Bình Luận

Quân cảng Subic

Saturday, 21/11/2015 - 10:30:30


Đứng trên chiến hạm này, ông Obama tuyên bố, “Qua thỏa ước, Hoa Kỳ có bổn phận phòng thủ Phi Luật Tân; và Hoa Kỳ son sắt cam kết chu toàn bổn phận của mình. Tôi đến đây để nhấn mạnh việc hai nước sẽ tận lực bảo vệ nền an toàn của biển, đảo, và bảo vệ tình trạng tự do đi lại trên hải lộ.”

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Hôm thứ Ba, 17 tháng 11, 2015, Tổng Thống Barack Obama đã đến thăm soái hạm BRP Gregorio del Pilar của Phi Luật Tân; chiếc tàu được Coast Guard Hoa Kỳ trao cho hải quân Phi.

Đứng trên chiến hạm này, ông Obama tuyên bố, “Qua thỏa ước, Hoa Kỳ có bổn phận phòng thủ Phi Luật Tân; và Hoa Kỳ son sắt cam kết chu toàn bổn phận của mình. Tôi đến đây để nhấn mạnh việc hai nước sẽ tận lực bảo vệ nền an toàn của biển, đảo, và bảo vệ tình trạng tự do đi lại trên hải lộ.”



Tổng thống Obama trên soái hạm BRP Gregorio del Pilar của Phi Luật Tân

Soái hạm BRP Gredorio de Pilar dài 378 foot được trang bị 2 hỏa tiễn phòng không loại Mk.36 Super Rapid Blooming Offboard Countermeasures (SRBOC), một đại bác Mk.75 Oto Melara 76 ly, một đại bác Mk. 38 Mod 24 ly, hai đại bác Mk. 16 Oerlikon 20 ly, sáu khẩu thượng liên M2HBBrowning .50 caliber machine guns, một sân trực thăng.


Hỏa tiễn phòng không trên soái hạm BRP Gredorio de Pilar


Thượng liên 12.7 ly trang bị trên soái hạm

Mặc dù chỉ là một chiếc tàu cảnh sát biển mang tên Hamilton, nhưng chiến hạm này đã từng tham dự chiến tranh Việt Nam -từ 1969 đến 1970- hữu hiệu ngăn chặn nhiều chuyến tiếp tế bằng đường biển của Việt Cộng, và đã bắn 4,600 quả đại bác yểm trợ bộ binh Việt Nam và Hoa Kỳ, hành quân trong nội địa.
Trong hoạt động Coast Guard, chiếc Hamilton lập nhiều công trận trong nỗ lực chống buôn lậu ma túy đưa bạch phiến vào Hoa Kỳ bằng đường biển; một trong những thành tích đó là vụ bắt chiếc ngư thuyền Gatun tháng Ba 2007, tịch thâu 20 thước khối bạch phiến, trị giá $600 triệu Mỹ kim.

Hạ thủy từ năm 1967, chiến hạm Hamilton được trao cho hải quân Phi Luật Tân ngày 28 tháng Ba, 2011, và trở thành soái hạm BRP Gredorio de Pilar; đứng trên soái hạm này, Tổng Thống Obama hứa hẹn Hoa Kỳ sẽ viện trợ thêm $250 triệu trong vòng hai năm nữa, để tăng cường khả năng hải quân của các quốc gia Đông Nam Á.

Đến Manila tham dự hội nghị Thượng Đỉnh APEC trong khuôn khổ của chiến lược chuyển trọng tâm nỗ lực của Hoa Kỳ về Á Châu, ông Obama có thái độ không tránh né những va chạm với Trung Cộng trên cả hai địa hạt kinh tế và quân sự.

Nhiều quan sát viên chú ý đến việc ông không ghé Việt Nam, có thể vì chính phủ Cộng Sản Việt Nam chưa dứt khoát tư tưởng đối với Trung Cộng.

Sau khi tham dự hội nghị Thượng Đỉnh APEC, ông Obama sẽ đến Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia tham gia một loạt các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh khối ASEAN, đặc biệt là hai hội nghị quan trọng là Thượng Đỉnh Đông Á (East Asian Summit EAS) và Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN.

Trong buổi họp hôm thứ Tư 11/18/2015, Obama đã bảo thẳng Trung Cộng phải ngưng việc xây cất ngoài Biển Đông; và họp riêng với tổng thống Phi Aquino, ông đồng ý là cần có những hành động cụ thể để ngăn chặn việc lấn chiếm của Trung Cộng trên Biển Đông.

Trong bài diễn văn đọc tại hội nghị APEC, chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình không đề cập đến Biển Đông. Cùng có mặt trong phòng Hội Nghị, nhưng 2 nhà lãnh tụ Mỹ và Trung Cộng không nhìn thấy nhau. Liên hệ Tàu-Mỹ căng thẳng thêm với đề nghị của Phi Luật Tân mời Mỹ trở lại quân cảng Subic.


Lãnh tụ Mỹ và Trung Cộng không nhìn thấy nhau, vì Mỹ được mời trở lại căn cứ hải quân Subic Bay

Trước ngày Obama công du Á Châu, bà cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice, tuyên bố với phóng viên truyền thông về hai mục tiêu tổng thống quan tâm nhất là hiệp định tự do mậu dịch, “Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương” vừa được 12 nước trong APEC chấp thuận, và chính sách tái cân bằng tình hình quân sự tại Châu Á.

Phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị APEC do chủ tịch Trương Tấn Sang dẫn đầu, với Phạm Bình Minh, Đào Viết Trung, và Vũ Tiến Lộc. Trong suốt 17 năm lịch sử của APEC, Việt Nam vẫn là một thành viên.
Việt Nam là nước cộng sản thứ nhì, sau Trung Cộng, tham dự Hội Nghị APEC; chủ tịch hai nước cùng tránh né không đề cập đến vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, tại Bắc Kinh, phát ngôn viên ngoại giao Hong Lei gián tiếp trả lời ông Obama về việc ông kêu gọi Trung Cộng ngưng đòi hỏi chủ quyền và ngưng kiến thiết tại Biển Đông; Hong Lei nói mọi hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đều hợp pháp và không gây va chạm quân sự. Ông yêu cầu Hoa Kỳ thôi không chen vào tình hình Biển Đông nữa để không tạo ra nguy cơ chiến tranh.

Ngay sau Manila, Tổng Thống Obama đã bay sang Kuala Lumpur, thủ đô Mã Lai để tham dự Hội Nghị ASEAN; cảnh sát trưởng Tan Sri Khalid Abu Bakar Mã Lai cho biết quân khủng bố, kể cả bọn lái xe bom tự sát cũng kéo về Kuala Lumpur, hăm dọa sẽ tấn công những địa điểm cử hành lễ.

Phái đoàn Việt Nam cộng sản do Nguyễn Tấn Dũng hướng dẫn cũng tỏ ra quan tâm đến sự an nguy của Đông Nam Á.

Trở lại với Subic Bay; hải quân Hoa Kỳ đã đặt căn cứ tại đây từ năm 1900; tổng thống Theodore Roosevelt sử dụng Executive Order (sắc lệnh hành pháp) trả cho Phi Luật Tân $1 triệu để ký thỏa ước mướn vùng vịnh này xây dựng căn cứ lớn nhất của hải quân Hoa Kỳ tại Đông Nam Á.

Thỏa ước thuê mướn kéo dài đến năm 1987 thì hai nước lại thương thảo để triển hạn ngày chấm dứt giao kèo thuê mướn; kết quả là Mỹ-Phi ký thỏa ước Treaty of Friendship, Peace and Cooperation (thân hữu, hòa bình và cộng tác); thỏa ước này đưa đến kết quả đương nhiên là triển hạn việc Hoa Kỳ thuê mướn căn cứ hải quân trên vịnh Subic. Nhưng ngày 13 tháng Chín 1991, Thượng Viện Phi Luật Tân không chuẩn thuận thỏa ước, đưa đến việc Hoa Kỳ rút khỏi căn cứ hải quân Subic.

Giờ này chính phủ Phi Luật Tân mời Hoa Kỳ trở lại, nhưng lời mời chưa được sự chuẩn thuận của Quốc Hội và Tối Cao Pháp Viện; giới quan sát cho là sự chuẩn thuận đó sẽ rất nhanh chóng, vì với những va chạm trên Biển Đông, sự hiện diện của hải quân Mỹ tại Subic Bay là nhu cầu an ninh quốc phòng cho Phi Luật Tân.

Nếu Việt Nam cũng hành xử như vậy -cũng mời hải quân Hoa Kỳ trở lại căn cứ Cam Ranh- thì Biển Đông sẽ lọt vào giữa hai căn cứ hải quân của Hoa Kỳ, khi đó, vị trí sandwich của Biển Đông là yếu tố địa lợi giúp giải quyết vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Việc Thượng Viện Phi Luật Tân chỉ cần không chuẩn thuận thỏa ước chính phủ Phi ký với Hoa Kỳ cũng đã đủ mạnh để đuổi hải quân Hoa Kỳ ra khỏi căn cứ Subic chứng minh một điều: hiểm họa xâm lược không đến từ Mỹ.

Và việc Phi Luật Tân mời hải quân Mỹ trở lại Subic Bay chứng minh một điều khác: họ nhìn thấy hiểm họa xâm lược chỉ đến từ Trung Cộng.

Hai góc nhìn đó có đúng với tình hình Việt Nam và Biển Đông hay không?
(nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT