Thế Giới

Phe Áo vàng lại biểu tình trại Pháp

Saturday, 05/01/2019 - 08:10:48

Hai tháng sau các cuộc tuần hành đầu tiên, phong trào “Áo vàng” tại Pháp đang muốn khôi phục lại cường độ sau khi yếu đi vì các kỳ nghỉ lễ.

PARIS – Những người biểu tình tại Paris đã đốt nhiều chiếc xe và lập rào cản trên đại lộ Saint Germain vào thứ Bảy, để phản đối chi phí đời sống quá cao và thái độ thờ ơ, không nhượng bộ của Tổng Thống Emmanuel Macron. Cuộc tuần hành mới nhất của phe “Áo vàng” ban đầu diễn ra một cách hòa bình, nhưng sau đó trở thành bạo lực vào buổi chiều, khi người biểu tình ném gạch đá vào lực lượng cảnh sát đứng chặn các cây cầu bắc qua sông Seine. Cảnh sát đã bắn hơi cay để ngăn không cho người biểu tình đi qua sông để tiến tới tòa nhà Quốc Hội. Một thuyền du lịch trên sông đã bị đốt và một cảnh sát bị thương do bị trúng một chiếc xe đạp do người biểu tình ném qua.
Hai tháng sau các cuộc tuần hành đầu tiên, phong trào “Áo vàng” tại Pháp đang muốn khôi phục lại cường độ sau khi yếu đi vì các kỳ nghỉ lễ. Chính phủ Macron, bị chấn động bởi cuộc biểu tình, trong tuần này đã bắt đầu mạnh tay và cáo buộc những người kích động biểu tình là muốn lật đổ chính phủ. Động cơ của cuộc biểu tình là do sự tức giận của người dân, chủ yếu là những người thu nhập thấp, đối với chính phủ Macron, do họ tin rằng tổng thống không quan tâm đến nhu cầu của người nghèo và chỉ ban hành các biện pháp cải tổ có lợi cho giới giàu có.

Đài Loan kêu gọi quốc tế ủng hộ trước áp lực từ Trung Quốc
ĐÀI BẮC – Tổng Thống Đài Loan hôm thứ Bảy kêu gọi các nước ủng hộ lập trường của đảo quốc này, về việc không hợp nhất với Trung Quốc theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” như Hong Kong hay Macau. "Đài Loan hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ nghiêm túc cân nhắc và lên tiếng ủng hộ, giúp đỡ chúng tôi,” Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn lên tiếng trong một cuộc họp báo. Bà Thái trước đó tuyên bố sẽ không chấp nhận mô hình chính trị "một quốc gia hai chế độ" được Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị.
Trong bài diễn văn kỷ niệm 40 năm chính sách ngừng đối đầu quân sự với Đài Loan, ông Tập khẳng định việc trở về với Trung Quốc theo mô hình tương tự Hong Kong và Macau là phương pháp tốt nhất để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người dân Đài Loan. Lãnh đạo Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đạt mục tiêu hợp nhất và ngăn Đài Loan độc lập. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ hợp nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Quan hệ hai bờ eo biển trở nên nguội lạnh kể từ khi Tổng Thống Thái Anh Văn, người không công nhận chính sách "Một Trung Quốc,” lên nắm quyền hồi giữa năm 2016.
Bắc Kinh gần đây liên tục tổ chức tập trận Không quân và Hải quân ở khu vực quanh đảo Đài Loan, với sự tham gia của các thiết bị hiện đại nhất trong quân đội như chiến đấu cơ đa năng Su-35S, chiến đấu cơ tàng hình J-20, oanh tạc cơ chiến lược H-6K và hàng không mẫu hạm Liêu Ninh.

Nga cáo buộc Hoa Kỳ bắt công dân để trả đũa
MOSCOW – Chính quyền Nga hôm thứ Bảy thông báo, Washington đang bắt giữ một công dân Nga, vào 1 ngày sau khi Moscow bắt giữ cựu quân nhân Hoa Kỳ Paul Whelan vì nghi ngờ hoạt động gián điệp. Công dân Nga Dmitry Makarenko, sinh năm 1979, đến đảo Saipan cùng vợ, các con nhỏ và bố mẹ già. Người này bị nhân viên Cơ quan điều tra liên bang FBI bắt tại phi trường ngay khi vừa đến nơi,” theo thông cáo do Bộ Ngoại giao Nga công bố hôm thứ Bảy. Nhà chức trách Nga khẳng định ông Makarenko đã bị chuyển tới tiểu bang Florida, và họ không liên lạc được với công dân này. Moscow thêm rằng Washington chưa giải thích gì về vụ bắt người.
Theo hồ sơ tòa án tại Florida, ông Makarenko vào tháng 6, 2017, bị cáo buộc đồng mưu với 1 người đàn ông khác là Vladimir Nevidomy, để xuất cảng trái phép các thiết bị quốc phòng của Hoa Kỳ sang Nga. Makarenko, dư dân thành phố Vladivostok, bị Hoa Kỳ coi là kẻ đào tẩu vào tháng 1, 2018. Nevidomy, cư dân Hallandale Beach, Florida, nhận tội vào tháng 6, 2018, và bị kết án 26 tháng tù.
Trước đó, cựu quân nhân Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ Paul Whelan đã bị Nga bắt với cáo buộc gián điệp. Truyền thông Nga nói rằng ông Whelan đã gặp gỡ trực tiếp với một số người Nga nhằm khai thác thông tin mà tình báo Hoa Kỳ quan tâm. Trong khi đó, gia đình ông Whelan khẳng định ông vô tội và chỉ đến Moscow để dự đám cưới. Ngoại Trưởng Mike Pompeo cho biết Washington đã yêu cầu Moscow giải thích về vụ bắt Whelan, đồng thời sẽ kêu gọi thả công dân này ngay lập tức nếu xác định được việc bắt giam là bất hợp lý.

Động đất 6.8 độ ở Brazil
RIO DE JANEIRO – Vào thứ Bảy, một trận động đất mạnh đã làm rung chuyển khu vực tây bắc Brazil, gần biên giới với Peru, ảnh hưởng một khu vực xa xôi của rừng Amazon. Hiện chưa có báo cáo về tổn thất. Cơ quan địa chất Hoa Kỳ USGS cho biết, động đất mạnh 6.8 độ, có tâm chấn cách phía tây Tarauaca 55 dặm về phía tây, và 204 dặm về phía đông của Pucallpa, Peru. Chấn động xảy ra lúc 2:25 chiều giờ địa phương và có độ sâu 575 cây số. Viện quan sát chấn động của Đại học Brasilia nói rằng đây là một trận động đất “nằm khá sâu, không gây nguy hiểm” tại bang Acre. Trước đó, một trận động đất 7.1 độ Richter từng xảy ra tại vùng biên giới Brazil – Peru, vào tháng 8 năm ngoái.

Hỏa hoạn thiêu trụi hơn 160 ngôi nhà ở Myanmar
PYAPON – Truyền thông Myanmar hôm thứ Bảy cho biết một vụ cháy lớn xảy ra tại thị trấn Pyapon, miền tây nước này, vào hôm thứ Sáu đã thiêu trụi tổng cộng 167 ngôi nhà và khiến khoảng 600 cư dân bị mất nhà cửa. Sự việc bắt đầu lúc 2 giờ chiều thứ Sáu, giờ địa phương, tại ngôi nhà được làm bằng tre ở làng Chaungwa, sau đó lan sang những ngôi nhà khác gần đó và thiêu trụi 9 ngôi nhà được làm bằng bê tông, 25 ngôi nhà gỗ và 133 căn lều gỗ nhỏ.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy và cảnh sát địa phương đã khởi kiện chủ sở hữu của ngôi nhà tre vì tội bất cẩn trong việc phòng ngừa hỏa hoạn. Theo chính quyền địa phương, một khu nhà tạm trú dành cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn đã được dựng lên tại một tu viện ở làng Chaungwa.

Cướp biển Tây Phi tấn công tàu hàng, bắt cóc 6 người Nga
BENIN - Nhà chức trách Nga cho biết, một nhóm cướp biển Tây Phi gồm 7 đến 9 tên, được trang bị súng, đã cướp tàu hàng MSC Mandy mang cờ Panama khi tàu đang hoạt động ngoài khơi bờ biển Benin và bắt cóc 6 công dân Nga vào đêm 1 tháng 1. Cơ quan hàng hải Nga cho biết, thủy thủ đoàn MSC Mandy gồm 23 người Nga và 1 người Ukraine, trong khi đại sứ quán nước này tại Benin khẳng định có 20 công dân Nga, 4 người Ukraine và 2 người Gruzia.
Những người bị bắt gồm thuyền trưởng, hai thuyền phó, thủy thủ trưởng, một thợ hàn và một đầu bếp. Các thành viên thủy thủ đoàn còn lại đều không bị thương. Sau vụ tấn công, tàu MSC Mandy tiếp tục hướng đến cảng Lagos và đang neo đậu tại Vịnh Guinea. Theo lịch trình, tàu sẽ đi tiếp đến thành phố cảng Cotonou ở bờ biển phía nam Benin. Các nhà ngoại giao Nga tại Benin và Nigeria đang hợp tác để đàm phán, yêu cầu nhóm cướp biển trả tự do cho các thủy thủ. Khu vực ngoài khơi Benin và Nigeria được coi là vùng biển nguy hiểm, nơi các tàu hàng quốc tế có nguy cơ bị tấn công cao. Trong năm 2018, các nhóm cướp biển đã thực hiện tổng cộng 5 vụ tấn công gần Cotonou và hơn 20 vụ khác gần Nigeria.

Nghi can tông xe đêm giao thừa ở Nhật định thiêu sống đám đông
TOKYO – Truyền thông Nhật hôm thứ Bảy cho biết, nghi can lao xe vào đám đông ở Tokyo trong đêm giao thừa đã định thiêu sống mọi người. "Tôi định dùng máy phun và dầu hỏa để thiêu sống đám đông ở đền thờ Meiji," theo lời khai của Kazuhiro Kusakabe, nghi can 21 tuổi trong vụ lao xe vào người đón năm mới ở quận Harajuku, Tokyo vào đêm giao thừa. Nghi can thừa nhận đã đổi kế hoạch và chuyển sang lao xe vào đám đông khi nhận thấy "mọi việc diễn ra không suôn sẻ.”
Cảnh sát đã tìm thấy 20 lít dầu hỏa và máy phun áp lực cao có gắn dụng cụ đánh lửa trong chiếc xe được nghi can thuê. Kusakabe cho biết mục tiêu tấn công là những khu vực đông người, vì vậy hắn ta đã cân nhắc thực hiện tấn công ở thủ đô Tokyo hoặc thành phố Osaka. Nghi phạm thừa nhận đã giữ chân ga khi lao xe vào đám đông, nhà chức trách không phát hiện vết thắng xe trên mặt đường và kết luận Kusakabe cố ý giết người.
Vụ lao xe khiến 8 người bị thương, trong đó một sinh viên 19 tuổi vẫn đang hôn mê do chấn thương sọ não. Ban đầu Kusakabe khẳng định động cơ là tấn công khủng bố, sau đó thay đổi lời khai và cho rằng đây là hành động "trả đũa án tử hình.” Khu vực bị tấn công có nhiều cửa hàng nhỏ, được coi là trung tâm văn hoá, thời trang của giới trẻ Nhật Bản, thu hút hàng chục ngàn du khách quốc tế mỗi ngày.

Cựu thị trưởng Philippines bị bắn chết
PARANG – Ông Talib Abo, cựu thị trưởng thành phố Parang, tỉnh Maguindanao, phía nam Philippines, bị bắn chết trong cuộc đấu súng với lực lượng chống ma túy đêm thứ Sáu. Lực lượng chống ma túy khi đó đang thực hiện lệnh khám xét nhà riêng của ông Abo. Em trai của ông Abo là Bobby cũng chết trong một vụ bố ráp khác diễn ra cùng thời điểm. "Họ chống trả và nổ súng vào đội của chúng tôi,” ông Juvenal Azurin, người đứng đầu cơ quan chống ma túy địa phương, cho biết.
Abo là thị trưởng thứ sáu ở Philippines thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi của chính phủ. Hơn 5,000 người đã chết trong cuộc chiến do Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte khởi xướng, khi ông lên nắm quyền tháng 6, 2016. Năm 2006, khi còn là thị trưởng Davao, ông Duterte cáo buộc ông Abo buôn lậu 3.5 ký ma túy đá tới thành phố Davao bằng cách sử dụng một chiếc xe cứu thương. Ông Duterte cho rằng ông Abo và vợ ông ta cầm đầu mạng lưới buôn ma túy lớn tại các khu vực miền trung và nam đảo Mindanao, miền nam Philippines.
Abo và em trai bị bắn chết chỉ vài giờ sau khi Tổng Thống Duterte tuyên bố ông sẽ đích thân cắt cổ những tên trùm ma túy trước mặt các nhà hoạt động nhân quyền. Ông Abo là chính trị gia cấp cao thứ hai ở Maguindanao bị bắn chết trong cuộc chiến chống ma túy. Tháng 10, 2016, Samsudin Dimaukom, thị trưởng thành phố Saudi Ampatua, ở Mindanao, cùng 10 nhân viên bị bắn chết trong cuộc đụng độ với cảnh sát chống ma túy tại một trạm kiểm soát. Abo và Dimaukom đều có tên trong danh sách công khai các chính trị gia bị ông Duterte cáo buộc liên quan tới hoạt động buôn bán ma túy.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT