Thế Giới

Phật tử tại Bangladesh ủng hộ nhóm Rohingya, lo lắng cho chính họ

Saturday, 21/10/2017 - 08:02:49

Những thái độ này phần lớn khác biệt với những lời giáo huấn của Đạo Phật ở Miến Điện, đặc biệt là những điều được truyền bá bởi nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Ma Ba Tha, và một trong những nhà sư cực đoan cầm đầu nhóm đó là Ashin Wirathu.


Một tượng Phật còn sót lại ở tại một ngôi chùa bị đốt tại Ramu, Bangladesh năm 2012. Trước tình trạng người Hồi bị xua đuổi ra khỏi Miến Điện, cộng đồng thiểu số Phật Giáo tại Bangladesh đang lo lắng bị tấn công như từng xảy ra năm năm trước. (AFP)


COX'S BAZAR, Bangladesh – Vào năm 2012, những ngọn lửa và cơn phẫn nộ thù ghét đã bất ngờ xảy ra cho cộng đồng Ramu, gồm phần lớn là người Bangladesh theo đạo Phật.

Những người Phật Giáo cư ngụ ở khu vực của Cox's Bazar hầu hết đều sống một cách an hòa trong nhiều thế hệ. Nhưng lúc này nạn bạo đông phe phái thực sự đang ở ngay sát cộng đồng của họ.
Năm năm trước, nhiều tu viện và nhà cửa của các Phật tử ở Ramu đã bị đốt bởi một đám đông giận dữ, lên tới hàng ngàn người. Họ bị khích động bởi một mục đăng tải trên Facebook cho thấy sự phạm thánh đối với Kinh Quran.

Khoảng 300 người đã bị bắt trong những vụ tấn công đó, và trong số những người bị giam giữ đa số là người Hồi Giáo thuộc sắc dân Rohingya.

“Chúng tôi ở trong nhà. Thình lình có ai đó châm lửa vào nhà chúng tôi từ phía sau. Chúng tôi bỏ chạy khi những ngọn lửa bắt đầu ập xuống trên chúng tôi,” bà Aarati Barua kể lại với đài Channel News Asia (CNA), phía trước căn nhà của bà, từ sau vụ đó được xây lại với sự trợ giúp của chính phủ.
“Chúng tôi chỉ biết khóc òa. Mọi người trong gia đình đều khóc,” bà kể trong bản tin đăng ngày 29 tháng 9, 2017.

Ông Chandra Shekhor Barua nhớ lại một đám đông giận dữ kéo nhau đi đốt phá chùa chiền, trước khi xuống tới nhà dân chúng. Ông nói, “Họ hô vang Allahu Akbar, nhưng chúng tôi không biết họ là ai. Hiện thời thì chúng tôi đang sống trong sự bình an. Mà bây giờ cảnh sát và quân đội cũng đi tuần tiễu thường xuyên hơn.”

Không có gì đáng ngạc nhiên về nỗi lo âu và thiếu sự tin cậy còn trong tâm tư của người dân sống ở Ramu, vì những vụ tấn công xảy ra đúng năm năm trước. Nhiều người ở đây còn nhớ rõ những gì xảy ra vào đêm hôm đó, và cuộc khủng hoảng Rohingya bao trùm miền đông nam Bangladesh đang khiến cho dân Ramu rất hồi hộp và lo sợ.

Nhóm người Hồi ở Rakhine đã bị khước từ quyền công dân, và bị bách hại trong nhiều năm ở Miến Điện. Họ đã bị quét sạch ra khỏi nước này trong những tuần mới đây, trong lúc xảy ra những vụ bạo động gây chết người mà Liên Hiệp Quốc gọi là “diệt trừ sắc tộc.”

Ông Chandra nói với CNA, “Tôi cảm thấy sợ hãi từ khi xảy cuộc khủng hoảng ở Miến Điện. Chúng tôi hơi sợ.”
Tuy lo âu như vậy, người Phật giáo ở Ramu đang cảm thông tình cảnh đáng thương và có thiện cảm trước tình cảnh của gần nửa triệu người Hồi Rohingya. Họ đã tràn qua biên giới, có lẽ không bao giờ trở về quê hương bên Miến Điện được nữa.

Ông Chandra nói, “Chúng tôi không thích bạo động ở bất cứ nơi nào. Chúng tôi cảm thấy tội lỗi khi thấy những người Rohingyas bị đàn áp nhiều. Chúng tôi không thích việc chính phủ Miến Điện đang làm.”
Bà Aarati đồng ý, “Chắc chắn tôi cảm thấy buồn. Tôi khóc khi xem truyền hình thấy cảnh những người Rohingya bị tra tấn. Có một lần chúng tôi cũng phải chạy trốn giống như thế.”

Giới lãnh đạo Phật Giáo ở Ramu đưa ra thông điệp thậm chí còn mạnh mẽ hơn nữa. Sư Pragyananda Bhikkhu, phó giám đốc của Shima Bihar, và là một tiếng nói mạnh mẽ cho cộng đồng này, nói rằng bạo lực đang diễn ra và việc tuyên truyền được tung ra, một số vụ nhân danh Đạo Phật, thật là ghê tởm.
Vị tỳ kheo này nói, “Chúng tôi, những người Phật tử ở bên ngoài Miến Điện, đang nói rằng những điều Miến Điện đang làm là vi phạm nhân quyền và là những hoạt động chống lại con người, và Phật giáo không ủng hộ chuyện đó. Chúng tôi không thể ủng hộ việc đó với tư cách là con người. Tôn giáo dạy rằng mọi chung sanh sống trong vũ trụ cần phải được hạnh phúc, và những người Rohingya không bị loại trừ khỏi chúng sanh đang sống.”

Những thái độ này phần lớn khác biệt với những lời giáo huấn của Đạo Phật ở Miến Điện, đặc biệt là những điều được truyền bá bởi nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Ma Ba Tha, và một trong những nhà sư cực đoan cầm đầu nhóm đó là Ashin Wirathu.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc bị quy trách nhiệm gây ra việc chia rẽ và cô lập các cộng đồng Hồi giáo, góp phần làm suy yếu các mối quan hệ ở Rakhine.

Trong một cuộc phỏng vấn trước kỳ bầu cử năm 2015, lãnh tụ của Ma Ba Tha kêu gọi dân chúng bỏ phiếu theo một cách thức để tránh “việc chiếm đóng” của Hồi Giáo trong tương lai.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài Channel News Asia vào thời điểm đó, Nan Da Ba Tha nói, “Họ phải ngưng nói dối với thế giới rằng họ là 'Rohingya'. Những người Bengali muốn chiếm lấy đất này lâu dài cho các thế hệ mai sau.”

Người sống ở Ramu, Pragyananda phản đối cách thức hướng dẫn tôn giáo này là trái ngược với các giới luật của đạo Phật, bị thúc đẩy bởi những thế lực bên ngoài.

Nhà sư tại Ramu nói, “Họ không hành động vì tôn giáo, mà vì quyền lợi quốc gia.”
Những lời các nhà sư ở Ramu nói ra đã được hậu thuẫn bởi những hành động của chính họ.
Từ khi cuộc di tản ra khỏi Miến Điện bắt đầu vào cuối tháng Tám, cộng đồng Ramu đã giúp phân phối hàng cứu trợ, trong đó có thức ăn khô và nước uống cho 1,500 người Rohingya. Vai trò này sau đó đã được quân đội và các tổ chức phi chính phủ đảm nhận.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT