Người Việt Khắp Nơi

Phụ nữ Việt xin được ở lại Úc với con còn nhỏ

Monday, 01/10/2018 - 09:44:43

Theo hãng tin AAP, cô Trần Huyền, 29 tuổi, đã vượt biển đến Úc vào năm 2011, sau khi thoát khỏi cuộc đàn áp tôn giáo ở quê nhà. Cô đã ở trong trại giam gần một năm và trong thời gian đó đã sinh con gái Isabella. Hiện em bé đã được 6 tháng tuổi.


Một tấm bích chương của hội Refugee Action Collective kêu gọi chính phủ Úc hãy cho mẹ con cô Trần Huyền được tị nạn, được trưng trong cuộc biểu tình tại Melbourne ngày thứ Hai. (AAP)


MELBOURNE - Hàng chục người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa án ở thành phố Melbourne để ủng hộ cho một phụ nữ Việt xin tị nạn ở Úc. Cô đang lo lắng chờ đợi quyết định của thẩm phán về việc trục xuất và chia cắt cô khỏi con gái nhỏ mới 6 tháng tuổi.

Theo hãng tin AAP, cô Trần Huyền, 29 tuổi, đã vượt biển đến Úc vào năm 2011, sau khi thoát khỏi cuộc đàn áp tôn giáo ở quê nhà. Cô đã ở trong trại giam gần một năm và trong thời gian đó đã sinh con gái Isabella. Hiện em bé đã được 6 tháng tuổi.

“Nếu tôi bị trục xuất về Việt Nam, tôi có thể bị tống giam hoặc thậm chí bị giết chết,” AAP ghi nhận lời cô Huyền nói qua một thông dịch viên tại tòa án liên bang ở Melbourne hôm thứ Hai, 1 tháng 10, 2018.
“Tôi không muốn điều đó xảy ra bởi vì nếu tôi bị giết, con gái tôi sẽ không có mẹ.”

Trần Huyền, cho biết thêm rằng “vì là một người Công giáo ở quốc gia Cộng Sản và vô thần,” cô đã bị “nhắm mục tiêu và không có tự do ngôn luận.”

Cô kể rằng trước đây, vì cố gắng bảo vệ tượng Đức Mẹ mà cô đã bị tấn công.
“Tôi bị gây khó dễ và hiện còn một vết sẹo trên đầu,” Huyền cho biết.
Luật sư Christopher McDermott, đại diện Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Liên Bang, nói rằng “không có bằng chứng” về vụ tấn công vì cố gắng để bảo vệ tượng Đức Trinh Nữ Maria.

Luật sư này dẫn lời khai của cô Trần Huyền cho biết cô là một đứa trẻ đường phố và là trẻ vị thành niên khi đến nước Úc.

Ông McDermott nói đã tiến hành đánh giá và không tìm thấy chứng cứ nào cho thấy cô Trần Huyền sẽ bị làm hại nếu bị trả về Việt Nam.

Hàng chục người đã biểu tình bên ngoài tòa án trước phiên xử để ủng hộ cô Trần Huyền và gia đình cô.
“Thật khó khăn khi tôi chỉ gặp họ hai giờ mỗi ngày. Nếu Huyền bị đưa đi, chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra,” chồng cô là Paul Lee nói với AAP.

“Điều tệ nhất là họ không cho phép chúng tôi rửa tội cho em bé trong nhà thờ vì cô ấy không được phép ra khỏi trại giam,” anh Paul Lee cho biết thêm.

Truyền thông Úc cho biết thẩm phán Philip Burchardt sẽ là người ra phán quyết trong vụ này.
Trần Huyền giải thích lý do rời Việt Nam là do bị “bức hại tôn giáo, sau một chiến dịch đàn áp của chính quyền Việt Nam.” Tuy nhiên vì cô đến Úc bằng thuyền nên bị liệt vào thành phần nhập cảnh bất hợp lệ, và chiếu theo luật hiện hành -vốn đã bị siết chặt gần đây, cô Huyền sẽ bị trục xuất về nước. Nếu bị trục xuất, cô phải chia tay cùng chồng và con nhỏ.

Hoàn cảnh người mẹ Việt Nam có nguy cơ bị chia cắt với đứa con mới sinh đã thu hút sự chú ý của nhiều người quan tâm cũng như của các tổ chức bênh vực người tị nạn tại Úc.

Hôm thứ Hai, những người ủng hộ trong đó có một số chính khách địa phương như Nghị Sĩ Gavin Marshall đại diện Đảng Lao Động tại quốc hội tiểu bang Victoria, và bà Trần Việt Hương, Nghị Sĩ Úc gốc Việt đại diện cho Đảng Xanh tại Khu Vực Miền Tây Victoria, đã góp tiếng cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo trước tòa án liên bang để hối thúc Bộ Nội vụ xét lại trường hợp Trần Huyền. Trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất có bà Lucy Honan thuộc Nhóm Hành Động Hỗ Trợ Người Tị Nạn (Refugee Action Collective).

Chồng của Huyền là Paul Lee, một chuyên viên cơ khí gốc Trung Hoa đến từ đảo Mauritius. Paul không phải là công dân Úc nhưng được sang Úc làm việc với visa 457 - dành cho những người có tay nghề hoặc kỹ năng cần thiết tại Úc.

Linh Mục Peter, người hướng dẫn tinh thần của Trần Huyền, cũng góp tiếng hậu thuẫn lời kêu gọi của Giám Mục Vincent Long- cai quản giáo phận Paramatta ở tiểu bang New South Wales, khuyên Bộ Trưởng Nội Vụ Peter Dutton hãy thả Trần Huyền và đứa con 6 tháng của cô, đồng thời cho phép hai mẹ con thường trú vĩnh viễn ở Úc “vì lý do nhân đạo.”

Trong thư ngỏ gửi Bộ Trưởng Dutton, Đức Giám Mục Vincent Nguyễn văn Long viết: “Như Bộ trưởng đã biết, nhiều người Công Giáo vẫn bị đàn áp ở Việt Nam. Trần Huyền đã chạy trốn đàn áp vào năm 2011. Nhưng vì cô đến Úc bằng thuyền nên không được cho cơ hội làm đơn xin được bảo vệ qua quy chế tị nạn.”Những người khác bênh vực người mẹ trẻ nói trường hợp của Huyền cần được tái xét. Được biết hồi tháng Giêng năm nay, Lực lượng Biên phòng Úc (ABF) đã trục xuất Huyền tuy nhiên lúc đó bà đã có bầu 8 tháng, và trong một diễn biến đầy kịch tính, một nữ y tá đã can thiệp để chặn đứng lệnh trục xuất trong khi Huyền đã có mặt trên máy bay.

Từ đó cho tới nay, Huyền bị cầm giữ tại trung tâm tạm giam ở Broadmeadows, một vùng ngoại ô thành phố Melbourne.

Vào tháng Ba năm nay, Huyền sinh con gái, đặt tên là Isabella, trong trại tạm giam. Bé Isabella trên giấy tờ được ghi là “vô tổ quốc,” lệ thuộc vào visa 457 của cha, là Paul.

Ông Nguyễn Thế Phong, Phó Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang Victoria, nói mặc dù chính sách di trú ở Úc đã bị siết chặt, đặc biệt đối với những người tới lãnh thổ Úc trực tiếp bằng thuyền, nhưng cộng đồng vẫn tranh đấu để họ có cơ hội được cứu xét nếu thực sự là người tị nạn.

Ông Phong giải thích, “Có rất nhiều câu chuyện mà chúng ta không biết được, do đó Cộng Đồng Người Việt Tự Do ở Úc cho rằng chúng ta có bổn phận yêu cầu chính phủ Úc phải xem xét những trường hợp này rất kỹ lưỡng, mọi thứ chứng cớ đầy đủ. Nếu họ không phải là người tị nạn thì cũng phải qua những tiến trình… cứu xét đàng hoàng chứ không thể đẩy họ về Việt Nam như vậy. Biết đâu trong số những người này có những người thực sự đã bị tù đày, đang trốn chạy và không thể nào đi qua các cửa khẩu một cách ngang nhiên được.”

Ông Phong bày tỏ tiếc nuối vì chính sách của nước Úc hiện này theo ông có phần “gắt gao và kém nhân đạo” hơn trước, đôi khi “không công bằng cho những người tầm trú.”
(Nguồn đài VOA)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT