Người Việt Khắp Nơi

Phỏng Vấn:Hòa Thượng Thích Minh Mẫn

Friday, 08/09/2017 - 12:44:22

Trước khi gặp Hòa Thượng Viện Chủ Thích Minh Mẫn, chúng tôi gặp Đại Đức Thích Huệ Đức trú sứ chùa Huệ Quang để hỏi câu trên.

Phỏng Vấn: Hòa Thượng Thích Minh Mẫn, Viện Chủ chùa Huệ Quang về ý nghĩa ngày Mùng Một và ngày Rằm trong Phật Giáo

Bài THANH PHONG

SANTA ANA - Trong báo Viễn Đông ra ngày thứ Tư, 6 tháng 9, 2017 chúng tôi đã có bài phóng sự ghi nhận sinh hoạt trong ngày Rằm tháng Bảy tại chùa Huệ Quang. Mặc dù đang bận rộn với việc Phật sự cũng như với hàng ngàn Phật tử đến chùa ăn cơm chay, thưởng thức âm nhạc, Hòa Thượng Viện Chủ vẫn hoan hỷ trả lời câu hỏi, “Ngày mùng Một và ngày Rằm có ý nghĩa như thế nào trong Phật Giáo?” mà một số Phật tử, nhất là những Phật tử trẻ khi được hỏi câu này cũng không trả lời được, chỉ biết vào ngày mùng Một và ngày Rằm theo cha mẹ đến chùa cúng vái mà thôi.

Trước khi gặp Hòa Thượng Viện Chủ Thích Minh Mẫn, chúng tôi gặp Đại Đức Thích Huệ Đức trú sứ chùa Huệ Quang để hỏi câu trên. Đại Đức vui vẻ trả lời, nhưng tôn trọng sư phụ nên nói với chúng tôi tìm Hòa Thượng để Sư Phụ giải thích rõ ràng, chi tiết hơn, và chúng tôi đã được Hòa Thượng Viện Chủ hoan hỷ đón tiếp.  


Hòa Thượng Thích Minh Mẫn, Viện Chủ chùa Huệ Quang, đang giải thích ý nghĩa ngày mùng Một và ngày Rằm trong Phật giáo. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Trước tiên, Hòa Thượng có lời cám ơn Ban Giám Đốc và toàn thể nhân viên nhật báo Viễn Đông luôn quan tâm đến các sinh hoạt tôn giáo tại chùa Huệ Quang từ nhiều năm qua, và Hòa Thượng nói, “Hôm nay là ngày Rằm tháng Bảy, nhằm ngày 5 tháng 9 tây năm Đinh Dậu là ngày lễ hội lớn trong năm. Một năm có ba cái lễ hội. Tết thì không nói rồi có lễ Giao Thừa, còn lễ hội đầu là lễ hội Rằm Tháng Giêng. Đi đâu thì đi cứ ngày Rằm Tháng Giêng là Phật tử đến chùa cầu nguyện cho một năm sinh khí của trời đất được tuần hoàn tốt đẹp.

“Tháng Giêng cũng là tháng đầu tiên của năm và chúng ta có những tâm hồn, ý muốn, cởi mở và bao dung để cầu nguyện, trước cho bản thân mình được sức khỏe, và đời sống của mình được nhiều sự may mắn; thứ hai là cho con cái mình. Đó là riêng cá nhân của gia đình. Còn nếu ngày đầu năm thì các cơ sở tôn giáo người ta đặt nặng vấn đề cầu nguyện cho một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Triều đình thời xưa, các vua quan cũng đi làm lễ, cầu nguyện trong ngày đầu năm ở đình, ở chùa trong làng xã.


Đại Đức Huệ Đức (Thanh Phong/ Viễn Đông)

“Tháng Giêng là tháng nhiều lễ hội nhứt. Kế đến là ngày Rằm tháng Bảy, ngày hội mà những người con dầu ở đâu, dầu sống lưu vong nơi xứ người, chúng ta cũng đều nhớ đến nguồn gốc ông bà, cha mẹ của mình, cho nên đặt lại vấn đề là lấy tích khi xưa Đức Thế Tôn còn tại thế. Khi đó Ngài có nhiều đệ tử, và cái duyên khởi đầu tiên là Mục Kiền Liên có bà mẹ là bà Thanh Đề bị đọa vào địa ngục cho nên dù Mục Kiền Liên có phép thần thông, có tu tập tinh tấn nhìn thấy rõ các nẻo luân hồi nhưng khả năng để cứu vớt, soi sáng cho bà mẹ biết đường đi lối về thật là khó khăn, không cứu nổi cho nên về tâu với Đức Thế Tôn, bạch với Thầy của mình xin Ngài chỉ cho phương cách nào có thể cứu độ cho mẹ của mình.
“Đức Thế Tôn nhân cơ hội này mới nói đến cái duyên khởi là trong ba tháng An Cư Kiết Hạ của chư Tăng là ba tháng gọi là Cấm Túc An Cư để trau dồi ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý cho thanh tịnh và soi sáng và phản quang tự kỷ, nhìn lại cái hành nghiệp của mình, tư cách của mình, cách suy nghĩ của mình, tư tưởng ra sao? Phiền não chướng đoạn thế nào để mà vượt thoát những ràng rịt đó. Thì trong ba tháng đó đủ thì giờ để có thể tinh tấn, giống như bầu trời trăng sao vằng vặc vậy! Đức Thế Tôn nói Ngày Rằm Tháng Bảy là ngày Hội của chư Tăng sau ba tháng an cư rồi thì các Phật tử hoan hỷ đến cúng dường tạ lễ và hiến tặng những đồ vật, thực phẩm để tạo cái công đức rằng, mỗi thầy, mỗi chư Tăng đều như là một ruộng phước điền.


Đại Đức Huệ Đức đang giảng pháp trong ngày Rằm tháng Bảy tại chánh điện chùa Huệ Quang (Thanh Phong/ Viễn Đông)

“Cái ruộng có từng vuông từng ô; mỗi thầy có tâm thức trong sáng, miếng ruộng được làm cỏ sạch  tức tâm tư phiền não nó đoạn diệt; cho nên nhờ công đức đó tạo cái lực của chư Tăng, cái lực có nghĩa là của tập thể thì không thể một mình vị tỳ kheo, một người tu có thê cứu rỗi được những cái hương linh đọa lạc luân hồi. Nói đến tối tăm địa ngục là nói đến đọa lạc, nói đến những người còn mê chấp, không tin Tam Bảo cũng sanh những thù ghét, phiền não, những trói buộc trong cuộc đời; họ không thấy việc mình làm sai và chớ thấy việc nào mình làm là thánh thiện, cho nên được gọi là chỗ tối tăm vậy.
“Do vậy, người ở đời cũng vậy, không cần phải chết đi rồi đọa xuống địa ngục thì nhân mùa này là cái tháng từ đầu tháng Bảy cho đến cuối tháng Bảy là cái tháng hoan hỷ. Tất cả những người con Phật, ai theo Phật thì sanh tâm hoan hỷ, thương xót mọi loài; Không phải thương người hiện tiền mà kể cả những người đã mất vì chiến tranh,vì hoàn cảnh khác nhau, vì vượt biên chết trên biển hay vì chiến tranh loạn lạc, chết bằng nhiều cách khác nhau, hoặc là thù hiềm, hoặc uống thuốc độc, hoặc phá thai; tất cả những cách đó đều là những trói buộc chúng ta trong cuộc đời mà khó thoát ra khỏi trái đất này trong cái vòng nhân quả luân hồi.

“Nhờ Đức Phật mà Mục Kiền Liên được bảo Nhân cái mùa này, Mục Kiền Liên hãy phát tâm đảnh lễ, sắm sửa trai viên, phẩm vật cúng dường cho chư Tăng và nhờ công đức chú nguyện cho mà vươn lên, không những cho bà Thanh Đề mà những người đang bị đau khổ, uẩn khúc trong cảnh u minh. Cảnh trói buộc trong cuộc đời mà không còn thân xác này họ được lắng nghe tiếng kinh như người mê mà tỉnh thức thì sớm thấy cái đường đi lối về trên cõi Thiên Đàng Phật quốc vậy. Cho nên trong tháng này là mùa lễ ăn chay.

“Trong Phật giáo, ngày Rằm tháng Giêng gọi là Thượng ngươn, Rằm tháng Bảy là Trung ngươn; Rằm tháng Mười là Hạ ngươn. Trong ba kỳ, mỗi kỳ có bốn tháng, cách nhau bốn tháng, nói đến cái tinh thần nhắc nhở cho những người dù có bận bịu làm ăn như thế nào cũng phải xách tấn để ba tháng đó quay trở về với cái cội nguồn tâm thức của mình, phải nhớ ăn chay, phát lòng bố thí. Cái mùa tháng bảy là mùa cúng thí rất nhiều, có những công ty, có nhiều người phát tâm đi làm từ thiện xã hội đều vào mùa này. Đặc biệt, mùa này tôi cũng khuyến khích bà con Phật tử giúp cho đồng bào của mình đang bị thiên tai bão lụt ở bên Houston, Texas cũng như Lousiana; những nơi đó mình bố thí không phải để người ta no đủ gì qua cơn đói khát, nhưng mà mình nói lên có lợi cho mình là thực hiện cái tâm từ bi, giống như hình ảnh đức mẹ Quan Thế Âm đã ngó đến bằng trăm tay nghàn mắt; con mắt để thấy, tay để làm và nhiều phương tiện khác nhau có thể làm thì lợi lạc cho nhiều người, và cái phước báu, cái lòng từ bi nó giống như mình mua đất thêm nó rộng rãi cái tâm thức của mình. Còn về nói vần đề ăn chay trong tháng, thường chúng ta thấy Phật Giáo có 10 ngày chay chứ không phải là chỉ có ngày Rằm, ngày mùng Một.

“Mười ngày chay là 30, mùng một rồi mùng 8, 14, 15, 23. Rồi có nhiều người còn ăn chay thêm. Nhưng chúng ta đang ở nước Mỹ này, ngày đầu tháng là ngày chay tịnh. Trong Phật giáo, ngày Một là chay tịnh, giữa tháng (15) là chay tịnh và cuối tháng (30) là chay tịnh cho đến mùng Một. Nhưng vì hoàn cảnh phải đi làm thì ngày chay không nhất thiết phải như thế, qúy vị đi làm, đến các nhà hàng chay ăn lúc nào cũng được.

Nếu được ngày mùng Một hay ngày Rằm thì rất tốt để nhắc nhở chúng ta trong tháng có hai ngày để ăn chay, và nhớ là ăn chay theo tâm thức của mình, thứ nhất là vì môi trường, thứ hai là vì lòng từ bi, thứ ba là vì sức khỏe của mình và thứ bốn là nó làm cho thân thể nhẹ nhàng, và thứ năm, nếu muốn tu phải ăn chay. Ăn chay theo tôi nghĩ nó rất có lợi cho bản thân, ngoài ra, nó còn là cái tập tục, một cái thói quen chúng ta giảm bớt cái năng lượng thực phẩm về động vật.”

Sau lời phát biểu trên, Hòa Thượng có lời cám ơn tất cả Phật tử ở miền Nam Cali và kính mời quý Phật tử đến chùa Huệ Quang tham dự đại lễ Vu Lan vào ngày cuối tuần này, ngày 10 tháng 9 với Đại Hội “Bông Hồng Cái Áo” được tổ chức từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều do anh Đỗ Thanh thực hiện, và có rất nhiều anh chị em nghệ sĩ đã hứa sẽ đến trình diễn để cúng dường và bày tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ, mong qúy Phật tử đến tham dự thật đông. Chùa Huệ Quang tọa lạc gần ngã tư Westminster Blvd – Euclid Street thuộc thành phố Santa Ana.


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT