Người Việt Khắp Nơi

Phỏng vấn Chiến Sĩ Võ Đại Tôn từ Úc Châu qua Nam California (kỳ 2)

Thursday, 20/04/2017 - 07:53:32

Tôi nói với ông ta, “Dạ thưa ông, 38 năm ông làm những việc như vậy thì nếu như tất cả mọi người đều như ông thì cộng sản sẽ còn tiếp tục thống trị trên quê hương Việt Nam của chúng ta hàng trăm năm nữa.”

THANH PHONG thực hiện tại Westminster


Viễn Đông: Với kinh nghiệm từng trải của một người tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền, và với hiện tình đất nước hiện nay, bác có nghĩ rằng chế độ cộng sản đang cai trị đất nước Việt Nam đang đi dần đến chỗ sụp đổ?
Bác VĐ. Tôn: Có nhiều người cũng hỏi tôi câu như anh vừa hỏi. Ngày hôm qua khi đến đây tôi có gặp một đồng hương, ông ta hỏi, “Ông Tôn à, chừng nào thì cộng sản sụp đổ?” Tôi nói, trước khi tôi trả lời ông, tôi xin hỏi lại một câu, “Ông qua Hoa Kỳ này bao nhiêu năm rồi?” Ông ta trả lời cho tôi biết ông ta qua Mỹ 38 năm. Tôi hỏi, “Trong 38 năm đó ông làm cái gì?” Ông trả lời, “38 năm qua tôi làm hai ba job, tôi mua nhà, tôi nuôi con, giờ phút này con tôi có đứa làm bác sĩ, đứa là kỹ sư, bây giờ tôi về hưu, đi du lịch, lâu lâu tôi cũng về Việt Nam chơi.” Tôi nói với ông ta, “Dạ thưa ông, 38 năm ông làm những việc như vậy thì nếu như tất cả mọi người đều như ông thì cộng sản sẽ còn tiếp tục thống trị trên quê hương Việt Nam của chúng ta hàng trăm năm nữa.”

Chiến sĩ Võ Đại Tôn (bên trái) và ông Hứa Trung Lập tại tòa soạn báo Viễn Đông. Ông Lập được bác Tôn coi như người em ruột thịt. (Thanh Phong/ Viễn Đông)



Cho nên tôi xin thưa với anh một câu hết sức là chân tình, chúng ta không phải là ngồi trong phòng lạnh, chúng ta không phải ngồi trước bàn computer để chờ thời sự vùng dậy rồi chúng ta đặt sự hy vọng, mà chúng ta phải đóng góp công sức vào. Lúc này có những thời sự rất sôi động như các cuộc biểu tình đang bùng lên ở trong nước, dân oan khiếu kiện cho đến người đấu tranh đòi dân chủ, cho những người bị lao tù, và đặc biệt có nhiều người đã thoát ra khỏi sự sợ hãi chế độ đã cai trị bốn mươi hai năm tại miền Nam và mấy chục năm tại miền Bắc.
Hiện nay các cơ quan truyền thông như báo Viễn Đông đã thông tin cho thế hệ thanh niên thấy rõ cái mặt thật của chế độ cộng sản, và thấy rõ cái mặt thật của nước Việt Nam dưới sự cai trị của chế độ cộng sản như thế nào so với bàn cờ thế giới và với những quốc gia yêu chuộng tự do dân chủ nó khác nhau như thế nào. Với những cuộc biểu tình tự phát đang bùng lên, tôi cho rằng đó là những ngọn lửa đang nhúm lên và chúng ta cần phải tiếp thêm lửa cho cả một dân tộc vùng lên đòi quyền sống con người, vùng lên thoát ra khỏi cái chế độ cộng sản chứ không phải vùng lên xây dựng một sự hận thù, chém giết lẫn nhau để rồi dân tộc càng ngày càng đi vào chỗ diệt vong, càng ngày càng bị Trung Cộng lấn chiếm do chế độ hiện nay dâng hiến.

VĐ: Theo bác, cuộc đấu tranh của người Việt hải ngoại, trong đó có bác và cả những người đấu tranh trong nước đã đến thời điểm chín mùi chưa,và nếu đã đến, chúng ta phải làm gì?
Bác VĐ. Tôn: Chúng ta đấu tranh trên phương diện chính trị với một tinh thần cách mạng, và khi nói đến cách mạng thì cần phải hy sinh. Không phải tôi ngồi đây với anh trong cái phòng này kêu gọi những người khác hy sinh mà bản thân mình không có hy sinh, nhưng không có cuộc cách mạng nào thành công mà không có sự hy sinh.
Cho nên khi chúng ta thấy một vài cái mẩu tin là một, hai chục tên công an bị dân tẩm xăng định đốt hay có những người hy sinh mà chúng ta tưởng đó là sự thành công, sự chín mùi, mà toàn diện phải vùng dậy đóng góp vào sự tranh đấu thì lúc đó mới thành công. Qua lịch sử dân tộc của chúng ta, không có cuộc cách mạng nào tự nhiên xảy ra đi đến thành công. Cuộc cách mạng đó có những người thiểu số chấp nhận hy sinh bản thân rồi đốt lên ngọn lửa, những giọt máu hy sinh đầu tiên nó sẽ lan tràn ra, trở thành cái tinh thần bất khuất của cả một dân tộc, thành ra những thời sự đó không phải tôi ngồi đó rồi nghĩ, à, xong rồi!
Như vậy trong nước đã có vài tên cán bộ bị bắt, đã có nhiều cuộc biểu tình , chúng ta ngồi chờ thành công, một hai cuộc biểu tình, một vài tên công an bị dân bắt; đó là nhóm lên ngọn lửa và những ngọn lửa đó sẽ bùng phát lên một ngày rất gần đây. Tôi đấu tranh không phải là thầy bói, không phải ngồi đó rồi nói một hai năm nữa cộng sản sụp đổ, và tôi cũng không lạc quan tếu để nghĩ rằng, ôi thôi, xong rồi và ngồi chờ cộng sản sụp đổ mà tôi nghĩ rằng, mỗi một giây phút, mỗi ngày cũng như tôi vẫn thưa rằng, không phải đợi đến ngày 30 tháng Tư mới là ngày Quốc Hận, mà mỗi ngày trong dòng máu của chúng ta mang tiềm tàng cái hình bóng đau thương của cả dân tộc.
Thành ra tôi không thể trả lời anh một năm hay hai năm, nhưng tôi có thể nói rằng, đã có những nhóm lửa bùng lên thì sẽ thành cơn bão lửa nếu như mỗi người trong chúng ta tiếp lửa cho dân tộc mà mau hay chậm, gần hay xa do sự đóng góp của mỗi người chứ tôi không tiên đoán là bao giờ.

VĐ: Theo bác, chúng ta phải đóng góp phần mình vào cuộc đấu tranh chung, cụ thể là chúng ta phải làm gì?
Bác VĐ. Tôn: Tôi xin thưa một cách rất là chân tình, tôi không đứng trên bất cứ một cương vị nào để nhắn nhủ ai, tôi chỉ đứng trên cương vị là một người lính VNCH còn sót lại sau cuộc chiến tranh. Tôi đứng trên cương vị một người tù nhân chính trị từ hải ngoại về và bị sa cơ, bị giam cầm hơn 10 năm, và tôi đứng trên cương vị một người công dân kính yêu tổ quốc một cách chân chính. Tôi chỉ xin thưa và xin chia sẻ rằng, mỗi người trong chúng ta tự xét lại cái cuộc sống của mình, cuộc đời lưu vong của chúng ta ở dưới một hoàn cảnh tương đối được tự do, tương đối được hạnh phúc, tương đối được sung túc, nhưng chúng ta cần chia sẻ những sự sung túc, những sự tự do, sự hạnh phúc đó cho những người thiếu may mắn tại quê nhà.
Nếu như theo dõi tin tức, không phải chúng ta chỉ nghe thấy những tên cán bộ làm giàu được nhờ tham nhũng, vơ vét, không phải chúng ta thấy những khách sạn bốn, năm sao mọc lên, mà chúng ta phải nghe những tiếng khóc của trẻ em từ trong làng không có trường để đi học, tiếng khóc của các anh em thương phế binh, tiếng khóc của những gia đình bị cướp nhà, cướp đất, những điều đó nó thúc giục chúng ta không phải sống cho riêng mình, mà phải sống làm người biết chia sẻ những khổ đau của người khác để chúng ta hãnh diện chúng ta là người Việt Nam, không phải sống lưu vong để chết ở đây hay tại Âu Châu, Úc Châu, mà người Việt Nam chết trong lòng của dân tộc.
Đó là cái điều tôi mong ước. Cũng như cuộc đời của tôi đang ở buổi hoàng hôn mà những vết thương cộng sản tra tấn vẫn còn, tôi chỉ mong được nhắm mắt, và trước khi nhắm mắt tôi xin thưa với Mẹ Việt Nam rằng, chúng con đã đóng góp cả cuộc đời cho sự tồn vong của dân tộc, trong cái sự đóng góp nhỏ nhoi, tầm thường của chúng con nhưng đó là vinh dự của một người Việt Nam.

VĐ: Được biết, ngoài những vần thơ dưới bút hiệu Hoàng Phong Linh, bác còn viết sách. Xin cho biết những tác phẩm bác đã xuất bản?
Bác VĐ. Tôn: Cám ơn anh đã nhắc đến những đóng góp nhỏ nhoi của tôi trong văn học nghệ thuật, và anh cũng đã đọc qua những bài thơ viết về quê hương của tôi, cái nguồn cảm hứng của tôi không phải là nguồn tư tình riêng của bản thân, ngồi ca tụng những cái má đỏ, môi hồng của một cái mối tình riêng tư, mà cái mối tình tôi đặt trên phương diện văn học là để gửi tất cả những tâm tư của mình về quê hương Việt Nam, và cũng để cầu nguyện Mẹ Việt Nam suốt đời cho con được làm một người con đúng nghĩa của Mẹ.
Về vấn đề văn thì tôi đã xuất bản nhiều sách. Đặc biệt về cuốn hồi ký “Tắm Máu Đen” ngay sau khi ra tù tôi đã xuất bản ngay lập tức để viết lại cuộc hành trình trở về Việt Nam năm 1980 xuyên qua rừng sâu Hạ Lào để trở về biên thùy Việt Nam, và trong đó có hơn 10 năm trong lao tù cộng sản, và trong đó có việc tôi lừa được bọn cộng sản để mở cuộc họp báo quốc tế vào ngày 13.7.1982, và ngay cả ông Bùi Tín hiện đang sống ỏ Pháp cũng đã biết được cái điều đó. Điểm thứ hai là tôi đã viết cuốn “Tổ Quốc Hành Trình 30 Năm” để đánh dấu thời điểm 30 năm hình bóng của mỗi người chúng ta đi theo tổ quốc.
Tôi cũng viết cuốn hồi ký “Thơ & Chiến Tranh,” đó là cái tuổi thơ của người Việt Nam chúng ta trong chiến tranh chống Pháp rồi chiến tranh chống Cộng, từ đó chúng ta thấy tuổi thơ Việt Nam của chúng ta và đặc biệt cá nhân của tôi không thấy tương lai trong cuộc chiến tranh do người cộng sản đã tạo ra, và người cộng sản đã cướp cái quyền sinh sống của chúng ta khi vùng dậy chống lại thực dân để rồi tạo thành cái chế độ bạo tàn như hiện nay. Cuối cuốn sách đó tôi đã thưa rằng, hiện nay tuổi trẻ và luôn cả tuổi già của anh em chúng ta đang tiếp tục cuộc đấu tranh không phải vì hận thù, không phải để chém giết lẫn nhau, mà kêu gọi tinh thần nhân bản của dân tộc, ta hãy tha thứ và kêu gọi những người cộng sản hãy thức tỉnh chút lương tâm nào còn sót lại trong lòng của họ để thấy rằng sự chém giết của họ từ cải cách ruộng đất, từ vấn đề xét lại chống đảng, từ vấn đề nhân văn giai phẩm, tất cả những điều đó chỉ phục vụ cho đảng mà thôi chứ không có phục vụ cho dân tộc, thành ra tôi muốn nói lên một cái đường lối đấu tranh nhân bản và dân tộc chứ không phải đấu tranh hận thù, chém giết.
Tôi đã xuất bản những cuốn sách như vậy trong thời gian bên cạnh con đường hành trình đấu tranh với cộng sản hiện nay, và tôi xin nhắc lại với anh, lập trường của anh em chúng tôi tức là Liên Minh Quang Phục Việt Nam, chúng tôi kết hợp lòng người và để quang phục quê hương, và khi kết hợp lòng người là chúng tôi xin đứng vào hàng ngũ những người yêu nước thật sự chân chính chứ không phải yêu đảng như người cộng sản. Thứ hai, giải trừ cộng sản là giải trừ cái chế độ cộng sản đã du nhập từ Liên Xô, từ Trung Cộng vào quê hương Việt Nam chứ không phải giải trừ cộng sản là giải trừ tất cả những người đi theo cái chế độ đó. Thứ ba là chúng ta đóng góp vào sự quang phục quê hương để lấy lại cái nghĩa làm người và cái cuộc sống nhân đạo, nhân bản của dân tộc Việt Nam.

VĐ: Xin chân thành cám ơn bác đã dành cho Viễn Đông cuộc phỏng vấn này ngay sau khi bác vừa từ Úc Châu đến Nam California.
Bác VĐ. Tôn: Chúng tôi xin cám ơn Ban Giám Đốc và anh chị em nhật báo Viễn Đông. Qua bài phỏng vấn này, xin cho tôi gửi lời thăm tất cả đồng hương chúng ta tại miền Nam California.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT