Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Phim "Cậu bé rừng xanh" được giàn dựng bằng kỹ xảo như thế nào?

Thursday, 21/04/2016 - 10:28:24

Những nhân vật động vật chính làm bằng con rối. Lúc đóng phim, diễn viên nhí Neel Sethi phải trò chuyện với những con rối. Hầu hết góc máy trong phim đều được quay cao để khán giả thấy chuyển động ở miệng con vật có vẻ thực hơn.

Cảnh nhân vật Mowgli chạy xuyên rừng được thực hiện trong phim trường.

HOLLYWOOD - The Jungle Book là phim người đóng làm lại từ phiên bản hoạt hình năm 1967 của Walt Disney. Ra mắt hôm 15 tháng 4, phim thu về $103 triệu ở Bắc Mỹ và $291 triệu toàn cầu sau 3 ngày chiếu. Bộ phim được giới phê bình khen ngợi về độ chân thực và hình ảnh đẹp mắt.

Theo The Hollywood Reporter, toàn bộ phim được quay 100% bên trong phim trường ở Los Angeles rồi xử lý bằng công nghệ điện toán. Neel Sethi là diễn viên người thật duy nhất trong phim. Phim áp dụng lối quay ảo giống như Avatar và Gravity nhưng có nhiều đột phá. Phim có ngân sách $175 triệu Mỹ kim.
Trong quá trình tiền kỳ, các nhà làm phim đi chụp gần 10,000 tấm hình các khu rừng Ấn Độ mang về để làm mẫu cho các bối cảnh trong phim. Trong phim trường, mỗi cảnh phim đều dựng bối cảnh giả mô phỏng cảnh rừng thật ngoài đời. Trong mỗi bối cảnh giả đó, các diễn viên đóng thế mặc các bộ đồ có nhiều điểm sáng xanh, để hóa làm hơn 70 loài động vật khác nhau. Họ diễn xuất theo công nghệ mô phỏng động tác (motion capture). Đạo diễn chỉ đạo diễn viên như ngoài trường quay thật. Nhóm thu thanh và lồng tiếng được làm riêng rẽ. Nhóm dựng phim xử lý từng cảnh song song với quá trình ghi hình.

Những nhân vật động vật chính làm bằng con rối. Lúc đóng phim, diễn viên nhí Neel Sethi phải trò chuyện với những con rối. Hầu hết góc máy trong phim đều được quay cao để khán giả thấy chuyển động ở miệng con vật có vẻ thực hơn.

Nhằm giúp Neel Sethi diễn xuất tốt hơn, đạo diễn Jon Favraeu không ít lần tự đóng giả làm các nhân vật động vật để diễn cùng em. Ông tham gia vào cảnh nhân vật Mowgli và gấu Baloo nô đùa trên suối. Cảnh này được dựng trong một bồn nước. Sethi ngồi trên một khúc gỗ có phủ một tấm thảm để giả làm bụng gấu. Trong khi đó, đạo diễn Favreau lội xuống nước để giả làm đầu và tay của chú gấu. Hai người nói chuyện và đùa giỡn theo kịch bản phim.

Khi xem phim, khán giả sẽ thấy Mowgli ngồi trên ngực của chú gấu và bơi xuôi dòng suối rộng. Cả hai tạt nước vào nhau và hát ca khúc Bare Necessities. Người xem còn thấy cả bộ da và lông của nhân vật gấu nổi lên, chìm xuống đều đặn trên mặt nước. Cậu bé khẳng định khi diễn cùng đạo diễn, em thấy việc nhập vai dễ dàng hơn rất nhiều.

Việc đóng phim với con rối không gây khó khăn cho Neel Sethi, nhưng diễn viên 12 tuổi cho biết em thường khó chịu ở các cảnh hóa trang với bùn đất. “Để đóng cảnh này, em phải mất một tiếng hóa trang bùn lên người", Neel Sethi chia sẻ.

Cảnh khó nhất của phim là khi Mowgli từ biệt Sói mẹ. Phân đoạn lấy bối cảnh dưới trời mưa, nhân vật cậu bé người thật luồn tay vào lông và da con sói rồi họ chạm đầu nhau, mắt nhìn mắt đầy biểu cảm. Đạo diễn Jon Favreau kể: “Hình ảnh một cậu bé thực luồn tay vào các sợi lông thú dựng bằng kỹ xảo vô cùng khó với các chuyên gia hàng đầu Hollywood. Ngay cả những nhà làm phim Avatar cũng nói họ chưa từng làm cảnh này bao giờ. Nếu làm cẩu thả, hình ảnh sẽ rất giả tạo.” Để thực hiện cảnh này, nhóm làm phim đã phải nghiên cứu rất kỹ xem lông thú chuyển động như thế nào trên da con vật. Các nhà làm phim cũng phải viết chương trình điện toán mới để dựng cảnh này.

Về cách xử lý ánh sáng, nhóm làm phim đã dùng robot điều khiển các tấm ánh sáng màn hình LED, để giúp phối hợp nhịp nhàng khi quay. Trên phim, kích thước các khu rừng và động vật cũng được phóng to gấp rưỡi so với tỷ lệ ngoài đời thật. Rob Legato - giám đốc hình ảnh của phim – giải thích: “Nhân vật chính trong phim là cậu bé 8 tuổi, nên rừng hoang trong mắt cậu bé sẽ rộng lớn và choáng ngợp.”
Khi cần những yếu tố thiên nhiên như mưa rừng, lùm cây hoặc bùn đất, các nhà làm phim làm giả mưa hoặc mang một chùm cây vào phim trường. Ở giai đoạn hậu kỳ, nhiều chương trình xử lý kỹ xảo hình ảnh hiện đại như Maya hay RenderMan cũng được sử dụng. Đây đều là những chương trình được phát triển bởi hãng Pixar để xử lý hình ảnh mượt mà cho các phim hoạt hình 3D.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT