Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Phim Green Book bị chỉ trích "trắng hóa" sự kỳ thị chủng tộc sau khi thắng giải Oscar

Monday, 25/02/2019 - 07:47:10

Theo cư dân mạng bình luận, ý kiến của hai nhóm người bầu chọn này, cho dù có thiện chí tới đâu, vẫn sẽ cho rằng Green Book là một nỗ lực tuyệt vời của người da trắng khi dám đối diện với nạn phân biệt chủng tộc, chứ chưa chắc họ đã nhận ra tác phẩm này đã bị lệch đi bao nhiêu so với bản gốc.


Từ trái là Olivia Colman thắng giải Nữ Tài Tử Hay Nhất qua phim The Favourite'; Mahershala Ali, thắng giải Nam Tài Tử Phụ Hay Nhất qua phim 'Green Book'; và Regina King thắng giải Nữ Tài Tử Phụ Hay Nhất qua phim 'If Beale Street Could Talk.' Họ được chụp hình trong phòng truyền thông tại Hollywood vào đêm Chủ Nhật 24 tháng 2, 2019. (Frazer Harrison/Getty Images)

HOLLYWOOD – Sau khi chiến thắng ở hạng mục "Phim Hay Nhất" tại lễ trao giải Oscar, phim về đề tài kỳ thị chủng tộc "Green Book" đã bị nghe nhiều sự mỉa mai, phản đối, từ cư dân mạng, vì cho rằng phim đã biến một tác phẩm của người da màu trở thành một sản phẩm của người da trắng.

Một số người nêu ra rằng, phiên bản gốc của phim – cuốn sách “The Negro Motorist Green Book” (Tạm dịch: Sách Xanh Của Một Người Du Hành Da Đen, "Sách Xanh" là loại sách hướng dẫn cách người da màu về những địa điểm, cơ sở có kỳ thị chủng tộc tại miền Nam nước Mỹ trong nửa đầu thế kỷ 20) - nói về chuyến du hành của một nhóm bốn người da màu: ba nam, một nữ được viết bởi tác giả Victor Hugo Green.
Quyển sách của ông ban đầu được viết ra để kể về cách sinh tồn, đối xử khéo léo của một nhóm những người da màu trong một cộng đồng đầy rẫy sự kỳ thị, trong xã hội Hoa Kỳ những năm 1936 ở Hoa Kỳ. Quyển sách sau đó đã trở thành "sách hướng dẫn" cho những thành viên thuộc cộng đồng người da màu sinh sống tại Hoa Kỳ, và một phim tài liệu của quyển sách này, ra đời vào khoảng năm 1966-1967 với tên gọi The Green Book: Guide to Freedom (tạm dịch: Sách Xanh: Hướng Dẫn Đến Tự Do) cũng giữ nguyên tinh thần của quyển sách gốc.

Một người dùng Twitter nói rằng, phim "Green Book" đã sai so với bản gốc, khi “biến nó thành câu chuyện của người da trắng.”

Trong kịch bản điện ảnh, Green Book bị cho là đã "trắng hóa" bản gốc khi thay hẳn nhóm nhân vật chính từ bốn người da màu thành một tài xế người Mỹ lai Ý, tên Tony Lip Vallelonga (Viggo Mortensen đóng, người da trắng) và một người da màu Don Shirley (Mahershala Ali). Khán giả cho rằng đây là một sự xoay chuyển góc nhìn trắng trợn. Trong xã hội Hoa Kỳ những năm trong thập niên 1960, nạn kỳ thị chủng tộc dưới góc nhìn của một nhân vật da trắng chắc chắn sẽ rất khác với góc nhìn của những người da màu.

Chưa kể sự kì thị mà hai người đàn ông, một da trắng một da màu, gặp phải chắc chắn cũng sẽ khác với những gì mà cả nhóm bốn người da màu, bao gồm một phụ nữ, phải trải qua. Nói cách khác, bằng cách dùng một tài tử da trắng, các nhà làm phim Green Book đã coi nhẹ và nhìn sự phân biệt chủng tộc bằng một cái nhìn phiến diện.
Ngoài ra, sắc tộc của hội đồng bầu chọn cho Oscar có lẽ cũng đã ảnh hưởng đến kết quả chiến thắng của Green Book. Theo thống kê, trong hội đồng bầu chọn Oscar, số lượng nữ giới chỉ chiếm 31%, người da màu chỉ có 16%, còn hai nhóm chiếm đa số là nhóm nam giới và nhóm người da trắng.

Theo cư dân mạng bình luận, ý kiến của hai nhóm người bầu chọn này, cho dù có thiện chí tới đâu, vẫn sẽ cho rằng Green Book là một nỗ lực tuyệt vời của người da trắng khi dám đối diện với nạn phân biệt chủng tộc, chứ chưa chắc họ đã nhận ra tác phẩm này đã bị lệch đi bao nhiêu so với bản gốc.

Với những lí do này, việc Viện Hàn Lâm trao Oscar cho Green Book đã bị chỉ trích là kiểu trao giải cho “người nhà,” tức những người da trắng trao giải cho một bộ phim của người da trắng.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT