Thể Thao

Phụ nữ Iran không được vào sân Azadi (Tự Do) xem trận vòng loại WC Iran-Syria

Wednesday, 06/09/2017 - 08:17:52

Trong ngày không có đá banh, nhân chuyện phụ nữ không được tự do ở sân đấu mang tên "Tự Do" bên Iran, ta chì còn cách giải trí bằng cách xem một vài hình ảnh của phụ nữ các nơi trên thế giới người ta đi xem bóng đá vậy!

Bài THANH NGUYỄN

Thứ Tư 6/9 thì tất cả những trận vòng loại World Cup 2018 ở khắp mọi nơi đã tạm ngưng, chờ qua thượng tuần tháng Mười sẽ tái tục, và chừng đó thì mới thật là gay cấn bởi sau đấy qua tháng Mười Một chỉ còn một ngày vào giữa tháng để giải quyết "vớt" mấy anh còn lại. Tuy đến giữa tháng Mười thì ngoại trừ mấy anh lẻ loi sẽ được "đậu vớt" kia, ai nấy đều biết chắc là mình đã có vé đi đấu vòng 32 bên Nga hay không.


Fan nữ của đội Syria trong trận vòng loại World Cup ngày 5/9 với Iran ở sân Azadi tại Teheran, Iran. (Getty Images)

Trong ngày thứ Tư không có trận banh nào đáng nói vì các cầu thủ quốc gia đã lại trên đường quay về những đội thường xuyên của mình, phần lớn là bên Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Và tất nhiên là cuối tuần này các trận của Premier League, Ligue 1, Bundesliga, Serie A và La Liga cũng sẽ tái diễn tấp nập.
Trong ngày thứ Tư ta có chuyện hết sức đáng nói. Nó liên quan đến đá banh là hiển nhiên vì ở đây ta chỉ bàn đến đề tài đó là chính. Thế nhưng khổ nỗi là đá banh không thể tách rời khỏi đời sống văn hóa, xã hội nói chung của một nước cho nên ở đây người viết chỉ thuật lại một hiện tượng xảy ra hôm thứ Ba 5/9 ở bên xứ Iran với trận vòng loại World Cup cho khu vực Á châu giữa Iran với Syria tại sân Azadi Stadium ở thủ đô Teheran của xứ Iran. Người đọc tha hồ mà suy ngẫm về các mặt có liên quan khác như chính trị, tín ngưỡng, văn hóa, v.v...


Một fan nữ Nam Hàn trong trận Asian Cup năm 2017. (Getty Images)

Trước hết là tên gọi của sân đấu Azadi. Chữ đó trong ngôn ngữ Iran có nghĩa là "Tự Do".
Vậy thì trong trận banh nói trên vào hôm thứ Ba, phụ nữ Iran không được vào sân để xem trận đấu!
Chuyện giỡn chơi chăng? Không, chuyện hoàn toàn có thật! Tin được đăng tải khắp nơi bên Âu Châu và các nơi khác trên thế giới.

Thoạt đầu, tưởng đâu như bình thường ở Teheran là nam nữ gì thì cũng đều được mua vé đi xem, nhưng sau đó có lệnh của ban tổ chức trận đấu là phụ nữ Iran không được mua vé vào xem; ai lỡ mua rồi khi lệnh cấm chưa được ban ra thì chịu khó giữ vé rồi về nhà xem truyền hình hay sao đó thì tùy! Không thấy có tin về tiền bồi hoàn!


Hai fans nữ của Nhật trong một trận nội bộ bên Nhật hồi tháng Năm 2017. (Getty Images)

Một đám đã có vé khi đến sân "Tự Do" thì bị ngăn lại, không cho vào cổng. Họ phản đối, rục rịch tính chuyện biểu tình thì lực lượng an ninh cảnh sát dọa ai biểu tình sẽ bị bắt. Dân Iran đã biết rằng chế độ của mình không có màn dọa suông cho nên các bà các cô đành giữ vé trong tay, đứng ngoài sân đấu mà than thở với nhau.

Trong khi đó thì đám fans nữ của đội Syria tha hồ muốn vào xem cỡ nào cũng được, không những vậy lại khỏi cần phải trùm mặt kín mít, chỉ để hở hai con mắt cho đủ xem trận banh. Họ cũng đều trang điểm rực rỡ chả thua bất kỳ một đám fans nữ nào của bất kỳ một xứ Âu Mỹ hay Á châu, Nam Mỹ hay châu nào khác!
Sân đấu "Tự Do" mà cấm phụ nữ nước mình vào xem đá banh là làm sao? Dân Syria cũng chẳng theo đạo Hồi Giáo như Iran là gì? À mà khoan! Hồi Giáo bên Syria theo nhánh Sunni, chỉ có khoảng 13% bên đó mới theo nhánh Shia, còn bên Iran thì đa số là Hồi Giáo theo nhánh Shia, mà không những vậy, Hồi Giáo kiểu Iran là nằm trong chế độ chính thức mang danh "Cộng Hòa Hồi Giáo Iran", một chế độ dựa trên thần quyền. Chẳng vậy mà nhóm ISIS (Islamic State of Iraq and Syria) còn cấm thiên hạ xem đá banh vì cho rằng đấy là "một trò chơi thoái hóa của các chế độ mục nát về luân lý phương Tây"!


Một fan nữ của đội Paraguay trong trận giải Copa America với Brazil năm 2011. (Getty Images)

Các nữ dân biểu quốc hội bên Iran đã lên tiếng về việc phụ nữ bị cấm vào sân Azadi xem trận banh hôm thứ Ba. Một tờ báo lớn ở Teheran là tờ Bahar dám cả gan đưa vấn đề này lên trang nhất thì kể cũng lạ! Tờ báo có đoạn: "Chuyện mâu thuẫn ở xứ Iran này; khán giả phụ nữ của đội khách thì vào xem đá banh thoải mái trong khi khán giả phụ nữ của nước gia chủ thì lại bị cấm"!

Iran cho phép phụ nữ đi xem những trận banh giữa các đội nữ. Mà như vậy cũng lại "mâu thuẫn" dữ tợn nữa! Bên đó họ theo tín ngưỡng mà chủ trương phụ nữ ăn mặc cho thật kín đáo để cốt cho đám nam giới đừng có bị đường tròn nét cong này kia nơi phái nữ họ mê hoặc để rồi dễ bị cám dỗ mà sinh chứng! Thế nhưng nếu để cho nam giới đi xem các trận banh của các đội nữ thì bên đó họ có chắc là đám mày râu đó chỉ dán mắt vào đôi chân của đám cầu thủ nữ vì mải mê với "nghệ thuật bóng đá" chứ hoàn toàn không màng gì đến những khoản từ chân của người ta vòng vo tuốt lên tận miệt trên?


Đám fans nữ của đội Iceland trong trận vòng loại Wrld Cup hồi thán g7 năm 2017. (Getty Images)

Trong ngày không có đá banh, nhân chuyện phụ nữ không được tự do ở sân đấu mang tên "Tự Do" bên Iran, ta chì còn cách giải trí bằng cách xem một vài hình ảnh của phụ nữ các nơi trên thế giới người ta đi xem bóng đá vậy!


Fan nữ của đội Anh trong trận vòng loại Anh - Slovakia ở sân Wembley, London ngày 5/9. (Getty Images)

(Chả bù với kỳ World Cup 2014 bên Brazil, có cô người mẫu cực kỳ hấp dẫn người Paraguay, ăn mặc hết sức thoáng mát ở những trận có đội Paraguay tham dự, từng tuyên bố là hễ đội Paraguay vào lọt bán kết là cô ta sẽ cởi truồng chạy rong ngoài đường phố thủ đô Asuncion của Paraguay để mừng đội nhà! Dạo đó không biết bao nhiêu đàn ông Paraguay và thế giới ngày đêm chỉ cầu cho đội Paraguay vào được bán kết. Phiền nỗi là kỳ đó đội Paraguay thua Tây Ban Nha 0-1 ở tứ kết; có lẽ do đá không lo đá, chỉ lo liếc mắt nhìn cô nàng kia trên khán đài cạnh sân đấu)! (tn)


Các fans nữ của Cana da đi xem trận Rugby ở Toronto hồi tháng 7 năm 2017. (Getty Images)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT