Thế Giới

Phi Luật Tân bắt giữ tàu nghi chở hàng cho Bắc Hàn

Saturday, 05/03/2016 - 08:09:51

Nghị quyết của Liên Hợp Quốc kêu gọi cưỡng bách kiểm tra hàng hóa ra vào Bắc Hàn, bằng đường biển hoặc đường hàng không, một lệnh cấm tất cả các thương vụ bán hoặc chuyển giao các loại vũ khí nhỏ và những thứ khí giới nhẹ cho Bình Nhưỡng, và trục xuất những nhà ngoại giao Bắc Hàn nào tham gia vào “các hoạt động bất hợp pháp.”

 
Tàu hàng hải Jin Teng của Bắc Hàn đậu neo tại cảng Subic. Phi Luật Tân đã kiểm tra tàu này ngay sau khi có lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc. (Getty Images)


MANILA - Phi Luật Tân đã quyết định tịch thu một chiếc tàu chở hàng khả nghi của Bắc Hàn, cập bến tại một hải cảng ở phía tây bắc của Manila, và sẽ trục xuất thủy thủ đoàn của chiếc tàu này. Phi Luật Tân làm như vậy là căn cứ theo những điều khoản của các biện pháp chế tài nghiêm khắc mới của Liên Hiệp Quốc. Lệnh trừng phạt này được đưa ra sau khi Bắc Hàn thực hiện những vụ thí nghiệm hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo trong thời gian gần đây.

Manolo Quezon III, thứ trưởng đặc trách truyền thông của tổng thống Phi Luật Tân, nói hôm thứ Bảy rằng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc sẽ được áp dụng cho chiếc tàu MV Jin Teng, trọng tải 4,355 tấn. Hôm thứ Năm, chiếc tàu này đến Subic Bay, một hải cảng thương mại trước đây từng là một căn cứ hải quân của Hoa Kỳ.

Ông Quezon nói với đài phát thanh Phi Luật Tân Radyo ng Bayan, “Thế giới đang lo ngại về chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Với tư cách là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, Phi Luật Tân phải làm nhiệm vụ của mình để thực thi các biện pháp trừng phạt.”

Ông nói, “Nghĩa vụ của chúng tôi chính yếu là bắt giữ chiếc tàu, không cho phép tàu rời khỏi hải cảng, và cuối cùng thủy thủ đoàn phải bị trục xuất.” Một nhóm viên chức từ Liên Hiệp Quốc cũng có thể đến để kiểm tra con tàu. Chính phủ Phi Luật Tân sẽ báo cáo cho Liên Hiệp Quốc về hành động của họ, sau khi bắt giữ chiếc tàu. Ông Quezon cho biết thêm như vậy, theo Thông Tấn Xã Phi Luật Tân đưa tin.

Đó là việc tuân thủ đầu tiên được biết đến với các biện pháp chế tài của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, được đồng thanh thông qua hôm thứ Tư. Mục đích là để làm tê liệt một phần của nền kinh tế Bắc Hàn tài trợ cho các chương trình hỏa tiễn hạt nhân và đạn đạo của họ.

Nghị quyết của Liên Hợp Quốc kêu gọi cưỡng bách kiểm tra hàng hóa ra vào Bắc Hàn, bằng đường biển hoặc đường hàng không, một lệnh cấm tất cả các thương vụ bán hoặc chuyển giao các loại vũ khí nhỏ và những thứ khí giới nhẹ cho Bình Nhưỡng, và trục xuất những nhà ngoại giao Bắc Hàn nào tham gia vào “các hoạt động bất hợp pháp.”

Bình Nhưỡng cũng bị cấm xuất cảng hầu hết các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước, chẳng hạn như than đá, chiếm khoảng $1 tỷ Mỹ kim trong thu nhập hàng năm. Hôm thứ Sáu, Bắc Hàn kịch liệt lên án nghị quyết mới này, và đe dọa sẽ có một phản ứng mạnh mẽ. Đó là “hành động tội phạm quốc tế tệ hại nhất và rõ ràng nhất, nhằm cô lập và bóp nghẹt quốc gia có chủ quyền đúng đắn và phòng vệ.” Một văn bản từ một phát ngôn viên chính phủ nói như vậy.

Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un (Kim Chính Vân), trong hai ngày liên tiếp, nói rằng “các đầu đạn hạt nhân của nước này cần phải sẵn sàng để sử dụng bất cứ lúc nào.” Thông Tấn Xã Trung Ương Bắc Hàn, hãng tin chính thức của nhà nước, đưa tin như vậy hôm thứ Sáu.

Chiếc tàu này, với thủy thủ đoàn 21 người, là một trong số 31 chiếc tàu được liệt kê là thuộc quyền sở hữu của Bắc Hàn có thể bị bắt giữ, theo một lệnh “đóng băng tài sản.” Phụ tá ngoại trưởng Phi Luật Tân Gary Domingo cho biết.

Tuy nhiên, ông Raul Belesario, tư lệnh khu vực của lực lượng Phòng Vệ Duyên Hải Phi Luật Tân, nói với hãng thông tấn AP rằng giấy tờ của chiếc tàu cho thấy đó là một chiếc tàu treo cờ Sierra Leone, thuộc quyền sở hữu của một công ty có trụ sở tại British Virgin Islands, và được quản trị bởi một công ty ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Ông nói, “Trên giấy tờ, chiếc tàu không phải là tàu Bắc Hàn.”

Belesario nói rằng ông đã không nhận được bất kỳ lệnh nào của chínhphủ để bắt giữ chiếc tàu vào chiều thứ Bảy, nhưng ông sẽ làm như vậy nếu được chính phủ chỉ thị. Chiếc tàu cần phải ở lại Subic Bay trong khoảng hai ba ngày nữa, để bốc dỡ một lô hàng gồm những thiết bị ép hạt cọ, có thể được sử dụng làm thức ăn cho súc vật trong trang trại, theo ông cho biết.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT