chỉ có 4 nghị viên đậu thẳng vào dinh Bourbon. Vì thế tuy biết trước chính phủ Macron sẽ chiến thắng chắc chắn nhưng nhiều chính trị gia vẫn nuôi hy vọng sẽ quật ngược thế cờ ở vòng cuối quyết định nếu cử tri “thức giấc” ủng hộ phe đối lập.
Theo sự thăm dò cử tri dựa trên mẫu 1,000 người, đa số muốn rằng tân chính phủ không nên có quá nhiều ghế tuyệt đối như thế vì sẽ thành độc tài. Riêng ông Macron cũng tuyên bố rằng điều này giống như là một cuộc “cướp giật” ghế nghị viên quy về quá lố cho đảng REM. Có thể họ sẽ làm mưa làm gió không cần cả nhóm đồng minh Modem của bố già Bayrou bộ trưởng bộ Tư Pháp.

Tuy nhiên, trước kết quả cụ thể hôm Chủ Nhật này, chắc Tổng Thống sẽ đổi ý không nói thế nữa. Đây không là một cuộc hold-up, mà là sự thử thách tài đức của Tổng Thống và thân tín tay chân trong vòng 5 năm. Nếu không có kết quả cụ thể nào, dù những việc Tổng Thống đã làm sơ sơ một tháng bằng mấy năm của các Tổng Thống khác - thật tài giỏi, nhưng công việc vẫn còn quá mênh mông.  

Dinh thự Bourbon là tên đặt cho toàn thể các phòng lớn có mái vòm cao ngất nghểu với hình bán nguyệt đặc biệt dành cho những cuộc hội họp của các nghị viên thuộc QH chính phủ ở quận 7 Paris. Nơi đây được gọi là Quai d'Orsay nằm trong công trường La Concorde  đối diện với chiếc cầu cùng tên, dinh thự xây từ năm 1722-1728, lịch sử là của công chúa con vua Louis thứ 14. “Thành phố” QH được canh gác cẩn mật bởi sư đoàn 2 Vệ Binh Quốc Gia Cộng Hòa với diện tích rộng 124,000 mét vuông chứa 9,500 văn phòng. Ngoài tòa nhà chính còn có 3 cao ốc khác dành cho văn phòng các nghị sĩ thượng-hạ viện và nhân viên của họ.   

Khoảng 10 nghị viên nhiệm kỳ 2012-2017 (ít nhất 1/5 trên tổng số 477 người) đã từ giã vĩnh viễn dinh thự Bourbon vì không muốn ra ứng cử thêm lần nữa. Đa số là những người đã lớn tuổi muốn về vườn sau cả chục năm làm nghị viên nhường cho con cháu trẻ khỏe lên thay thế đúng lúc. Khuynh hướng chung của họ khi được hỏi về tương lai đất Pháp là sự lo âu vì vận nước có chiều đi xuống theo sự chia rẽ của đảng phái chính trị lớn.

Cả nước Pháp được biết kết quả sự kiện QH đổi mới với những gương mặt lạ chưa từng có mặt nơi đây lần nào. Giới truyền thông đa chiều gọi là sự canh tân vô tiền khoáng hậu đã xảy ra cho hai viện đại diện dân chủ nước Pháp. Thật đúng lúc cho dân chúng thở phào sau vòng thứ 8 bầu cử kể cả các vòng sơ đẳng nội bộ chính trị các đảng phái lớn kéo dài gần trọn năm.

Có bốn chính trị gia đồ sộ đã bị bão tố Macron quét sạch ngay vòng đầu là các ông Hamon (đảng Xã Hội đang ngủm củ tỏi nếu không tìm ra phương thế ngóc đầu lên khỏi mặt nước lụt lội do REM gây ra), Henri Guaino (đảng Cộng Hòa), Nicilas Bay (FN, cực hữu) và bà Cécile Duflot (EELV, đảng Sinh Thái Âu Châu). Trên 477 ghế, có 432 vị chưa từng có mặt tại đây năm 2012. Đảng LREM và Modem đồng minh chiếm 350 ghế, thượng phong tạo nên thay đổi với  tỷ số 75%, 3 nghị viên trên 4 là mới đến. Đa số tối đa của QH là 280 phiếu bầu.

Giới trẻ từ 18 đến 24 tuổi đã không đi bầu với tỷ số 63% so với 35% những cử tri trên 60 tuổi cũng dẹp luôn chuyện thùng phiếu.Ông Richard Ferrand, dính vào vụ tai tiếng thiên vị cho bà nhà, đã thắng cử nên không bị loại ra khỏi chính phủ. Vai trò của QH được nhắc lại bởi ký giả đài số 2, trong đó quyền lực cao nhất là dùng tới “Motion Censure”, biện pháp phản đối nếu Tổng Thống hay Thủ Tướng đưa ra điều luật khó chịu.

Điều này đã xảy ra năm 1962 dưới thời Tướng De Gaulle nên cánh tay mặt Georges Pompidou phải từ chức. De Gaulle không chấp thuận và giải tán QH rồi lại phong chức như cũ cho Pompidou. Ông De Gaulle lo lắng cho rằng QH làm sai vì phủ nhận ai chống đối phe cánh của họ chứ không phải để kiểm soát chính phủ.

Điều luật 49 nhánh số 3 trong Hiến Pháp là thế, với đa số tuyệt đối QH chống lại dự luật của chính phủ, họ sẽ phải từ chức hay nó sẽ được công nhận. Gần như một loại “chantage” được ăn cả ngã về không nên chính phủ nào cũng dùng tới rất nó nhiều lần để bắt buộc QH chấp nhận quyền lực của mình. Tổng cộng trong vòng 5 đời Tổng Thống, luật 49.3 được đưa ra dùng 82 lần để áp dụng các điều lệ sửa đổi về Tài Chính rất quan trọng trong chế độ tư bản.

Tin giờ chót vào sáng thứ Hai, trong khi Tổng Thống Macron đến khai mạc Hội Chợ quốc tế máy bay ở phi trường Bourget, Thủ Tướng Philippe thông báo chính phủ của ông sẽ từ chức tạm thời trong khi chờ đợi “sắp xếp kỹ thuật” theo đúng luật lệ hiện hành. Tổng Thống và Thủ Tướng sẽ cùng nhau “điều chỉnh” lại toàn thể các vị bộ trưởng cao cấp để có một cấu trúc hợp lý hợp tình nhất hạng. (nd)     
 

Ngọc Diễm - Viễn Đông, đứng trước chân dung hai ứng cử viên vòng hai và đã bầu cho đa số.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT