Thế Giới

Putin mời Kim thăm Nga vào tháng 9

Thursday, 14/06/2018 - 10:45:37

Tại cuộc gặp với ông Kim Yong-nam, Tổng Thống Putin nói ông "chào mừng và đánh giá cao" hội nghị giữa Tổng Thống Trump và chủ tịch Bắc Hàn.

MOSCOW – Sau thành công của hội nghị Mỹ - Triều hôm 12 tháng 6, Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm đã gởi lời mời lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm chính thức nước Nga qua ông Kim Yong-nam, chủ tịch quốc hội Bắc Hàn. Ông Kim Yong-nam là Chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Tối Cao, cơ quan lập pháp của Bắc Hàn, kể từ năm 1998. Ông đang ở Nga để dự lễ khai mạc World Cup và ông đã trao một bức thư tay của Kim Jong-un tới Tổng Thống Putin.
Tại cuộc gặp với ông Kim Yong-nam, Tổng Thống Putin nói ông "chào mừng và đánh giá cao" hội nghị giữa Tổng Thống Trump và chủ tịch Bắc Hàn. Ông Putin nhắc lại rằng tình trạng bế tắc trong vấn đề Bắc Hàn "khiến cả thế giới lo lắng và có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề, bao gồm cả xung đột quân sự nghiêm trọng.” Tổng thống Nga thêm rằng cuộc họp Mỹ - Triều "giúp đẩy lùi viễn cảnh không thuận lợi và mở ra tiềm năng giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình và ngoại giao.”

Khách sạn nơi Kim từng ở vẫn hạn chế nhận khách
SINGAPORE - Khách sạn St. Regis tại Singapore vẫn chưa cho khách đặt các phòng mà phái đoàn Bắc Hàn từng ở lại, trong thời gian họ đến Singapore để họp với Hoa Kỳ. Khách sạn St. Regis không cho khách đặt các phòng từ tầng 17 đến tầng 20 cho đến hết ngày thứ Năm, dù ông Kim Jong-un và phái đoàn Bắc Hàn đã trả phòng và về nước từ tối ngày thứ Ba, theo một nhân viên khách sạn cho biết. Việc này có vẻ như nhằm ngăn người nước ngoài thu thập các vật phẩm liên quan đến ông Kim Jong-un, như sợi tóc có thể còn vương lại trên ghế ngồi, giường ngủ hoặc trong ống thoát nước trong phòng vệ sinh.
Chủ tịch Bắc Hàn đã ở tại phòng Presidential Suite trên tầng 20 của khách sạn St. Regis, từ ngày 10 đến 12 tháng 6. Để tránh nguy cơ bị thu thập thông tin về tình hình sức khỏe, có tin tức cho rằng ông Kim Jong-un thậm chí mang theo toilet riêng tới Singapore. Trong thời gian ở tại khách sạn St.Regis, ông Kim Jong-un được phục vụ ăn uống ngay tại phòng và đồ ăn do chính đầu bếp Bắc Hàn chuẩn bị từ các thực phẩm mang từ Bình Nhưỡng sang. Trong khi đó, phái đoàn tháp tùng Kim Jong-un, bao gồm Ngoại Trưởng Ri Yong-ho, dùng bữa tại nhà hàng của khách sạn. Kim Jong-un lên máy bay về nước vào tối thứ Ba, sau khi kết thúc hội nghị với Tổng Thống Trump. Đây là chuyến công du nước ngoài xa nhất của lãnh đạo Bắc Hàn kể từ khi cầm quyền.

Nga thề trả đũa sau khi Na Uy mời Mỹ tăng quân số
MOSCOW - Chính phủ Nga hôm thứ Năm đã thề sẽ đáp trả kế hoạch của Na Uy, sau khi quốc gia Bắc Âu này muốn tăng gấp đôi số lượng binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đồn trú trong nước. Trước đó, vào thứ Ba, chính phủ Oslo thông báo nước này sẽ yêu cầu Hoa Kỳ, một đồng minh NATO, tiếp tục gởi 700 binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến đến Na Uy huấn luyện từ năm 2019, thay vì 330 binh sĩ như hiện tại. Chính phủ Oslo cũng cho biết, các quân nhân Hoa Kỳ sẽ đóng quân gần biên giới với Nga.
Trong thông điệp phản ứng đăng trên Facebook, tòa đại sứ Nga nói, quyết định của Na Uy rất khó hiểu và có thể làm gia tăng căng thẳng, gây ra một cuộc chạy đua vũ trang, và gây bất ổn cho khu vực Bắc Âu. Tòa đại sứ Nga thêm rằng, hành động của Na Uy hoàn toàn không thân thiện và sẽ phải gánh chịu hậu quả. Chính phủ Oslo đã tỏ ra lo ngại từ sau khi Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, nhưng vẫn nói rằng Na Uy không coi Moscow là mối đe dọa trực tiếp.
Theo lịch trình, lực lượng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ sẽ rời Na Uy vào cuối năm nay, sau khi đến đây vào tháng 1, 2017, để tập luyện trong điều kiện thời tiết băng giá. Họ sẽ là lực lượng quân sự nước ngoài đầu tiên đóng quân tại Na Uy kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Vào cuối năm nay, NATO sẽ có cuộc tập trận lớn tại Na Uy, cũng là sự kiện quân sự lớn nhất tại nước này từ nhiều thập niên qua.

Đàm phán hòa bình tại Syria có tiến triển
GENEVA - Các viên chức Hoa Kỳ sẽ tham gia các cuộc đàm phán tại Geneva trong tháng này, để thành lập một ủy ban lập pháp cho Syria, theo đặc sứ Liên Hiệp Quốc về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura cho biết hôm thứ Năm. Đây là dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán về vấn đề Syria bắt đầu có tiến triển, sau khi bị bế tắc trong thời gian dài. Ông De Mistura dự định sẽ gặp các viên chức Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, và Iran vào đầu tuần sau, và cho biết ông sẽ có cuộc họp tương tự vào ngày 25 tháng 6 với các viên chức Hoa Kỳ, Ả Rập Saudi, Anh, Pháp, Đức, và Jordan.
Trả lời với phóng viên, ông De Mistura nói, ông không trông đợi sẽ có nhiều đột phá, tuy nhiên, mọi bước tiến triển đều cần phải được tận dụng. Ông De Mistura đã được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc yêu cầu phải tổ chức các cuộc họp giữa các phe phái tại Syria, về vấn đề cải tổ chính trị tại nước này, bao gồm cả việc soạn thảo hiến pháp mới và tổ chức bầu cử. Nước có ảnh hưởng lớn trong các cuộc đàm phán hiện nay là Nga, một trong các đồng minh thân cận của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã giảm dần sự can thiệp vào chính trường Syria trong những năm gần đây.
Vào tháng 1 năm nay, trong hội nghị diễn ra tại thành phố Sochi của Nga, các phe phái ở Syria đã đồng ý thiết lập ủy ban lập pháp, và ông De Mistura có nhiệm vụ chọn ra các thành viên cho ủy ban này, sau khi nhận danh sách đề cử từ các bên quan tâm. Chính phủ Syria đã gởi danh sách 50 ứng cử viên vào tháng trước. Ông De Mistura nói ông hy vọng sẽ sớm nhận được danh sách tương tự từ phe đối lập Syria.


Nam Hàn muốn thay đổi áp lực quân sự với Bắc Hàn
SEOUL – Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-In hôm thứ Năm tuyên bố: “Nếu Bắc Hàn thành thật thực hiện các bước phi hạt nhân và đối thoại để giải quyết mâu thuẫn, Nam Hàn và Hoa Kỳ sẽ cần phải thay đổi áp lực quân sự với Bình Nhưỡng, nhằm tuân theo tinh thần của Tuyên bố Panmunjom.” Ông Moon cho biết Nam Hàn sẽ xem xét cẩn thận các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ, và sẽ yêu cầu các viên chức thương lượng với Hoa Kỳ về vấn đề này. Tổng thống Nam Hàn cũng nói rằng hội nghị Mỹ - Triều ngày 12 tháng 6 đã mở đường cho "thời kỳ phi hạt nhân hóa hoàn toàn" và hòa bình trong khu vực.
Nam Hàn và Bắc Hàn hôm thứ Năm đã tổ chức đàm phán quân sự cấp cao tại khu phi quân sự Panmunjom, tập trung vào các biện pháp nhằm thực hiện tuyên bố chung của hội nghị liên Triều vào ngày 27 tháng 4, theo đó hai bên cùng nỗ lực giảm căng thẳng và loại bỏ một cách thực tế nguy cơ chiến tranh.

Lãnh đạo đối lập Nga được phóng thích
MOSCOW – Ông Alexei Navalny, lãnh đạo đối lập nổi tiếng ở Nga, hôm thứ Năm đã được phóng thích sau khi thực hiện bản án tù 30 ngày vì tội tổ chức biểu tình bất hợp pháp. "Tôi lại ở bên các bạn sau chuyến công tác 30 ngày. Tôi rất hạnh phúc khi được tự do,” lãnh đạo đối lập Navalny viết trên Twitter. Chính trị gia 42 tuổi bị kết án cách đây 1 tháng vì kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình bất hợp pháp trước lễ nhậm chức của Tổng Thống Vladimir Putin. Các nhà tổ chức biểu tình đã nộp đơn xin phép tới văn phòng thị trưởng Moscow. Chính quyền thành phố đồng ý, nhưng cuối cùng hai bên không thỏa thuận được địa điểm nên cuộc biểu tình bị cấm.
Ông Navalny đã bị cáo buộc nhiều tội trạng kể từ khi ông trở thành thủ lĩnh phe đối lập, và tổ chức các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ trong năm 2011 và 2012. Năm ngoái, ông Navalny ngồi tù 3 lần vì vi phạm quy định tổ chức biểu tình, và phải tới Tây Ban Nha phẫu thuật sau một vụ tấn công trên đường phố khiến ông gần như bị mù một mắt.



Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT