Người Việt Khắp Nơi

Phỏng vấn giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa, họa sĩ Trịnh Cung và nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã

Tuesday, 20/03/2018 - 07:54:26

Cái đó là cái mà người Mỹ người ta nuôi được cái bản sắc cho từng dân tộc một, người ta không hủy diệt, người ta không đồng hóa, còn cái trình độ thì các em là người khởi điểm nên mình không thể đánh giá nhưng mà thông qua đó tôi cũng thấy một số em có tài năng về hội họa nếu mà sau này các em đi theo.

Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE - Vào trưa thứ Hai, ngày 19 tháng 3, 2018 Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, Phó Chủ Tịch Khu Học Chánh Garden Grove đã mời giáo sư / nhạc sĩ Lê Văn Khoa, họa sĩ Trịnh Cung, nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã là ba vị giám khảo người Mỹ gốc Việt cho cuộc tuyển lựa và trao giải cho các em học sinh trong cuộc triển lãm nghệ thuật lần thứ 40 của Học Khu Garden Grove, đồng thời LS Nguyễn Quốc Lân cũng mời một số cơ quan truyền thông đến tham dự để nghe ba vị trên nhận định, đánh giá cuộc triển lãm và có thể đặt câu hỏi với các vị trên ngay trong phòng triển lãm tại The Courtyard Center, 12732 Main St, Garden Grove.

Trong dịp này, Viễn Đông đã phỏng vấn ba vị giám khảo trên, trước hết là họa sĩ Trịnh Cung. Họa Sĩ tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1962, đã có nhiều tác phẩm và triển lãm nhiều lần. Nhưng mỗi lần vẽ là một giai đoạn đặc biệt nào đó trong đời ông, vì thế mỗi lần triển lãm là mỗi lần có những tác phẩm mới. Đến nay tuy tuổi đã khá cao ông vẫn tiếp tục sáng tác, vì theo họa sĩ, “Vẽ là cái định mệnh của tôi.”
Họa Sĩ Trịnh Cung cho biết, “Nền mỹ thuật mà không có người yêu tranh, không có người chơi tranh, không có người đi xem tranh thì nền mỹ thuật đó chắc chắn là nền mỹ thuật èo uột. Tôi thấy những cái Viện Bảo Tàng ở Việt Nam không có người đến xem, triển lãm thì họa sĩ rất đông nhưng không có người xem tranh thì tôi không thể tưởng tượng ra đời sống văn hóa thông qua nghệ thuật của người Việt nó như thế nào. Do điều này tôi mới phát hiện ra là những nền giáo dục hiện đại nhất, tốt nhất là đào tạo con người toàn diện mà trong đó vấn đề thẩm mỹ là nền tảng của mọi sự phát triển khác.

Ba giám khảo từ trái là họa sĩ Trịnh Cung, nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã, và giáo sư / nhạc sĩ Lê Văn Khoa. (Thanh Phong/ Viễn Đông)



“Về cuộc triển lãm của các em ở đây, lẽ đương nhiên trình độ các em là trình độ của những người mới vọc, mới được nếm, mới được trò chuyện với màu sắc, mới được đùa giỡn với đường nét, vì vậy cái quan trọng nhất là chúng ta cung cấp gì cho các em? Chúng ta tạo ra cho chúng một cái sân chơi; tạo ra cho chúng cuộc chơi về mỹ thuật như vậy, thì đó là những thực phẩm, những món ăn tinh thần về mỹ học đầu tiên đời của một người. Do đó mà qua cái sự lựa tranh, phần lớn các em rất là có cá tính, người ta không gò ép các em phải vẽ cái gì; các em tự vẽ theo những cái gì mà hội họa nó thích hợp với em.

“Thành ra qua bên này tôi mới thấy được cái bản sắc của từng dân tộc có mặt tại các trường học của Mỹ; họ vẫn giữ được cá tính riêng của dân tộc họ, chẳng hạn tôi nhìn bức tranh, tôi biết bức tranh này của các học sinh Mễ, các em có nền văn hóa Spanish, và tôi nhìn bức tranh khác tôi biết cái này phải là của người Việt Nam, nhìn tranh kia tôi biết là của Trung Hoa hay Hàn Quốc. Cái đó là cái mà người Mỹ người ta nuôi được cái bản sắc cho từng dân tộc một, người ta không hủy diệt, người ta không đồng hóa, còn cái trình độ thì các em là người khởi điểm nên mình không thể đánh giá nhưng mà thông qua đó tôi cũng thấy một số em có tài năng về hội họa nếu mà sau này các em đi theo.


Tác phẩm “The Spiral of Color” đoạt Giải Nhất của em Kailey Hồ, 9 tuổi trường Murdy Elementary. (Thanh Phong/ Viễn đông)

“Về tiêu chuẩn chấm điểm. Cái đầu tiên là tôi theo cái cảm tính, cái xúc cảm, tức là cái tranh đó tôi cảm thấy tôi thích quá, tôi chưa phân tích về chuyên môn nhưng bức tranh đó làm tôi thích, tôi thấy lạ quá làm cho tôi chú ý đến nó; đó là cái điểm đầu tiên, sau đó tôi mới dùng chuyên môn để xem xét các yếu tố như bố cục có chặt không, có linh hoạt không, có lạ không; sau đó mới tới màu sắc thì em này thuộc về cảm tình tâm hồn nhẹ nhàng hay táo bạo thì thông qua các hợp sắc, cách đặt màu bên cạnh nhau thì mình biết cá tính của em này, cái đam mê của nó như thế nào và cái thứ ba là cái xu hướng cho thấy tương lai của em, là cái idea. Cái tư tưởng, cái suy nghĩ, cái tư duy của em về nghệ thuật, em này phát triển sớm hay bình thường, tức là để chuyên môn sau khi để tranh của các em gây cho mình cái xúc động, có cái nào gây cho mình xúc động, mình chú ý không, đó là cái đầu tiên, sau đó tôi mới dùng tới lý thuyết.


LS Nguyễn Quốc Lân, Phó Chủ Tịch Khu Học Chánh Garden Grove thảo luận với một viên chức phụ trách phòng triển lãm. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Ở Bolsa tôi có một cái kinh nghiệm là những cuộc triển lãm rất ít người đi xem, thường là đồng nghiệp đến xem là nhiều và nó rất ngắn, vì vậy cái như tôi nói khi nãy là chúng ta không có người xem tranh. Ở đây, ở trong nước Việt Nam cũng vậy, người Việt chúng ta không quan tâm đến mỹ thuật. Mỹ thuật không phải là nhu cầu của họ mà có nhu cầu hay không nó phải có một quá trình đào tạo, hướng dẫn. Chúng ta lo dạy người vẽ, chúng ta đào tạo họa sĩ mà chúng ta không đào tạo người xem tranh; tức là không có cái nền giáo dục từ bé để biến những em thành khách hàng, thành những người đi xem tranh, và Việt Nam mình không có cái mặt này.”

Ông Thái Đắc Nhã là một nhiếp ảnh gia có tài nhưng ít khi tổ chức triển lãm. Một số tác phẩm của ông đã được chọn trưng bày thường trực tại phòng tiếp tân của Hý Viện Rose Center thuộc City Westminster. Nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã trả lời câu hỏi Viễn Đông, “Trong bộ môn nhiếp ảnh và sáng tạo , các em đã được học và ở trường thầy giáo đã hướng dẫn rất tốt, những em học sinh nhỏ nhất chúng cũng hiểu được cái kỹ thuật mới ngay bây giờ , mặc dù nó chưa hoàn hảo như những người lớn nhưng nó hiểu được cái cách để mà sáng tác, thành ra theo tôi tương lai của các em rất tốt vì được thầy giáo hướng dẫn rất nhiều. Sẵn dịp này tôi cũng khuyên quý phụ huynh nên giúp các em thực hành những gì các em đã được học để các cháu thành công trong tương lai.”

Giáo Sư, Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa, một cây cổ thụ trong nền âm nhạc. Giáo Sư cho biết một vài nhận xét như sau, “Ấn tượng đầu tiên của tôi về những tác phẩm cảu các em được chọn triển lãm thì tôi thấy rất khả quan. Khả quan ở cái điểm là nó có cái ý sáng tạo, vì nghệ thuật mà không có sáng tạo thì đâu có được! Dù bên nhiếp ảnh hay hội họa các em cũng dùng cái lối để nói lên được cái ý của mình, thành ra những cái đó là bước đầu thành ra mình phải khuyến khích các em để khai triển mạnh hơn cho tương lai.

“Nhưng thực tế phũ phàng là nếu các em đi sâu vào thì tương lai sẽ như thế nào? Vì cớ đó cho nên rất nhiều phụ huynh Việt Nam khuyến khích các em đi sang ngành khác hơn là ngành nghệ thuật. Thành ra mình cũng chịu thiệt thòi, nhưng người đã yêu nghệ thuật thì họ hy sinh để họ làm được cái gì họ muốn. Đó là điều rất quý. Theo tôi, đây là việc nên khuyến khích, và tôi có sẽ nói chuyện lại với Học Khu Garden Grove để có thể kết hợp các em thành từng nhóm để mình dìu dắt các em đi xa hơn và nhanh hơn.”

Nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã và giáo sư / nhạc sĩ Lê Văn Khoa đang xem tranh. (Thanh Phong/ Viễn Đông)



Ba vị giám khảo, LS Nguyễn Quốc Lân và một số phóng viên báo chí đến trước tác phẩm “The Spiral of Color.” LS Lân giới thiệu: “Đây là giải thưởng của Thị Trưởng Garden Grove, một trong các tác phẩm đoạt Giải Nhất là của em Kailey Hồ học sinh trường Murdy Elementary, em mới 9 tuổi, lớp 4 nhưng cách dùng màu của em rất đặc biệt nên em được chấm Giải Nhất.

Giáo Sư, Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa, Họa Sĩ Trịnh Cung và Nhiếp Ảnh Gia Thái Đắc Nhã đã đi đến các tác phẩm trưng bày trong Phòng Triển Lãm và giải đáp cặn kẽ những câu hỏi của các phóng viên. Trong lúc đó, học sinh các trường trong Học Khu lần lượt được các Thầy, Cô giáo dẫn đến thăm Phòng Triển Lãm mỗi lúc một đông.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT