Thế Giới

Pháp phong tỏa tài sản của an ninh Iran

Tuesday, 02/10/2018 - 07:30:58

Người Iran thứ 2 bị Pháp đóng băng tài sản là ông Saeid Moghadam. Hiện chưa rõ vai trò của người này trong âm mưu đánh bom tại Pháp.

PARIS – Chính phủ Pháp vào thứ Ba đã phong tỏa tài sản của một đơn vị an ninh thuộc Bộ Tình Báo Iran cùng hai công dân nước này, sau các tin tức cho rằng Tehran đứng sau một âm mưu đánh bom nhắm vào cuộc tuần hành tại Pháp của một tổ chức người Iran lưu vong.
Cảnh sát cũng bố ráp trụ sở chính của một tổ chức Hồi giáo ở miền bắc nước Pháp, thu giữ nhiều vũ khí và bắt giữ 3 người. Tòa nhà này có các văn phòng của một tổ chức Hồi giáo Shiite, một nhóm chống Do Thái, và một số nhóm tôn giáo khác. Tài sản của các tổ chức này và các nhân vật lãnh đạo cũng bị đóng băng.
Bộ Nội Vụ, Bộ Kinh Tế, và Bộ Ngoại Giao đã ra một thông báo chung, nói rằng việc đóng băng tài sản trong 6 tháng đối với đơn vị an ninh của Bộ Tình Báo Iran có liên quan đến một âm mưu đánh bom vào ngày 30 tháng 6, nhắm vào cuộc tuần hành ở lân cận Paris của nhóm MEK, một tổ chức của người Iran lưu vong. “Kế hoạch đánh bom đã bị ngăn chận,” thông báo của chính phủ Pháp nói. “Tuy nhiên, âm mưu tấn công nghiêm trọng như vậy trên lãnh thổ của chúng tôi sẽ không được bỏ qua.” Một viên chức Pháp nói, việc đóng băng tài sản của đơn vị an ninh và 2 công dân Iran cũng là “thông điệp mà nước Pháp muốn gởi tới Iran,” rằng “mọi hình thức can thiệp” trên lãnh thổ Pháp sẽ không được dung thứ.
Một trong 2 người Iran bị đóng băng tài sản là ông Assadollah Asadi, nhà ngoại giao Iran làm việc tại Vienna, Áo, bị nghi có liên quan đến âm mưu tấn công nhóm MEK. Ông Assadi bị bắt vào tháng 7 tại Đức, sau khi cảnh sát Bỉ phát hiện chất nổ trong xe của một đôi vợ chồng gốc Iran. Tòa án Đức vào thứ Hai đã phê chuẩn lệnh dẫn độ ông Assadi về Bỉ. Người Iran thứ 2 bị Pháp đóng băng tài sản là ông Saeid Moghadam. Hiện chưa rõ vai trò của người này trong âm mưu đánh bom tại Pháp.

Thị trưởng Ý bị bắt vì giúp di dân lậu
RIACE – Thị trưởng một thành phố nhỏ tại miền nam nước Ý đã bị quản thúc tại gia vào thứ Ba, với cáo buộc cố tình hỗ trợ di dân lậu. Cảnh sát Ý đã bắt giữ ông Domenico Lucano, thị trưởng thành phố Riace, trong cuộc điều tra liên quan đến việc ông Lucano đã dùng nửa triệu euro trong công quỹ để hỗ trợ nhà ở cho di dân lậu và người xin tị nạn. Các nhà điều tra cũng đang xem xét các báo cáo cho rằng nhiều tổ chức giả mạo đã được thành lập để giúp các di dân nhận được hợp đồng nhận thầu đổ rác, và giàn dựng các đám cưới giả để các nữ di dân có thể tiếp tục ở lại Ý.
Một người đồng phạm của ông Lucano, bà Tesfahun Lemlem, cũng đang bị điều tra và có thể sẽ mất tư cách thường trú nhân tại Ý. Bộ Trưởng Nội Vụ Ý, ông Matteo Salvini, một người rất cứng rắn đối với vấn đề di dân, đã khen ngợi việc bắt giữ vị thị trưởng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người khác đồng ý với hành động của ông Lucano, và hàng trăm người đã tụ tập tại Rome để bày tỏ sự ủng hộ đối với vị thị trưởng này.

Nam Hàn nói Bắc Hàn có tối đa 60 vũ khí hạt nhân
SEOUL - Thông tin về số vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn được cho là đã vô tình bị tiết lộ trong bối cảnh các bên đang nỗ lực đàm phán. Bộ Trưởng Hợp Nhất Nam Hàn Cho Myoung-gyon khi trả lời một câu hỏi trước quốc hội hôm thứ Hai cho biết, kho vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn ước tính có khoảng 20 - 60 thiết bị, và thêm rằng thông tin này do các viên chức tình báo cung cấp. Tuy nhiên, ông Cho được cho là vô tình để lộ thông tin này. Cơ quan tình báo Nam Hàn chưa xác nhận về sự việc, trong khi Bộ Hợp Nhất vào thứ Ba tuyên bố phát ngôn của ông Cho không đồng nghĩa với việc Nam Hàn coi Bắc Hàn là quốc gia hạt nhân.
Đánh giá của Seoul về kho vũ khí của Bình Nhưỡng khá giống với các ước tính dựa trên lượng vật liệu hạt nhân mà nước này sản xuất. Theo báo cáo của chính phủ Nam Hàn, Bình Nhưỡng có thể đã tạo ra 50 ký plutonium, đủ cho ít nhất 8 trái bom hạt nhân. Các học giả của Đại học Stanford, Hoa Kỳ, hồi đầu năm công bố Bắc Hàn ước tính có tới 250 đến 500 ký uranium đã cường hóa, đủ cho 25 - 30 thiết bị hạt nhân. Nhiều chuyên gia quốc tế dự đoán Bình Nhưỡng có khả năng đang vận hành các nhà máy cường hóa uranium bí mật.
Sau các hội nghị với Hoa Kỳ và Nam Hàn, Bắc Hàn đã bày tỏ thiện chí và cam kết sẽ hợp tác giải trừ hạt nhân. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo dự kiến thăm Bình Nhưỡng trong tháng này để sắp xếp cuộc họp thứ hai giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Kim Jong Un, nhằm thúc đẩy quá trình giải trừ hạt nhân này.

Mã Lai Á duy trì ưu tiên cho người sắc tộc Malay
KUALA LUMPUR - Thủ Tướng Mã Lai Á Mahathir Mohamad hôm thứ Ba khẳng định, chính phủ của ông sẽ tiếp tục duy trì các chính sách cứng rắn vốn đã tồn tại từ nhiều thập niên qua, ưu tiên cho cộng đồng sắc tộc Malay. Ông Mahathir cho rằng đây là điều cần thiết để giảm bớt khoảng cách kinh tế giữa cộng đồng này và những dân tộc khác trong nước. Ông Mahathir nói, chính phủ đang cố gắng điều chỉnh sự mất cân bằng về tài sản giữa người Malay và các sắc tộc khác, và sự điều chỉnh này là điều cần làm.
Theo vị lãnh đạo 93 tuổi, nếu việc mất cân bằng tài sản không được kiểm soát, điều này sẽ làm tăng căng thẳng và có thể dẫn đến nạn xung đột sắc tộc. Mã Lai Á ban hành chính sách kinh tế quốc gia vào năm 1971, sau khi nước này chứng kiến các cuộc bạo động sắc tộc chết người xảy ra năm 1969, bắt nguồn từ sự chênh lệch giàu nghèo giữa người Hoa và người Malay. Chính sách kinh tế khi đó của Kuala Lumpur có mục tiêu làm giảm nạn nghèo đói, tái cấu trúc kinh tế xã hội, ưu tiên hơn cho người Malay trong các chương trình nhà giá rẻ, học bổng đại học, và hợp đồng nhận thầu cho chính phủ.
Tuy nhiên, một số lãnh đạo khác trong đảng Pakatan Harapan cầm quyền hiện nay, như Bộ Trưởng Kinh Tế Azmin Ali và thủ tướng sắp kế nhiệm Anwar Ibrahim, cho rằng chính sách kinh tế nên được điều chỉnh để đáp ứng theo nhu cầu người dân thay vì dựa trên chủng tộc. Theo các thỏa thuận giữa ông Mahathir và liên minh cầm quyền Pakatan, ông Mahathir sẽ lãnh đạo trong 2 năm để ổn định chính phủ và xã hội Malaysia, sau đó sẽ trao lại ghế thủ tướng cho ông Anwar.

Phà chở hơn 300 người cháy giữa biển Baltic
LITVA - 298 hành khách và 37 thành viên thủy thủ đoàn trên chiếc phà Regina Seaways hôm thứ Ba đã bị kẹt giữa biển Baltic, sau khi một vụ nổ xảy ra trong phòng máy. Đội tàu và trực thăng của Nga và Litva đã được huy động để đến giải cứu. Chiếc phà đang di chuyển trong vùng biển quốc tế trên hành trình từ thành phố Kiel, Đức, tới thành phố Klaipeda ở Litva. Vị trí xảy ra sự việc cách thành phố Kaliningrad của Nga khoảng 135 cây số. Ông Andrey Permyakov, chỉ huy đội cứu nạn trên biển, cho biết ngọn lửa đã được dập tắt.
Theo Bộ Quốc Phòng Litva, không có ai bị thương trong sự việc. Các hành khách và thủy thủ đoàn được cho là đã di chuyển tới nơi an toàn trên phà. Tuy nhiên, chiếc phà đang trôi dạt do động cơ đã ngừng hoạt động và vẫn đang chờ hỗ trợ. Phà Regina Seaways thuộc sở hữu của công ty DFDS Seaways của Đan Mạch, được đóng vào năm 2010.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT