Người Việt Khắp Nơi

Phỏng vấn giáo sư, nhà nghiên cứu Miền Nam: Nam Sơn Trần Văn Chi về hai tác phẩm sắp ra mắt

Friday, 28/07/2017 - 07:50:51

Cuốn sách biên khảo rất công phu và giá trị văn hóa của GS Trần Văn Chi như chút gia tài văn hóa còn sót lại của quê mình. Tôi chắc chắn rằng đọc rất ích lợi, để trong tủ sách gia đình cũng là cách để dành gia tài văn hóa cho con cái.”

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER - Giáo sư Nam Sơn Trần Văn Chi, nguyên Giảng Viên, Phó Khoa Trưởng Viện Đại Học Hòa Hảo tại Long Xuyên hiện là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Hội Tương Tế Nghệ Sĩ Hải Ngoại, Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang vừa dành cho phóng viên viên Viễn Đông cuộc phỏng vấn đặc biệt nhân dịp giáo sư sắp ra mắt hai tác phẩm “Trần Văn Chi Tuyển Tập” và “Bảo Đại, Vị Hoàng Đế Cuối Cùng Của Triều Nguyễn.” Đây là hai tác phẩm thứ bảy và tám của tác giả.


Nhà biên khảo, Giáo sư Nam Sơn Trần Văn Chi đang trả lời phỏng vấn tại tòa soạn nhật báo Viễn Đông. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Viễn Đông: Xin giáo sư cho biết “Tuyển Tập Biên Khảo về Phong Tục, Văn Hóa VN Xưa Và Nay” ra đời trong trường hợp nào?
Giáo Sư Trần Văn Chi: Khi chúng tôi tham dự vào trang Web của anh Lâm Văn Bé, ngày xưa là Hiệu Trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu, thì có một số anh em trong đó lấy bài của chúng tôi bỏ lên, trong đó có bài “Lễ Tang Của Người Việt Nam.” Nói là một bài nhưng thật sự nó là một tập nghiên cứu rất dày có vào khoảng 100 trang.
Đây là tác phẩm có tích cách nghiên cứu phong tục lễ tang của người Việt Nam xưa và nay. Mấy anh ấy bỏ lên trang Web và những bài của chúng tôi có tính cách biên khảo được nhiều người tìm đọc nên mấy anh mới đề nghị tôi tuyển lựa một số bài đắc ý nhứt để làm thành Tuyển Tập Trần Văn Chi, trong đó có bài “Lễ Tang Của Người Việt Nam” mà tôi nghĩ nó rất cần thiết cho người Việt tại hải ngoại cũng như ở trong nước hiểu tại sao lễ tang ngày xưa như vậy, và nay cái gì còn, cái gì mất?

VĐ: Ngoài bài biên khảo về lễ tang, Tuyển Tập của giáo sư còn có những đề tài gì khác?
GS Trần Văn Chi: Chúng tôi chia Tuyển Tập thành bốn phần. Phần 1 nói về Phong Tục Văn Hóa VN, trong đó có những bài nói về tang lễ của người Việt Nam, tánh khí của người Việt xưa, giáo dục thời chữ Nho, thi cử thời chữ Nho, giáo dục thời chữ Quốc ngữ, giáo dục thời VNCH.
Phần 2 nói về Phong Cách Việt Nam, trong đó chúng tôi nói về cái đẹp của người phụ nữ VN, chợ VN xưa và nay, chiếc nón lá trong đời sống văn hóa VN, hát bội ngày xưa, đờn ca tài tử, và Trường Áo Tím Saigon ngày xưa.
Phần 3 nói về Ẩm Thực VN với các bài Hủ tiếu Mỹ Tho 50 năm danh hiệu, Mắm Ba Khía Cà Mau, Cá Bống Kèo kho tiêu, kho tộ, Quết Bánh Phồng ăn Tết, Đường Thốt Nốt. Phần 4 chúng tôi ghi lại một số vấn đề quan trọng trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư .

VĐ: Là một nhà giáo Miền Nam, giáo sư đã có công nghiên cứu và rất tha thiết muốn bảo tồn phong tục, tập quán của cha ông để lại, nhưng hiện nay, một số nét đẹp về văn hóa của tổ tiên đã không còn được con cháu coi trọng, thậm chí một số người còn cho là cổ hủ cần dẹp bỏ. Giáo Sư nghĩ thế nào về vấn đề này?
GS Trần Văn Chi: Thật sự mà nói, văn hóa là cái gì được sàng lọc và người ta chấp nhận giữ nó và khi người ta chấp nhận giữ nó thì nó còn là văn hóa, còn nếu không giữ thì nó bị đào thải. Có những cái người ta không biết hoặc cố tình bôi bỏ nó, tôi rất là buồn. Tuy nhiên, có những cái không thích hợp thì phải bỏ thôi. Nhưng có những cái họ không hiểu, họ không biết tại sao họ làm cái điều đó, mà nếu họ không hiểu thì họ không trân trọng. Nhiều người VN không chịu tìm hiểu cái văn hóa của dân tộc nên ra hải ngoại họ dễ bỏ lắm!
Cái đó mình buồn, nên chúng tôi kiên trì từ 2001 đến bây giờ, lúc nào chúng tôi cũng nhắc cái đó và viết cái đó, từ cái nhỏ nhỏ như vậy để thấy rằng khi người VN mình hiểu tại sao nó có cái đó thì mới trân trọng.
Thí dụ khi tôi viết về cái bàn Thông Thiên. Ở VN cái bàn Thông Thiên nó sơ sài quá, nhưng khi tôi viết nguyên ủy về cái bàn Thông Thiên hồi xưa ông cha mình nghĩ ra cái bàn Thiên thì người ta trân trọng, và nay tôi thấy ở hải ngoại nhiều người cũng đã làm cái bàn Thiên.
(Ngoài ra, GS Trần Văn Chi cũng đưa nhiều dẫn chứng khác như tại sao bước vô nhà phải bỏ giầy, dép ở ngoài hoặc câu mà chúng ta thường thấy trong các Cáo Phó khi có người qua đời “Xin Miễn Phúng Điếu.” Giáo Sư Chi giải thích chữ Phúng là đem đồ đến biếu tặng, góp một phần với tang gia lo đám tang còn Điếu là chia buồn (điếu văn) cho nên Xin Miễn Phúng Điếu là sai, vì miễn Phúng nhưng Điếu vẫn còn, tuy không mang đồ đến biếu tặng nhưng họ vẫn đến thắp nhang, vái lạy đó là Điếu. GS Chi nói, “Có nhiều cái người ta biết sai nhưng vẫn chấp nhận cái sai thành cái đúng rất dễ thương.”

VĐ: Nguyên nhân nào thúc đẩy Giáo Sư viết về Bảo Đại, vị Vua cuối cùng của triều Nguyễn?
GS Trần Văn Chi: Trước đây có một nhà in lớn nhất, nhì tại Mỹ họ đề nghị tôi viết về Vua Bảo Đại để họ đưa vào Audio Book nhưng rồi không hiểu vì sao không làm được nên nay tôi cho xuất bản cuốn Bảo Đại, Vị Vua Cuối Cùng Của Triều Nguyễn, nhưng không chỉ viết về Vua Bảo Đại, vì không phải ai cũng muốn đọc nên tôi viết nhiều đề tài khác để mọi người đều đọc được. Sở dĩ tôi viết về Bảo Đại, vì ông là vị vua cuối cùng của một triều đại, và miền Nam Việt Nam được hình thành là công lao của triều Nguyễn, trong đó Bảo Đại để lại một dấu ấn đặc biệt.

VĐ: Như giáo sư vừa nói, ngoài bài viết về Bảo Đại, giáo sư còn đề cập tới những vấn đề gì?
GS Trần Văn Chi: Tôi còn viết về “Đất Nước Con Người Lục Tỉnh” như bản sắc con người lục tỉnh, Châu Đốc, vùng đất khai thác sau cùng, một số địa danh như Vùng Đồng Tháp Mười, Ngã Bảy Phụng Hiệp, Bắc Chợ Gạo xưa và nay, An Giang, Bàn Thông Thiên ở Lục Tỉnh, Gò Công Năm Thìn Bão Lụt, Cù Lao Ông Chưởng, Pháo Đài Gò Công, Tha La Xóm Đạo, Hát Tiều ở Bạc Liêu, và Một Thời Để Nhớ với nhiều đề tài về phong tục, văn hóa, nghệ thuật ở VN xưa và nay.

VĐ: Hai tác phẩm thứ bảy và thứ tám của Giáo Sư đã được ai giới thiệu?
GS Trần Văn Chi: Tôi đã gửi tặng GS Nguyễn Văn Sâm hai cuốn sách trên và được ông viết lời giới thiệu. Về cuốn Tuyển Tập , giáo sư Sâm có đoạn viết: “Tâm ý tác giả đã quá rõ khi cố gắng sưu tầm, biên khảo cuốn tuyển tập này, tuy không hẳn là đầy đủ, trọn vẹn mọi sắc thái của đất nước thanh bình ngày cũ, nhưng cũng thấy tấm lòng của người viết đã cố hết sức để chuyển đến bạn đọc gần xa những nét đẹp văn hóa Việt Nam xưa, như một món quà dành cho lớp trẻ hải ngoại kèm với lời nhắn nhủ, “Xin đừng quên cội nguồn, xin giữ gìn bản sắc truyền thống tốt đẹp của người Việt mình, dù bạn đang ở nơi đâu trên thế giới này. Cuốn sách biên khảo rất công phu và giá trị văn hóa của GS Trần Văn Chi như chút gia tài văn hóa còn sót lại của quê mình. Tôi chắc chắn rằng đọc rất ích lợi, để trong tủ sách gia đình cũng là cách để dành gia tài văn hóa cho con cái.”
VĐ: Giáo sư sẽ tổ chức ra mắt hai tác phẩm trên tại đâu, vào ngày giờ nào?
GS Trần Văn Chi: Như anh thấy, trên bìa cuốn Tuyển Tập đã in vào năm 2003 nhưng mãi đến nay tôi mới có điều kiện, một phần nhờ anh Quốc Thái, Giám Đốc VSTAR TV và Saigon Radio Hải Ngoại bảo trợ nên chúng tôi mới tổ chức ra mắt văn hữu, thân hữu, độc giả, truyền thông báo chí vào lúc 2 giờ chiều ngày Chủ Nhật, 13 tháng 8, năm 2017 tại nhà hàng Bleu của anh ở địa chỉ, 14160 Beach Blvd, Westminster, CA 92683 (góc đường 13), điện thoại (714) 702-4048. Chúng tôi mong được đón tiếp qúy thân hữu, đồng hương vào ngày giờ trên tại Bleu Restaurant.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT