Sức Khỏe

Phỏng vấn BS Ian Lipkin về dịch bệnh COVID19

Friday, 14/02/2020 - 06:16:05

Bác sĩ W. Ian Lipkin là Giáo Sư Dịch Tể Học và cũng là Giám Đốc Trung Tâm Nhiễm Trùng và Miễn Dịch của trường Đại Học Sức Khỏe Công Cộng Columbia.


W. Ian Lipkin


(Nguồn: Twitter của Ramy Inocencio)

Bác sĩ W. Ian Lipkin là Giáo Sư Dịch Tể Học và cũng là Giám Đốc Trung Tâm Nhiễm Trùng và Miễn Dịch của trường Đại Học Sức Khỏe Công Cộng Columbia. Ông được xem như người ở tuyến đầu trong việc chống lại nhiều cơn dịch bệnh xảy ra trước đây như SARS, Ebola... Vào cuối tháng 1, 2020, ông đã đến Bắc Kinh theo lời mời của chính phủ Trung Cộng để góp ý kiến trong việc chống dịch bệnh COVD19 tức con coronavirus mới.
Dưới đây là bài phỏng vấn Dr. Ian Lipkin do phóng viên Ramy Inocencio của đài CBS thực hiện gần đây về dịch COVID19

Hỏi: Nhiều người vẫn đang hỏi liệu việc đeo mặt nạ có giúp gì cho việc ngừa coronavirus?

Đáp: Tôi nghĩ nó có thể có ích vì 2 lý do: một, nếu anh đang ho và anh dùng một mặt nạ thích hợp, nó sẽ giữ lại những giọt nước anh đang bắn ra, trong đó có chứa virus; hai, nếu anh đeo mặt nạ, nó sẽ giúp anh tự nhận thức về những gì anh đang dùng tay để làm. Nhiều khi nhiễm trùng lan truyền không phải vì người bệnh ho hay hắt xì vào anh, nhưng vì chính tay anh chạm vào một bề mặt có dính virus rồi sau đó đưa tay lên chạm vào mắt, mũi, miệng của mình (và vô tình tự đem virus vào người). Nếu anh đang đeo mặt nạ, anh sẽ ít khi chạm tay vào mặt như vậy. (Có thể đọc thêm bài sử dụng khẩu trang đã đăng trên Viễn Đông tuần truớc.)

Hỏi: Mặt nạ N95 có phải là mặt nạ hiệu quả nhất để ngăn virus COVID 19?

Đáp: Đúng, nếu là loại N95 mà anh mua được. Ngoài việc đeo mặt nạ, tôi khuyên mọi người nên đeo găng tay nếu họ dùng phương tiện di chuyển công cộng như xe buýt hay xe điện ngầm. Không cần phải là găng tay giải phẫu hay cầu kỳ, chỉ là găng bình thường. Vào mùa đông, chẳng ai để ý đến việc anh đeo găng, khác với việc đeo mặt nạ.

Hỏi: Con số nhiễm coronavirus (COVID 19) sẽ còn lên tới bao nhiêu (vào thời điểm phỏng vấn, con số người nhiễm bệnh được công bố là 20,000)?

Đáp: Nếu bắt đầu dùng thử nghiệm đo kháng thể (có thể sắp dùng được), tôi tiên liệu là con số có lẽ sẽ nhiều gấp 10 lần hiện nay, ít nhất, là số người đã nhiễm, đã hồi phục, có triệu chứng nhẹ, hoặc không có triệu chứng gì cả.

Hỏi: Có nghĩa là 20,000 nhân lên 10, hay 200,000 người ngoài kia...

Đáp: ...Đã từng nhiễm virus. Điều này không có nghĩa là họ có thể lây cho người khác hay họ đang mắc bệnh. Nó chỉ có nghĩa là họ đã từng tiếp xúc với virus nên đã có phản ứng với nó. Thử nghiệm là cách anh đi tìm chứng cớ là có con virus ở đó.

Hỏi: Tỉ lệ tử vong của coronavirus mới là bao nhiêu? Có nguồn nói nó chỉ là 0.2%, thấp hơn nhiều so với con số 2% trước giờ vẫn nghe.

Đáp: Đa số mọi người đều nói rằng tỉ lệ tử vong của con virus này là thấp, chỉ 2-3%. Nhưng nếu anh nằm trong con số 2-3% đó thì nó là một con số rất lớn đối với anh. Con số này là thấp nếu so với những trận dịch khác. Mặt khác, nếu anh không chỉ nhìn vào số người rõ ràng đang bệnh và những người có chứng cớ đang bệnh mà nhìn vào tất cả những người đã từng bị bệnh thì con số sẽ xuống thấp cỡ 0.2%, nghe có vẻ tốt hơn nhiều.

Hỏi: Ông nói gì về những người đang cố làm giảm bớt sự quan trọng của coronavirus mới bằng cách cho rằng bệnh cúm giết nhiều người hơn.

Đáp: Đây là một điểm rất đáng nói tới, cám ơn anh đã đưa ra. Nhiều người cho rằng con virus mới này không đáng lo. Tôi cực lực phản đối vì lý do sau đây. Siêu vi cúm giết khoảng 30,000 người ở Mỹ mỗi năm, có thể 40,000 người nếu là một năm tệ hại. Con số này rất lớn, bằng con số chết vì bị người say rượu đụng. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa biết gì nhiều về con virus này ngoài điểm là nó lây rất dễ. Các con virus luôn luôn thay đổi, thích ứng, trở thành dễ gây bệnh hơn hoặc bớt gây bệnh hơn. Vì có quá nhiều yếu tố không chắc chắn về hướng đi của con virus này, chúng ta nên cẩn thận và tìm những phương tiện để kiểm soát nó.

Hỏi: Làm cách nào để tự bảo vệ mình khỏi con coronavirus mới này?

Đáp: Nếu bạn đang bệnh và nghĩ là mình đang bị một bệnh nhiễm trùng, dù là cúm hay coronavirus hay đi tiêu chảy, nên ở nhà. Chúng ta đã nói về mặt nạ. Trên 35 năm qua, tôi đã đi khắp mọi nơi trên thế giới. Ở Á châu, việc đeo mặt nạ chẳng có gì đáng xấu hổ. Khi bạn đi khắp nước Nhật, dù vào mùa cúm hay không, bạn cũng sẽ thấy rất nhiều mặt nạ. Chẳng ai nghĩ gì cả. Người Á châu quen với sự đông đúc hơn, tôi nghĩ như vậy. Họ muốn bảo vệ lẫn nhau. Chúng ta nên làm giống như vậy. Có một ý niệm gọi là "khoảng cách xã hội", có nghĩa đơn giản là chúng ta nên cố gắng giữ một khoảng cách giữa người này với người kia. Chúng ta không nên bắt tay. Nếu có hôn, ta chỉ nên hôn gió. Những điều này là điều chúng ta nên làm. Tôi thường đi xe điện ngầm ở New York và tôi đeo găng tay khi tôi vịn vào thành xe. Tôi gọi chúng là áo mưa xe điện ngầm. Tôi nghĩ đây là chuyện tôi muốn khuyến khích mọi người làm theo.

Hỏi: Các chợ bán thú hoang dã và thói quen ăn chúng được cho là nguyên nhân gây ra bệnh coronavirus ở Trung Hoa, trước đó là gây bệnh SARS. Coronavirus được cho là truyền đi từ dơi, rắn và bây giờ là con tê tê. Ông nghĩ sao?

Đáp: Đây là điều tôi đã đặt câu hỏi năm 2003 nhưng không có được và tôi đã hỏi tất cả mọi người về chuyện này, hỏi cho tới Tổng Thống luôn. Tôi muốn đóng cửa các chợ bán thú hoang này. Tất cả những bệnh nhiễm trùng lạ lẫm từ HIV, Marbird virus, Ebola virus, cúm... giống như bệnh sở thú vậy. Đây là những phần tử gây lây nhiễm có nguồn gốc từ thú hoang và lây vào con người. Nếu anh đem thú hoang dã vào chợ nhốt chung với thú nhà hay những thú khác, anh sẽ tạo cơ hội cho con virus nhảy từ loài này qua loài khác, từ dơi tới những con vật nhỏ như loài gậm nhấm hay chồn sương (ferret), và rồi nhảy qua người; anh đang tạo ra một siêu xa lộ cho virus đi từ hoang dã vào con người. Chúng ta không thể tiếp tục như vậy được. Không thể chịu đựng việc này nữa. Cần phải đóng hết những chợ này. Nếu không, chúng ta sẽ lại thấy những bệnh nhiễm trung mới trồi lên cách vài năm một lần.

Hỏi: Người ngoại quốc đang ở China có nên rời China vì coronavirus không?

Đáp: Nếu bạn lo lắng về việc không được tự do di chuyển thì nên xem xét việc dời đi. Nếu tôi sống ở Vũ Hán thì tôi đã dời đi lâu rồi. Tôi chưa thấy bằng chứng Bắc Kinh bị nặng giống vậy. Suy nghĩ một cách lạc quan hơn, và thấy con số lớn người chịu đeo khẩu trang, những người áp dụng "khoảng cách xã hội" (không bắt tay, không hôn má), tôi đoán cơn dịch này sẽ lên tới đỉnh điểm trong vòng nhiều tuần tới và sau đó sẽ giảm xuống."

Hỏi: Ông có vẻ lạc quan về coronavirus?

Đáp: Ngoài việc nhiều người chịu đeo khẩu trang, những người áp dụng "khoảng cách xã hội" (không bắt tay, không hôn má), đo thân nhiệt nơi các tòa nhà công, xa lộ và khu lấy hành lý, chúng ta còn thêm chuyện thời tiết đã ấm lên. Trời ấm thì sẽ tăng độ ẩm trong những giọt nước li ti bắn ra không khí từ những người bệnh đang ho và hắt xì, khiến cho chúng không bay xa được và rơi xuống đất. Người ta đã theo dõi con groundhog năm nay và nó nói mùa Xuân sẽ đến sớm. Tôi hi vọng sẽ đúng như vậy.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT