Thế Giới

Phát hiện "rồng non" quý hiếm trong 5 hang động Croatia

Saturday, 04/02/2017 - 09:11:28

Nhóm của bà Voros dùng kỹ thuật mang tên DNA môi trường, hay eDNA, để khảo sát loài manh giông. "Kỹ thuật này đôi khi được áp dụng bởi các nhà sinh vật học bảo tồn, nhưng cho đến nay, nó chưa bao giờ được sử dụng đối với động vật có xương sống trong hang động", bà Voros nói.

Manh giông hay còn gọi là "rồng non."

 

CROATIA - Các nhà nghiên cứu vừa tìm thấy thêm những con manh giông quý hiếm được mệnh danh là “rồng non” trong 5 hang động, nhờ DNA mà loài vật này lưu lại trong nước.

Con manh giông (Proteus anguinus) hay "rồng non" theo cách gọi của người dân địa phương, là loài động vật có xương sống phát triển ở mức thấp, không có mắt, và sống toàn bộ cuộc đời ở mạch nước ngầm dưới lòng đất thuộc dãy núi Dinaric Alp chạy từ Slovenia qua Croatia, và vài nước khác trên bán đảo Balkan. DNA từ những mẩu da rơi rụng hoặc phân của chúng phân hủy trong môi trường sống và có thể bị cuốn trôi ra ngoài hang động. Các DNA này là nguồn thông tin cho các nhà sinh vật học nghiên cứu đời sống hang động, vì con người không thể tiếp cận phần lớn trong số khoảng 7,000 hang động ở Croatia.

Việc phát hiện thêm địa điểm sống của loài manh giông quý hiếm mang đến nhiều hy vọng cho việc theo dõi và bảo tồn. "Trước đây, bạn chỉ có thể trông thấy loài vật này nếu chúng bị cuốn ra ngoài sau cơn mưa nặng hạt, hoặc nếu bạn lặn vào trong hang động. Nhưng giờ đây chúng tôi có thể xác định chúng có ở đó hay không dựa vào nước trong hang", theo lời bà Judit Voros ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hungary.

Nhóm của bà Voros dùng kỹ thuật mang tên DNA môi trường, hay eDNA, để khảo sát loài manh giông. "Kỹ thuật này đôi khi được áp dụng bởi các nhà sinh vật học bảo tồn, nhưng cho đến nay, nó chưa bao giờ được sử dụng đối với động vật có xương sống trong hang động", bà Voros nói.

Nhóm nghiên cứu thu thập mẫu nước từ 15 hang động trên khắp Croatia trong mùa hè 2014. Họ lọc 2 lít nước từ mỗi địa điểm thông qua một loại giấy đặc biệt, sau đó chiết xuất eDNA từ giấy. Họ xác nhận sự tồn tại của manh giông ở 10 hang động được biết đến trước đó, và lần đầu tiên phát hiện thêm 5 nơi sinh sống khác của loài này.
Các nhà bảo tồn Croatia đang dùng kỹ thuật này để lập bản đồ môi trường sống của manh giông. Dù cả hang động và loài manh giông đều được bảo vệ ở Croatia, bà Voros hy vọng các phát hiện mới sẽ thúc đẩy việc bảo vệ nền đất bên trên hang động, do manh giông rất nhạy cảm trước ô nhiễm và chất độc hại ngấm xuống môi trường sống của chúng từ bên trên.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT