Thế Giới

Phiến quân Palestine đồng ý ngừng bắn với Israel

Saturday, 27/10/2018 - 08:00:21

Trước đó, Trung Tướng Jonathan Conricus, phát ngôn viên quân đội Israel, nói rằng 34 trái rocket đã được bắn vào Israel trong suốt đêm thứ Sáu và rạng sáng thứ Bảy.

JERUSALEM – Vào trưa thứ Bảy, phiến quân Palestine tại Gaza cho biết sẽ tạm ngừng tấn công, sau khi đã bắn nhiều đợt rocket vào lãnh thổ Israel trong đêm trước đó. Nhóm Palestinian Islamic Jihad (Thánh chiến Hồi giáo người Palestine), một trong các tổ chức phiến quân hoạt động tại Gaza, nói rằng họ bắn rocket để trả thù vụ quân đội Israel bắn chết 4 người biểu tình Palestine vào thứ Sáu. Israel sau đó đáp lại bằng cách bắn vào nhiều mục tiêu trên dải Gaza vào thứ Bảy. Một phát ngôn viên của Islamic Jihad vào thứ Bảy nói họ đã đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian. “Sau cuộc thảo luận giữa các lãnh đạo Islamic Jihad và những người anh em Ai Cập, chúng tôi đồng ý ngừng bắn ngay lập tức, với điều kiện Israel cũng có hành động tương tự,” phát ngôn viên Daoud Shehab nói.
Trước đó, Trung Tướng Jonathan Conricus, phát ngôn viên quân đội Israel, nói rằng 34 trái rocket đã được bắn vào Israel trong suốt đêm thứ Sáu và rạng sáng thứ Bảy. Dàn phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel đã đánh chặn 13 rocket. Hai trái rocket khác rơi ở Gaza, và số còn lại rơi xuống khu đất trống ở miền nam Israel. Đáp lại, quân đội Israel đã tấn công hơn 80 mục tiêu ở Gaza. Hiện không có báo cáo thương vong ở cả hai bên.
Trung Tướng Conricus cũng cáo buộc Iran và Syria có liên quan đến vụ tấn công. “Chúng tôi đã phát hiện sự liên hệ giữa Gaza, Damacus, và Lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran,” ông Conricus nói. “Do đó, sự đáp trả của chúng tôi sẽ không giới hạn về mặt địa lý.” Tuy nhóm Islamic Jihad hành động độc lập với Hamas, nhưng Israel buộc Hamas – tổ chức cai trị Gaza từ năm 2007 – phải chịu trách nhiệm cho mọi vụ tấn công từ Gaza. Tướng Conricus nói rằng, Hamas đã không cố gắng kềm chế Islamic Jihab, và đã kích động các cuộc biểu tình hàng tuần ở biên giới Israel và Gaza.

Thổ mở hội nghị 4 bên để giải quyết Syria
ISTANBUL – Vào sáng thứ Bảy, hội nghị 4 bên của các nước gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức và Pháp, để tìm cách giải quyết vấn đề Syria, đã được khai mạc tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Hội nghị được Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tổ chức trong Lâu đài cổ Vahdettin Pavilion ở quận Uskudar, thành phố Istanbul, có sự tham gia của Tổng Thống Nga Vladimir Putin, Thủ Tướng Đức Angela Merkel và Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron. Ông Staffan de Misura, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, cũng tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, các bên tham gia sẽ tìm cách giải quyết cuộc xung đột Syria trên tất cả mọi khía cạnh, tập trung vào tình hình thực tế, quá trình chính trị, và cách thực hiện nỗ lực chung nhằm tìm ra giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột. Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về đề nghị hôm 17 tháng 9 giữa Ankara và Moscow, để thiết lập một khu phi quân sự (DMZ) ở phía tây bắc tỉnh Idlib. Theo đề nghị, các nhóm đối lập ở Idlib vẫn ở lại khu vực nơi họ đã hiện diện, trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện việc tuần tra chung trong khu vực nhằm ngăn chặn mọi hành động thù địch. Vào ngày 10 tháng 10, Bộ Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố phe đối lập Syria và các nhóm bất đồng với chế độ Assad đã rút hoàn toàn vũ khí hạng nặng khỏi DMZ.

ISIS bắn chết 40 tay súng thuộc lực lượng Mỹ ủng hộ
SYRIA – Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đã bắn chết ít nhất 40 tay súng thuộc lực lượng do Hoa Kỷ ủng hộ, bắt sống một số tù binh, và chiếm lại các khu vực đã để mất vào đầu tháng này tại miền đông Syria, theo một tổ chức quan sát chiến sự và có liên hệ với ISIS cho biết. Các thành viên của Lực lượng Dân Chủ Syria (SDF), tổ chức được Hoa Kỳ ủng hộ, đã giao tranh với ISIS từ đầu tháng 9, nhằm đánh chiếm lãnh thổ cuối cùng của ISIS tại Syria. Trận chiến hôm thứ Sáu kéo dài đến rạng sáng thứ Bảy, bắt đầu khi ISIS, lợi dụng một cơn bão cát, đã tấn công ngược lại vào các cứ điểm của SDF ở phía đông sông Euphrates, thuộc tỉnh Deir el-Zour gần biên giới với Iraq.
Viên chức Hoa Kỳ gọi đây là “một trận chiến khó khăn,” nhưng không thể xác định tổn thất chính thức của SDF, và chỉ biết rằng “cả hai phía đều có thương vong.” Khu vực cuối cùng còn bị ISIS chiếm giữ ở Syria là nơi ở của khoảng vài ngàn thường dân. Những người này đang bị kẹt giữa làn đạn của hai bên và không biết đi đâu để lánh nạn.

Ả Rập Saudi sẽ truy tố những kẻ sát hại Khashoggi
RIYADH – Lên tiếng tại một diễn đàn quốc phòng ở Bahrain, Ngoại Trưởng Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir hôm thứ Bảy cho biết, chính phủ Riyadh sẽ tự mình xét xử các nghi can có liên quan đến vụ sát hại ký giả Jamal Khashoggi. "Về vấn đề dẫn độ, tất cả những người này đều là công dân Saudi. Họ bị bắt ở Ả Rập Saudi và cuộc điều tra diễn ra ở Ả Rập Saudi, nên họ sẽ bị truy tố ở Ả Rập Saudi," ông al-Jubeir nói. Tuyên bố được đưa ra để trả lời cho yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, đòi dẫn độ 18 nghi can liên quan đến vụ sát hại ông Khashoggi đến Istanbul. Ngoại Trưởng al-Jubeir cũng thêm rằng, cuộc điều tra cái chết của ông Khashoggi sẽ mất nhiều thời gian.
Ông Jamal Khashoggi, ký giả 60 tuổi đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ, là người thường xuyên chỉ trích chính phủ Ả Rập Saudi và Thái Tử Mohammed bin Salman. Ông biến mất từ hôm 2 tháng 10 khi tới lãnh sự quán Saudi tại Istanbul để làm thủ tục kết hôn. Sau nhiều lần phủ nhận liên quan, Ả Rập Saudi ngày 21 tháng 10 xác nhận ông Khashoggi đã chết trong một vụ ẩu đả và Riyadh đã bắt 18 nghi can.

Di dân tại biên giới Bosnia biểu tình tuyệt thực
SARAJEVO – Những người di dân cắm trại tại biên giới giữa Bosnia và Croatia – một nước thành viên Liên Âu – đã tuyên bố rằng họ sẽ tuyệt thực. Vài chục người di dân đã cắm trại ở biên giới trong nhiều ngày, yêu cầu Croatia cho họ nhập cư. Nhóm người này đã từng đụng độ với cảnh sát khi tìm cách băng qua biên giới. Một số di dân vào thứ Bảy đã dùng băng keo dán miệng và mắt để biểu tình. Một số người khác tiếp tục sống trong những căn lều nhỏ ở biên giới. Cảnh sát Bosnia đã cố gắng thuyết phục những người này chuyển đến một trung tâm di trú. Khoảng vài ngàn người di dân đang sống tại vùng tây bắc Bosnia, để tìm cách đi vào Croatia và sau đó tiến xa hơn đến các nước thuộc EU.

Nam Hàn mong Kim Jong Un thăm Seoul năm nay
SEOUL – Lên tiếng trước quốc hội vào thứ Sáu, Ngoại Trưởng Nam Hàn Kang Kyung-wha khẳng định bà tin rằng chuyến thăm của Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un tới Seoul có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hội nghị Mỹ - Triều lần hai, cũng như giúp hóa giải căng thẳng trên bán đảo. "Chính phủ đang thảo luận để tổ chức chuyến thăm của Chủ Tịch Kim tới Nam Hàn trong năm nay,” Ngoại Trưởng Kang nói. Tại cuộc gặp hồi tháng 9 với Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in ở Bình Nhưỡng, lãnh đạo Bắc Hàn đã hứa sẽ tới thăm Seoul "trong tương lai gần.” Tổng Thống Moon trong một cuộc họp báo sau đó nói rằng, ông Kim Jong-un nhiều khả năng sẽ đến Nam Hàn vào cuối năm nay nếu không có những tình huống bất ngờ xảy ra.
Bà Kang đồng thời cho biết, Bộ Ngoại Giao đang nỗ lực hướng tới mục tiêu chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 trong năm nay. Ngoại trưởng Nam Hàn nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc giải quyết linh hoạt những chi tiết liên quan tới tuyên bố kết thúc chiến tranh, chẳng hạn như thời gian, địa điểm tổ chức lễ ký kết hay các bên tham gia. Chiến tranh Triều Tiên nổ ra ngày 25 tháng 6, 1950 và kéo dài tới ngày 27 tháng 7, 1953. Về mặt kỹ thuật, Bắc Hàn và Nam Hàn vẫn trong tình trạng chiến tranh, do hai nước chỉ ký thỏa thuận đình chiến và chưa từng có hiệp ước hòa bình.

Cựu thủ tướng Malaysia bị mất tước hiệu hoàng gia
KUALA LUMPUR - Hoàng gia bang Negeri Sembilan của Malaysia đã quyết định thu hồi tước hiệu của cựu Thủ Tướng Malaysia Najib Razak, sau khi ông bị cáo buộc tham nhũng và rửa tiền. Ông Najib được phong tước hiệu Datuk Seri hồi năm 2005, trong khi vợ ông, bà Rosmah Mansor, được phong tước hiệu Datin Seri vào năm 2006. Thủ hiến bang Negeri Sembilan Razali Ab Malik cho hay, quyết định thu hồi tước hiệu hoàng gia đối với vợ chồng cựu thủ tướng Malaysia được đưa ra vào ngày thứ Sáu, sau một phiên họp đặc biệt của hội đồng quản lý việc trao tặng danh hiệu.
Thủ Hiến Razali khẳng định quyết định này nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm cũng như danh dự của Hoàng gia bang Negeri Sembilan. Trong hệ thống tước hiệu cấp liên bang Malaysia, tước hiệu Tun đứng đầu, dành cho những người có các đóng góp xuất chúng, sau đó đến Tan Sri và Datuk.
Cựu thủ tướng 64 tuổi của Malaysia đang phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc, từ rửa tiền, tham nhũng cho đến lạm dụng quyền lực, liên quan đến vụ chiếm dụng tiền chính phủ trong quỹ đầu tư quốc gia 1MDB. Ông Najib cho đến nay vẫn bác bỏ mọi các buộc và không nhận tội. Sau khi ông Najib thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, chính quyền Malaysia đã cấm vợ chồng ông rời khỏi đất nước và cảnh sát đã khám xét nhà riêng của họ, thu giữ khoảng $275 triệu Mỹ kim tiền mặt cùng hàng xa xỉ, bao gồm một bộ sưu tập lớn túi xách, đồ trang sức và đồng hồ. Ông Najib giải thích hầu hết đồ bị tịch thu là quà tặng cho vợ và con gái, không liên quan tới quỹ 1MDB.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT