Thế Giới

Phi trường Qatar vắng do khủng hoảng ngoại giao

Friday, 09/06/2017 - 10:52:24

Sân bay Hamad có 5 khu vực với 138 quầy check-in, 2 khách sạn hơn 200 phòng, cùng hồ bơi, đền thờ Hồi giáo, và hàng ngàn mét vuông dành cho các trung tâm mua sắm, giải trí.



DOHA – Phi trường quốc tế Hamad ở thủ đô Doha của Qatar đang trải qua những ngày vắng vẻ hiếm hoi, sau khi hàng loạt quốc gia Vùng Vịnh quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này. Các chuyến bay của hãng hàng không Qatar Airways đi qua không phận của các nước Vùng Vịnh, và các chuyến bay chiều ngược lại, đều bị hủy bỏ. Các hãng hàng không UAE Emirates, Etihad, Flydubai, Air Arabia và Saudi Airlines đều thông báo hủy chuyến đến và đi từ Qatar vào sáng 6 tháng 6.
Các biến cố này đã khiến phi trường quốc tế Hamad vắng vẻ bất thường trong những ngày qua, do lượng khách đến Qatar giảm đáng kể. Sân bay này phục vụ 50 triệu hành khách mỗi năm và được coi là "cánh cửa đưa Qatar đến với thế giới.” Trong gần một tuần qua, các hành khách tại Qatar đều phải đến 1 quốc gia thứ 3, trước khi đến các nước Vùng Vịnh.
Nhiều hành khách cho biết, đây là lần đầu tiên họ chứng kiến cảnh vắng vẻ ở sân bay quốc tế xa xỉ và luôn đông đúc này. Sân bay Hamad có 5 khu vực với 138 quầy check-in, 2 khách sạn hơn 200 phòng, cùng hồ bơi, đền thờ Hồi giáo, và hàng ngàn mét vuông dành cho các trung tâm mua sắm, giải trí.

Dữ liệu iPhone bị lấy trộm và đem bán
TRUNG QUỐC – Cảnh sát tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vừa bắt 22 nhà phân phối không chính thức các sản phẩm Apple, vì tội lấy cắp và bán dữ liệu người dùng iPhone trái phép. Nhà chức trách cho biết, các nghi can đã tìm kiếm trong kho dữ liệu của Apple để lấy các thông tin nhạy cảm như mật mã màn hình (Touch ID) và số điện thoại, sau đó bán ra thị trường chợ đen với giá từ 10 đến 180 yuan (khoảng $1.5 đến 26 Mỹ kim).
Theo cảnh sát, những kẻ này đã kiếm được hơn 50 triệu yuan (khoảng $7.36 triệu Mỹ kim) trước khi bị bắt. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người dùng Trung Quốc bị những kẻ này đánh cắp dữ liệu, và trong số đó có người nào ở ngoài biên giới Trung Quốc hay không. Ngoài ra, nhà chức trách cũng chưa biết giải quyết ra sao với số dữ liệu bị lộ này.
Hiện Apple chưa đưa ra bình luận về sự việc. Tuy nhiên, việc các nhà phân phối có thể vào xem kho dữ liệu người dùng khiến giới bảo mật thực sự lo ngại. Theo họ, Apple lẽ ra cần có cách nào đó kiểm soát việc các thông tin này bị tiết lộ ra ngoài. Ngoài ra, sự việc cũng đặt ra câu hỏi rằng, liệu người dùng các dòng smartphone khác (ngoài Apple) có gặp nguy cơ tương tự hay không?

Xã hội tiền mặt tại Miến Điện
NAYPYIDAW - Người Miến Điện có thói quen chỉ xài tiền mặt, và thực hiện mọi giao dịch bằng loại tiền này, kể cả các vụ mua bán lớn như mua nhà hay xe hơi. Cảnh tượng người dân vác từng bao tải tiền mặt vào ngân hàng rất quen thuộc tại Miến Điện. Vào tới nơi, họ sẽ đổ tiền ra, nhân viên ngân hàng phải đếm và kiểm tra từng tờ với mệnh giá khác nhau, số tiền có thể lên tới 250 triệu kyat (gần $185,000 Mỹ kim).
Tờ có mệnh giá lớn nhất tại Miến Điện là 10,000 kyat ($7.3 Mỹ kim). Ông David Wang, phó giám đốc ngân hàng AYA cho biết "tiền mặt là vua" ở Miến Điện. Máy rút tiền ATM không phổ biến tại đây, và thẻ tín dụng chỉ được người có thu nhập cao sử dụng. " Miến Điện là xã hội tiền mặt. Một trong những thách thức lớn là ở đây không có trung tâm thông tin tín dụng. Vì thế rất khó để thu thập thông tin về khả năng thanh toán của khách hàng", ông Wang đánh giá.
Lượng người sử dụng điện thoại di động ở Miến Điện đã tăng từ 15% lên 80% trong ba năm qua. Do đó, một số ý kiến cho rằng, chính phủ nên phát triển ngân hàng điện tử, trong khi chờ thành lập trung tâm thông tin tín dụng, vì ngân hàng điện tử chỉ cần kết nối Internet là có thể sử dụng để thanh toán thay thế tiền mặt.

Sàn nhà phát âm thanh để bắt kẻ trộm
NHẬT - Sàn nhà Nightingale, hay còn gọi là "uguisubari" ở Nhật Bản, là một hệ thống đặc biệt được thiết kế để phát ra âm thanh như tiếng chim hót, mỗi khi có người bước lên, nhằm phát hiện người xâm nhập. Được sử dụng trong các hành lang cung điện và đền thờ, sàn Nightingale là hệ thống báo động đột nhập tự động, được phát minh bởi những thợ thủ công Nhật Bản từ thời cổ đại.
Để ráp sàn nhà Nightingale, thợ mộc đặt những tấm ván gỗ lên trên bộ khung dầm đỡ vừa đủ chắc chắn để ván không lệch khỏi vị trí, nhưng cũng vừa đủ lỏng lẻo để phát ra âm thanh. Mặt dưới tấm ván là những chiếc chốt có đinh, đặt sát vào dầm gỗ. Khi kẻ đột nhập bước lên sàn nhà, những chiếc chốt sẽ di chuyển, cọ sát với dầm gỗ, tạo ra âm thanh giống như tiếng chim hót. Kỹ thuật xây dựng này thậm chí còn có thể giúp xác định đúng vị trí của kẻ đột nhập, dựa vào độ lớn của tiếng động.  
Sàn Nightingale nổi tiếng nhất nằm ở lâu đài Nijo tại Kyoto, Nhật Bản. Lâu đài này được xây dựng dưới thời Edo, là nơi ở của nhiều tướng lĩnh quân đội. Theo truyền thuyết Nhật Bản, sàn Nightingale được lắp đặt để phòng ngừa ninja, những người có biệt tài bước đi rất êm, hầu như không phát ra tiếng động. Ngoài lâu đài Nijo, sàn Nightingale còn được tìm thấy ở đền thờ Chion-in tại Higashiyama-Ku, đền thờ Eikan-do-Zenrin-Ji và ngôi đền Phật giáo Shingon, Daikaku-Ji ở Kyoto.

tím thấy hóa thạch cổ nhất của người hiện đại
MOROCCO - Trong hai nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học tuyên bố đã khám phá hóa thạch cổ nhất của người hiện đại (Homo sapiens) ở Jebel Irhoud, Morocco, có niên đại từ 300,000 đến 350,000 năm. Hóa thạch cổ nhất trước đó của người hiện đại được phát hiện ở Omo Kibish, Ethiopia có niên đại 195,000 năm.
Theo các nhà nghiên cứu, khuôn mặt của các hóa thạch ở Jebel Irhoud gần như không khác biệt so với khuôn mặt người hiện đại ngày nay, dù còn có các điểm nguyên sơ như sọ dài hơn, thấp hơn, xương chân mày to, mặt và răng lớn hơn. Hình ảnh quét sọ hóa thạch cho thấy bộ não con người tiến hóa chậm hơn so với kiến thức trước đây.
Theo nhà cổ nhân học Max Planck, chủ nhân của các hóa thạch mới phát hiện này là những người đi săn rất có kinh nghiệm, với các công cụ đá và xương động vật được tìm thấy tại địa điểm khảo cổ. Shannon McPherron, tác giả nghiên cứu thứ hai, cho biết các công cụ đá thuộc về thời Đồ Đá Trung đại, giai đoạn các công cụ đá nhỏ hơn, nhẹ hơn so với trước. Các công cụ này cũng có dấu vết từng được nung qua lửa.

Bác sĩ chẩn đoán sai cho bệnh nhân bị ung thư
SINGAPORE - Bác sĩ  Fernandes Mark Lee, 43 tuổi, người Singapore, đã chẩn đoán sai cho bệnh nhân và bị phạt 10,000 đô-la Singapore. Được biết, bác sĩ Fernandes đã chẩn đoán cho 1 bệnh nhân rằng sức khỏe của người đó hoàn toàn ổn định, dù thật ra người này đang bị ung thư kết trực tràng. Bác sĩ này có 10 năm kinh nghiệm, làm việc ở chuyên khoa Dạ dày - Ruột tại bệnh viện Asia Health Partners.
Theo quyết định của hội đồng kỷ luật vào tháng 3, vị bác sĩ bị khiển trách và phải nộp phạt 10,000 đô-la Singapore. Ngoài ra, ông cũng phải thanh toán các chi phí liên quan cho bệnh nhân, trong đó có chi phí thuê cố vấn pháp luật của Hội đồng y khoa Singapore (SMC). Bệnh nhân này tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe hồi tháng 2, 2012 và sau đó nhận báo cáo y khoa của bác sĩ Fernandes, với kết luận rằng các chỉ dấu ung thư là "bình thường.” Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có mức CEA - được dùng để kiểm tra protein trong máu của bệnh nhân ung thư ruột - là 16.5 ng/ml trong khi giới hạn bình thường 0-5 ng/ml.
20 tháng sau, bệnh nhân được một bác sĩ khác chẩn đoán mắc ung thư ruột, phải phẫu thuật và hóa trị 6 tháng. Tháng 6, 2014, bệnh nhân nộp đơn kiện lên SMC. Trong phiên họp SMC vào tháng 3 năm nay, hội đồng kết luận rằng, vì sai lầm của bác sĩ Fernandes khiến bệnh nhân mất cơ hội được điều trị sớm. Bác sĩ Fernandes thừa nhận đã không chú ý chỉ số CEA bất thường của bệnh nhân, và đồng ý với phán quyết của SMC.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT