Thế Giới

Quốc Hội Catalonia bàn chọn thủ hiến mới

Friday, 19/01/2018 - 12:02:57

Quốc hội Catalonia ngày 27 tháng 10 tuyên bố độc lập nhưng hoãn thi hành. Chính phủ Madrid sau đó giải tán chính quyền Puigdemont, đình chỉ quyền tự trị của Catalonia, và tổ chức bầu cử khu vực.



TÂY BAN NHA - Đại diện các đảng tại khu tự trị Catalonia đã gặp mặt để chọn ra thủ hiến mới, sau cuộc bỏ phiếu hồi cuối năm ngoái. Chủ tịch quốc hội Catalonia Roger Torrent ngày thứ Năm đã tổ chức cuộc họp với đại diện các đảng phái, để chọn ra người lãnh đạo mới cho khu vực này. Ông Torrent và 4 trong số 7 cấp phó của ông là những người theo phe ly khai. Họ sẽ đối thoại với lãnh đạo của các đảng có ý kiến bất đồng.
Thủ hiến bị phế truất Carles Puigdemont đang là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí lãnh đạo Catalonia. Tuy nhiên, chính quyền Tây Ban Nha cảnh báo sẽ giữ quyền điều hành trực tiếp với Catalonia, nếu ông Puigdemont tìm cách lãnh đạo khi đang lưu vong ở Bỉ. Phe ủng hộ Catalonia ly khai đã giành được 70 trên 135 ghế trong cuộc bầu cử quốc hội vào cuối tháng 12, cao hơn mức đa số tối thiểu là 68 ghế. Với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao kỷ lục, kết quả bầu cử thể hiện sự ủng hộ đối với các cựu lãnh đạo bị phế truất của Catalonia, dù họ đang bị giam hoặc phải lưu vong ở nước ngoài.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra theo yêu cầu từ Thủ Tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, nhằm đưa Catalonia "bình thường trở lại.” Ông Puigdemont ngày 1 tháng 10 năm ngoái tổ chức trưng cầu dân ý tách khỏi Tây Ban Nha bất chấp sự phản đối từ Madrid. Quốc hội Catalonia ngày 27 tháng 10 tuyên bố độc lập nhưng hoãn thi hành. Chính phủ Madrid sau đó giải tán chính quyền Puigdemont, đình chỉ quyền tự trị của Catalonia, và tổ chức bầu cử khu vực.

Ấn Độ thử nghiệm thành công hỏa tiễn mới
NEW DELHI – Vào ngày thứ Năm, quân đội Ấn Độ đã thử nghiệm thành công một loại hỏa tiễn tầm xa mới, có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, tại một hòn đảo trong vịnh Bengal. Đây là lần thử nghiệm thứ 5 của hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa Agni-V, được phóng đi từ một giàn phóng di động. Bộ Quốc Phòng Ấn Độ cho biết, loại hỏa tiễn mới giúp củng cố thêm năng lực ngăn ngừa của lực lượng an ninh quốc gia.
Trong những năm gần đây, New Delhi đã nỗ lực phát triển hệ thống hỏa tiễn và nguyên tử của nước này, trong bối cảnh sự cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ngày càng gia tăng. Viên chức Ấn Độ nói, cuộc thử nghiệm hỏa tiễn là một bước tiến lớn trong năng lực quốc phòng của nước này. Các hỏa tiễn đầy sức mạnh của Bắc Kinh đã khiến New Delhi phải tìm cách nâng cấp hệ thống vũ khí quốc phòng, và loại hỏa tiễn Agni-V mới được cho là có thể bắn đến gần như mọi địa điểm tại Trung Quốc.
Vào năm ngoái, căng thẳng giữa 2 nước đã gia tăng do tranh chấp lãnh thổ trên khu vực Himalaya. New Delhi cũng ngày càng nghi ngờ Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng trên Ấn Độ Dương. Hiện tại, Ấn Độ cũng có đủ khả năng tấn công tại bất cứ điểm nào bên trong nội địa nước láng giềng Pakistan, đối thủ trực tiếp của New Delhi. Tin tức về hỏa tiễn Agni-V được công bố chỉ 1 ngày sau khi Ấn Độ cho biết sẽ chi $553 triệu Mỹ kim để mua vũ khí mới cho lực lượng canh phòng biên giới, bao gồm cả các đơn vị đồn trú tại biên giới gần Tây Tạng.

Úc, Nhật phát triển quan hệ kinh tế và an ninh
TOKYO - Trong cuộc họp báo tại Tokyo vào thứ Năm, Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull và Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe đã hứa sẽ làm việc với nhau để phát triển quan hệ kinh tế và an ninh, đồng thời cũng lên án chương trình hỏa tiễn và nguyên tử của Bắc Hàn. Hai thủ tướng hứa sẽ thúc giục 9 quốc gia khác trong khu vực để cùng ký tên vào một hiệp ước thương mại lớn của vùng châu Á Thái Bình Dương vào tháng 3 tới, thay thế cho Hiệp ước đối tác Thái Bình Dương TPP, vốn đã thất bại sau sự rút lui của Hoa Kỳ.
Trong chuyến thăm Nhật trong vòng 1 ngày, Thủ Tướng Turnbull đã ghé thăm một khu huấn luyện quân sự ở ngoại thành Tokyo, quan sát hệ thống đánh chặn hỏa tiễn Patriot Advanced Capability, và bước lên một xe thiết giáp do Úc sản xuất đang được sử dụng tại Nhật. Ông Turnbull và người đồng cấp cũng tham dự cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia Nhật Bản, cho thấy hai nước sẽ gia tăng hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Hai lãnh đạo tỏ ra khá thận trọng trước tình hình trên bán đảo Triều Tiên, dù 2 miền Nam Bắc Hàn trong những ngày qua đã quay lại đàm phán, nhằm giúp Bắc Hàn tham dự Olympic mùa đông Pyeongchang vào tháng tới.
Nhật và Úc cũng đang thương lượng về một thỏa thuận trao đổi quân sự, trong đó, quân đội Úc sẽ được ở lại Nhật trong thời gian ngắn, và lực lượng Nhật Bản sẽ được huấn luyện tại Úc. Nếu thỏa thuận này hoàn thành, Úc sẽ là đồng minh quân sự thân cận thứ 2 của Nhật sau Hoa Kỳ.

Nga giao hỏa tiễn phòng không cho Trung Cộng
MOSCOW – Truyền thông Nga hôm thứ Năm dẫn một nguồn tin quân sự ẩn danh cho biết, chính phủ Nga đã bắt đầu chuyển hệ thống hỏa tiễn đất đối không S-400 đến Trung Quốc, theo hợp đồng được ký năm 2014. Nguồn tin này nói: “Việc thực hiện hợp đồng đã bắt đầu, và chuyến hàng đầu tiên đã được gởi đến Trung Quốc.”
Theo nguồn tin, chuyến hàng này bao gồm một trạm kiểm soát, 1 trạm radar, các thiết bị năng lượng và hỗ trợ, phụ tùng, dụng cụ, và nhiều phần khác của hệ thống S-400. Nguồn tin cho biết thêm rằng, hợp đồng với Trung Quốc không bao gồm việc chuyển giao công nghệ và quy trình chế tạo. Trong năm 2017, Nga đã giúp huấn luyện một nhóm nhân viên quân sự Trung Quốc về cách sử dụng hệ thống S-400.
Trung Quốc là nước đầu tiên đặt mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga, theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara cũng là nước thành viên NATO đầu tiên đặt mua hệ thống S-400 Triumf. Đây là hệ thống hỏa tiễn phòng không tầm xa hiện đại nhất được đưa vào sử dụng trong năm 2017. S-400 Triumf được thiết kế để tiêu diệt máy bay, hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo, và cũng có thể được dùng để tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Hệ thống S-400 có thể bắn vào mục tiêu ở khoảng cách tối đa 400 cây số, và ở độ cao 30 cây số. Hiện tại, chỉ có quân đội Nga được trang bị S-400. Moscow dự định sẽ bán hệ thống phòng không này cho 4 nước gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, và Ả Rập Saudi.

Nam Hàn: Bảo thủ chống diễn hành chung với Bắc Hàn
SEOUL – Việc đoàn thể thao Nam Hàn và Bắc Hàn sẽ diễn hành dưới cùng một lá cờ, và cùng thành lập một đội hockey chung, trong dịp Olympics vào tháng tới, đã bị nhiều người dân miền nam chỉ trích vào hôm thứ Năm. Tình trạng này cho thấy sự thay đổi thái độ của người Nam Hàn đối với người hàng xóm ở miền bắc. So với thế hệ trước, giới trẻ Nam Hàn hiện nay có vẻ như không hào hứng lắm với ý tưởng về sự hợp nhất liên Hàn. Sự thay đổi tư tưởng này có thể sẽ ảnh hưởng đến các nỗ lực của Tổng Thống Moon Jae-in trong việc hòa giải với miền bắc.
Việc Bắc Hàn tham gia Olympics được coi là thành công lớn của Tổng Thống Moon, và cũng giúp xoa dịu nỗi lo ngại về việc Bình Nhưỡng có thể phá hoại Thế Vận Hội bằng các cuộc thử hỏa tiễn. Tuy nhiên, việc ông Moon quyết định kết hợp 2 miền Triều Tiên tại Olympics Pyeongchang đã gây ra phản ứng dữ dội từ giới trẻ Nam Hàn, những người không muốn bị Bắc Hàn giành lấy vinh dự tại Thế Vận Hội.
Anh Kim Joo-hee, một thanh niên 24 tuổi, cho biết: “Bắc Hàn đã nhiều lần thử hỏa tiễn vào năm ngoái. Rồi nay đột nhiên họ lại muốn tham dự Olympics. Tại sao họ lại được ưu tiên đến mức có thể làm mọi điều họ muốn như vậy?” Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ với ý tưởng 2 miền Triều Tiên diễn hành cùng nhau là khoảng 40%. Hàng chục ngàn người Nam Hàn đã bày tỏ sự giận dữ trên mạng xã hội, và nói rằng lá cờ chung của bán đảo Triều Tiên “không phải là lá cờ của tôi.” Một số người khác mỉa mai rằng, Olympics Pyeongchang hiện đã trở thành Olympics Pyongyang (tên tiếng Hàn của Bình Nhưỡng).

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT