Sức Khỏe

Phòng ngừa té ngã

Friday, 19/10/2018 - 08:26:05

Bạn có đã từng té ngã? Viết ra các chi tiết, khi nào, ở đâu và té như thế nào. Hãy nhớ lại những lần suýt ngã nhưng được người khác "cứu" kịp hoặc nhờ nắm được vật gì đó đúng lúc. Những chi tiết này có thể giúp bác sĩ tìm được cách phòng ngừa.

Bs Nguyễn Thị Nhuận

Té ngã có thể khiến nạn nhân bị thương nặng, nhất là ở những người lớn tuổi. Người cao niên nên suy nghĩ trước về nguy cơ này để tìm cách phòng ngừa. Ở người cao niên, thương tích từ té ngã có thể rất trầm trọng vì xương của họ không còn cứng chắc như lúc còn trẻ. Ngoài ra, một số thuốc mà họ thường dùng cũng có thể khiến họ dễ mất thăng bằng và té ngã.
Sau đây là 7 biện pháp đơn giản để đề phòng té ngã:

1. Chấp nhận là mình không còn trẻ nữa
Ở thời đại văn minh này, con người sống lâu và trẻ lâu hơn trước. Người ta thường nói, "70 is the new 50, 60 is the new 40," tức là người 70 tuổi hiện nay cảm thấy như mình mới 50, và người 60 tuổi thì nghĩ mình giống 40. Do đó người ta thường cố gắng làm những việc quá sức mình và đôi khi gặp tai nạn vì sự gắng sức đó. Không nên trèo cao, không nên vói cao hay bê vật nặng như hồi còn trẻ vì cơ thể chúng ta sẽ không chịu đựng nổi.

2. Hẹn gặp bác sĩ để hỏi về việc phòng ngừa té ngã
Bác sĩ có thể hỏi những câu hỏi như:
- Những thuốc đang dùng? Nên lập danh sách các loại thuốc mua theo toa hay mua tự do và các loại thuốc bổ. Có thể mang thuốc đến phòng mạch hoặc chụp hình những loại thuốc và liều lượng bằng cell phone để cho BS coi. Bác sĩ có thể coi xem thuốc có các tác dụng phụ và sự tương tác thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị té ngã không. Bác sĩ có thể cho từ từ ngưng các thuốc làm bệnh nhân mệt hoặc ảnh hưởng đến suy nghĩ, chẳng hạn như thuốc an thần và một số loại thuốc chống trầm cảm.
- Bạn có đã từng té ngã? Viết ra các chi tiết, khi nào, ở đâu và té như thế nào. Hãy nhớ lại những lần suýt ngã nhưng được người khác "cứu" kịp hoặc nhờ nắm được vật gì đó đúng lúc. Những chi tiết này có thể giúp bác sĩ tìm được cách phòng ngừa.
- Có phải bạn té ngã vì một tình trạng sức khỏe nào đó? Một số rối loạn về mắt và tai có thể làm tăng nguy cơ té ngã. Nên thảo luận về tình trạng sức khỏe của mình và mức độ thoải mái khi đi bộ - ví dụ, bạn có cảm thấy chóng mặt, đau khớp, khó thở, hoặc tê bàn chân và chân khi đi bộ không? Bác sĩ có thể lượng định sức mạnh bắp thịt, sự thăng bằng và dáng đi của bạn.

3. Tiếp tục vận động theo sức
Vận động thể lý có thể giúp phòng ngừa té ngã. Với sự đồng ý của bác sĩ, hãy suy nghĩ về các hoạt động như đi bộ, tập luyện dưới nước hoặc tập Taichi. Các hoạt động này làm giảm nguy cơ té ngã bằng cách giúp tăng sức mạnh, sự cân bằng, sự phối hợp các cử động và sự linh hoạt.
Nếu bạn tránh hoạt động thể lý vì sợ té, hãy nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên theo các chương trình tập luyện được theo dõi kỹ lưỡng hoặc giới thiệu bạn đến một nhân viên trị liệu thể lý (physical therapist). Người này có thể phác họa một chương trình tập thể dục tùy theo từng cá nhân nhằm giúp tăng sự cân bằng, tính linh hoạt, sức mạnh bắp thịt và dáng đi.

4. Mang giày hợp cách
Mang giày hợp cách có thể giúp phòng ngừa té ngã. Giày cao gót, dép và giày đế mềm có thể khiến bạn trượt, vấp ngã và té. Mang vớ đi bộ cũng có thể dễ làm té. Thay vào đó, hãy mang giày chắc chắn, vừa chân với đế giày không trượt. Giày hợp cách cũng có thể làm giảm đau khớp.

b
Hãy nhìn xung quanh nhà. Phòng khách, nhà bếp, phòng ngủ, phòng tắm, hành lang và cầu thang có thể đầy những mối nguy hiểm. Để làm cho ngôi nhà của bạn an toàn hơn, nên:
- Dẹp hết những chiếc hộp, báo, dây điện và dây điện thoại khỏi lối đi.
- Di chuyển bàn phòng khách, kệ tạp chí và kệ bày cây khỏi các khu vực thường qua lại.
- Dán dính cứng những tấm thảm rời xuống sàn hoặc vứt chúng đi.
- Sửa chữa sàn nhà bằng gỗ và thảm ngay.
- Cất quần áo, chén dĩa, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác vào chỗ dễ lấy.
- Dọn sạch ngay các chất lỏng, dầu mỡ hay thức ăn bị đổ ra sàn.
- Dùng thảm không trơn trong bồn tắm hoặc chỗ vòi hoa sen. Dùng ghế tắm để ngồi trong khi tắm.

6. Thắp đèn sáng
Cần thắp sáng nhà luôn luôn để tránh bị vấp những vật khó thấy.
- Bật đèn đêm trong phòng ngủ, phòng tắm và hành lang.
- Đặt một chiếc đèn trong tầm với của giường cho nhu cầu giữa đêm.
- Đường tới công tắc đèn phải trống trải. Nên dùng công tắc đèn phát sáng trong bóng tối.
- Bật đèn trước khi lên hoặc xuống cầu thang.
- Giữ đèn pin ở những nơi dễ tìm thấy trong trường hợp mất điện.

7. Dùng thiết bị trợ giúp
Nhiều người lớn tuổi không muốn dùng những đồ dùng trợ giúp cho việc di chuyển, thí dụ như gậy hoặc khung tập đi. Nên bỏ đi những thành kiến và chấp nhận sử dụng những đồ dùng này. Các thiết bị khác cũng có thể trợ giúp. Ví dụ:
- Tay vịn cho cả hai bên cầu thang
- Tấm phủ không trượt cho các bậc thềm bằng gỗ
- Bàn cầu được nâng lên hoặc có tay vịn
- Thanh chắn để nắm trong nơi tắm vòi sen hoặc bồn tắm
- Một ghế nhựa chắc chắn cho vòi sen hoặc bồn tắm - và một vòi hoa sen cầm tay để tắm trong khi ngồi
Nên chấp nhận rằng cơ thể mình không còn giữ được sức mạnh và sự thăng bằng như lúc còn trẻ. Tránh làm những việc nguy hiểm như leo trèo, với cao, việc nặng quá sức…
Nếu cần thiết, hỏi bác sĩ để được giới thiệu đến một nhà trị liệu nghề nghiệp (occupatioal therapist). Người đó có thể giúp bạn liệt kê các cách phòng ngừa khác. Một số giải pháp có thể được cài đặt dễ dàng và tương đối rẻ tiền. Những người khác có thể yêu cầu trợ giúp chuyên nghiệp hoặc cần tiêu nhiều tiền hơn cho các cách phòng ngừa té ngã. Nếu ngại về chi phí, nên nhớ là các biện pháp này sẽ đem lại cho bạn sự độc lập về di chuyển.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT