Bình Luận

Quả bóng trên sân Mỹ

Sunday, 07/02/2016 - 12:14:01

Trong một cuộc họp báo ông giải thích là phải có nhiều biện pháp trừng phạt nặng nề hơn mới có thể tạo áp lực đủ mạnh để bắt Bắc Hàn trở lại bàn hội nghị 6 quốc gia tiếp tục thảo luận về đề tài "một nước Triều Tiên -cả Bắc lẫn Nam- đều không có vũ khí nguyên tử."

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Trận túc cầu tay tư giữa Bắc Hàn, Trung Cộng một bên, bên kia là Mỹ và Nam Hàn, đang diễn ra với cuộc đụng độ thứ tư; cuộc đụng độ thứ nhất là cú sút gây hấn của Bắc Hàn -quốc gia cô lập, có bom nguyên tử, và đang sống vô cùng nghèo nàn- cho nổ một trái bom khinh khí sâu dưới lòng đất hôm mùng 6 tháng Giêng; cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử lần này là lần thứ tư của họ.

Trận đụng độ thứ nhì là Mỹ cho khu trục hạm Curtis Wilbur chạy sát hòn đảo Triton của Trung Cộng trên Biển Đông, trong lúc ngoại trưởng John Kerry đến Bắc Kinh yêu cầu Trung Cộng tạo áp lực bắt Bắc Hàn phải ngưng, không nghiên cứu nguyên tử nữa.

                                                    Bắc Hàn thí nghiệm nguyên tử

                                   Mỹ vào Biển Đông để tạo áp lực với Trung Cộng

Sau cuộc thảo luận kéo dài suốt 4 tiếng đồng hồ ngày 27 tháng Giêng, 2016 với ngoại trưởng Tầu Vương Nghị, Kerry tuyên bố lập trường đôi bên còn nhiều khác biệt.

Trong một cuộc họp báo ông giải thích là phải có nhiều biện pháp trừng phạt nặng nề hơn mới có thể tạo áp lực đủ mạnh để bắt Bắc Hàn trở lại bàn hội nghị 6 quốc gia tiếp tục thảo luận về đề tài "một nước Triều Tiên -cả Bắc lẫn Nam- đều không có vũ khí nguyên tử."

Bắc Kinh không muốn gia tăng trừng phạt Bắc Hàn; Vương Nghị nói trừng phạt chỉ tạo căng thẳng, gây tình trạng bất ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Lập trường của Hoa Kỳ là đòi Trung Cộng sử dụng tình trạng giao thương với Bắc Hàn như áp lực đòi Bắc Hàn thay đổi lập trường về việc chế tạo bom nguyên tử.

Kerry nói ngày Bắc Hàn tiến bộ thêm chút nữa, để có thể chế tạo một đầu đạn nguyên tử đủ nhỏ, đủ nhẹ để đặt lên mũi hoả tiễn, bắn vào lãnh thổ Hoa Kỳ chỉ còn cách xa vài năm nữa; và Hoa Kỳ không dung dưỡng hậu hoạ đó.

Không trực diện đối thoại với Mỹ, nhưng Bắc Hàn nhanh chóng trả lời Kerry- họ minh định cái ngày ông ta lo sợ đó, là hôm nay, chứ không xa đến vài năm. Hôm thứ Ba 2/2/2016, Bắc Hàn chính thức thông báo cho Liên Hiệp Quốc biết là họ sẽ bắn một hoả tiễn lên bầu khí quyển để đặt vào đó một vệ tinh quan sát địa cầu. Thời gian bắn hoả tiễn được ấn định từ ngày mùng 8 đến ngày 25 tháng Hai.

Dĩ nhiên không ai có quyền ngăn cấm một nỗ lực nghiên cứu không gian, nhưng Mỹ và nhiều nước khác hiểu là việc đặt vệ tinh lên quỹ đạo chỉ là cái cớ để Bắc Hàn biểu diễn khả năng "chế tạo một đầu đạn nguyên tử đủ nhỏ, đủ nhẹ để đặt lên mũi hoả tiễn, bắn vào lãnh thổ Hoa Kỳ."

Trận đụng độ thứ 3 bắt đầu bằng câu tuyên bố của tướng Nakatani, tổng trưởng Quốc Phòng Nhật, đặt Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù, lực lượng hải quân, và phòng không Nhật vào thế báo động để sẵn sàng bắn hạ mọi hoả tiễn bao vào không phận Nhật.

Với dàn hoả tiễn địa-không MIM-104 Patriot, tiềm năng phòng không của Nhật cũng khá mạnh.

Tướng Nakatani

                                                 Hả tiễn phòng không MIM-104 Patriot

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố với phóng viên truyền thông là Nhật cộng tác với Hoa Kỳ trong nỗ lực thuyết phục Bắc Hàn đừng bắn hoả tiễn lên bầu khí quyển.

Loại hoả tiễn Bắc Hàn xử dụng để đưa vệ tinh vào quỹ đạo trái đất là loại Unha 3 -có 2 tầng thuốc nổ; lần chót loại hoả tiễn này được thử nghiệm là ngày 12/12/22012; tầng thuốc nổ thứ nhất của hoả tiễn rơi xuống Hoàng Hải, tầng thứ nhì rơi xuống biển Phi Luật Tân, và, sau đó một khối sắt được đặt vào quỹ đạo. Giới quan sát đánh giá trong 3 năm vừa rồi có thể Bắc Hàn đã hoàn chỉnh được hoả tiễn Unha 3.

                                             Unha trong giai đoạn chuyên chở

                                                          Unha được dàn phóng


                                                              Unha được phóng đi

Hôm thứ Tư mùng 3 tháng Hai, 2016, phát ngôn viên ngoại giao Trung Cộng Lu Kang nói với phóng viên truyền thông là Bắc Kinh đã yêu cầu Bắc Hàn tôn trọng nghị quyết Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Hàn thử nghiệm hoả tiễn, dù thử nghiệm trong mục đích không chiến tranh.

Bác bỏ mọi khuyến cáo, Bắc Hàn khẳng định họ sẽ tiếp tục cuộc phóng hoả tiễn để phục vụ cuộc nghiên cứu chỉ mang tính chất khoa học của họ.

Hoa Kỳ không chấp nhận lối giải thích "tôi bảo rồi, nhưng nó không nghe," của Trung Cộng; trong cuộc họp báo tại Foreign Press Center, phát ngôn viên ngoại giao Mỹ, ông John Kirby, nói, "Hoa Kỳ tin là với vai trò lãnh đạo tại Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Quốc có trách nhiệm tạo ảnh hưởng tại đó. Hoa Kỳ mong Trung Quốc kềm chế nhà lãnh tụ trẻ và bốc đồng Bắc Hàn."

Kirby còn nói, "đáng lẽ sử dụng tài nguyên quốc gia vào những cuộc phiêu lưu quân sự, chính phủ Bắc Hàn nên đem những đồng tiền phung phí đó mua thực phẩm cho công dân Bắc Hàn."

Mỹ vẫn chủ trương đòi Trung Cộng sử dụng 2 nguồn tài trợ họ cung cấp cho Bắc Hàn để mua thực phẩm và nhiên liệu làm sức ép, bắt buộc Bắc Hàn sống hoà hoãn hơn trong cộng đồng thế giới.

Nói rõ hơn, không chỉ giúp tiền cho Bắc Hàn mua thực phẩm và săng nhớt, Trung Cộng còn bán, và chuyên chở những nhu yếu phẩm đó đến Bắc Hàn.

Cho đến giờ này, Trung Cộng chỉ ầu ơ cộng tác với Mỹ bằng cách lớn tiếng chỉ trích chứ không ngưng viện trợ Bắc Hàn; giới quan sát cho là Trung Cộng cần duy trì sự tồn tại của Bắc Hàn để đóng vai trò trái độn giữa một Nam Hàn thân Mỹ và biên giới phía Đông Nam của họ. Cúp viện trợ có thể gây xáo trộn chính trị cho Bắc Hàn, khiến nước này xụp đổ, tạo thuận lợi cho việc thống nhất Triều Tiên dưới chính thể Dân Chủ hiện nay của Nam Hàn.

Ngoài tham vọng chiếm cứ Biển Đông, Hoa Kỳ còn nắm giữ nhiều nhược điểm khác của Trung Cộng -nhất là tình trạng nền kinh tế sản xuất của người Hoa tuỳ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất cảng sản phẩm sang các nước khác. Một phần quan trọng của thị trường này nằm trong vùng ảnh hưởng Hoa Kỳ.

Nếu việc khu trục hạm Curtis Wilbur chạy sát hòn đảo Triton của Trung Cộng, chưa đủ mạnh để Bắc Kinh ngăn cấm Bắc Hàn bắn hoả tiễn vào bầu khí quyển, Hoa Kỳ có thể sẽ phải sử dụng đến đòn kinh tế.
Giải pháp này có phải là trận túc cầu thứ tư giữa hai siêu cường Á Châu-Thái Bình Dương (Mỹ và Trung Cộng) không? Nếu đúng, sân banh sẽ không còn giới hạn vào một địa phương như Biển Đông hoặc Nam Hàn nữa, mà sẽ là mọi thị trường tiêu thụ, và mọi xưởng sản xuất Trung Cộng.

Nhưng, cho đến phút này, quả bóng vẫn còn nằm trên sân Mỹ, và khán giả đang ngóng chờ một cú sút ngoạn mục. (nđt)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT