Hoa Kỳ

Phụ nữ Mỹ cũng chết trong cuộc chiến Việt Nam

Sunday, 22/10/2017 - 10:40:57

Thế nhưng có một sự việc nổi bật về những phụ nữ này: Nếu không có sự phục vụ của họ, chắc sẽ có thêm nhiều tên tuổi khác được đưa lên danh sách các quân nhân tử trận họ trên Bức Tường Đen tại Hoa Thịnh Đốn.


Đây là sáu nữ quân nhân Mỹ đầu tiên đến Việt Nam thuộc lực lượng Không Quân. Đến khi cuộc chiến kết thúc thì hơn 11,000 phụ nữ Hoa Kỳ đã đến hỗ trợ mà sau này phần nhiều bị lãng quên. (Department of Defense)

Bà Barbara Will là giáo sư Anh ngữ tại Dartmouth College, Phụ Tá Khoa Trưởng Nghệ Thuật Và Nhân Văn, và là thành viên của dự án Public Voice Fellowship tại trường đại học này.
Mới đây, bà Barbara Will đã đăng một bài viết trên báo mạng The Conversation, về vấn đề phụ nữ Mỹ từng tham dự cuộc chiến Việt Nam và bị lãng quên, sau thời gian họ đến một đất nước xa lạ để trợ giúp những nạn nhân của làn sóng xâm lăng cộng sản từ phương bắc.

Khi đến thăm Bức Tường Tưởng Niệm Các Cựu Chiến Binh Việt Nam ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, người ta dễ dàng không để ý tới danh tánh của tám phụ nữ được khắc trên những bia đá ảm đạm làm bằng đá hoa cương đen trên bức tường.

Tám người phụ nữ này là những nhân vật ẩn khuất, quá nhỏ bé trước con số 58,300 tên của những người nam đã tử trận khi đang tại ngũ, hoặc vẫn còn mất tích trong lúc thi hành nhiệm vụ từ thời chiến Việt Nam.

Tất cả tám phụ nữ đều là y tá quân đội. Họ đã chết vì vết thương do trúng mảnh bom đạn, chết trong những vụ tai nạn máy bay trực thăng, hoặc chết vì bệnh tật trong khi chăm sóc cứu chữa những người bị thương. Vì cuộc chiến này không có mặt trận rõ ràng, những phụ nữ này thường bị mắc kẹt vào giữa những khu vực chiến sự, cứu mạng nhiều người trong khi đánh liều chính bản thân.

Tuy nhiên, những phần đóng góp của tám nữ y tá này, và của khoảng 11,000 phụ nữ Mỹ khác tham gia cuộc chiến tranh, với tư cách là nhân viên y tế và nhân viên hỗ trợ từ năm 1956 đến năm 1975, là một câu chuyện phần lớn chưa được kể lại. Giống như những phụ nữ Mỹ gốc Phi Châu từng làm việc ở hậu trường tại cơ quan không gian NASA trong thời kỳ Sputnik (vệ tinh nhân tạo đầu tiên do Nga Sô phóng lên), những phụ nữ Mỹ phục vụ ở Việt Nam đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì nỗ lực tham gia cuộc chiến của chính phủ Hoa Kỳ, trong khi gặp phải sự kỳ thị giới tính và sự coi thường, ở quê hương cũng như tại chiến trường ở Việt Nam.

Phần lớn số người thương vong trong chiến tranh Việt Nam đều là nam giới, và kinh nghiệm của họ – ngày nay hơn bao giờ hết – đòi hỏi phải được tôn vinh. Nhưng chúng ta cũng cần phải tôn vinh với mức độ như thế đối với kinh nghiệm và những nỗ lực của các phụ nữ, chẳng hạn như tám nữ y tá có tên khắc trên bức tường tưởng niệm; họ cũng mất đi mạng sống khi đang phục vụ đất nước.

Để đưa công lao phụng sự của tám phụ nữ này ra ánh sáng, chúng ta có thể bắt đầu với điều mà bà Maya Lin, người tạo Bức Tường Tưởng Niệm Cựu Chiến Binh Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn, đã hiểu theo bản năng: sức mạnh nằm trong việc biểu lộ một cách đơn giản danh tánh và ngày chết của một người. Như bà Lin viết, các danh tánh trên Bức Tượng Tưởng Niệm đều nhằm chủ đích là “nói thẳng về thực tại chiến tranh, về việc thiệt mạng trong cuộc chiến, và về việc tưởng nhớ những người đã phục vụ và đặc biệt những người đã chết.”

Nữ Đại Úy Eleanor Alexander và Thiếu Úy Hedwig Orlowski qua đời vào tháng 11, 1967, khi máy bay của họ bị rớt trong một chuyến trở về từ nhiệm vụ tại bệnh viện ở Pleiku.

Thiếu Úy Sharon Lane tử trận trong tháng Sáu, 1969 vì những vết thương do mảnh đạn khi mấy trái hỏa tiễn do Việt Cộng pháo kích bắn trúng bệnh viện 312 Evacuation ở Chu Lai.

Chuẩn Úy Pamela Donovan chết bệnh trong tháng Bảy, 1968 tại Gia Định, và Thiếu Úy Annie Graham cũng chết như vậy khoảng một tháng sau đó.

Hai Chuẩn Úy Carol Drazba và Elizabeth Jones từ trần trong một tai nạn trực thăng ở gần Sài Gòn trong tháng Hai, 1966.

Và đại úy Mary Therese Klinker thiệt mạng cùng với 138 người khác trong vụ tai nạn máy bay Babylift nổi tiếng, vào ngày 4 tháng Tư, 1975 trong khi di tản các trẻ mồ côi ra khỏi Việt Nam.

Tất cả các phụ nữ này đều là tình nguyện viên trong Bộ Binh và Không Quân, hầu hết trong độ tuổi 20 của họ.

Họ xuất thân từ các thị trấn và thành phố trên khắp nước Mỹ: Lafayette, Indiana; Brighton, Massachusetts; Canton, Ohio. Họ làm việc lâu giờ trong những điều kiện hết sức khó nhọc. Cùng với chiến tranh mà cho đến ngày nay đi liền với công việc điều dưỡng, các y tá quân đội ở Việt Nam đã còn bị sách nhiễu, bị đánh giá theo thành kiến bởi những người lính đồng đội và giới truyền thông ở Mỹ.
Một cuộc nghiên cứu ghi nhận rằng 63 phần trăm trong tổng số các y tá phục vụ tại Việt Nam “đã báo cáo về việc bị sách nhiễu tình dục dưới một hình thức nào đó.” Đây là một thực tại dẫn đến những mức tỷ lệ cao của PTSD (chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương) cho những người sống sót. Trong khi ở nước Mỹ quê hương, những thanh kiến thường mô tả các nữ y tá ở Việt Nam là loại lăng nhăng, mất nết, hoặc có tâm lý bất thường.

Thế nhưng có một sự việc nổi bật về những phụ nữ này: Nếu không có sự phục vụ của họ, chắc sẽ có thêm nhiều tên tuổi khác được đưa lên danh sách các quân nhân tử trận họ trên Bức Tường Đen tại Hoa Thịnh Đốn.

Việc thuật lại câu chuyện của phụ nữ trong chiến tranh đã trở nên dễ dàng từ khi có sắc lệnh trong năm 2013, cho phép các phụ nữ phục vụ trong những vai trò trực tiếp chiến đấu trong quân đội Mỹ. Với số lượng phụ nữ hiện giờ chiếm 15% trong tổng số các chiến sĩ quân đội, thật khó hơn để nói rằng giới tính là một yếu tố phân biệt cho việc dấn thân hoặc hy sinh trong chiến tranh

Tuy nhiên, lệnh cấm của chính phủ hiện nay, không cho phép những người chuyển giới tính phục vụ trong quân đội Mỹ, gợi ý cho thấy rằng vẫn có một sự không thoải mái đáng kể trong nước này, về việc làm cho quân đội trở nên thực sự có tính cách bao hàm về giới tính. Ý tưởng coi chiến tranh là lãnh vực của nam tính anh hùng vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ trong huyền thoại quốc gia của chúng ta. Tất nhiên sự thật thì luôn luôn phức tạp và tế nhị hơn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT