Thế Giới

Putin gọi "Báo cáo Kremlin" của Mỹ là thù địch

Tuesday, 30/01/2018 - 08:01:04

Hồ sơ này là một phần của hành động trả đũa theo lệnh của Quốc Hội Hoa Kỳ, đã được Tổng Thống Donald Trump phê chuẩn, cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống.



MOSCOW - Tổng Thống Putin gọi việc Hoa Kỳ đưa tên hơn 200 chính trị gia và thương gia Nga vào "Báo cáo Kremlin" là hành động thù địch. Lên tiếng trong một buổi vận động tranh cử tại Moscow vào thứ Ba, Tổng Thống Vladimir Putin, người đang tái tranh cử tổng thống vào tháng 3 tới, nói đùa ông cảm thấy "bị coi thường" khi bản thân ông không có tên trong danh sách. "Chó cứ sủa còn đoàn xe cứ đi,” ông Putin nói, vài giờ sau khi Hoa Kỳ công bố báo cáo liệt kê tên toàn bộ chính phủ Nga và hàng chục thương gia nổi tiếng của nước này.
Tổng Thống Putin gọi danh sách này là "bước đi thù địch," nhưng cho biết Moscow không muốn làm tình hình xấu đi, và sẵn sàng "phát triển quan hệ nhiều nhất theo mong muốn của đối tác Hoa Kỳ.” Hôm thứ Hai, Bộ Tài Chính Hoa Kỳ đã công bố "Báo cáo Kremlin,” có tên của 114 viên chức Nga hàng đầu, như thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng, phát ngôn viên điện Kremlin, và 96 thương gia nổi tiếng, bao gồm tỷ phú Roman Abramovich, chủ câu lạc bộ bóng đá Chelsea, các lãnh đạo ngân hàng lớn, lãnh đạo tập đoàn dầu khí Gazprom và Rosneft.
Hồ sơ này là một phần của hành động trả đũa theo lệnh của Quốc Hội Hoa Kỳ, đã được Tổng Thống Donald Trump phê chuẩn, cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống. Dù những người có tên trong danh sách sẽ không bị Hoa Kỳ trừng phạt ngay lập tức, nhưng việc đưa tên họ vào danh sách có thể sẽ khiến hoạt động giao dịch của họ với các ngân hàng Hoa Kỳ và châu Âu trở nên phức tạp.

Đàm phán hòa bình Syria ở Nga gặp nhiều trở ngại
SOCHI – Hội nghị hòa bình Syria tổ chức tại Nga đã gặp nhiều trục trặc vào ngày thứ Ba, sau khi bị các đoàn tham dự tẩy chay và gây náo loạn. Nga, đồng minh của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad, đã tổ chức hội nghị tại khu resort Black Sea ở Sochi, nhằm đàm phán việc soạn thảo hiến pháp mới cho Syria. Tuy nhiên, nỗ lực của Moscow gặp thất bại lớn ngay từ đầu, khi lãnh đạo phe đối lập Syria từ chối tham gia sự kiện, vì cho rằng chính phủ Syria không chịu đàm phán một cách nghiêm túc. Lực lượng này hiện đang được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Anh quốc, và Pháp.
Các nước phương tây ủng hộ một tiến trình hòa bình khác, do Liên Hiệp Quốc làm trung gian. Tuy nhiên, tiến trình này hiện vẫn chưa có tiến triển, trong khi cuộc nội chiến Syria đã bước vào năm thứ 8. Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov đã mở đầu cuộc họp ở Sochi bằng cách đọc một thông điệp từ Tổng Thống Vladimir Putin, nói rằng tình hình tại Syria đã đến lúc lật sang trang sử mới. Tuy nhiên, một số đại diện đã đứng lên và ngắt lời ông Lavrov, cáo buộc Moscow giết hại thường dân Syria bằng các cuộc không kích. Một số đại diện khác lại hô hào những lời ủng hộ Nga, khiến cuộc họp rối loạn.
Ban tổ chức sau đó đã phải hoãn phiên họp chung, do các đại diện tranh cãi về việc ai sẽ được chọn để lãnh đạo quốc hội. Ngoài ra, một phái đoàn của phe đối lập, đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, đã không chịu rời phi trường Sochi vì phản đối lá cờ và biểu tượng của chính phủ Syria. Phái đoàn này sau đó tuyên bố tẩy chay cuộc họp và bay trở về Thổ Nhĩ Kỳ.

Canada tăng quản lý di dân trước dòng tị nạn từ Hoa Kỳ
OTTAWA - Trong bối cảnh chính phủ Trump gia tăng bố ráp người nhập cư bất hợp pháp, nhà chức trách Canada lo ngại rằng, các di dân lậu tại Hoa Kỳ sẽ di chuyển lên biên giới phía bắc để tìm nơi trú ẩn. Hơn 13,000 người đã băng qua biên giới Canada bất hợp pháp trong năm 2017, cao gấp 5 lần con số của năm 2016. Số người này đem lại số lượng đơn xin tị nạn cao bất thường, và Canada muốn tránh tình trạng này tái diễn trong năm 2018.
Thủ Tướng Justin Trudeau đã gởi một số nhà lập pháp Canada đến Hoa Kỳ trong những tháng gần đây, để giải quyết tình trạng di dân nhận thông tin sai về việc được cấp quy chế tị nạn tại biên giới. Ông Pablo Rodriguez, thành viên phái đoàn Canada, cho biết, tuy Canada chào đón di dân và người tị nạn, nhưng bất kỳ việc nhập cư nào cũng phải được thực hiện một cách hợp pháp.
Thông điệp của ông Rodriguez không khác gì nhiều so với lập trường của những người phản đối di dân lậu tại Hoa Kỳ. So với Tổng Thống Trump, Canada được coi là có chính phủ khá tự do và thân thiện với người tị nạn. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi. Sau khi Tổng Thống Trump ban hành lệnh cấm nhập cảnh vào tháng 1 năm ngoái, Thủ Tướng Trudeau đã viết lên Twitter rằng, Canada chào đón mọi người đang chạy trốn khỏi chiến tranh và khủng bố, bất chấp tôn giáo của họ là gì. Tuy nhiên, đến mùa hè cùng năm, ông Trudeau thay đổi giọng điệu và yêu cầu di dân phải tuân theo các “trình tự đúng đắn” và di cư “một cách trật tự.”

Cháu rể Hun Sen bị tước quân hàm vì tổ chức đá gà
PHNOM PENH - Chuẩn tướng Thai Phany, cháu rể của Thủ Tướng Cambodia Hun Sen, đã bị tước quân hàm vì cáo buộc điều hành 2 sàn đá gà lớn. Truyền thông Phnom Penh hôm thứ Ba đưa tin, ông Thai Phany bị tước quân hàm và bị sa thải khỏi Lực lượng vũ trang Hoàng gia Cambodia, theo một sắc lệnh hoàng gia ban hành ngày 19 tháng 12, 2017. Đầu tháng trước, ông Phany ra tự thú sau khi cảnh sát bố ráp các sàn đá gà được cho là thuộc sở hữu của ông này tại tỉnh Takeo và tỉnh Kandal. Theo truyền thông, dường như cuộc bố ráp bắt nguồn từ lệnh của chính Thủ Tướng Hun Sen, nhưng viên chức địa phương bác bỏ thông tin này.
Ông Phany kết hôn với con gái của ông Hun San, anh trai Thủ Tướng Hun Sen. Có biệt danh là "Thai Mab,” ông là chuẩn tướng một sao trong Bộ Quốc Phòng Cambodia. Những sổ sách thu được tại sàn đá gà ở Kandal cho thấy những khoản chi trả cho các chính trị gia, cảnh sát và nhà báo địa phương, có lẽ nhờ vậy mà việc cá độ diễn ra mà không ai dám đụng tới. Ông Phany là người duy nhất liên quan đến sàn đá gà bị truy tố. 60 người khác bị bắt trong cuộc bố ráp đã được tha bổng. Nếu bị coi là có tội, cháu rể của Thủ Tướng Cambodia có thể ngồi tù tối đa 5 năm.
Nhà chức trách ở Kandal từng ra lệnh cho ông Phany đóng cửa sàn đá gà từ tháng 5, 2016, nhưng ông mở lại cơ sở vào tháng 3 năm ngoái. Trong khi đó tại tỉnh Takeo, người dân địa phương nói sàn đá gà được đồn đại là thuộc sở hữu của "một người thân ông Hun Sen.” Theo lời kể, nơi này đã hoạt động được vài tháng và xe hơi đắt tiền thường gây kẹt xe vào những đêm có đá gà.

Sàn tiền ảo Nhật chi hơn $400 triệu đền cho khách hàng
TOKYO - Coincheck - sàn giao dịch tiền ảo lớn hàng đầu Nhật Bản sẽ hoàn trả 90% giá trị đồng NEM bị mất trong vụ tấn công điện toán cuối tuần trước. Coincheck cam kết sử dụng tiền túi để hoàn trả hơn $423 triệu Mỹ kim cho khách hàng đã bị mất đồng tiền ảo NEM cuối tuần trước. Theo sàn giao dịch này, khoản tiền này tương đương với gần 90% giá trị đồng NEM bị mất trong vụ tấn công.
NEM là tiền ảo lớn thứ 10 thế giới. Giá đồng tiền này đã giảm xuống còn 87 cents vào thứ Ba. Coincheck cho biết đã tìm được địa chỉ nơi tiền ảo mất trộm được chuyển đến. “Chúng tôi biết nơi tiền ảo được gửi đến. Chúng tôi đang theo dõi và nếu tiếp tục, chúng tôi có thể lấy lại số tiền đã mất,” người đồng sáng lập Coincheck – ông Yusuke Otsuka nói.
Đồng thời, Coincheck đã báo cáo vụ mất cắp với cảnh sát và Cơ quan dịch vụ tài chính Nhật Bản. Sàn giao dịch có trụ sở tại Tokyo đã dừng giao dịch sau khi phát hiện bị xâm nhập trái phép hôm thứ Sáu. Ông Otsuka cho biết, Coincheck đã bị mất khoảng 500 đồng NEM trị giá $400 triệu Mỹ kim, do bị chuyển “phi pháp” ra bên ngoài. Năm 2014, sàn MtGox của Nhật cũng bị đánh cắp $450 triệu Mỹ kim tiền ảo, làm chấn động thị trường thế giới. Sau việc này, Nhật đã đưa ra một hệ thống quản lý để tăng cường giám sát các sàn tiền ảo trong nước. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều sàn giao dịch tiền ảo không được giám sát, hoặc chỉ bị giám sát rất lỏng lẻo.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT