Phóng Sự

Project VietNam Foundation và những chương trình y tế vì cộng đồng (kỳ 2)

Friday, 02/08/2019 - 06:39:51

Project VietNam Foundation là một Hội Từ Thiện bất vụ lợi (Tax ID 26-1422761, website www.projectvietnam.org), kể từ khi đời vào năm 1996 đến nay, ba mục tiêu chính yếu của Project VietNam được chú trọng thực hiện là hỗ trợ xây dựng những hệ thống y tế tại Việt Nam


Các bác sĩ của Project VietNam Foundation khám chữa bệnh tại Việt Nam. (Hình cung cấp)

Bài BĂNG HUYỀN


Project VietNam Foundation là một Hội Từ Thiện bất vụ lợi (Tax ID 26-1422761, website www.projectvietnam.org), kể từ khi đời vào năm 1996 đến nay, ba mục tiêu chính yếu của Project VietNam được chú trọng thực hiện là hỗ trợ xây dựng những hệ thống y tế tại Việt Nam để chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại những vùng sâu vùng xa, giảm thiểu tử vong trẻ sơ sinh, huấn luyện và đào tạo về cấp cứu hồi sức sơ sinh cho bác sĩ và nhân viên y tế tại những vùng miền mà phương tiện y khoa tân tiến còn bị nhiều hạn chế.

Trong 23 năm hoạt động tại các tỉnh thành trải dài từ Bắc, Trung, Nnam ở Việt Nam, Project VietNam Foundation không chỉ hỗ trợ y tế cho người dân nghèo và xây dựng các chương trình sức khỏe vì trẻ em mà còn chú trọng giúp đỡ đào tạo các nhân viên y tế và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ tại Việt Nam.
Bác sĩ nhi khoa Quỳnh Kiều, là người sáng lập kiêm Hội trưởng của Project VietNam Foundation cho biết, “Những năm gần đây chúng tôi bắt đầu chú ý đến việc giúp trẻ bị tự kỷ tại Việt Nam, các em bị tự kỷ càng ngày càng tăng cao. Tôi thấy bên Mỹ những chương trình y tế rất tốt, ví dụ chương trình theo dõi về sự phát triển trẻ em. Nếu trẻ chưa đạt được so với độ tuổi thì sẽ có những chương trình đánh giá để giúp đỡ các em. Việt Nam vẫn chưa phát triển các ngành trị liệu hay nâng đỡ trẻ em. Vì vậy mình nên giúp huấn luyện cho các cô giáo mầm non ở các vùng miền quê cách để đánh giá được những em nào có nhu cầu đặc biệt mà giúp đỡ các em từ sớm.
“Đây là cách thành công, tương đối dễ và phù hợp với hoàn cảnh sống tại Việt Nam. Lần này cuối tháng 3 năm 2019 về, chúng tôi mời 5 chuyên gia từ Mỹ về giúp thực hiện chương trình đánh giá trẻ tự kỷ để đưa ra cách huấn luyện phù hợp cho từng trẻ. Các chuyên gia mang về những phương pháp đánh giá, những phương pháp can thiệp để huấn luyện. Một khi mình đã làm được thành công, thì chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách như bên Mỹ để đầu tư vào sự phát triển những trẻ nhỏ, sẽ giúp sớm cho các em, không nên để não bộ cứng rồi thì việc giúp các em càng khó khăn hơn.”


Chương trình huấn luyện cấp cứu sơ sinh do Project VietNam Foundation thực hiện tại Việt Nam. (Hình cung cấp)

 

Ngoài chương trình huấn luyện về phương pháp đánh giá trẻ tự kỷ, chậm phát triển, tháng Ba vừa rồi Project VietNam Foundation còn thực hiện những chương trình định kỳ của Hội đã thực hiện đầu đặn suốt bao năm qua trong những chuyến về Việt Nam. Project VietNam Foundation kết hợp cùng nhiều chuyên gia y tế đầu ngành và các bệnh viện lớn tại Việt Nam như Nhi Đồng 2, Nhân dân Gia Định, Viện tim Tâm Đức, Sản Nhi Nghệ An, Nhi Cần Thơ triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe đặc biệt như mổ dị tật sứt môi hở hàm ếch, huấn luyện về bệnh tự kỷ và các bệnh đặc biệt, chữa trị tim thất nhịp, khám bệnh, chữa răng miễn phí cho người dân. Project VietNam Foundation còn trao tặng kính mắt cho trẻ em và người lớn đến khám bệnh về mắt. Project VietNam Foundation tiếp tục thực hiện Khóa huấn luyện cấp cứu sơ sinh cung cấp những kiến thức và phương pháp cho các nhân viên các bệnh viện địa phương vùng sâu vùng xa như những cô đỡ, y sĩ... để giúp giảm thiểu tử vong sơ sinh ở những vùng không có phương tiện y tế tiên tiến như tại những thành phố lớn. Project VietNam Foundation còn tặng cho học viên những bộ dụng cụ y khoa gọi là Bộ Hồi Sức Cấp Cứu cho học viên đã qua huấn luyện có thể cứu mạng sơ sinh một cách rõ ràng và hữu hiệu nhất. Họ có nhiệm vụ huấn luyện lại người khác thì chứng chỉ của Project VietNam Foundation cấp cho họ mới tiếp tục có giá trị.

Chương trình y tế cộng đồng tại Quận Cam

Bác sĩ Quỳnh Kiều cho biết những chương trình y tế của Project VietNam Foundation giúp cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại quận Cam, “Cách nay 2 năm, vào 2017, chúng tôi nhận thấy quận Cam là quận có sự gia tăng tự tử của trẻ vị thành niên cao nhất nước Mỹ, mà sắc dân gia tăng nhiều nhất là gốc Asian, thành ra chúng tôi muốn đóng góp cho cộng đồng phòng ngừa việc như vậy. Nên đã hợp tác với Trung Tâm Tự Kỷ và Những Rối Loạn Phát Triển Thần Kinh, thực hiện những chương trình hội thảo, mời các chuyên gia thuộc các tổ chức: The Center for Autism and Neurodevelopmental Disorders, CHOC, và 24/7 Care at Home, đến nói chuyện để cung cấp những điều bổ ích, góp phần nâng cao nhận thức, giảm sự kỳ thị, khuyến khích tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết, và sau cùng là thúc đẩy phát hiện sớm về sự trầm cảm trong chính cộng đồng người Việt của mình, để phụ huynh đến học hỏi, giúp bảo vệ mạng sống của con cái mình. Bệnh Trầm Cảm (Major depressive disorder hay Depression) có thể xảy ra với các sắc tộc khác nhau và người gốc Việt cũng không tránh khỏi. Trầm cảm cũng không loại trừ lứa tuổi nào, từ trẻ vị thành niên đến cao niên.

Buổi hội thảo xoay quanh các đề tài, như lo âu, trầm cảm ở trẻ em, bao gồm trẻ em có nhu cầu đặc biệt, và trầm cảm ở tuổi vị thành niên và thanh niên; Trầm cảm ở người trưởng thành và người cao tuổi. Các chuyên gia giúp phụ huynh chú ý đến hành vi của con em để sớm phát giác các triệu chứng trầm cảm, như trẻ em tỏ ra buồn chán, kéo dài hai tuần lễ. Trẻ tỏ ra nhức đầu, đau bụng và tâm thần đau nhức, kèm theo mất ngủ, mất năng lực, biếng ăn trong suốt hai tuần. Đây là triệu chứng của trầm cảm.

Bệnh trầm cảm của thanh thiếu niên thường xảy ra từ khi trẻ học lớp 9 đến lớp 12, nhưng chỉ có 20% được biết đến. Trẻ em gốc Á Châu nói chung, trẻ gốc Việt nói riêng bị giằng co giữa hai nền văn hóa. Khi đến trường, trẻ cư xử khác, về nhà cư xử khác. Các em bị ăn hiếp ở trường. Gia đình có bố mẹ ly dị, thường xuyên cãi vã. Kỳ vọng của bố mẹ trong việc học của con. cũng có thể tạo nên sự căng thẳng đưa đến trầm cảm. Bệnh trầm cảm có thể chữa được bằng phương pháp nói chuyện (talk therapy). Hoặc cần thiết thì cho trẻ uống thuốc.
Ngoài ra Project VietNam Foundation còn phối hợp với Trung Tâm Tự Kỷ và Chậm Phát Triển Thần Kinh, và nhiều cơ quan khác, như CHOC, UCI Health, Chapman University, v.và cùng tổ chức, dưới sự bảo trợ của nhật báo Người Việt thực hiện những hội thảo về trẻ tự kỷ. Diễn giả là các bác sĩ nhi khoa, các chuyên gia về tâm lý, giáo viên dạy chương trình giáo dục đặc biệt, giáo viên dạy ngôn ngữ trị liệu, giáo viên dạy về hành vi để thảo luận các đề tài gồm tự kỷ (ASD) là gì, giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ, phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp của trẻ em bệnh này, tìm hiểu về hành vi tự kỷ, và tự kỷ ảnh hưởng đến gia đình như thế nào. Giúp bố mẹ cách thức để giúp trẻ tự kỷ bỏ được những hành vi xấu để tập những hành vi tốt.


Chương trình huấn luyện cấp cứu sơ sinh do Project VietNam Foundation thực hiện tại Việt Nam. (Hình cung cấp)

 


Chương trình trên đã giúp các phụ huynh có con bị tự kỷ đến dự có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Project VietNam Foundation cũng đã từng thực hiện buổi khám sàng lọc những em tự kỷ, chậm phát triển. Trong thời gian tới Project VietNam Foundation sẽ tiếp tục thực hiện những hội thảo kể trên để giúp thêm những phụ huynh có con em cần giúp đỡ.

Bác sĩ Quỳnh Kiều bày tỏ thêm, “Hiện tượng người mẹ sau sinh bị thay đổi hormone gây ra bệnh trầm cảm sau sinh, dẫn đến giết con và tự sát là một điều rất thương tâm. Tại các bệnh viện ở Mỹ, sau khi sinh con, các bác sĩ luôn có những câu hỏi trắc nghiệm để xem người mẹ sau sinh trả lời giúp chúng tôi nhận biết người mẹ đó có trầm cảm sau sinh không, để tìm những phương tiện hỗ trợ cho họ. Chúng tôi rất mong có thêm các thiện nguyện viên giúp chúng tôi dịch những tài liệu có tính chuyên môn, chính thống của Viện Hàn Lâm Y Khoa Hoa Kỳ về hiện tượng của trầm cảm thanh thiếu niên, trầm cảm sau sinh để phổ biến nhiều hơn trong cộng đồng chúng ta, để đăng lên internet. Mỗi quý vị tùy theo khả năng của mình, ai cũng có thể đóng góp được một chút cho những việc ích lợi như thế này.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT