Phóng Sự

Phật giáo với tuổi trẻ thanh thiếu niên gốc Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 4)

Sunday, 13/04/2014 - 10:49:16

Trong các thành viên của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN) gồm Bảo trợ - Gia trưởng - Cựu Huynh Trưởng - Huynh trưởng. Thì người Huynh Trưởng giữ một vị trí quan trọng trong việc hình thành, duy trì và phát triển cũng như thực hiện sứ mạng của tổ chức đã đề ra: "đào luyện Thanh Thiếu Đồng niên

Băng Huyền/Viễn Đông



Lớp học Việt Ngữ là một sinh hoạt không thể thiếu trong buổi sinh hoạt của GĐPT.
 
Gia đình Phật Tử (phần 4)

Trong các thành viên của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN) gồm Bảo trợ - Gia trưởng - Cựu Huynh Trưởng - Huynh trưởng. Thì người Huynh Trưởng giữ một vị trí quan trọng trong việc hình thành, duy trì và phát triển cũng như thực hiện sứ mạng của tổ chức đã đề ra: "đào luyện Thanh Thiếu Đồng niên trở thành Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo."

Là người hoằng pháp của giáo hội, là người thực hiện lý tưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam phục vụ đạo pháp dân tộc và con người. Giúp tổ chức Gia Đình Phật Tử đào tạo những Phật tử thuần thành hiểu sâu giáo pháp, trung kiên với đạo, những con người đức hạnh, là những công dân tốt, tận tụy với nghề nghiệp, trong lãnh vực nào cũng là những con người tích cực, làm việc hết khả năng và lương tâm của mình để phục vụ cho xã hội.

Chương trình tu học của Huynh Trưởng

Để người Huynh Trưởng có đủ niềm tin và kiên trung trên con đường lý tưởng của mình thì người đó phải luôn không ngừng tu học. Chỉ có tu và học mới có thể giúp cho người Huynh Trưởng có đủ năng lực, tác phong, nhân cách, đạo đức giáo dục các em đoàn sinh, và cũng nhờ có nhân cách đạo đức, người Huynh Trưởng mới bền chí, vững bước và gạt bỏ bản ngã tự ái cá nhân, để hoàn thành lời phát nguyện ban đầu trước ngôi Tam Bảo: “Suốt đời phụng sự Đạo pháp, trung kiên với tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.”

Để các Huynh Trưởng luôn thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động, các Huynh Trưởng

có bốn bậc học:

Kiên (1 năm);

Trì (2 năm);

Định (3 năm);

Lực (5 năm).

Có bốn trại đào tạo huân luyện Huynh Trưởng từ thấp lên cao:

Lộc Uyển (đào tạo Đoàn Phó): trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Sơ Cấp

A-dục (đào tạo Đoàn trưởng): Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp I

Huyền trang (đào tạo Liên Đoàn trưởng): Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp II

Vạn Hạnh (đào tạo Ban viên BHD): Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp III

Chương trình tu học của Huynh Trưởng đều nhằm vào việc đào luyện Huynh Trưởng :

- Có căn bản giáo lý

- Có kiến thức phổ quát

- Có khả năng sáng tạo

Nội dung tu học có bốn môn:

-Phật pháp

-Văn nghệ

-Hoạt động Thanh niên

-Hoạt động xã hội.

Riêng nội dung tu học cho các Huynh Trưởng tại Hoa Kỳ nói riêng, tại hải ngoại nói chung, còn có thêm bộ môn Văn hóa Việt Nam (Việt ngữ).

Căn cứ vào trình độ tu học, phẩm chất đạo đức, năng lực sinh hoạt, tinh thần phục vụ và hội đủ thâm niên, Huynh trưởng Gia đình Phật tử được sắp xếp vào các cấp bậc: cấp Tập, cấp Tín, cấp Tấn, cấp Dũng.

CẤP TẬP : Chịu trách nhiệm sự thịnh suy của một Đoàn

-Người Huynh Trưởng phải đủ 23 tuổi.

-Trúng cách bậc Trì

-Có tu tập tự thân

-Trúng cách trại huấn luyện A Dục

-Đang sinh hoạt, có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 3 năm liên tục

CẤP TÍN : Chịu trách nhiệm sự thịnh suy của một Gia đình

-Huynh Trưởng phải đủ 28 tuổi.

-Thâm niên cấp Tập ít nhất 3 năm

-Trúng cách bậc Định

-Có tu tập tự thân

-Trúng cách trại huấn luyện Huyền Trang

-Đang sinh hoạt, có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 9 năm liên tục

CẤP TẤN : Chịu trách nhiệm sự thịnh suy của Ban Hướng Dẫn Miền. Và liên đới trách nhiệm sự thịnh suy của Tổ chức;

Huynh Trưởng phải đủ 36 tuổi.

-Thâm niên cấp Tín ít nhất 5 năm.

-Trúng cách bậc Lực.

-Có tu tập tự thân.

-Trúng cách trại huấn luyện Vạn Hạnh.

-Đang sinh hoạt, có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 15 năm liên tục.

CẤP DŨNG : Chịu trách nhiệm sự thịnh suy của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam

-Huynh Trưởng phải đủ 46 tuổi.

-Thâm niên cấp Tấn ít nhất 10 năm.

-Có luận án nghiên cứu về Phật học, về Gia đình Phật tử hoặc các công trình nghiên cứu khác được Hội đồng xét duyệt của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương công nhận.

-Đang sinh hoạt, có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 25 năm liên tục.

Tuy Gia Đình Phật Tử Việt Nam có các cấp Tập, Tín, Tấn và Dũng để định vị cho kết quả qua các khoá huấn luyện và các kỳ trại; nhưng để hướng dẫn các đoàn sinh là những bạn trẻ thanh thiếu niên Việt Nam sinh ra ở hải ngoại đòi hỏi các anh chị Huynh Trưởng ấy phải trải qua sự huấn luyện của giáo dục để hội nhập với đời sống cũng như văn hoá tại xứ người, mới có thể hướng dẫn các bạn trẻ, làm cho họ tin tưởng và thích thú lui tới sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử.

Sống trong một môi trường xã hội Âu- Mỹ với những nếp văn hoá hoàn toàn khác biệt với truyền thống văn hóa Việt Nam, cùng với sự cách biệt của tuổi tác, giữa hai thế hệ “Già, Trẻ” do đó thế hệ thanh thiếu niên gốc Việt được nuôi dưỡng và trưởng thành trong môi trường văn hoá mới, hấp thụ bởi nền văn hoá tây học, đa dạng. Từ đó cách sống và sự suy nghĩ sai biệt giữa hai thế hệ “Già, Trẻ” đó là những hệ quả tất nhiên, và là những khó khăn mà các Huynh Trưởng cao niên phải đối diện khi cầm đoàn.

Vì vậy hiện nay rất nhiều tổ chức GĐPT tại Hoa Kỳ nói riêng và hải ngoại nói chung, đã và đang cố gắng hoàn thiện nhân lực kế thừa bằng cách đào tạo những Huynh Trưởng trẻ sinh ra và lớn lên tại những quốc gia bên ngoài Việt Nam, có trình độ học thức, kiến thức và tinh thần dấn thân vì Ðạo pháp. Đã có những khóa huấn luyện đào tạo Huynh Trưởng để đáp ứng sự thiếu hụt đang xãy ra thường xuyên tại nhiều đơn vị, nhưng rồi cũng khó mà bổ sung đủ nhu cầu số Huynh Trưởng đang cần; Rõ ràng từ sự huấn luyện đến cách điều khiển đoàn, đội là cả một khoảng cách xa, nếu các Huynh Trưởng không tự mình cố gắng tìm tòi, học hỏi và kiên nhẫn, rèn luyện chính mình thì kết quả chỉ là vô ích.

Lớp Huynh Trưởng trẻ rất cần thiết để chinh phục và hướng dẫn các em Thanh, Thiếu và Ðồng niên ở hải ngoại. Vì họ cùng chung một thế hệ, có chung một lối sống, một sự suy nghĩ và thông thạo ngôn ngữ bản xứ nơi họ và các đoàn sinh có cùng tiếng nói chung. Vì vậy các anh chị Huynh Trưởng trẻ rất dễ hòa đồng, thông cảm với các em đoàn sinh và cùng các em chia sẽ được sự hiểu biết lòng tin yêu để cùng nhau sinh hoạt dưới màu áo Lam của Gia Ðình Phật Tử. Chính những Huynh Trưởng trẻ này trãi qua môi trường giáo dục Âu Mỹ, và những sinh hoạt trong các học đường ở đây, đã có nhiều sáng kiến và những chương trình phong phú áp dụng vào sinh hoạt trong GĐPT.

Huynh Trưởng Tập Sự Võ Nam (sinh viên UCI) đã sinh hoạt 12 năm với GĐPT Liên Hoa, được sinh ra tại Nga, đến Hoa Kỳ định cư lúc 6 tuổi, nói tiếng Việt khá thông thạo, cho biết, cái khó nhất của em khi làm Huynh Trưởng là phải giữ vững và hoàn thiện tốt thân giáo của cá nhân, để làm gương cho các em đoàn sinh, để dìu dắt các em thành những Phật tử chân chính. Bên cạnh đó theo Huynh Trưởng tập sự Võ Nam, để thấu hiểu được ý nghĩa tận tường những bài giáo lý Phật Pháp và những đề tài kinh Phật là những bở ngỡ, khó khăn đối với chính em và những Huynh Trưởng trẻ khác. Được biết hiện nay cũng có một vài tổ chức cư sĩ, hay cá nhân hoặc ngay cả chính những Huynh Trưởng có thiện ý và quan tâm đến vần đề thịnh suy của Gia Ðình Phật Tử và Phật giáo ở hải ngọai đã cố tìm cách cải tiến chương trình bằng cách dịch thuật các kinh sách, tài liệu hoặc sưu tầm những kinh sách quý giá; nhưng sự canh tân, cố gắng đó rất lẻ loi, đơn điệu vì vậy không được tác dụng nhiều. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT