Thế Giới

Phi trường Anh mở cửa trở lại sau vụ rối loạn vì máy bay drone

Friday, 21/12/2018 - 07:58:52

Bộ Trưởng Giao Thông Chris Grayling gọi sự việc là “chưa từng có tiền lệ ở bất cứ đâu trên thế giới.” Động cơ của những kẻ điều khiển máy bay drone hiện chưa được rõ, và cảnh sát chưa phát hiện dấu hiệu cho thấy đây là hành động khủng bố.

LONDON – Phi trường Gatwick ở London đã mở cửa lại vào ngày thứ Sáu, sau khi một vụ phá rối bí ẩn bằng máy bay điều khiển từ xa (drone) đã khiến các chuyến bay bị đình chỉ suốt 36 giờ, ảnh hưởng hơn 100,000 người đi nghỉ dịp Giáng Sinh.
Viên chức phi trường cho biết, khoảng 700 máy bay đã được cất cánh vào ngày thứ Sáu, nhưng vẫn còn nhiều chuyến bay khác bị hủy hoặc trì hoãn. “Các chuyến bay đã được khôi phục,” phát ngôn viên phi trường nói. “Các biện pháp quân sự được thực hiện xung quanh phi trường giúp chúng tôi có được sự bảo đảm cần thiết để mở lại phi đạo.”
Nhà chức trách Anh đã sử dụng các công nghệ quân sự chưa được công bố để canh gác xung quanh phi trường Gatwick, phi trường bận rộn thứ 2 tại quốc gia, sau vụ phá rối của một nhóm máy bay drone. Nhiều xạ thủ của cảnh sát và quân đội đã được điều động để săn lùng các máy bay drone, được cho là loại drone hiện đại và chuyên nghiệp.
Bộ Trưởng Giao Thông Chris Grayling gọi sự việc là “chưa từng có tiền lệ ở bất cứ đâu trên thế giới.” Động cơ của những kẻ điều khiển máy bay drone hiện chưa được rõ, và cảnh sát chưa phát hiện dấu hiệu cho thấy đây là hành động khủng bố.
Kẻ phá rối vẫn chưa bị bắt, nhưng cảnh sát nói rằng họ đã xác định được một số nghi can. Sự việc ở Gatwick được coi là vụ phá rối gây ảnh hưởng lớn nhất tại một phi trường quốc tế lớn của thế giới, đồng thời cho thấy điểm yếu của các phi trường. Sự việc chắc chắn sẽ được xem xét kỹ bởi các lực lượng an ninh và cơ quan quản lý hàng không trên toàn thế giới.

Nổ mỏ than tại Cộng Hòa Czech, 13 người chết
KARVINA - Một vụ nổ khí methane đã giết chết 12 người Ba Lan và 1 người Cộng Hòa Czech tại mỏ than phía đông Cộng Hòa Czech, theo hãng khai thác OKD cho biết hôm thứ Sáu. Ngoài ra, sự việc cũng khiến một số người khác bị thương và 8 người mất tích. Đây cũng là tai nạn hầm mỏ tồi tệ nhất tại Czech trong gần 3 thập niên qua. Nhà chức trách cho biết, vụ nổ xảy ra vào chiều thứ Năm, ở độ sâu hơn 800 mét tại mỏ than CSM, gần thành phố miền đông Karvina, giáp biên giới với Ba Lan. Hãng OKD nói rằng công việc khai thác đã bị dừng ngay lập tức sau vụ nổ và mọi công nhân đều được di tản.
Các lực lượng cứu nạn của Czech và Ba Lan vẫn đang tìm kiếm 8 thợ mỏ còn mất tích. Tuy nhiên, nhà chức trách lo ngại số nạn nhân thiệt mạng có thể còn tăng, do nhiều người bị thương rất nặng và việc tiếp cận các nạn nhân dưới lòng đất rất khó khăn. Khu vực nổ đã bị tàn phá, và vẫn còn một số đám cháy chưa được dập tắt. Trong số những người bị thương có những người bị phỏng sâu ở mặt, cổ, và chân tay. Nguyên nhân vụ nổ đang được điều tra.
Vụ tai nạn là thảm họa mỏ than tồi tệ nhất ở Cộng Hòa Czech kể từ năm 1990, khi 30 thợ mỏ chết trong vụ hỏa hoạn tại một mỏ gần Karvina trong cùng khu vực. Tổng Thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố ngày Chủ Nhật sẽ là ngày quốc tang. Thủ Tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki và người đồng cấp Czech Andrej Babis đã đến thăm hiện trường vào sáng thứ Sáu. Ông Babis nói, “Tất cả chúng ta đều hy vọng đội cứu nạn có thể tìm thấy mọi nạn nhân càng sớm càng tốt, tuy nhiên, chúng ta cũng không thể đặt các nhân viên cứu nạn vào tình trạng nguy hiểm.” Ông Babis nói thêm rằng hãng OKD đang tìm cách bù đắp cho gia đình nạn nhân.

Quân đội Miến Điện đình chiến với phiến quân
YANGON - Quân đội Miến Điện hôm thứ Sáu thông báo sẽ ngừng mọi hoạt động quân sự tại khu vực phía đông và phía bắc trong 4 tháng, một hành động chưa từng có tiền lệ, được giới quan sát cho là nhằm thuyết phục các nhóm phiến quân dân tộc thiểu số tham gia tiến trình hòa bình của quốc gia. Vùng biên giới Miến Điện đã rơi vào tình trạng bất ổn kéo dài kể từ khi nước này giành được độc lập từ Anh quốc vào 70 năm trước, do nhiều nhóm vũ trang cạnh tranh lẫn nhau để giành quyền tự trị, tài nguyên, và lãnh thổ. Hàng chục ngàn người sống trong khu vực xung đột đã thường xuyên bị buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Cho đến nay, khoảng 10 nhóm phiến quân đã đồng ý ký tên vào tiến trình hòa bình, dẫn đầu bởi lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi, tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhóm khác đứng ngoài tiến trình này. Một trong các yêu cầu chính của các nhóm phiến quân là quân đội Miến Điện phải ngừng tấn công.
Vào ngày thứ Sáu, văn phòng Tổng Tư Lệnh Miến Điện thông báo trên trang web rằng quân đội sẽ dừng mọi hoạt động quân sự ở vùng phía bắc và phía đông. Lệnh ngừng bắn đơn phương này sẽ có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày 30 tháng 4, để mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Tuy nhiên, thông báo cũng nói rằng quân đội có thể tham chiến trở lại bất cứ lúc nào nếu cần thiết. Lệnh ngừng bắn không áp dụng cho bang Rakhine ở phía tây, nơi khoảng 720,000 người Hồi giáo Rohingya đã phải di tản sang Bangladesh, để tránh các cuộc đàn áp đẫm máu của quân đội Myanamr, vốn bị Liên Hiệp Quốc gọi là hành động diệt chủng.

Nhật Bản phê chuẩn ngân sách quốc phòng cao kỷ lục
TOKYO – Vào ngày thứ Sáu, viên chức quốc phòng Nhật cho biết, chính phủ nước này đã phê chuẩn ngân sách cho năm tài khóa 2019, bắt đầu từ tháng 4 tới, là $912 tỷ Mỹ kim, trong đó, ngân sách quốc phòng sẽ là $47 tỷ Mỹ kim, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp ngân sách quốc phòng Nhật Bản cao ở mức kỷ lục. Ngân sách quốc phòng sẽ được dùng để chi trả cho việc lắp đặt hệ thống đánh chặn hỏa tiễn mặt đất Aegis Ashore do Hoa Kỳ sản xuất. Ngoài ra, Nhật Bản cũng dự kiến mua 6 chiến đấu cơ tàng hình F-35A để trang bị cho hàng không mẫu hạm.
Việc tăng ngân sách quốc phòng cao kỷ lục là một phần trong nỗ lực của chính quyền Thủ Tướng Abe nhằm tăng cường sức mạnh quân đội. Theo kế hoạch đến năm 2024, Nhật Bản sẽ nâng cấp 2 hàng không mẫu hạm trực thăng để chúng có thể làm điểm phóng cho các chiến đấu cơ.
Chính quyền của ông Abe cho rằng, tăng cường sức mạnh quân đội là cần thiết trong bối cảnh các thách thức an ninh trong khu vực gia tăng, bao gồm sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và sự mở rộng quân sự của Trung Quốc. Bắc Kinh đã lập tức chỉ trích các hành động của Nhật Bản và hối thúc Tokyo "tuân thủ chính sách phòng vệ đơn thuần.”

Trung Quốc đẩy mạnh đóng chiến hạm phục vụ tham vọng hàng hải
BẮC KINH - Theo hình ảnh vệ tinh được Viên Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Wahsington, Hoa Kỳ, công bố, xưởng đóng tàu Jiangnan tại Thượng Hải, nằm ở cửa sông Trường Giang, mới khai trương vào năm 2008 nhưng đến năm nay đã mở rộng quy mô lên 64%. "Nhà máy Jiangnan chịu trách nhiệm chế tạo một số chiến hạm tân tiến nhất của Trung Quốc. Những tàu được chế tạo tại đây là một phần rất quan trọng trong việc hiện đại hóa quân đội,” ông Matthew Funaiole, một chuyên gia của CSIS, nhận xét.
Sự việc này được phát hiện trong bối cảnh Bắc Kinh thúc đẩy một chiến dịch nhằm mở rộng và hiện đại hóa hải quân, với 32 tàu được giao cho quân đội chỉ trong 2 năm 2016 và 2017. Tại xưởng đóng tàu Jiangnan, các bức ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy một số chiến hạm mới nhất của Bắc Kinh đang được chế tạo, bao gồm cả khu trục hạm hỏa tiễn dẫn đường Type 055 - chiến hạm lớn nhất và uy lực, tinh vi nhất thế giới.
Khi được đo lần đầu vào năm 2011, nhà máy Jiangnan rộng 7 cây số vuông. CSIS cho biết, giờ đây cơ sở này đã rộng 11.5 cây số vuông. Khu vực thương mại của nhà máy không thay đổi trong 7 năm qua nhưng khu quân sự đã thay đổi rất lớn. Trong năm 2018, CSIS đã quan sát được hoạt động đóng tàu đáng chú ý tại Jiangnan, trong đó có việc đóng tới 5 khu trục hạm Type 052D và ít nhất 2 tàu Type 055 – loại tàu lớn hơn và mạnh hơn các khu trục hạm của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn.

Trung Quốc bác tin ngược đãi công dân Canada
BẮC KINH - Chính quyền Trung Quốc hôm thứ Sáu bác bỏ tin tức cho rằng nước này ngược đãi ông Michael Kovrig, công dân Canada bị Bắc Kinh bắt hôm 10 tháng 12. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Xuân Oánh cho biết, nước này luôn tuân thủ luật pháp trong việc bảo đảm các quyền hợp pháp và đối xử nhân đạo với ông Kovrig. "Chúng tôi đã cung cấp cho Canada sự hỗ trợ cần thiết để thực hiện trách nhiệm của tòa đại sứ,” bà Hoa nói thêm.
Trước đó, một nguồn tin giấu tên cho hay ông Kovrig không được cho tại ngoại và không được gặp luật sư. Nguồn tin thêm rằng ông bị giam tại một địa điểm bí mật và bị thẩm vấn mỗi sáng, chiều và tối. Ngoài ra, ông Kovirg không được phép tắt đèn vào ban đêm khi đi ngủ.
"Ông ấy ổn định về mặt thể chất nhưng mệt mỏi và căng thẳng. Ông ấy dường như không bị ngược đãi về thể chất,” nguồn tin nói. Theo nguồn tin ẩn danh, đại sứ Canada tại Trung Quốc và hai nhà ngoại giao khác đã đến thăm ông Kovrig tại sở cảnh sát vào ngày 14 tháng 12 trong nửa giờ.
Ông Michael Kovrig bị Trung Quốc bắt giữ với cáo buộc gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Vài ngày sau, Michael Spavor, một thương gia Canada khác, cũng bị Trung Quốc bắt và đối mặt với cáo buộc tương tự. Công dân Canada thứ ba, Sarah McIver, bị bắt vào ngày 19 tháng 12 với tội làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc.
Các vụ bắt giữ diễn ra sau khi Canada bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu vào ngày 1 tháng 12 theo yêu cầu của Hoa Kỳ, khiến quan hệ ngoại giao giữa các bên trở nên căng thẳng. Hiện bà Mạnh được tại ngoại trong lúc chờ tòa án quyết định việc dẫn độ về Hoa Kỳ, nơi bà bị cáo buộc lừa dối ngân hàng và vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran. Mỗi tội danh có thể khiến bà lãnh án tù tối đa 30 năm.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT