Thế Giới

Philippines chấp thuận tập trận với Mỹ

Wednesday, 09/11/2016 - 08:44:13

Trước khi cuộc bầu cử ở Mỹ kết thúc, ông Duterte từng nhiều lần đe dọa sẽ chấm dứt chuyện tập trận chung và sẽ cho rút hết quân đội Mỹ ra khỏi Philippines trong vòng 2 năm mà thôi. Nay đã có thay đổi khá ngoạn mục.



PHILIPPINES - Philippines đã thay đổi thái độ trong chủ trương ngoại giao với Hoa Kỳ, sau khi kết quả bầu cử ở Mỹ được công bố. Tổng Thống Rodrigo Duterte của Philippines cho hay đã chấp thuận cho các cuộc thao diễn quân sự chung với Hoa Kỳ tiếp tục, nhưng cho giảm bớt số lần tập trận chung và sẽ hủy bỏ việc tập trận theo lối tấn công. Bộ Trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana của Philippines cũng loan báo TT Duterte cho phép chính phủ tiến hành thực hiện một thỏa thuận quốc phòng song phương vào năm 2014, trong đó quân đội Mỹ được trú đóng tạm thời tại 5 địa điểm, cùng với máy bay và tàu chiến. Ông Lorenzana cho báo chí hay: “Dù ai thắng cử, Cộng Hòa hay Dân Chủ, thì mối liên hệ giữa Mỹ và Philipines về căn bản là không hề thay đổi”. Trước khi cuộc bầu cử ở Mỹ kết thúc, ông Duterte từng nhiều lần đe dọa sẽ chấm dứt chuyện tập trận chung và sẽ cho rút hết quân đội Mỹ ra khỏi Philippines trong vòng 2 năm mà thôi. Nay đã có thay đổi khá ngoạn mục.

Kim cương xanh sắp được bán đấu giá
THỤY SỸ - Một viên kim cương quý hiếm màu xanh dương đậm đang được triển lãm tại Geneva, Thụy Sỹ, vào hôm thứ Tư, trước khi được đem bán đấu giá vào tuần sau, với số tiền thu về dự kiến lên đến $25 triệu Mỹ kim. Viên đá quý, có tên “The Sky Blue Diamond, tạm dịch: Kim cương thiên thanh,” nặng 8.01 carat và được gắn lên trên một chiếc nhẫn được chế tạo bởi hãng trang sức Cartier. Kim cương Sky Blue sẽ được bán vào ngày 16 tháng 11, trong cuộc đấu giá của hãng Sothebys tổ chức tại Geneva, với giá ước tính từ $15 đến $25 triệu Mỹ kim.
Ông David Bennett, chuyên gia nữ trang của hãng Sothebys cho biết, trong số các viên kim cương xanh ghi danh với GIA, chỉ có chưa tới 1% kim cương được xếp vào loại màu xanh đậm, điều này cho thấy viên kim cương Sky Blue quý hiếm đến mức nào. Trong 2 năm qua, hãng Sothebys đã 2 lần lập kỷ lục thế giới về việc bán đấu giá kim cương xanh. Gần đây nhất là viên kim cương “Blue Moon of Josephine,: được bán với giá $48 triệu Mỹ kim vào tháng 11, 2015.
Một vật phẩm khác cũng gây chú ý trong buổi đấu giá tuần tới của Sothebys là một món trang sức có xuất xứ từ hoàng gia Nga, chiếc dây chuyền kim cương của Nữ hoàng Catherine, người tiếp nhận ngai vàng nước Nga vào năm 1762. Vào những năm 1920, chính quyền Liên Xô đã quyết định bán bớt một số bộ nữ trang của hoàng gia Nga, và sợi dây chuyền kim cương được bán tại London vào năm 1927.

Công nhân Bỉ biểu tình chống Trung Quốc
BRUSSELS - Khoảng 15,000 công nhân ngành sản xuất thép đã biểu tình gần văn phòng châu Âu tại thủ đô Brussels của Bỉ vào hôm thứ Tư, yêu cầu nhà chức trách phải bảo vệ ngành công nghiệp thép trong khu vực, chống lại điều mà các công nhân gọi là sự cạnh tranh không công bằng từ Trung Quốc. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc bị cáo buộc đã bán phá giá mặt hàng thép vào châu Âu, khiến ngành công nghiệp này tại châu Âu bị trì trệ. Trong cuộc biểu tình trước văn phòng Ủy Ban Châu Âu, các công nhân đã yêu cầu nhà chức trách phải khắt khe hơn trong việc kiểm tra xem liệu các nhà sản xuất Trung Quốc có bán phá giá thép hay không, trong bối cảnh Bắc Kinh đang yêu cầu Châu Âu đổi cách đánh thuế vào cuối năm nay.
Hiện tại, các sản phẩm thép Trung Quốc đã bị Châu Âu đánh thuế nhập cảng, nhằm bảo vệ sản phẩm trong khu vực. Tuy nhiên, vào giữa tháng 12 này, Châu Âu và một số đối tác thương mại khác của Trung Quốc sẽ đánh giá xem nước này có nên được trao danh hiệu Nền kinh tế thị trường MES hay không. Trung Quốc cho rằng, MES là điều mà nước này phải được nhận sau 15 năm gia nhập hiệp định thương mại thế giới WTO. Tuy nhiên, giới công nhân châu Âu cho rằng, việc Trung Quốc được xác nhận MES có nghĩa là nước này sẽ được bán hàng vào Châu Âu mà không bị bất kỳ ràng buộc nào, và sẽ gây ảnh hưởng cho các ngành sản xuất tại châu Âu.

Trận vòng loại World Cup giữa Albania và Israel phải đổi sân vì sợ khủng bố
ALBANIA - Trận đấu vòng loại World Cup 2018 bảng G, giữa Albania và Israel, đã phải dời từ thành phố Shkoder ở miền bắc Albania đến một địa điểm gần thủ đô Tirana, do lo ngại về vấn đề an ninh, theo Hiệp hội túc cầu Israel cho biết hôm thứ Ba. Văn phòng chống khủng bố Israel cho biết, một nhóm người được xác định là có liên hệ với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã bị bắt trong vùng Balkans trong tuần qua, và bị nghi ngờ đang có ý định thực hiện một vụ khủng bố. Trận túc cầu giữa Albania và Israel là một trong những mục tiêu của các nghi can. Nhà chức trách Israel kêu gọi các cổ động viên nước mình không nên đến xem trận đấu, do sự kiện này được coi là có nguy cơ rất cao.
Lực lượng an ninh Albania đã bắt giữ ít nhất 4 người, sau khi nhận được thông tin từ mật vụ Israel. Các nghi can được cho là không định tấn công cầu thủ và thành viên trong đoàn Israel, mà muốn đưa thuốc nổ vào sân vận động ở Shkoder và gây rối loạn trên khán đài. Các nghi can này có liên quan đến một nhóm khủng bố vừa bị bắt tại Kosovo vào tuần trước, và nhóm khủng bố Kosovo lại nhận hướng dẫn trực tiếp từ các phiến quân ở Syria. Trong một phiên tòa không công khai, các nghi can bị bắt ở Albania bác bỏ các cáo buộc, và nói rằng họ bị xét xử chỉ vì họ là người Hồi giáo. Trận túc cầu giữa Albania và Israel sẽ được dời về sân Elbasan gần thủ đô Tirana, với sự đồng ý của liên đoàn túc cầu 2 nước.

Ấn Độ ngưng dùng các tờ tiền mệnh giá lớn
ẤN ĐỘ - Người dân Ấn Độ hôm thứ Tư tỏ ra đồng ý với quyết định của chính phủ, về việc rút các tờ tiền mệnh giá lớn ra khỏi thị trường, trong nỗ lực ngăn chận nạn tham nhũng và tiền giả. Trước đó, vào hôm thứ Ba, Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố rằng các tờ tiền 500 và 1,000 rupee sẽ bị ngừng lưu hành, có hiệu lực bắt đầu từ nửa đêm. Quyết định này của chính phủ Ấn Độ được cho là để bắt buộc những người cất giấu tiền mặt sẽ phải đem số tiền này ra sử dụng ngay lập tức hoặc gởi ngân hàng.
Ngoài ra, việc ngừng lưu hành tiền mệnh giá cao còn nhằm đối phó lại với các phiến quân Hồi giáo, do các tổ chức này đang bắt đầu nhắm vào Ấn Độ và dùng tiền 500 rupee giả để chi trả cho các hoạt động của mình. Người dân thuộc giới lao động tại Ấn Độ tỏ ra hài lòng với quyết định của chính phủ, họ cho rằng việc này tuy có thể gây bất tiện, nhưng về lâu dài sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Hoạt động xã hội tại Ấn Độ hơi rối loạn vào sáng thứ Tư, khi mọi cửa hàng bán lẻ và trạm xăng đều từ chối các tờ tiền mệnh giá lớn. Gần 40% nền kinh tế Ấn Độ hoạt động dựa trên các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ, chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt. Khi lên nhậm chức vào năm 2014, Thủ Tướng Modi từng hứa rằng ông sẽ đưa hàng tỷ Mỹ kim trong thị trường chợ đen vào hệ thống tài chính quốc gia.

Trung Quốc xét xử các bị cáo trong vụ nổ ở Thiên Tân
TRUNG QUỐC – Tòa án Trung Quốc hôm thứ Tư đã kết án tù 25 viên chức chính phủ và 24 nhà quản lý hãng xưởng, là những người liên quan đến các vụ nổ lớn xảy ra ở Thiên Tân vào năm ngoái, khiến hơn 165 người thiệt mạng. Trong các bản án, án tù nhẹ nhất là 1 năm rưỡi tù giam, và án phạt nặng nhất là án tử hình được hoãn thi hành. Thông thường, tại Trung Quốc, các án tử hình hoãn thi hành thường sau đó sẽ được giảm thành tù chung thân. Tòa án Thiên Tân đã tuyên bố hình phạt nặng nhất, án tử hình được hoãn thi hành 2 năm, cho bị cáo Yu Xuewei, chủ tịch hãng kho vận quốc tế Thụy Hải, công ty sở hữu nhà kho chứa hóa chất bị cháy nổ. Bị cáo Yu bị cáo buộc các tội gồm nhận hối lộ và chứa hóa chất nguy hiểm bất hợp pháp. Sau khi nghe tuyên án, bị cáo Yu đã nói lời xin lỗi và nói rằng ông ta sẽ không kháng án.
Vào tháng 8, 2015, một loạt các vụ nổ lớn đã xảy ra tại kho chứa hóa chất tại thành phố cảng Thiên Tân, gây tổn thất hơn $1 tỷ Mỹ kim và làm hơn 165 người thiệt mạng, phần lớn trong số này đều là nhân viên cứu hỏa. Vụ nổ đã khiến dư luận Trung Quốc hết sức giận dữ, vì nhà kho được xây dựng quá gần các khu dân cư và lại được bao che để chứa hóa chất độc hại bất hợp pháp. Vào tháng 2 năm nay, chính phủ Trung Quốc tuyên bố bắt giữ 49 người có liên quan tới vụ nổ và bắt đầu quá trình truy tố.

Thổ dân chế tạo thuyền cỏ lau để vượt Thái Bình Dương
BOLIVIA – Một số thổ dân Bolivia đã chế tạo một chiếc thuyền toàn bằng cỏ lau, và định dùng nó để vượt Thái Bình Dương, đi từ Nam Mỹ đến Úc, nhằm chứng minh rằng những nhà hàng hải cổ đại đã thật sự thực hiện được hành trình nguy hiểm này chỉ bằng những chiếc thuyền thô sơ. Con thuyền được chế tạo tại thành phố La Paz, thủ đô Bolivia, bởi thổ dân Aymara, những người đang sống gần hồ Titicaca xa xôi trên dãy Andes, và đã sử dụng các chiếc thuyền cỏ lau từ nhiều thế kỷ qua.
Ông Phil Buck, 51 tuổi, một nhà thám hiểm Hoa Kỳ, người đã từng thực hiện 2 chuyến đi nguy hiểm tương tự, sẽ là thuyền trưởng của chiếc thuyền cỏ lau dài 59 feet, được đặt tên là Viracocha III. Con thuyền dự kiến sẽ khởi hành từ miền bắc Chile vào tháng Hai, và dự kiến sẽ đến Úc sau hành trình dài 6 tháng. Nhằm chứng minh rằng các thổ dân Nam Mỹ có đủ khả năng thực hiện chuyến đi dài này từ trước thời Columbus tìm ra châu Mỹ, ông Buck nói rằng thủy thủ đoàn quốc tế của ông sẽ trữ nước trong các ống tre, và ăn hạt quinoa, khoai tây, và cá bắt từ biển.
Tuy nhiên, không giống các nhà hàng hải cổ đại, thủy thủ đoàn của tàu Viracocha III sẽ đăng tải thông tin về chuyến đi của họ mỗi ngày lên các mạng xã hội. Luật hàng hải cũng bắt buộc họ phải đem theo máy định vị GPS hiện đại và hệ thống định hướng. Điểm đến đầu tiên của con tàu sẽ là đảo Polynesian thuộc Mangareva, sau 60 ngày đi biển. Tiếp đó, tàu Viracocha III sẽ đến Tahiti, Fiji, và sau cùng là Sydney, kết thúc hành trình 10,000 hải lý.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT